Sau Này Của Chúng Ta - Phần 10
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
4569


Sau Này Của Chúng Ta


Phần 10


Đã quá lâu rồi không được nằm trong lồng ngực ấm áp đó, không được hưởng thụ sự quen thuộc mà chỉ riêng một người mới có thể mang lại, trái tim tôi bất giác đập lỗi nhịp, toàn thân bị ngọt ngào và đau đớn giằng xé, rất đau lòng mà không biết phải làm sao.

Tôi rất lưu luyến vòng tay anh, nhưng càng sợ nếu mình lưỡng lự thì sẽ tiếp tục lún sâu vào thứ tình cảm không thể tiếp diễn này, cho nên sau chốc lát im lặng, đành run rẩy nói:

– Buông tôi ra.
– Cô mà cựa quậy là tôi cho cô mai khỏi đi làm nữa luôn đấy, nằm yên.
– Anh bị làm sao đấy? Ở đây là công ty, anh bắt tôi nằm thế này có người thấy thì làm sao? Anh ôm tôi làm gì?
– Khỏi cần giả vờ với tôi.
– Giả vờ… gì cơ?
– Nửa đêm nửa hôm, biết tôi say rượu nhưng tự cô vẫn theo tôi vào đây, nằm lên người tôi cũng là cô chủ động trước, giờ còn hỏi tôi ôm cô làm gì à? Hay là thế này vẫn chưa đúng ý cô? Muốn bao nhiêu tiền?

Tôi trừng mắt, cứng họng không đáp trả được lời nào. Rõ ràng là tôi có ý tốt đưa anh về phòng, ngã vào người cũng chỉ là vô tình, thế mà trong mắt anh những hành động đó lại trở thành cố ý dụ dỗ trong lúc anh say.

Tôi vội vã lắc đầu nguầy nguậy:

– Không phải, tôi thấy anh say nên đưa anh về phòng, thế thôi. Tôi chẳng có ý gì cả, anh buông tôi ra.
– Ra giá đi.
– Anh nói gì?
– Cô muốn bao nhiêu tiền, ra giá đi.
– Anh say rồi.

Hoàng khẽ cười, dù đêm tối không thể nhìn thấy được rõ ràng, nhưng tôi có thể cảm nhận được nụ cười đó rất giễu cợt, còn có thêm một chút gì đó rất khinh khi và u buồn. Anh nói:

– Tôi không thích dùng chung. Trước khi tôi cưới, cô giải quyết cho tôi.
– Tôi không ngủ với đàn ông sắp lấy vợ. Anh tự giải quyết với vợ anh đi.
– Để dành đêm tân hôn.

Một lời nói như hàng nghìn mũi tên đâm vào tim tôi, đau tới trào máu. Cảm giác người đàn ông mình yêu không ngần ngại giày vò mình, nhưng lại dành tất cả những gì tốt đẹp nhất cho người phụ nữ khác, thật sự khiến tôi cảm thấy không thở nổi. Khó khăn rất lâu mới có thể cất lời:

– Anh nhiều tiền thế sao không tìm người khác? Cứ phải chọn tôi làm gì?
– Lười đổi đối tượng.
– Nhưng tôi không…

Còn chưa nói hết câu thì tiếng chuông điện thoại vang lên, cắt ngang cuộc nói chuyện của chúng tôi. Tôi khẽ cựa quậy, muốn đứng dậy nhưng cánh tay anh đang ôm tôi không hề nhúc nhích, đẩy cũng không được. Cái tên này say đến phát bệnh rồi, tôi có muốn chấp cũng chấp không nổi, đành hừ lạnh một tiếng, thò tay cố móc điện thoại từ túi quần ra.

