Sao Sáng Chờ Anh Về
Phần 8
Tôi đứng dựa vào thân cây bạch đàn, lồng ngực quặn thắt từng cơn khi đọc tên của chính mình trên bia mộ. Dù rằng bên ngoài vẫn bình thản nhưng lục phủ ngũ tạng như muốn nổ tung ra. Phải! Cái tên ấy quả thực đã nằm trên bia mộ, chết từ rất lâu rồi. Bởi… chỉ cần một lần gợi lại là ký ức đau thương của thời ấu thơ lại ám ảnh dai dẳng khôn nguôi. Tôi cố gắng hít một hơi, đã có rất nhiều lúc, cảm thấy đau khổ sống không bằng chết, nhưng vượt qua rồi mới thấy chúng cũng chỉ đều thế mà thôi. Thế nên dù có thấy tên mình khắc trên bia mộ, dù quá khứ có đang như dòng thác lũ ùa về tôi cũng chỉ có thể ngẩng đầu kiên cường, cười nhạt trong lòng.
Lâm vẫn ngồi bên cạnh nấm mộ, hoàng hôn càng làm cho dáng vẻ anh ta thêm u uất. Tôi chưa từng thấy anh ta như thế này, sau mười sáu năm gặp lại trên gương mặt lúc nào cũng là sự lạnh nhạt, xa cách và lãnh đạm. Thế nhưng ánh mắt Lâm nhìn ngôi mộ nhỏ lại rất thê lương xen lẫn cả dịu dàng. Là anh ta xót thương “tôi”? Nực cười chưa kìa, mẹ con anh ta đến ngôi nhà nhỏ của tôi, cướp đi người bố thân yêu của tôi, giết chết mẹ tôi, bán chị em tôi vào tay lũ buôn người khiến chị em tôi mỗi người một ngả giờ lại xót thương cơ đấy. Có thể anh ta không có lỗi gì trong chuyện này, cũng có thể anh ta xót thương chị em tôi là thật, nhưng suy cho cùng, dù anh ta có biết mẹ mình như vậy thì cũng đâu bỏ được mụ đàn bà ấy. Sinh ra bởi người mẹ như vậy, đầu thai sai kiếp người… là lỗi của anh ta rồi!
Suốt từ lúc lau xong bia mộ Lâm dường như không hề nhúc nhích, anh ta ngồi bất động trên tảng đá với một tư thế không thay đổi. Ngoài mái tóc lay động theo gió, có vẻ như anh ta thậm chí không chớp mắt. Mặt trời giờ đã thành màu đỏ au phủ xuống mái tóc Lâm. Nếu như không nhìn thấy chữ trên bia mộ kia, thì quả thực tôi đã nghĩ với ánh mắt đau khổ và dịu dàng của Lâm thì tôi còn cho rằng người dưới nấm mộ kia là người anh ta yêu cũng nên. Bởi với Nguyệt tôi cũng chưa từng thấy Lâm nhìn chị ấy với ánh mắt thâm tình đến vậy. Trong tai tôi bất chợt văng vẳng những lời hát trong bài Khoá ly biệt:
Người gọi mãi người bịt tai thản lòng ngủ yên
Người hờ hững đến mấy cũng được
Chẳng về với anh nữa cũng được
Thà là Ô Thước
Xin đừng cách biệt âm dương.
Nhưng đáng tiếc người trong nấm mộ chẳng phải người anh ta yêu mà là một con bé bị mẹ anh ta đày đến “chết”. Tôi nghiêng người, chắp nối các dữ kiện rời rạc bỗng mường tượng ra cuộc nói chuyện hôm qua. Mụ dì ghẻ nói rằng bà ta đã từng ra mộ xin lỗi, bà ta nói do bà ta vô ý dẫn đến sự việc đau lòng, nhưng đáp lại chỉ là sự lạnh nhạt của Lâm. Vậy thì rất có thể chuyện năm đó mụ dì ghẻ bán chị em tôi đi đã khiến mối quan hệ của Lâm và bà ta trở nên căng thẳng như vậy. Mộ mà mẹ con Lâm nhắc đến chính là mộ của “tôi”. Trong một khoảnh khắc tôi bỗng thấy tiếc cho Lâm, tiếc cho anh ta vì sao lại là con của mụ dì ghẻ kia. Nếu anh ta sinh ra trong một gia đình bình thường chẳng hạn như con của thầy hiệu trưởng, có lẽ anh ta đã không phải dằn vặt như vậy. Nhưng dù sao cũng không thể thay đổi được, tôi không hơi đâu mà đi lo cho kẻ thù của mình càng không thể cảm động vì anh ta.
Lâm ngồi thêm một lúc, khi que hương tàn hẳn mới đứng dậy nhìn đồng hồ rồi quay về. Có lẽ anh ta không ngờ tôi lại ở đây nên khi thấy tôi từ gôdc cây bạch đàn đi lại cũng có chút sửng sốt hỏi tôi:
– Sao em lại ở đây?
Tôi đáp lại:
– Em đi theo thầy.
– Không phải tôi em bảo ở phòng trọ chờ tôi sao, đi theo tôi làm gì?
Lâm nói đến đâu sải bước xuống dốc đến đấy. Chân anh ta dài tôi phải vừa chạy theo vừa nói mới kịp:
– Em định về phòng trọ rồi nhưng thấy thầy họp xong không về đón em mà phóng xe đi nên tò mò đi theo.
– Theo dõi tôi?
– Không phải theo dõi, mà đi theo thôi ạ.
– Khác gì nhau?
Lúc này tôi và Lâm cũng đã ra khỏi nghĩa trang, lúc ở nghĩa trang tôi không dám nói dối, nhưng ra khỏi nơi linh thiêng đó ngay lập tức bịa lý do:
– Nếu em theo dõi thầy cũng đâu có sao? Em là vợ thầy, trưa em thấy trong nhóm lớp nhắn tin là chiều các thầy cô họp chuyên môn nên nghỉ. Em vốn dĩ nghĩ thầy bận họp nên về muộn nhưng lúc đứng cổng trường thấy các thầy cô khác về rồi chỉ mỗi thầy phóng xe ngược đường mất hút, em sợ thầy đi hẹn hò với nhân tình nên phải đi theo giám sát, cũng thật may thầy vẫn nể mặt em chưa đến mức hôm trước cưới em hôm sau đi ngoại tình
Thật ra chỉ có câu cuối là tôi nói dối, còn từ đầu đều là sự thật. Lâm mở cửa xe mỉa mai:
– Giám sát tôi cơ à? Giỏi nhỉ?
– Sinh viên của thầy đương nhiên phải giỏi rồi.
– Lần sau thay vì giám sát tôi thì làm việc khác có ích hơn đi.
– Việc có ích nhất của em chính là có một người chồng đẹp trai, tài giỏi như thầy. Thế nên những việc xoay quanh thầy em đều không thấy vô ích chút nào.
Mấy lời nịnh bợ này tôi cũng còn thấy buồn nôn, Lâm không thèm đáp xoay vô lăng từ từ rời đi, xe lăn bánh quay ngược lại nội thành Hà Nội. Xe đi được một quãng, tôi cũng quay sang hỏi Lâm:
– Em có thể hỏi thầy một câu được không?
Lâm có lẽ cũng đoán được tôi hỏi gì, anh ta im lặng nắm chặt lấy vô lăng.
– Mộ ở sườn đồi đó… là của ai vậy?
– …
– Cô ấy mất lúc chín tuổi, còn kém thầy sáu tuổi, là em gái của thầy sao?
– …
– Không đúng, cô ấy họ Bùi, thầy họ Lê, sao có thể là anh em. À hay anh em cùng mẹ khác cha?
Lúc này đột nhiên Lâm bỗng ngắt lời tôi:
– Diệp Anh.
Tôi còn tưởng anh ta sẽ bảo tôi câm miệng, mắng tôi lải nhải nhiều nên lý nhí dạ một tiếng. Không ngờ anh ta lại hỏi tôi:
– Sao hôm nay lại phải nhịn đói, ngại đi với tôi đến thế hả?
– À… tại em không đói lắm chứ không phải tại em ngại đâu thầy ạ.
– Em thích ăn bánh Oreo lắm à?