Nhìn số mẹ gọi đến, tôi do dự một lát mới nhận máy:

– Mẹ ơi, con đây.
– Con vẫn còn tăng ca à?
– Vâ… vâng. Con vẫn đang tăng ca, sao thế mẹ?
– Không, mẹ thấy muộn mà con chưa đến nên gọi thôi.
– Con làm thêm tý nữa rồi con qua với mẹ. Một lúc nữa thôi. Mẹ đợi con nhé.
– Ừ, con cứ làm đi. Mẹ không sao đâu.
– Vâng, tý con về. Mẹ mệt thì cứ ngủ trước đi nhé.
– Ừ, mẹ biết rồi, mẹ cúp máy đây.

Từ lúc nằm viện, mẹ tôi tự nhiên lại hay suy nghĩ, lâu không thấy tôi về là tủi thân nằm khóc. Tôi sợ mẹ buồn nên hôm nào cũng cố về sớm qua viện ngủ với mẹ, hôm nay lẽ ra giờ này cũng phải đến đó rồi, mà đang yên đang lành lại bị cái người say này phá đám.

Tôi buồn bực quay sang bảo anh:

– Bỏ tôi ra để tôi về, mẹ tôi đang đợi.
– …
– Này, buông tôi ra.
– …
– Này…
– Ồn quá. Yên đi.

Tôi không cáu với anh thì thôi, anh còn cáu với tôi. Tôi điên quá nên nghiến răng nghiến lợi bảo:

– Tôi phải về.

Có lẽ do tôi nói to nên anh mới chịu mở mắt ra, lúc này thị lực đã dần quen với bóng tối, tôi lờ mờ nhìn thấy sắc mặt anh dường như rất kém, đầu mày nhíu chặt lại. Hoàng nửa say nửa tỉnh, móc ra từ trong túi áo vest một chiếc thẻ đưa cho tôi:

– Muốn bao nhiêu tự lấy, mật khẩu từ một đến sáu.
– Đưa tôi cái này làm gì?
– Cô dám để người khác đụng vào, đừng mong sống yên ổn.

Tôi định cãi nhưng còn chưa kịp mở miệng thì anh lại mệt mỏi nhắm mắt, bây giờ nói với người say chắc cũng bằng thừa nên tôi không thèm chấp nữa, bực bội nâng cánh tay anh ra rồi ngồi dậy.

Hình như lần này thì anh ngủ thật rồi nên không giữ tôi lại nữa, bộ dạng yên tĩnh nằm ngoan trên ghế. Tôi đứng bên cạnh nhìn anh, thấy ghét rất nhiều mà dường như cũng thương rất nhiều, không nỡ để anh say nằm chơ vơ ở đây nên đành cho điều hòa tăng nhiệt độ lên, kiếm một chiếc chăn đắp lên người anh, sau đó còn để sẵn một cốc nước trên bàn rồi mới yên tâm đi về.

Ban đầu tôi định không cầm chiếc thẻ kia, nhưng nghĩ để đó lỡ có ai vào lấy mất thì không biết lấy gì trả lại anh, vả lại tôi cũng muốn ngày mai gặp để nói thẳng với anh một lần chuyện giao dịch đó, cuối cùng đành bỏ vào túi cầm về.

Thế nhưng sáng ngày hôm sau còn chưa kịp đến công ty thì bác sĩ lại bảo tôi:

– Thứ tư tuần này làm phẫu thuật cắt u tuyến thượng thận cho mẹ cháu nhé. Cháu nộp tiền phẫu thuật với mua thêm ít thuốc cho mẹ đi. Phẫu thuật xong một thời gian, đợi ổn ổn lại thì mổ hút máu đông trong não. Tạm thời cứ dùng thuốc hỗ trợ làm tan máu trước.
– Vâng. Cháu biết rồi ạ.
– Ừ. Tranh thủ tẩm bổ cho mẹ đi, không một thời gian ngắn mà mổ những hai lần, sức khỏe yếu thì không chịu được đâu.
– Vâng.
– Để chú kê cho ít thuốc bổ, cháu ra hiệu thuốc mua những thuốc này, mua thêm một số vật tư y tế cần thiết cho ca mổ nữa nhé..
– Vâng, cháu cảm ơn chú ạ.

Ra khỏi phòng bác sĩ, tôi đi đóng tiền phẫu thuật nhưng đóng xong thì không đủ tiền mua thuốc cho mẹ nữa, dụng cụ cần thiết cho ca mổ tôi cũng chưa đủ tiền để mua.

Tôi đành khất lại họ rồi ra ngoài ghế đá ngồi, lục hết danh bạ điện thoại lên để xem còn có thể vay ai được không, nhưng thật sự lần trước những người có thể vay thì tôi cũng đã hỏi thử cả rồi, tìm đi tìm lại mấy lượt cũng không biết gọi cho ai nữa.

Khi đó, trong đầu tôi bỗng nhiên lại hiện lên hình ảnh của chiếc thẻ kia, dù cố gắng gạt đi nhiều lần rồi nhưng trong hoàn cảnh này tôi lại phát hiện ra hình như không còn thứ gì tốt hơn là lựa chọn nó.

Chiếc thẻ đó đến quá đúng lúc khiến người ta có cảm giác như nó có một loại ma lực, làm tôi lưỡng lự, làm tôi chần chừ, đã hạ quyết tâm trả lại rồi nhưng cuối cùng lại do dự giữ laii.

Tự đấu tranh với chính mình hết cả một ngày trời, tâm can bị giằng xé giữa sinh mệnh và liêm sỉ, cuối cùng, vì sự tò mò và hèn mọn của bản thân mà tôi đã ra cây ATM để thử kiểm tra số tiền trong đó.

Tôi biết trước trong thẻ sẽ có một số tiền, có lẽ nhỏ với Hoàng nhưng lại lớn với tôi, thế nhưng khi nhìn những con số trên màn hình, tôi vẫn kinh ngạc đến mức không tin được, phải dụi mắt nhìn lại thêm mấy lần nữa xem có đúng không.

Quá nhiều số 0. Đúng vậy. Thật sự quá nhiều, nhiều đến mức cám dỗ.

Con trai độc đinh của chủ một tập đoàn thép lớn, giàu đến nỗi vung tiền như rác mà chẳng cần nhíu mày lấy một cái, chơi qua đường thôi mà cũng chi thoáng tay đến mức độ này, thật sự khiến tôi thấy khiếp sợ. Bỗng nhiên lúc ấy lại thấy những lời ông Tú nói rất đúng, có lẽ là lần này tôi vớ được món hời rồi.

Nhưng mà tôi không thấy vui… chỉ thấy đau lòng thôi…

Tối hôm đó, tôi cầm tấm thẻ kia ngồi ngoài hành lang bệnh viện gần như hết cả một đêm, cầm đến mức lòng bàn tay cũng phải in hằn mấy chữ Vũ Huy Hoàng trên thẻ. Tôi đã suy nghĩ rất nhiều, cân nhắc nặng nhẹ rất nhiều, cuối cùng đến khi cảm thấy quá mỏi mệt rồi, tôi mới thực sự hạ quyết tâm nhận nó.

Có ai đó đã nói với tôi rằng: “Làm người không nên quá khí khái, liêm sỉ cũng không thể biến thành cơm ăn được”. Tự trọng của tôi có lẽ cũng vậy, không giúp mẹ tôi sống lâu thêm thì còn giữ tự trọng làm gì? Tôi có cố vay mượn cũng chỉ đủ tiền phẫu thuật một lần, còn lần hai thì sao? Tôi tham khảo chi phí mổ não rồi, toàn tính bằng nghìn đô, một đứa trên vai còn phải gánh cả đống nợ như tôi thì làm gì có tận chừng ấy tiền?

Thế nên tôi lựa chọn buông tay… tôi không cần liêm sỉ nữa…

Ngày hôm sau, tôi cố ý chọn lúc vắng người nhất để đến phòng anh gõ cửa. Giọng Hoàng vẫn lạnh nhạt vọng ra:

– Vào đi.