– Sao thầy hỏi vậy ạ?
– Không phải trưa nay ăn thay cơm đó sao?
Tôi cười cười:
– Thật ra cũng chẳng phải thích lắm, lúc nhỏ nhà em rất nghèo, lại sống ở đảo, những món quà vặt chỉ là kẹo lạc, kẹo kéo, bánh rán… chưa từng biết hương vị đồ ăn vặt của các bạn ở phố thế nào. Lần đó em vào đất liền thi học sinh giỏi cấp huyện, để động viên em mẹ mua cho em một gói bánh Oreo. Hương vị của nó rất lạ, lại rất ngon, ăn thử một lần em vẫn nhớ mãi nên sau này thi thoảng có mua ăn. Giờ lại có ti tỉ món ăn vặt, cũng cảm thấy nhà sản xuất giờ họ làm hơi ngọt quá. Nhưng vì luyến tiếc kỷ niệm tuổi ấu thơ nên không có gì bí quá thì ăn chứ hết thích từ lâu rồi, em thịc ăn bánh sừng bò với xôi xéo hơn. Đến sau này có vài lần ở trường em thấy thầy ăn đoán là thầy thích ăn nên mới thường xuyên mua, cố ý mang đến trước mặt thầy để lấy lòng thầy. Như vậy mới gây được ấn tượng tốt.
– …
– Lúc nãy em có thấy thầy mang bánh Oreo và kẹo dẻo cho cô gái kia. Có phải cô ấy thích ăn bánh Oreo và kẹo dẻo không ạ? Có phải như vậy nên thầy mới rất thích bánh Oreo không?
Khi nghe hỏi này, Lâm cũng quay mặt lại nhìn tôi.
– Thầy ạ! Em rất xin lỗi vì đã tò mò, trước khi đi theo thầy em không nghĩ rằng thầy không phải đi hẹn hò mà đi ra nghĩa trang thăm mộ một cô gái. Nhưng thật lòng em rất muốn biết cô gái dưới mộ kia là ai, em chưa từng thấy thầy có cử chỉ dịu dàng với ai như thế. Cô gái đã mất ấy rất quan trọng với thầy đúng không ạ? Em là vợ thầy, có thể được phép biết không ạ?
Vẻ mặt Lâm vẫn rất bình thản nhưng hai tay siết chặt lấy vô lăng hơn một chút, anh ta nói với tôi một câu không hề liên quan:
– Lát nữa ăn cơm xong tôi sẽ đưa em về nhà cũng sẽ đánh chìa khoá cho em, sau này đừng lang thang ngoài đường chờ tôi như hôm nay.
– Nhà không phải lúc nào cũng có người giúp việc sao cần phải đánh chìa khoá làm gì ạ?
– Căn biệt thự đó không phải nhà của tôi.
– Vậy còn nhà nào ạ?
– Nhà của tôi. Tôi cũng thẳng thắn nói với em vài chuyện, tôi không giàu có như em nghĩ đâu, tài sản của tôi chỉ có duy nhất một căn nhà nhỏ và chiếc xe ô tô này. Nếu em nhắm đến tiền bạc hay tài sản tôi e rằng đã khiến em thất vọng rồi. Tất cả tài sản liên quan đến công ty Phượng Quang và căn biệt thự bố mẹ tôi ở đều không liên quan đến tôi, không phải của tôi, bây giờ không phải và sau này cũng vậy.
– Không sao, có xe ô tô và có nhà là giàu rồi thật ạ. Tuy là em cũng có thất vọng một chút nhưng so với điều kiện sống trên đảo em thì thầy cũng là mơ ước xa vời của bao người rồi. Vả lại thầy giỏi như vậy thì tương lai vẫn còn rộng mở, sắp tới lên phó khoa rồi sau này lên trưởng khoa… biết đâu lên đến chức hiệu trưởng hay xa hơn nữa thì sao. Hậu vận tốt là giàu hết.
– Rất tiếc, phó khoa khoa tôi cũng có người khác lên thay rồi. Không phải tôi!
Tôi kinh ngạc quay sang nhìn Lâm:
– Là thầy Trình sao?
– Phải!
Tôi rất muốn mở mồm ra an ủi nhưng nghĩ kiểu gì cũng thấy há miệng mắc quai. Chuyện tôi giở thủ đoạn với Lâm ít nhiều có sự nhúng tay của thầy Trình, giờ nói gì cũng cảm thấy giả tạo. Lúc này tôi bỗng thấy lạ một điều, sao thầy Trình lại nhìn ra được thủ đoạn của tôi để thuận nước đẩy thuyền? Rốt cuộc là vô ý hay còn nguyên nhân khác? Rốt cuộc chỉ bởi chức phó khoa hay thầy Trình còn mục đích khác? Về đến nội thành Hà Nội trời đã xẩm tối, Lâm cho tôi chọn quán ăn mà sinh viên như tôi tất nhiên thích nhất là mấy quán lẩu nướng cuối cùng chọn Gogi. Anh ta hình như ít đi đến những chỗ như vậy nhưng cũng không hề phản đối chỉ lặng lẽ đi theo tôi vào chọn bàn. Lúc gọi đồ uống tôi nói với Lâm:
– Ở đây có rượu gạo rất ngon, thầy có muốn thử không?
– Tôi lái xe không thể uống rượu.
– Ây dà, thầy phá vỡ nguyên tắc một hôm đi xem nào. Để xe ở đây em gọi taxi đưa thầy về cũng được chứ sao? Chúng ta kết hôn rồi thầy còn sợ gì nữa, câu được con cá rồi em cũng không cần giở thêm thủ đoạn đâu.
– Em không biết xấu hổ là gì à?
– Tại sao phải xấu hổ ạ?
– Tốt nhất ra đường đừng có nhận là sinh viên của tôi.
– Vậy nhận là vợ thầy không vấn đề gì đúng không? Mà em là vợ thầy thật chứ đâu cần nhận.
– Một câu thầy hai câu thầy nhưng toàn nói những lời vớ vẩn.
– Nếu thế em lại đổi cách xưng hô nhé. Thầy thích gọi kiểu gì nào, chồng yêu, anh yêu, bảo bối, soái ca hay heo ngốc, cún ngốc?
Sắc mặt u ám từ buổi chiều của Lâm bất chợt tan biến, tuy vẫn còn chút lạnh lùng nhưng lại không kìm được gõ vào đầu tôi một cái:
– Đừng gọi bừa, cứ gọi như cũ đi nhưng đừng nói bậy bạ nữa.
– Vậy thầy uống chút rượu nhé, vừa từ nghĩa trang về uống chút rượu cho ấm người không có ảnh hưởng gì cả. Thầy cho em địa chỉ nhà đi, lát thầy say em còn biết mà về.
Có lẽ tôi lải nhải nhiều, anh ta không chịu nổi đành gật đầu. Vốn nghĩ rằng tửu lượng của Lâm kém nhưng tới khi bàn ăn được dọn ra tôi mới biết tôi mới không phải đối thủ của anh ta. Dù tửu lượng của tôi bình thường rất tốt nhưng so với Lâm có lẽ chẳng thấm vào đâu. Thế nên khi nhận thấy cơ thể lâng lâng tôi cũng dừng lại không uống nữa mà tập trung ăn thịt nướng, chỉ có Lâm rót mãi rượu ra chén uống. Đây không phải bàn tiệc ép rượu, tôi chỉ muốn thăm dò điểm yếu của anh ta một chút nhưng có vẻ bất thành.