Tôi xốc lại tinh thần, hít sâu một hơi rồi đẩy cửa vào. Anh vẫn duy trì thói quen cũ, không ngẩng đầu lên nhưng tôi thấy động tác viết chữ hơi ngừng lại, có lẽ Hoàng cũng đủ sức đoán được việc tôi sẽ tìm đến, cho nên thái độ mới không hề tỏ vẻ ngạc nhiên.

Tôi nhìn anh, thu hết dũng khí nói:

– Tôi có thể đưa ra một điều kiện được không?
– Nói đi.
– Tôi muốn biết bao giờ anh cưới vợ.
– Để làm gì?
– Để biết thời gian dừng lại.

Nghe xong câu này, anh mới bất chợt nhíu mày, lười biếng nâng mắt lên nhìn tôi:

– Lúc nào dừng là quyền quyết định của tôi.
– Tôi biết. Nhưng tôi có nghèo đói chết cũng không bán thân với đàn ông có vợ. Đây là giới hạn cuối cùng của tôi. Nên anh nói cho tôi biết đi. Bao giờ anh cưới vợ?

Hoàng im lặng, đôi mắt sẫm màu kia chợt ẩn hiện một sự phức tạp không thể che giấu. Tôi không rõ anh đang nghĩ gì, nhưng tôi biết anh đang âm thầm đánh giá mình, anh muốn xem những lời nói vừa rồi của tôi có bao nhiêu phần là thật, bao nhiêu phần là giả dối.

Qua một lúc sau đó, anh mới bình thản trả lời tôi:

– Cuối năm.

Bây giờ là tháng sáu, còn sáu tháng nữa.

Sáu tháng có lẽ đủ để mẹ tôi chữa trị xong, đủ để tôi tính đến một tương lai xa hơn, và có lẽ cũng đủ để tôi chấp nhận một sự thật rằng: người đàn ông mà tôi yêu mãi mãi không thể nào quay về với tôi được nữa.

Tôi mím chặt môi, cố nén rất nhiều cảm xúc hỗn độn vào trong đáy lòng, bình tĩnh đáp:

– Thế thì trước khi cưới một tháng, quan hệ này chấm dứt, được không?
– Tôi đã nói cô không có quyền quyết định việc đó.
– Tôi đồng ý với anh, tôi giải quyết nhu cầu cho anh. Anh cũng đồng ý với tôi đi.

Anh không trả lời, chỉ yên tĩnh nhìn tôi. Tôi biết khi anh không từ chối nghĩa là đồng ý, cho nên mới tiếp tục nói:

– Tiền trong thẻ tôi có thể tiêu bao nhiêu?
– Phải xem thái độ phục vụ của cô thế nào.

Tôi cười, chẳng biết có phải cay đắng nhiều quá hay không mà khóe miệng cứng ngắc:

– Tôi sẽ cố gắng tiêu vừa đủ.
– Biết thế được rồi.
– Không còn gì nữa thì tôi ra ngoài đây.

Lúc mở cửa đi ra ngoài, bởi vì thất thần nên tôi không để ý, va phải bà Oanh ở hành lang. Bà ấy thấy tôi đến chỗ giám đốc, mà nhân viên phòng kinh doanh thì không có việc gì để phải đến tận đây cả, cho nên trừng mắt nhìn tôi:

– Cô lên đây làm gì đấy?
– À… em… em đưa cho sếp bản kế hoạch vừa rồi vừa sửa lại ạ.
– Bản đó xong từ lâu rồi cơ mà. Hay là cô lại kiếm cớ lên đây để ve vãn sếp đấy? Lần trước còn chưa chừa à? Hay là cái tính lẳng lơ ngấm vào máu rồi?
– Trong công việc chị là cấp trên của em, nhưng trong cuộc sống thì em với chị cũng chỉ là đồng nghiệp bình thường, chị đừng nhận xét về cuộc sống riêng của em kiểu đấy. Em thấy không hài lòng đâu ạ.
– A ghê thật đấy nhỉ? Đúng là giờ đủ lông đủ cánh rồi nên mồm miệng gớm thật. Cô không hài lòng thì cô làm gì tôi? Sao? Định cắn tôi à?
– Em về phòng đây ạ.
– Đúng là cái thứ mèo mả gà đồng quen, việc không làm, chỉ lo đi tìm trai là giỏi.

Tôi không thèm để ý đến chị ta mà đi thẳng về phòng, tâm trạng nặng nề nên chỉ biết vùi đầu vào làm việc. Lúc sau, bà Oanh mặt mày hằm hằm mang cả xấp tài liệu dày đến chỗ tôi, quát ầm cả lên:

– Cô làm hết mấy cái này cho tôi, chiều nay phải nộp đủ. Số liệu mà lệch cái nào thì đừng có trách. Đúng là chả làm được cái gì nên hồn, nhận lương của công ty mà không biết ngại, người ta làm việc phải bỏ sức thì mới có tiền, đây chỉ có vác mặt đến rồi lại vác mặt về, không được tý tích sự gì cả. Tôi mà có quyền thì tôi tống cổ cô ngay từ ngày đầu luôn cho khỏi phải ngứa mắt.

Tôi thấy chị ta vô lý quá nên định cãi, nhưng lúc đó con bé Hoa bỗng dưng từ đâu đi vào, nghe thấy thế mới nổi xung lên:

– Này, em thấy chị cũng một vừa hai phải thôi nhé, chị Như giỏi nhất cái phòng này mà làm gì chị cũng chê thế, chị ấy sai chỗ nào mà chị lại bảo chị ấy không làm được gì nên hồn. Chị là trưởng phòng chẳng lẽ chị không biết ai làm sai, ai làm đúng à? Chị không có năng lực quản lý nhân sự thì chị xin chuyển sang bộ phận khác đi cho đỡ phải ngứa mắt. Ở đây ngoài chị ra, chẳng ai ngứa mắt chị Như cả.
– A cái con này, mày ăn nói thế phải không? Mày nên nhớ tao là cấp trên của mày nhé, có đi thì cũng chỉ có mày phải đi thôi nhé.
– Thế thì chị lên báo giám đốc ngay và luôn đi. Để bọn em đi cho. Còn không báo được thì đừng nói.
– Mày…

Mấy người cãi nhau ầm ỏm làm cả phòng ai cũng nhìn, tôi ngại nhất mấy chuyện phiền phức này nên kéo tay Hoa, bảo nó thôi đi, tôi làm đống tài liệu kia được. Nó vẫn tức nhưng thấy tôi năn nỉ cũng đành thôi, ngồi phịch xuống ghế, cố ý nói to cho bà Oanh nghe thấy:

– Chị đấy, hiền vừa vừa thôi. Nói mãi rồi, cứ để người khác bắt nạt quen đi.
– Rồi rồi, thôi làm việc đi, đừng ầm ỏm nữa.
– Bà đưa tài liệu đây, em làm giúp bà một nửa. Không xong thì mai.
– Ừ.

Ở phòng này bà Oanh kị nhất con bé Hoa nên khi tôi nói thế, bà ấy cũng chỉ nguýt dài thêm một cái rồi quay về chỗ ngồi. Lúc mọi người giải tán rồi, Hoa vẫn còn hậm hực, nghiến răng nghiến lợi bảo tôi:

– Cái con mụ điên, bị sếp mắng nên giận cá chém thớt, trút giận lên chị.
– Hả? Bị sếp mắng gì?
– Mụ ấy vừa bị sếp mắng đấy, nãy em đi qua phòng sếp em nghe mà.
– Vừa nãy ấy hả?
– Vâng, mới cách đây có vài phút chứ mấy. Mà bình thường sếp chẳng bao giờ nặng lời với ai, thế mà hôm nay mắng bà Oanh chuyện gì đó về chiến lược mới ấy, trừ 10% lương tháng này của bà ấy. Còn nhắc cả việc bà ấy đi muộn hôm kia nữa. Trong khi ngày nào em cũng đi muộn mà có thấy sếp nhắc đâu.
– Người ta là trưởng phòng nên mới được cấp trên để ý, nhân viên như mình thì nhắc làm gì.
– Quái thật đấy, hôm nay đúng là sếp đổi tính. Nhưng mà em thích, mắng cho chừa cái con mụ xấu tính ấy đi.
– Làm việc đi không lại ăn chửi tiếp bây giờ.
– Khoan, em hỏi nốt đã. Thế mẹ chị sao rồi? Mổ chưa?
– Chưa, ngày mai mới mổ. Mai chị định xin nghỉ mà thế này chắc không nghỉ được quá.
– Chị cứ lên báo phòng nhân sự, rồi gửi cái đơn xin nghỉ đây, mai em đưa bà Oanh cho. Em đưa mà bà ấy dám ho he, em chửi tiếp.