Đến khi ăn uống no say Lâm cũng để xe lại quán ăn, bắt một chiếc taxi cùng tôi về nhà. Xe taxi đi qua mấy con đường ở trung tâm thành phố, cuối cùng dừng lại ở một căn nhà không hẳn là ở trung tâm cũng không hẳn là ngoại thành. Lúc Lâm mở cổng bước vào, đèn ở sân cũng tự động sáng lên. Tôi hơi sững lại nhìn khoảng sân nho nhỏ, ở góc bên phải có một hồ cá, không to nhưng rất sạch sẽ. Bên cạnh hồ cá là một giàn hoa giấy đỏ rực, xung quanh là những cây hoa hồng, hoa hải đường, hoa thược dược thi nhau nở. Qua khoảng sân ấy là một căn nhà theo thiết kế của một căn biệt thự thời xưa nhưng nhỏ hơn, được lát sàn gỗ và sơn màu ghi nhàn nhạt. Có tiếng rèm cửa lách cách theo gió, tôi đứng giữa sân vườn hai tay bấu chặt lại với nhau. Tuy rằng không giống 100% nhưng rõ ràng từ sân vào nhà đều mang hơi hướng của căn biệt thự cũ mà chị em tôi từng sống. Cảm xúc của tôi mỗi lúc một chật vật, không còn nhận ra là hận quá mức hay đau đớn quá mức. Thấy tôi đứng ngây người ngoài sân Lâm cũng cất tiếng hỏi:
– Sao vậy? Không muốn vào à?
– Đang sống ở biệt thự xa hoa kia quen rồi giờ bị sốc tâm lý thầy ạ.
Lâm nhìn tôi hừ một tiếng:
– Mới có một ngày thôi mà làm như sống ở đó cả trăm năm rồi.
– Sẽ không về kia nữa ạ?
– Tuần này tôi đi công tác mấy hôm nên em cứ tạm thời ở đây đến khi tôi về.
Tôi khẽ thở phào một tiếng, thực lòng tôi biết Lâm có giận mụ dì ghẻ thế nào anh ta cũng không thể bỏ mẹ mình được. Máu mủ ruột thịt là như vậy. Huống hồ mụ dì ghẻ chỉ làm ra những điều thất đức với chị em tôi, còn với đứa con trai duy nhất lại thương yêu hết mực khác hẳn với bố tôi. Thế nên tôi cũng không vội phải về căn biệt thự kia làm gì nhất là khi không có Lâm ở đó.
Vào trong nhà Lâm giục tôi đi tắm, nhưng tôi sực nhớ tôi không hề có quần áo. Không ngờ anh ta đã chỉ vào tủ quần áo trong phòng ngủ nói với tôi:
– Trong kia có vài bộ quần áo.
Tôi nhìn theo hướng tay Lâm chỉ, lúc mở tủ ra thấy có cả quần áo ngủ lẫn vài bộ dài tay có thể mặc đi học. Nhìn thấy quần áo nữ ở đây tôi cũng hơi ngạc nhiên, nhưng tôi không phải là kẻ có lòng tự trọng cao, căn bản từ khi gia đình tôi tan nát tôi từng sống trong cảnh khó khăn, khốn cùng. Đừng nói đến quần áo rách rưới mà một kẻ từng ăn cả cơm chó như tôi không thể kén cá chọn canh làm mình làm mẩy được. Thế nên thấy quần áo nữ ở đây, dù tôi có là vợ chính thức của Lâm tôi cũng không muốn tra hỏi, chất vấn, lại càng chẳng có tư cách để ghen nên chỉ chọn một bộ đi về phía nhà tắm không quên bông đùa:
– Không nhìn ra thầy cũng phóng túng như vậy đấy. Không những vậy còn để vợ chính thức dùng lại đồ của người ta nữa chứ.
Khi tôi nói xong câu này sắc mặt của Lâm bỗng lạnh đến cực điểm, anh ta lẳng lặng nhìn tôi hỏi:
– Em nghĩ tôi bẩn thỉu đến mức ấy à? Đến mức không thể mua cho em vài ba bộ quần áo phải để em dùng lại đồ của người khác?
Tôi lắc đầu, thật ra cũng cảm thấy Lâm không phải loại người phóng túng, bỉ ổi như vậy. Nhưng có lẽ bởi sự ác cảm tôi dành cho anh ta quá lớn nên bất cứ chuyện gì tôi cũng ép cho anh ta thành xấu. Tôi đoán anh ta giận nên chân thành nói:
– Em xin lỗi, thật ra em chỉ đùa một chút thôi không ngờ lại làm thầy giận như vậy. Em xin lỗi ạ.
– Diệp Anh, hôn nhân của tôi và em không phải là trò đùa.
Tôi có chút chột dạ nhìn Lâm vội vã phân bua:
– Không thầy đừng hiểu nhầm, em rất nghiêm túc, chưa từng coi nó là trò đùa. Chuyện đại sự của một đời người sao có thể coi là đùa được chứ ạ? Là bởi em cảm thấy em dùng thủ đoạn để thầy cưới em nên em không đủ tự tin tin rằng thầy sẽ coi trọng em, coi trọng cuộc hôn nhân này. Dù sao cũng là em sai với thầy. Em sợ… sợ thầy coi thường em.
– Tôi không như vậy!
– Dạ?
– Tôi không coi thường em.
– Dạ?
– Lại đây!
Tôi ôm bộ quần áo đi về phía Lâm, anh ta liền mở ngăn kéo lấy ra một chiếc thẻ ATM, giọng lúc này cũng đã dịu lại:
– Cầm lấy.
– Đây là?
– Trong này có một khoản tiền, không lớn nhưng đủ để em chi tiêu, mua sắm, đóng học phí. Mỗi tháng tôi cũng sẽ chuyển thêm 2/3 tiền lương của tôi vào để em lo chuyện sinh hoạt trong nhà.
– Thật ra em tuy là sinh viên nhưng em cũng đã đi làm thêm, có đủ tiền để nuôi bản thân và đóng học phí. Tiền này của thầy em không dám cầm.
– Em chỉ còn hơn nửa kỳ nữa là tốt nghiệp nên chuyên tâm vào học. Không làm thêm nửa kỳ cũng không vấn đề gì cả.
– Nhưng em không muốn thầy nuôi em. Như vậy mất giá trị lắm.
– Em là vợ tôi, tôi nuôi em cũng là bình thường.
– Nhưng…
– Nuôi có nửa kỳ không có gì to tát, em nên tập trung vào việc làm luận văn tốt nghiệp, thà nuôi em nửa kỳ còn hơn để em học lại thành ra phải nuôi thêm vài kỳ nữa.
– Môn của giáo sư chắc chắn em không đúp được rồi, còn mỗi môn của thầy, không lẽ thầy dám để em trượt?
– Có gì là không dám? Học thế nào điểm thế ấy, em là vợ tôi tôi càng cần phải công bằng.
Mấy chữ “tôi nuôi em” vốn dĩ nói ra trong xã hội thực dụng này nghe thật tầm thường và đáng cười. Thế nhưng cũng là ba chữ ấy lời từ miệng Lâm nói ra tôi lại có một cảm xúc rất kỳ lạ. Tôi cố gạt đi, nhắc mình rằng không được phép quên mẹ tôi chết thế nào, chị tôi chết ra sao cuối cùng ngẩng đầu lên nhìn thẳng vào mắt Lâm. Lúc này tôi phát hiện ra, mắt anh ta vẫn sáng như năm mười ba tuổi, nhưng ánh mắt vẫn luôn phảng phất một nỗi buồn không thể giấu. Dù sao thực tại vẫn luôn tàn khốc, tôi không những phải tàn nhẫn với mụ đàn bà kia mà còn phải tàn nhẫn với những kẻ mụ ta yêu thương. Tôi khôi phục tinh thần, nhận lấy thẻ ATM, không muốn tỏ ra thanh cao nữa đáp:
– Thầy đã cho em rồi thì đừng hối hận đấy nhé.
Lâm bất lực:
– Mật khẩu từ một đến tám, nhận thẻ thì thay thành ngày sinh của em hoặc ngày nào dễ nhớ nhưng vẫn phải có tính bảo mật cao.
Cũng may anh ta không biến thái đến mức lấy ngày sinh của “cô bé” dưới mộ kia làm mật khẩu. Lâm không nói thêm gì, tôi cũng vội vã đi tắm. Vào nhà tắm tôi nhìn thấy sữa tắm Noodle, đây là loại sữa tắm hồi nhỏ chị em tôi vẫn dùng, ngay cả nước xả vải cũng là loại comfor xanh mà trước kia mẹ tôi thường ngâm cho chị em chúng tôi. Thảo nào, lần đầu tiên gặp lại Lâm sau mười sáu năm lúc đi qua anh ta tôi cảm thấy mùi hương trên người anh ta quen thuộc đến vậy. Tôi không biết Lâm làm tất cả những điều này vì gì, là bởi anh ta áy náy, day dứt với những việc mẹ anh ta gây ra, hay anh ta cũng giống như tôi anh ta làm nhưng điều vô dụng ấy bởi vì luyến tiếc hương vị tuổi thơ?
Lúc tắm xong ra ngoài tôi thấy Lâm cũng vừa từ bên ngoài vào, trên người còn lấm tấm vào giọt nước. Lâm chỉ mặc chiếc quần đùi, nửa thân trên để trần, còn cầm chiếc khăn lau tóc. Có lẽ anh ta cũng vừa tranh thủ lên tầng tắm cho nhanh. Thân hình Lâm rất rắn chắc, không phải cơ bắp cuồn cuộn nhưng thân hình khoẻ khoắn lại cao ráo. Ánh đèn màu cam nhạt chiếu xuống gương mặt anh ta, đẹp trai sáng sủa, sống mũi cao, cả gương mặt đều toát lên vẻ sạch sẽ, tuấn tú. Không phải tôi chưa từng nhìn thấy trai đẹp. Nam sinh trong trường rất nhiều người đẹp trai, nhưng Lâm đẹp hơn rất nhiều, vẻ đẹp của sự trưởng thành và từng trải. Đẹp đến mức chỉ cần nhìn một lần bất cứ cô gái cũng muốn sa chân c.hế.t chìm vào trong đó trừ tôi! Bởi vậy tôi buộc phải sống bên cạnh anh ta với trái tim đầy dè chừng và toan tính. Nghĩ đến đây tôi lại nghĩ đến Khánh, nếu so về độ đẹp trai có lẽ chỉ Khánh mới so được với Lâm. Tuy không muốn thừa nhận, nhưng xét công tâm thì Lâm vẫn đẹp hơn một chút.
– Đừng nhìn tôi như thế.
– Thầy không nhìn em sao biết em nhìn mình?
Tôi nói xong lách qua người anh ta trèo lên giường. Anh ta không thèm chấp chỉ mở máy sấy túm lấy tóc tôi rồi nói:
– Sấy tóc rồi mới được ngủ.
– Thầy sợ em làm ướt giường ạ? Hì hì. Để em tự sấy!
Lâm không đáp, chỉ lẳng lặng kéo tóc tôi lên sấy thật khô. Đến khi xong mới cất máy sấy nằm xuống cạnh tôi. Gió bên ngoài nhè nhẹ thôi vào, rèm cửa tự động mở ra, lách cách đung đưa theo gió. Tôi xoay người lại nằm sát về phía Lâm, hương sữa tắm phảng phất khắp không gian. Ngửi thấy mùi sữa tắm anh ta có chút sững sờ nhìn tôi, tôi liền cười:
– Sữa tắm này em rất thích, lần đầu tiên được tắm loại sữa tắm thơm và đắt tiền như vậy.
Tôi không nhìn ra được ánh mắt của Lâm, nhưng tôi nghe được tiếng anh ta đáp:
– Nếu thích sau này hết lại mua loại đó.
– Thầy không trách em sao?
– Trách chuyện gì?
– Chuyện em gài bẫy thầy, còn quay video để ép thầy cưới?
– Có thể không trách sao? Không những trách còn cảm thấy cực kỳ thất vọng và khó chịu.
– Vậy sao thầy… vẫn đối xử tử tế với em? Ý em là em luôn nghĩ sau chuyện ấy thầy sẽ giày vò em, hành hạ em… nhưng thầy không làm thế.
– Làm thế để được gì?
– Làm thế thì thầy sẽ đỡ tức giận chẳng hạn, sẽ trả đũa được những việc em đã làm.
– Tôi không hèn hạ đến vậy.
Tôi ngước lên nhìn Lâm, sắc mặt anh ta thoáng chốc trở nên tối sẫm. Anh ta nói với tôi nhưng tựa như nói với chính mình:
– Trên đời này có những lỗi lầm có thể sửa được nhưng có những lỗi lầm không thể tha thứ được. Nếu tìm được ra cách để tha thứ hay có thể khắc phục không việc gì phải giày vò hay hành hạ người khác để làm gì.
Ý của anh ta là những việc tôi làm tuy đáng trách và khiến anh ta thất vọng nhưng vẫn trong giới hạn có thể tha thứ được. Anh ta đã chấp nhận lấy tôi làm vợ thì không muốn giày vò, hành hạ hay trả đũa bởi đó là hành động rất hèn hạ ngược lại còn nghĩ cả tôi và anh ta nên có trách nhiệm với cuộc hôn nhân này, vun đắp dần dần. Nếu vậy, thì việc làm không thể tha thứ nổi trong giới hạn của anh ta nó phải kinh khủng thế nào? Trong những việc ấy có những việc mà mẹ anh ta đã làm không?
– Cho em ôm thầy một cái để cảm ơn nhé! Cảm ơn… đã tha thứ cho em.
Không đợi Lâm đáp tôi đã nhoài người lên ôm lấy anh ta. Tôi vốn nghĩ rằng anh ta sẽ đẩy tôi ra, thế nhưng đột nhiên tôi thấy Lâm bỗng xoay người kéo mạnh tôi vào lòng. Có lẽ là anh ta đã uống rất nhiều rượu và có chút mất kiểm soát hay bởi hương sữa tắm thơm phảng phất quanh mũi khiến anh ta nhớ đến một người. Giữa không gian tĩnh mịch tôi nghe được cả tiếng hơi thở thơm dịu, phảng phất chút rượu của Lâm. Tôi ngẩng đầu lên, cánh môi không may chạm vào môi anh ta. Môi của Lâm rất mềm và ấm, tôi ngây người chưa kịp phản ứng đã thấy anh ta cúi xuống hôn tôi. Đầu lưỡi Lâm vẫn vương hơi rượu gạo nồng nàn, cay ngọt, lúc này tôi cũng thả lỏng cơ thể đáp trả lại nụ hôn của Lâm, hơi thở dồn dập quấn lấy nhau, môi lưỡi giày vò đến chấn động. Đây là lần đầu tiên Lâm hôn tôi với tư cách là vợ chồng, nụ hôn sâu mang theo tình ý mãnh liệt cuộn lên. Tôi cảm nhận được sự quyến luyến của Lâm, môi lưỡi triền miên ẩm ướt, phảng phất hơi thở mùa thu của một đêm trăng rằm.
Chuyện làm tình tôi vốn không ngại, ngay cả khi hôn anh ta, cảm nhận được sự thảng thốt của bản thân tôi vẫn không ngừng nhắc kẻ thù trước mặt không thể quên. Thế nhưng khoảnh khắc ấy Lâm bất chợt buông tôi ra, không hề ngần ngại ôm tôi vào lòng, cử chỉ nhất mực bình yên như tìm được một tia sáng sau những bão giông.
Tựa như ánh sao sáng trên biển khơi ở đảo!
Sáng hôm sau Lâm chở tôi đến trường, buổi chiều anh ta mới đi công tác, sáng vẫn dạy ba tiết lớp tôi. Lúc tôi lên đến phòng học, đám bạn cùng lớp vẫn chưa ngừng bàn tán chuyện của tôi và Lâm. Tôi tự nhủ rằng được cái này thì mất cái nọ, đạt được mục đích thì phải chấp nhận bị cô lập giữa một tập thể. Đám bạn thấy tôi không bận tâm thì càng được thể mỉa mai, chọc ngoáy, ấy vậy mà khi Lâm vừa bước vào tất cả đều im bặt như không có chuyện gì xảy ra. Suốt buổi học, tôi thấy Lâm hoàn toàn bình thường, thế nhưng lúc anh ta vừa xách cặp bước ra thì cái Mai, lớp phó lớp tôi đã quay sang nói với đám bạn cùng lớp:
– Thầy thiên vị rõ ràng chúng mày thấy không? Vợ của thầy có khác, sự bất công bằng sẽ xuất hiện từ giờ phút này. Diệp Anh của chúng ta mãi đỉnh, lấy thân báo đáp thầy kiểu gì điểm số cuối kỳ cũng cao vút.
Tôi vốn nghĩ với tính cách của Lâm anh ta sẽ không bận tâm đến những lời nói như vậy. Thế nhưng khi lời cái Mai vừa kết thúc Lâm cũng cầm cặp quay lại giữa bục giảng. Anh ta nhìn cái Mai, vẻ mặt lạnh đến cực điểm, đặt cặp lên bàn hỏi nó:
– Lớp phó, em thấy tôi thiên vị bạn Diệp Anh chỗ nào?
Cái Mai có lẽ cũng không ngờ Lâm lại quay lại, nhưng nó vẫn ngẩng cao đầu đáp:
– Không phải sao, suốt buổi học thầy gọi Diệp Anh tận năm lần trong khi các bạn khác chỉ gọi một đến hai lần. Thầy đưa ra quy tắc trả lời đúng năm câu hỏi trong một buổi học sẽ được cộng vào điểm kiểm tra có nghĩa chỉ có mình Diệp Anh được cộng điểm.
– Đó là thiên vị?
– Vâng.
– Nếu thế tôi hỏi ngược lại em, trong suốt quá trình học ba tiết học hôm nay tôi hỏi tổng cộng mười sáu câu. Em giơ tay mấy lần?
– Dạ… một lần.
– Câu hỏi ba, bốn, bảy, chín, mười, mười hai, mười sáu có những ai giơ tay?
– Một… mình Diệp Anh.
– Quy tắc của tôi tôi nói với các em từ khi nào?
– Từ khi thầy nhận lớp.
– Vậy tôi cho em nói lại, tôi thiên vị Diệp Anh ở đâu?
Cái Mai nhìn Lâm ánh mắt đầy bất mãn, một lúc sau mới đáp:
– Cứ cho là em sai khi nói thầy thiên vị Diệp Anh. Nhưng ít ra em cũng chẳng làm ra những việc bẩn thỉu như vợ thầy làm.
– Thứ nhất, không phải cứ cho là em sai mà em sai rõ ràng. Thứ hai, em nói vợ tôi bẩn thỉu, cho tôi hỏi em lấy tư cách gì để nói ra câu ấy?
– Em không có tư cách gì nhưng người ngoài cuộc cũng cảm thấy quá chối. Câu dẫn thầy, úp sọt thầy, làm kẻ thứ ba chen chân vào mối quan hệ của thầy và cô Nguyệt cả trường này đều biết, như thế chưa đủ bẩn thỉu sao ạ?
– Hôn nhân hay bất cứ chuyện riêng tư nào của tôi đều không liên quan đến các em. Tôi dạy, các em học, ngoài kiến thức thì những vấn đề khác không phải là chủ đề để mang ra bàn tán.
– Nếu thầy dám khẳng định Diệp Anh không phải kẻ thứ ba chen chân vào mối quan hệ của thầy và cô Nguyệt, chỉ cần thầy dám khẳng định câu này thôi từ sau chúng em sẽ không bàn tán đến cuộc hôn nhân của thầy nữa.
Tôi nghĩ Lâm sẽ không trả lời, nhưng không ngờ anh ta nhìn đám bạn học của tôi, chậm rãi, kiên định nói từng chữ:
– Vợ tôi không phải kẻ thứ ba, cũng không hề chen chân vào mối quan hệ của tôi với bất cứ ai. Hi vọng từ giây phút này các em giữ đúng lời hứa, đừng mang vợ tôi vào tất cả các câu chuyện của các em để thoả mãn sự ganh tỵ và thói xấu tính của mình. Nếu tôi còn nghe được một lần, tôi cũng sẽ không nhân nhượng như hôm nay nữa đâu.
Tuy rằng lời nói rất bình thản, nhưng ánh mắt sắc lạnh của Lâm khiến cái Mai cũng hơi run lên còn tôi thì hoàn toàn bất ngờ không nghĩ Lâm lại nói ra những lời dối trá như vậy chỉ để bảo vệ tôi. Thực ra tôi nghĩ không phải anh ta bảo vệ tôi, anh ta bảo vệ danh dự của bản thân thì đúng hơn nhưng dù sao kết quả tốt mới quan trọng, tôi cũng vẫn luôn nói dối anh ta đấy thôi. Đám bạn trong lớp nhìn tôi, chắc chắn rằng sẽ không hết bất mãn nhưng dưới lời nói của Lâm, cũng sẽ không dám chọc ngoáy trước mặt tôi nữa.
Buổi chiều tôi nghỉ học nên định bắt xe về nhà nấu cơm ăn. Có điều lúc mới ra đến cổng trường cũng thấy Nguyệt đang đi về phía mình. Tôi chưa kịp chào chị ấy đã cười nhạt hỏi:
– Bận không?
Tôi đoán chắc Nguyệt có chuyện muốn nói nên đáp lại:
– Không ạ.
– Tôi mời cô uống cafe.
Tôi gật đầu đi theo Nguyệt ra quán cafe ngay đầu cổng trường. Chị ấy gọi hai cốc bạc xỉu, phong thái vẫn luôn tự tin, đẩy về phía tôi nói:
– Chắc có lẽ cô cũng đoán được vì sao tôi mời cô cafe chứ?
Sự áy náy của tôi với Nguyệt đến bây giờ vẫn chưa dứt. Thế nên tôi đáp lại:
– Em đoán được.
– Ừ! Thông minh như cô tất nhiên đoán được rồi. Tìm cách gài bẫy được Lâm thì không phải là thông minh bình thường, phải là rất rất thông minh.
Tôi không đáp, chỉ yên lặng nhìn Nguyệt chờ đợi. Chị ấy cũng không vòng vo nữa mà khinh bỉ nói:
– Ngay từ giây phút đầu tiên gặp cô tôi đã cảm thấy mùi trà xanh toát ra từ người cô rồi. Thế nhưng tôi nghĩ cô là một sinh viên xuất sắc, giỏi giang thì ít ra cũng phải có liêm sỉ, không ngờ liêm sỉ của cô vốn đã bị chó tha.
– Vâng! Chị nói đúng!
Nguyệt nhìn tôi, ánh mắt sượt qua vài tia bất ngờ, không nghĩ rằng tôi lại trả lời như vậy. Chị ấy nói đúng, tôi lười phản bác nên chấp nhận. Thế nhưng Nguyệt cũng rất nhanh đã thu lại vẻ bất ngờ ấy nói tiếp:
– Cô biết vì sao tôi không làm ầm ỹ cũng không làm to chuyện lên không? Không phải vì loại người bẩn thỉu như cô, mà bởi vì danh dự của người mà tôi yêu. Loại người như cô, tởm lợm đến mức nhìn thôi cũng đã khiến người khác thấy buồn nôn rồi.
– Vâng. Nếu mắng chửi em khiến chị nhẹ lòng hơn chị cứ mắng. Em sẵn sàng ngồi đây để chị mắng.
– Cô xứng sao? Xứng để tôi mắng chửi à? Cô không những không có đạo đức, không có tự trọng còn là kẻ vong ơn bội nghĩa. Người ta nói giúp vật vật trả ơn, nhưng cô đúng là loại giúp người người báo oán.
Tôi bất ngờ nhìn Nguyệt hỏi lại:
– Ý chị là gì? Vong ơn bội nghĩa ý là gì?
Thế nhưng Nguyệt không đáp, chị ta ném cho tôi cái nhìn đầy coi thường bảo tôi:
– Người đàn ông như Lâm vốn dĩ đứng trên đỉnh cao của một đời người. Thế nên anh ấy lẽ ra phải đi cùng một người phụ nữ xứng tầm với anh ấy. Đi cùng một người phụ nữ tầm thường như cô tự khắc giá trị cũng bị kéo xuống.
– …
– Cô nghĩ xem, ngay từ khi đám cưới ai cũng nhìn ra một cuộc hôn nhân không tương xứng rồi. Một kẻ nhà quê đầy tham vọng như cô xứng đáng ở cạnh anh ấy sao? Cô có gì, ngoài chút nhan sắc và mấy thủ đoạn tầm thường thì có thể cho anh ấy được thứ gì đây? Không những vậy, đến gia đình anh ấy cũng coi thường cô, ghét bỏ cô. Có thể anh ấy lấy cô vì trách nhiệm, nhưng không môn đăng hộ đối, cũng không xuất phát từ tình yêu và sự ủng hộ từ gia đình cô nghĩ kéo dài được bao lâu?
Tôi bật cười trong lòng, cuộc hôn nhân này tôi chưa từng mong sẽ kéo dài. Nó sẽ kết thúc ngay khi tôi đạt được mục đích của mình, thế nên tôi hỏi Nguyệt:
– Chị sẽ chờ anh ấy sao?
– Phải! Tôi sẽ chờ anh ấy, chờ đến ngày anh ấy ly hôn cô. Tôi không tin cô sẽ giữ anh ấy nổi một năm đâu.
Tôi thật sự khâm phục tình yêu của Nguyệt dành cho Lâm. Phải cao thượng cỡ nào mới có thể chấp nhận được chuyện này? Không những không trách móc, còn chờ đợi anh ta trong mỏi mòn và khổ đau giày vò. Tôi quả thực là một mụ phù thuỷ độc ác đi chia rẽ mối tình đẹp như mơ của họ. Thật ra chính bản thân tôi cũng hiểu rất rõ tôi chẳng có đường nào để đi, chẳng có cách nào quên đi nỗi đau mất mẹ mất người thân. Tôi sai với Nguyệt nhưng tôi không thể tha thứ cho gia đình anh ta, cũng chẳng thể cao thượng đến mức không oán giận người làm tổn thương gia đình mình, an phận sống qua ngày. So với nỗi đau của tôi, Nguyệt cùng lắm chỉ là người qua đường mà tôi đá phải khi chạy theo hận thù, tôi không thể quay lại quỳ xuống xin lỗi chị ta để bỏ lỡ cả cơ hội trả thù của mình được.
– Chiều nay tôi sẽ cùng Lâm đi công tác ở thành phố Hồ Chí Minh. Hội thảo bốn ngày, ở cùng nhau đủ bốn ngày.
Tôi ngước lên nhìn Nguyệt, thấy chị ta xoè ra một chiếc vé máy bay nhưng tôi chỉ đứng dậy, đeo túi xách cười đáp lại:
– Vâng! Vậy chị cũng nên về chuẩn bị đi thôi, chúc hai người có chuyến công tác vui vẻ. Em xin phép về trước ạ.
Ra khỏi quán cafe tôi đột nhiên khựng lại khi thấy xe của Lâm đỗ ngay trước mặt. Anh ta kéo cửa kính thò mặt ra bảo tôi:
– Lên xe đi.
Tôi trèo lên xe hỏi anh ta:
– Sao thầy lại ở đây? Theo dõi em đấy à?
– Không làm gì khuất tất sao phải sợ.
– Em chẳng làm gì khuất tất cả, chiều thầy có tiết không ở lại trường à?
– Tôi về nhặt ít đồ, ăn cơm luôn.
Nói đến đây Lâm dừng lại một lúc, sau đó hỏi tôi:
– Nguyệt nói gì với em?
– Sao thầy biết em và chị ấy gặp nhau?
– Cô ấy nói gì?
– Chẳng nói gì cả, chỉ nói chiều thầy và chị ấy đi hội thảo cùng nhau bốn ngày, ở cùng nhau trọn vẹn bốn ngày.
Lâm hơi nhíu mày, quay sang nhìn tôi:
– Thế em đáp lại thế nào?
– Chúc hai người có chuyến đi vui vẻ!
Ánh mắt Lâm ngay lập tức sa sầm, nhưng anh ta không nói gì, cũng không giải thích im lặng lái xe đưa tôi về. Về đến nhà cũng đã muộn, Lâm nhặt đồ còn tôi vào bếp nấu nhanh bữa cơm. Đến khi dọn ra, ngồi vào bàn Lâm cũng nói với tôi:
– Trong nhà có mấy đồ điện tự động, tôi đã viết ra ghi chú dán trên bàn cách sử dụng, có gì không hiểu thì gọi cho tôi. Trong tủ lạnh đồ ăn cũng có sẵn, muốn ăn thêm gì có thể đi mua còn không thì cứ lấy đồ ra nấu là được.
– Vâng em biết rồi.
Ăn cơm xong Lâm rửa bát, anh ta nói tôi đã nấu cơm thì anh ta sẽ phụ tôi rửa bát nên tôi cũng không từ chối. Lúc tôi vào phòng, thấy phòng đã được Lâm dọn gọn gàng, quần áo bẩn của tôi hôm qua anh ta cũng đã giặt và phơi cẩn thận lòng tự dưng lại trĩu nặng. Anh ta nói về nhặt đồ, nhưng cuối cùng tôi lại chẳng nhìn thấy món đồ nào chỉ thấy mọi thứ được anh ta làm hết, từng tờ giấy nhớ được viết nắn nót gọn gàng dán lên mấy cái điều khiển tự động. Lúc ra ngoài thấy Lâm đã rửa bát xong, tôi cũng nhìn đồng hồ hỏi anh ta:
– Thầy vẫn chưa đi sao?
– Tôi đi bây giờ.
– Thầy đi cẩn thận nha.
Tôi nửa đùa nửa thật nói tiếp:
– Đi vui vẻ, về nhớ mua quà cho em.
Lâm nhìn tôi rất lâu, cuối cùng không nói câu gì, thậm chí một câu tạm biệt cũng không, lẳng lặng đi luôn. Tôi cảm thấy mình là vợ anh ta, dù không có tư cách để ghen nhưng suy cho cùng muốn lợi dụng anh ta thì vẫn khiến cho anh ta có tình cảm với mình chứ không phải tỏ ra cao thượng rồi đẩy anh ta vào tay người khác. Nghĩ vậy, khi thấy anh ta ra đến xe tôi liền chạy như bay ra níu cổ anh ta xuống, thơm lên má anh ta một cái. Lâm bị bất ngờ đang định đẩy tôi ra tôi lại thơm thêm một cái rồi nói:
– Không phải em không ghen, mà em tin tưởng thầy, em tin tưởng vào nhân cách và đạo đức của thầy, thầy chắc chắn sẽ không ngoại tình sau lưng em đâu đúng không ạ?
Anh ta có lẽ cũng không thể nghe nổi mấy lời giả dối của tôi, thấy tôi vẫn níu cổ mình thì hừ một tiếng nhưng sắc mặt đã không còn lạnh như ban nãy:
– Bỏ tay ra, đừng càn quấy.
Dù sao lời nói cũng từ miệng mà ra, nịnh bợ cỡ nào cũng chẳng ảnh hưởng gì đến cảm xúc. Tôi nói tiếp:
– Em sợ thầy cho rằng em ích kỷ nên dù ghen thật cũng không dám nói, sợ thầy chê em nhiều chuyện nên nén lại trong lòng. Chứ chồng đẹp trai thế này ai mà không sợ mất.
– Thôi vào nhà đi, khoá cửa cẩn thận.
– Vâng, thầy cũng đi đi không muộn, em ở nhà chờ thầy nhé!
Sau khi Lâm rời đi, tôi cũng mới khoá cổng lại trèo lên giường thả lỏng cơ thể. Giây phút này tôi mới thấy tâm hồn mình như được gột rửa. Mấy ngày nay ở cạnh Lâm, từng giây từng phút đều quanh quẩn với hận thù toan tính thật sự rất mệt mỏi. Để lấy lòng anh ta, tôi phải nương theo anh ta đủ kiểu, trong lòng áp lực vô cùng. Tôi nằm trên chiếc giường rộng lớn, có thể nhìn ra hồ cá, cũng có thể nhìn đám hoa hải đường đang nở rực rỡ, nghe tiếng gió vi vu qua cửa sổ, ngửi mùi hương nhè nhẹ của trà trên bàn mây. Ở trong một căn nhà giống với căn nhà trước kia của mình, từng khoảnh khắc trôi qua đều cảm thấy nhớ nhung da diết, hoài niệm quá khứ đã qua. Tôi nằm ôm gối, càng nghĩ lại càng thấy đau đớn như bị ai rút hết tâm can, càng nghĩ lại càng cảm thấy không thể tha thứ mẹ con Lâm.
Ngủ một giấc dậy trời đã xế chiều, tôi ra hồ cá cho cá ăn xong tiện tay tỉa mấy bông hoa hải đường mang vào nhà để cắm. Nhà của Lâm rất gọn gàng sạch sẽ, tôi dọn qua loa một chút rồi lên tầng nhặt quần áo mang xuống gấp. Lúc nhìn thấy đồ lót của mình treo gọn gàng ngay cạnh đồ của Lâm tôi bất giác đỏ mặt. Nghĩ đến việc anh ta tự tay giặt thứ đồ nhạy cảm này cho tôi tôi không thể không xấu hổ. Mang đồ xuống, tôi gấp ngay ngắn xếp gọn vào tủ chợt nhìn thấy trong tủ là bốn ngăn kéo đựng đồ được khoá. Chìa khoá Lâm để ngay ngắn trong hộc, tôi bỗng không kìm được tò mò thò tay mở khoá ra. Chẳng mấy khi chủ nhà đi vắng, căn nhà này tôi đi một vòng chưa thấy chỗ nào là bí mật duy chỉ căn tủ này là bị khoá. Lúc mở hai ngăn tủ đầu tiên bên trong chỉ là giấy tờ của Lâm, bằng đại học, bằng thạc sĩ, tiến sĩ, bảng điểm, hồ sơ. Tôi nhét lại mở ngăn kéo thứ ba. Trong ngăn kéo có vài bức ảnh chụp Lâm tốt nghiệp cấp ba, và đại học, anh ta hồi ấy gầy hơn bây giờ, chẳng những vậy còn rất đen. Tôi nhớ lúc anh ta đến nhà tôi da trắng trẻo, tuy gầy nhưng không đen như mấy bức ảnh này. Nhìn kỹ hơn một chút, những tấm ảnh anh ta tốt nghiệp tôi còn nhìn thấy nhưng vệt rám nắng trên má Lâm, đôi tay xương xẩu giống hệt với những người lao động chân tay. Ngoài mấy bức ảnh tốt nghiệp còn có một bức ảnh đen trắng chụp Lâm khi còn nhỏ, bên cạnh là mụ dì ghẻ và một người đàn ông có lẽ là bố anh ta. Lâm bây giờ rất giống bố, nhưng đường nét lẫn khuôn mặt tuấn tú hơn nhiều. Tôi nhìn người đàn ông trong bức ảnh, nhớ mang máng hồi nhỏ chị Linh có nói bố Lâm mất khá lâu rồi, mụ dì ghẻ cũng là đi cướp chồng người ta mà sinh ra Lâm, hưởng thụ trên công sức vợ chồng người ta gây dựng ra nên chị Linh mới gọi Lâm là “thằng con hoang”. Rõ ràng bố anh ta chết rồi, nhưng không hiểu sao tôi nhìn thấy ông ta rất quen mắt, có thể không phải gặp ở đâu mà giống như từng nhìn thấy bức ảnh tương tự bức ảnh này ở đâu đó. Thế nhưng nghĩ thế nào cũng không nhớ nổi ra chỉ đành cất đi mở ngăn kéo cuối cùng ra. Trong ngăn kéo cuối cùng không có bất cứ thứ gì ngoài một bức ảnh bị cháy góc được úp xuống. Tôi đưa tay kéo bức ảnh lên đột nhiên sửng sốt mất mấy giây. Là ảnh chụp sinh nhật năm tám tuổi của tôi trước khi mẹ tôi mất. Hôm ấy bố tôi đưa mụ dì ghẻ đi chơi, mẹ tôi thuê người chụp vội cho bốn mẹ con vài kiểu ảnh cắt bánh. Bức ảnh này mẹ tôi treo trong phòng khách, đến tận ngày ba chị em tôi bị bắt cóc nó vẫn nằm trên đó. Gương mặt mẹ tôi u ám, ánh mắt vẫn vương vài giọt nước, ba chị em tôi cũng chẳng ai cười nổi, sinh nhật trong một hoàn cảnh hết sức bi ai và đáng thương. Không hiểu sao Lâm lại giữ bức ảnh này, nhưng góc ảnh phía mẹ tôi đứng giống như bị ai đó đốt, chỉ còn hơn nửa gương mặt cùng nửa thân người trên ảnh. Nhìn thấy mẹ, đến ngay cả bức ảnh cũng không còn trọn vẹn tôi gần như không kìm nổi, cúi xuống nâng ảnh lên, không thể gào lên khóc nhưng nước mắt nóng hổi đã chảy xuống miệng. Không ai biết vào những đêm mưa gió ấy, ở dưới gầm cầu tôi đã nhớ mẹ, nhớ chị, nhớ em trai biết bao nhiêu. Không ai biết tôi đã gào khóc bao nhiêu đêm vì sợ sấm sét bủa vây, vì mưa ướt người, vì cô đơn, đói khát và khổ đau. Không ai biết tôi đã trải qua những gì, ăn bao nhiêu cái tát, nhịn bao nhiêu bữa cơm. Cho đến tận bây giờ, khi mẹ nuôi tôi mất, chị Linh mất, Hiếu không còn tìm thấy thông tin tôi đã gần như mất phương hướng cho cuộc đời này. Tôi thật sự không cần thành công, cũng không cần giàu có, bởi dù có thành công, dù có cũng không để báo đáp ai. Vậy nên bảo tôi quên đi mối hận, bảo tôi tha thứ cho mẹ con họ… tôi không làm được. Sau khi đặt bức ảnh vào chỗ cũ tôi cũng lặng lẽ nằm lên giường. Nghĩ đến dáng vẻ của Lâm khi ở nghĩa trang, lại thấy bức ảnh nằm một góc trong ngăn kéo tủ của anh ta tôi lại thấy nhức nhối ở tim. Thà rằng anh ta độc ác như mụ dì ghẻ… có lẽ lòng tôi dễ chịu hơn nhiều. Mấy ngày Lâm đi công tác mỗi ngày về đến nhà tôi được sống trọn vẹn chính mình. Tôi không thích làm phiền anh ta nên những ngày đó tôi cũng rất ít khi liên lạc với Lâm, có gì không biết cũng chỉ nhắn tôi hỏi xong là thôi. Tôi cũng không quan tâm quá nhiều chuyện mà Nguyệt nói với tôi về việc hai người đi công tác cùng nhau. Dù sao đi nữa từ những trải nghiệm của bản thân tôi đã chẳng tin vào đàn ông được nữa. Giống như bố tôi thề thốt sống chết yêu mẹ tôi cuối cùng vẫn phản bội một cách đau đớn đó thôi. Đàn ông ấy mà, không quản không được mà quản cũng chẳng nổi, mấy lời tôi nói tin Lâm cũng là nói cho vui mồm mà thôi. Đến ngày thứ ba Lâm đi công tác buổi chiều tôi đi học về trời bỗng đổ mưa lớn. Trầy trật bắt xe bus cho tới khi về đến nhà cũng xẩm tối. Lúc tôi vừa xuống xe định mở cổng đi vào nhà đột nhiên khựng lại khi thấy mụ dì ghẻ đang đứng cầm ô trước cổng nhà. Mụ ta không đi xe, có lẽ là ông Quang chở mụ ta đến. Nhìn thấy mụ ta tôi liền cúi đầu chào, nhưng đáp lại vẫn chỉ là cái nhìn đầy khinh bỉ, sau đó chì chiết tôi:
– Cô đúng là loại vô phép vô tắc, lấy con trai tôi chưa đầy một ngày đã dụ dỗ, chèo kéo nó rời nhà sang đây ở. Nó đi công tác mấy ngày cô cũng chưa từng về nhà chào hỏi bố mẹ chồng nửa lời. Mồ côi nên đến cả những quy tắc ứng xử cô cũng không được dạy sao?
Nghe đến hai chữ mồ côi tôi ngay lập tức muốn cầm ô xiên chết mụ ta. Thế nhưng lý trí nhắc tôi phải nhẫn nhịn nên vừa mở cửa tôi vừa đáp:
– Con không dụ dỗ anh Lâm ra riêng, là anh ấy bắt con qua đây ở, không tin mẹ cứ hỏi anh ấy là rõ. Mẹ vào nhà đi ạ.
– Cô không cần lấy con trai tôi ra làm lá chắn. Đây là nhà của con trai tôi không đến lượt cô mời. Để tôi vào kiểm tra xem cô ăn ở thế nào.
Tôi cười khinh bỉ trong lòng, nhà của con trai mà không có chìa khoá còn phải đứng chờ ngoài mưa đợi tôi mở cửa. Tất nhiên tôi không nói ra, chỉ lấy đôi dép trong nhà cho bà ta thay rồi rót cho bà ta cốc nước. Nhà cửa mấy hôm nay tôi ngày nào cũng lau, bà ta chán ghét nhìn góc sân một lượt rồi đi xuống bếp sau đó đi khắp các phòng xem xét. Mỗi lần đi là một lần bà ta chê bai, bới lông tìm vết để trách móc, chì chiết tôi đủ điều. Tôi không thèm bận tâm vâng dạ vài câu cho xong rồi coi như chó sủa quanh tai xuống bếp nấu cơm. Dù sao tôi cũng chẳng có thứ gì gọi là bí mật trong căn nhà này nên không có gì phải ngại. Bên ngoài mưa mỗi lúc một lớn, sấm chớp từ trên trời nổ ầm ầm khiến tôi thi thoảng run lên. Lúc nhỏ có mẹ tôi không hề sợ sấm chớp, ở trong nhà tôi cũng có cột thu lôi nên chưa từng biết sợ, nhưng sau này mẹ tôi chết, mỗi lần nằm dưới gầm cầu đều bị ám ảnh bởi những tia sét rạch ngang trời. Tuy giờ đã bớt nhưng sét nổ to tôi vẫn hơi run. Tôi thở dài, cắm xong nồi cơm quay lại định xem mụ dì ghẻ làm gì thì đột nhiên tôi nghe tiếng mụ ta trong phòng lao ra gầm lên:
– Diệp Anh! Cô to gan thật.
Tôi còn chưa kịp hiểu chuyện gì mụ ta đã xông đến tát bốp một phát vào mặt tôi đến mức tôi loạng choạng suýt ngã. Đến khi định thần lại mụ ta cũng ném vỉ thuốc tránh thai tôi đang uống vào mặt tôi rít lên:
– Cô dám uống thứ thuốc này, cô lấy con trai tôi còn uống thuốc tránh thai tức là không muốn sinh con cho nó. Hay cô lẳng lơ tơ tưởng đến thằng khác nên không muốn trói buộc bởi đứa con? Con trai tôi có mắt như mù mới vớ phải cô.
Tôi nhìn vỉ thuốc tránh thai, ôm lấy mặt đáp lại:
– Mẹ hiểu nhầm rồi, con hiện giờ vẫn đang đi học nên chưa thể có em bé, vốn định học xong mới sinh con để không ảnh hưởng đến việc học.
– Cô câm mồm lại đi, cô lấy được chồng khi còn đi học thì tại sao không thể mang thai khi đi học, còn sáu bảy tháng nữa ra trường, có thai cũng tốt nghiệp xong mới đẻ. Cô bịa lý do cũng có lý chút đi. Ngay từ đầu con trai tôi lấy cô tôi đã không thể ưng rồi, loại đàn bà tầm thường bẩn thỉu như cô xứng để nó lấy sao?
Tôi rất muốn mở mồm ra cãi rằng không phải bà ta muốn hôn nhân của tôi và Lâm đứt gánh giữa đường sao còn mong cháu làm gì. Nhưng nói thế chẳng khác nào tự nhận lời bà ta nhận định về mình là đúng nên cuối cùng chỉ nói:
– Chuyện con cái là kế hoạch của vợ chồng con, mong mẹ tôn trọng chúng con.
– Cô đáng để tôi tôn trọng à? Loại như cô đáng để tôn trọng sao? Bôi tro trát trấu vào mặt gia đình này chưa đủ, còn định để tuyệt tử tuyệt tôn đúng không?
– Bây giờ chúng con kế hoạch, nhưng vài tháng nữa sẽ thả, lúc đấy có con cũng chưa muộn mẹ ạ.
– Cô có chắc đến lúc đấy cô đẻ được không? Vả lại nhìn đã thấy cô là cái phường đ/ĩ thoã, đẻ ra chắc gì đã là cháu tôi. Tôi khinh bỉ loại đàn bà như cô đến tận m:áu xương. Dám uống cả thuốc tránh thai tức là cô coi hôn nhân này không ra gì. Cho dù có thế nào tôi cũng phải dạy dỗ cô một bài học cho nhớ đời. Cút ra sân quỳ ba tiếng cho tôi.
– Gì cơ ạ?
– Cô điếc à?
Nói đến đâu bà ta như phát cơn thịnh nộ lôi thẳng tôi ra giữa sân, trước trời mưa gió ấn tôi quỳ xuống gầm lên:
– Quỳ xuống!
Mưa gió tạt rát mặt, sấm chớp nổ từng tiếng vang trời, hai chân tôi quỳ dưới đất, ngước lên nhìn mụ dì ghẻ. Rõ ràng mụ ta cố vạch lá tìm sâu để hành hạ tôi, rõ ràng thuốc tránh thai chỉ là cái cớ để mụ ta xả cơn giận sẵn có lên tôi. Tôi nhẫn nhịn nuốt cơn hận đến cực điểm vào lòng đợi mụ ta đi vào trong mới siết chặt hai tay đôi mắt phẫn nộ không rời một giây. Mụ dì ghẻ sấy qua tóc, ngồi trên sofa phòng khách bình thản xem tivi. Sự tàn nhẫn này đã là gì so những việc trước kia mụ ta làm. Tôi nhìn lên bầu trời đen thẳm, nhìn cả những tia chớp rạch ngang trời đưa tay lên ôm lấy tai. Tiếng sét như tiếng vọng về của một năm nào đó khiến tôi nhớ mẹ vô cùng. Tôi không biết là mưa hay nước mắt đã ngập tràn trên mặt, chỉ nghe được những tiếng gọi mẹ ơi nghẹn ngào nơi cổ họng. Giống như dưới gầm cầu năm ấy cơn mưa trút xuống, tôi túm nhánh cỏ dại ăn cho bớt đói, nhớ mẹ đến đau đớn tâm can. Tất cả những ký ức đớn đau quay về, có hận, có đau, có cả những nhớ nhung và bất hạnh không sao kể siết. Tiếng sét ám ảnh dội liên tục qua tai như muốn ù đặc. Giữa bầu trời mưa lớn, tôi cô đơn vẫy vùng trong muôn ngàn cảm xúc, cả người ướt như chuột lột, mưa lớn chảy qua mí mắt, tôi gần như không nhìn được gì. Cho tới khi cơ thể đã run rẩy, đôi chân đã tê liệt, bên ngoài bất chợt có tiếng xe quen thuộc. Cánh cổng tự động mở ra, xe lăn bánh vào giữa sân rồi đột ngột phanh kít một tiếng lớn. Có lẽ Lâm không ngờ tôi đang quỳ giữa sân, tiếng phanh hoàn toàn bất ngờ và vang lớn. Trong phút chốc anh ta mở cửa xe lao nhanh xuống, không hề cầm ô, cả người dầm mưa chạy về phía tôi sững sờ hỏi:
– Diệp Anh! Sao lại quỳ ở đây?
Tôi nhìn thấy Lâm, tiếng nghẹn ngào đã bật ra, túm lấy tay anh ta khản đặc gọi đúng một chữ:
– Lâm!
Bên trong mụ dì ghẻ cũng hốt hoảng tắt tivi lao ra. Lâm bất ngờ quát lớn:
– Diệp Anh, tôi hỏi em sao lại quỳ ở đây?
Mụ dì ghẻ vứt vỉ thuốc tránh thai về phía Lâm rồi túm lấy tay tôi nói:
– Là mẹ muốn dạy dỗ nó một chút. Con xem…
Thế nhưng còn chưa nói hết câu tôi đã gần như đổ sụp xuống. Lâm vội vã bế tôi lên, nước mưa long tong chảy từ mái tóc xuống gương mặt anh ta, ướt đẫm cả người, ánh mắt đỏ ngầu phẫn nộ xen lẫn thê lương và xót xa. Trước khi mất đi ý thức, tôi nghe được tiếng Lâm gầm lên từng chữ, giống như tiếng sấm nổ vang:
– Đừng có đụng vào cô ấy!
Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!