Tôi phì cười, đúng là quen với đầu gấu phòng như Hoa có nhiều cái hay ho thật đấy, lúc khó khăn có nó đập lợn ra giúp, khi bị bắt nạt có nó bênh vực tôi. Ở cái công ty đầy áp lực và mệt mỏi này, nếu không có nó đồng hành thì có lẽ tôi đã xin nghỉ việc từ lâu rồi.

Ngày hôm sau mẹ tôi làm phẫu thuật, mặc dù ca mổ này không nguy hiểm bằng ca mổ sau nhưng tôi vẫn lo chết đi được, ở ngoài hành lang đứng ngồi không yên, mãi sau khi bác sĩ đi ra thông báo với tôi ca mổ đã thành công, tôi mới dám ôm ngực thở phào một tiếng.

Vì mẹ vẫn còn yếu nên tôi định nghỉ mấy ngày để tiện chăm sóc, nhưng bà Oanh không cho nghỉ nhiều nên tôi đành phải trực tiếp xin “sếp lớn”, mỗi tội tôi không biết số điện thoại của anh nên chiều hôm đó chờ mọi người tan làm xong, tôi đành chạy đến công ty tìm.

Lúc tôi nhắc đến chuyện nghỉ, Hoàng chẳng tỏ thái độ gì, cũng không nói là đồng ý hay không đồng ý, chỉ lạnh nhạt hỏi một câu:

– Cô hết việc để làm rồi à? Có mỗi chuyện đó cũng phải đến đây?
– Tại… tôi không biết số điện thoại của anh. Nếu biết thì tôi đã gọi rồi.

Anh nhìn tôi bằng ánh mắt nhìn người ngoài hành tinh, như thể muốn nói “cô làm tình nhân kiểu gì mà ngay cả số điện thoại của người bao cô, cô cũng không biết”.

Tôi cũng xấu hổ chẳng nói được lời nào, cuối cùng anh bất lực bảo tôi:

– Đọc số của cô đi.
– 09xx.xxx.xxx.
– Gọi sang rồi đấy, lưu vào.
– Tôi biết rồi. Ngày mai với cả ngày kia, tôi có việc, tôi…

Còn chưa nói hết thì anh đã ngắt lời:

– Không liên quan đến tôi, thích nghỉ thì nghỉ.
– Cảm ơn anh.

Vừa mới dứt câu thì bỗng nhiên có tiếng mở cửa, bình thường vào phòng giám đốc phải gõ cửa nhưng lần này vì người kia vào một cách rất tự nhiên nên tôi bị giật mình. Còn chưa kịp quay lại nhìn xem là ai thì bên tai đã nghe một giọng nói rất dịu dàng:

– Anh xong việc chưa? Em đến rồi này.

***

Lời tác giả: Đố mọi người biết người vào phòng là ai đấy? Chắc là ai cũng đoán được rồi nhỉ? Hehe

Thôi cứ kệ cho mọi người hồi hộp hóng tập sau, mai là thứ bảy rồi, bạn Hổ lại nghỉ ngơi đây, hẹn mọi người ở đoạn 11 nhé. Chúc cả nhà cuối tuần vui vẻ!

Yêu thích: 4.2 / 5 từ (12 thả tim)
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN