Ước Gì Chưa Từng Gặp, Ước Gì Đừng Đậm Sâu - Phần 14
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
581


Ước Gì Chưa Từng Gặp, Ước Gì Đừng Đậm Sâu


Phần 14


Ban đầu tôi không định trả lời, nhưng xe còn ở trong gara, mà túi xách, giấy tờ và điện thoại cũng để hết trên xe, bỏ đi bây giờ thì thật là ngu ngốc.
Cuối cùng, tôi lạnh mặt quay đầu lại đáp: “Tôi không quen anh”.
“Tôi có biết cô”. Tay anh ta vẫn cầm cờ lê, gương mặt ướt đẫm mồ hôi nhìn về phía tôi. Thấy tôi không bỏ đi, anh ta mới nói: “Tôi là người đã bắt cóc cô lúc cô 9 tuổi. Cô không nhận ra tôi, nhưng tôi nhận ra cô”.
“Rồi tiếp theo như thế nào?”. Nhắc đến chuyện cũ, lòng tôi vẫn có cảm giác bức bối đè nặng: “Anh định trả thù tôi vì làm cho anh phải ngồi tù hay muốn ôn lại chuyện cũ với tôi?”.
“Tôi hoàn lương rồi”. Anh ta ném cờ lê xuống đất, tháo khẩu trang, cười bất đắc dĩ: “Tình cờ gặp lại thì muốn chào hỏi vài câu thôi. Nếu cô không thích thì thôi”.
Người đàn ông kia cũng nhận ra được vẻ đề phòng của tôi, anh ta hất hàm chỉ ra ngoài cửa, nói: “Xe cô chưa sửa xong, đợi thêm một lát nữa rồi hãy đi. Nếu sợ tôi làm gì cô thì ở ngoài cửa có một cái ghế nhựa, cô ngồi tạm ở đó đi, có chuyện chạy cho dễ”. Nói rồi, anh ta nhún vai: “Nhưng cũng chẳng có chuyện gì đâu”
Tôi quay đầu lại, thấy đúng là ở cửa đúng là có một cái ghế nhựa màu đỏ, loại thường dùng cho học sinh ngồi chào cờ. Dù sao ngồi ở đó cũng thoáng, vả lại, anh ta nói đúng, xe chưa sửa xong thì chưa đi được, thế nên tôi chần chừ một lát cũng đi đến bên ghế nhựa, ngồi xuống.
Người đàn ông kia thấy vậy mới cúi đầu tiếp tục làm việc, anh ta chui nửa người vào trong gầm xe, ở trong đó kỳ cạch vặn vặn sửa sửa, rất lâu sau mới hỏi: “Năm đó kết quả thế nào?”.
Tôi cau mày: “Cái gì thế nào?”.
“Thằng Phong ấy. Các người sẽ không tha cho nó phải không?”. Anh ta vặn khoá dầu trên xe, tiếng dầu chảy tí tách rơi vào chậu nhôm: “Nhưng nó vẫn có thể ở nhà các người đến hôm nay, chắc quãng thời gian đó sống cũng không dễ dàng gì”.
“Người gây ra mọi chuyện không phải là anh à? Trước khi trách người khác thì tự hỏi lại bản thân anh đi. Anh ấy có sống dễ dàng hay không cũng có một phần do anh đấy”.
“Tự trách mình 12 năm rồi”. Anh ta không bực tức khi tôi nói như vậy, còn cười nhạt: “Bây giờ chỉ muốn biết lúc đó nó đã sống thế nào thôi”.
Tôi nghĩ nghĩ một lúc, ban đầu cũng không định nói cho anh ta biết, nhưng ngẫm lại, năm xưa khi rơi vào đường cùng, hận Phong như thế mà anh ta vẫn chỉ lựa chọn đ.âm tôi chứ không làm tổn thương Phong, rút cuộc, tôi đành nói:
“Anh ấy bị đánh một trận, sau đó thì ra nước ngoài du học”
“Nói du học, nhưng thực ra là bị đuổi khỏi nhà cô phải không?”. Anh ta nhạy bén nhận xét.
“Đúng, mà cũng không đúng”. Tôi đáp: “Anh ấy không được cho tiền đi học, nhưng vẫn sống được ở nước ngoài, còn tốt nghiệp loại xuất sắc. Sau khi về nước thì đi làm ở tập đoàn của gia đình”.
“Thế thì tốt”. Người đàn ông kia quay đầu vào bên trong, không nhìn thấy được nét mặt: “Nó là đứa thiếu thốn tất cả nên luôn nỗ lực hơn người khác. Thành công như thế cũng xứng đáng thôi”.
Tôi không nhận xét về vấn đề này, chỉ nhìn chân trái của anh ta. Khi người kia rướn người chui vào gầm xe, ống quần co lên, để lộ một bên chân có vết sẹo dài trông rất dữ tợn.
Mười mấy năm trước anh ta vẫn là một thanh niên khoẻ mạnh, giờ đột nhiên đi khập khiễng như vậy, tôi buột miệng thắc mắc:
“Chân của anh, là bị trong tù à?”.
Anh ta ngước mắt nhìn tôi từ trong gầm xe, lại nhìn chân mình, vài giây sau mới cười nhạt: “Ừ. Bị bạn tù đánh. Gãy 3 lần”.
“Chữa được nữa không?”.
“Lẽ ra là chữa được. Nhưng trong tù điều kiện y tế không tốt, bị nhiễm trùng nhiều nên mãi không lành xương được, thế là thành tật luôn”.
Người đàn ông bắt đầu vặn lại vít, hỏi tôi: “Cô cảm thấy thế nào? Hài lòng không?”.
“Không liên quan đến tôi, tôi không đánh giá hài lòng hay không”. Tôi đáp: “Tòa tuyên án anh phải trả giá bằng 12 năm tù, 12 năm tù đó nghĩa là anh không có tự do, phải chịu sự quản thúc của trại giam, phải tự suy ngẫm về những việc sai mình đã làm. Còn lại, trong 12 năm đó xảy ra chuyện gì cũng là vấn đề của riêng anh, không liên quan đến tôi”.
Anh ta bật cười: “Đúng là con cái nhà tài phiệt, ăn nói cứng mồm cứng miệng thật”. Dứt lời, anh ta lại hỏi: “Năm đó tại sao lại viết đơn xin giảm nhẹ hình phạt cho tôi? Thẩm phán nói tội của tôi lẽ ra phải ngồi tù 15 năm, cô viết đơn nên giảm còn 12 năm”.
“Tôi chỉ viết lại đúng sự thật. Giảm nhẹ tội hay không là việc của hội đồng xét xử”.
“Tôi sẽ không nói cảm ơn cô đâu”.
“Tôi cũng không cần lời cảm ơn của anh. Mười mấy năm nay tôi đã quên chuyện cũ rồi, nếu không gặp anh hôm nay, có lẽ tôi cũng chẳng còn nhớ anh là ai”.
Người đàn ông kia chui từ gầm xe ra, cả người lúc này dính đầy dầu mỡ, mái tóc cũng bị bụi làm cho lốm đốm đỉnh đầu. Anh ta dùng bắp tay lau mồ hôi trên mặt, nói: “Xong rồi. Cô thử chạy thử một vòng xem. Nếu có vấn đề gì thì nói để tôi kiểm tra lại”.
Tôi gật đầu, vừa đứng lên thì anh ta cũng tự biết ý lùi ra xa một quãng, tránh xa cả xe lẫn tôi. Thực ra từ sau lần bị bắt cóc đó, tôi cũng có đi học võ, bây giờ đối phó với một người có tật như anh ta cũng chẳng phải việc khó khăn gì. Thế nên tôi vẫn lững thững đi lại, leo lên xe nổ máy, nhưng không chạy thử mà chỉ kiểm tra tiếng động cơ một lượt, thấy ổn mới cầm túi xách trèo xuống.
“Được rồi, chắc là không vấn đề gì đâu. Anh tính tiền giúp tôi đi”.
“Sửa lại chút dây dẫn điện với thay dầu thôi, không làm gì nhiều nên không cần trả tiền”. Anh ta lau tay vào mớ giẻ ở gần đó, nói: “Đây coi như là lời cảm ơn của tôi”.
Tôi há miệng, định bảo không cần thì anh ta lại nói thêm: “Đừng từ chối”.
Tôi nhìn người đàn ông kia một lúc, sau khi anh ta tháo khẩu trang, gương mặt hiện ra ngoài ánh sáng đã không còn vẻ xốc nổi non nớt của mười mấy năm trước nữa, ngược lại, trong ánh mắt anh ta bây giờ có sự thâm trầm và tiết chế, giống như một con diều hâu đã trưởng thành từ sau bão tố phong ba.
Cuối cùng tôi đành cất tiền vào túi, đáp: “Được”.
“Về sau nếu cô muốn sửa xe thì cứ đến chỗ tôi. Em gái của Phong, tôi sửa miễn phí”.
“Hai người hoà với nhau rồi à?”
“Hòa gì chứ?”. Người đàn ông đó lắc đầu cười: “Đã là anh em thì không chấp nhau. Với cả trước đây nhờ có nó mà tôi mới sống được, lúc bắt cóc cô, nếu nó không ngăn cản thì không phải tôi ngồi tù 12 năm đâu, có khi bây giờ xanh cỏ rồi. Tôi đối với nó là biết ơn, không phải hòa hay không hòa. Em gái của Phong đến đây tôi sẽ sửa miễn phí, coi như trả ơn nó. Cô đừng phụ lòng của tôi”.
Tôi chỉ “ồ” một tiếng, không trả lời được hay không được, chỉ quay người leo lên xe chuẩn bị rời khỏi. Người đàn ông kia dường như nhớ ra chuyện gì nên lật đật đi lấy một tờ giấy, trước lúc tôi rời đi, còn lặc liễng chạy lại gõ kính xe.
Anh ta đưa cho tôi một tấm phiếu bảo dưỡng xe miễn phí: “Sợ cô không nhớ địa chỉ nên đưa cho cô cái này. Trên phiếu có địa chỉ, số điện thoại và tên tôi. Bất kỳ khi nào xe hỏng đều có thể gọi tôi”.
Tôi chần chừ một lát rồi cũng đưa tay nhận lấy tấm phiếu bảo dưỡng đó, liếc dòng chữ Nguyễn Thành Hưng một cái rồi đáp: “Cảm ơn”.
Bởi vì không có ý định gặp lại anh ta lần nữa nên tôi chỉ quăng bừa tấm phiếu kia vào hộc để đồ, sau đó lái xe thẳng về nhà. Lúc về tới nơi thì Phong đã về rồi, anh đang tưới mấy cây hoa bên ngoài ban công, lưng hơi khom xuống, ánh chiều tà ở hướng Tây chiếu lên mái tóc ngắn lẫn bờ vai anh, ở đó là một bóng dáng vững vàng mạnh mẽ nhưng phảng phất lại mang đầy vẻ cô tịch.
Tự nhiên tôi lại nhớ đến câu nói của người đàn ông tên Hưng vừa nãy, anh ta nói Phong là đứa thiếu thốn tất cả nên luôn nỗ lực hơn người khác. Vậy thiếu thốn tất cả đó có phải là thiếu tình cảm của mẹ và sự bảo bọc của người cha, thiếu người thân, suốt quãng thời gian dài như vậy chỉ có một mình nên anh mới luôn mạnh mẽ như vậy không?
Ở một mình, Tết thanh minh có đi tảo mộ mẹ cũng vẫn chỉ có một mình, chắc hẳn anh sẽ rất buồn nhỉ?
“Về rồi à?”.
Nghe tiếng anh, tôi mới giật mình ngước lên, phát hiện ra Phong đã xoay lưng lại từ khi nào. Tôi hơi bối rối mỉm cười: “Vâng. Hôm nay anh về sớm thế? Lịch trình hôm nay còn phải gặp bên công ty B mà”.
“Đàm phán xong sớm nên về sớm”. Anh nhìn tôi một lát, lại hỏi: “Mới đi phơi nắng về à?”.
“Sao anh biết?”.
“Em tự soi gương xem”.
Tôi đưa tay quệt quệt lên mặt, lại liếc vào kính cửa sổ ngay gần đó. Da tôi rất trắng, nhưng cũng rất mỏng, chỉ cần phơi nắng một chút là đã đỏ ửng. Hôm nay tôi ở trên đồi phơi nắng cả chiều, lúc về tới chung cư còn nhàm chán đi bộ mấy vòng quanh đài phun nước, giờ hai má đã chuyển màu gần như tôm luộc.
Tôi cười bảo: “Nãy có mấy đứa bé chơi đá bóng dưới đài phun nước, em thấy hay hay nên đá thử mấy quả”. Vừa nói, tôi vừa đi lại chỗ chậu cây anh vừa tưới, sờ sờ mấy cánh hoa dạ yến thảo: “Dạo này bận quá quên tưới nước, cánh hoa héo hết cả rồi”.
“Ban công ở phía Tây, vào lúc trời nắng gắt thế này dễ héo. Để lúc nào tôi có thời gian thì làm mái che”.
“Làm mái che giống kiểu lều vải được không? Em có mấy tấm vải, nếu dùng được thì để em mang đến”.
“Mái che phải dùng loại lưới màu đen, vừa có ánh sáng, vừa tránh được mưa lớn”.
“À”. Tôi gật gù, định bảo vậy mai em đi mua lưới, nhưng còn chưa kịp mở miệng đã thấy dưới tay có cảm giác thứ gì đó mềm mềm nhũn nhũn đang cựa quậy. Giật cúi xuống mới thấy đó là một con sâu xanh béo múp, nó đang quằn quại ở giữa lá cây dạ yến thảo và ngón tay tôi, cả người cong lại thành mấy phần trông gớm ghiếc vô cùng.
Tôi buột miệng hét lên: “Ôi mẹ ơi”. Rồi vội vàng rút tay về, nhưng con sâu vốn đang bám trên tay tôi cũng theo đà đó, bắn thẳng lên áo tôi.
Cảm giác bị sâu treo trên người khiến tôi chỉ thiếu điều nhảy dựng lên, tay phủi phủi liên tục, lúc này Phong cũng nhanh chóng chạy đến, tóm lấy con sâu trên áo tôi. Anh không hề sợ nó, thậm chí còn cầm lên, nhướng mày hỏi: “Con sâu nhỏ thế này thì sợ cái gì?”.
Mặt tôi xanh lét còn hơn mặt con sâu, hoảng hồn lùi ra sau: “Sợ…”. Tôi định bảo sợ nó vì nó trông gớm ghiếc c.hế.t đi được, nhưng lại sợ mất mặt trước Phong nên vẫn cố cứng miệng: “Sợ cái gì… em chỉ bị giật mình thôi”.
“Thế à?”. Người thông minh như anh có lẽ thừa biết tôi sợ, Phong mặt không cảm xúc chìa con sâu về phía tôi: “Nếu không sợ thì cầm lấy mang đi vứt đi”.
“Không. Em không sát sinh. Anh bỏ con sâu lại lên cây hoa đi”.
“Bỏ sâu lại lên cây hoa? Nghĩa là em thà để chậu hoa bị sâu ăn hết còn hơn phải sát sinh con sâu à?”.
Con sâu như kiểu hiểu được bọn tôi nói gì, cả người vẫn cứ ngoe nguẩy trên tay anh khiến sống lưng tôi lạnh toát. Tôi rùng mình đáp: “Cây hoa to thế, con sâu thì bé tý, nó không ăn hết được cây hoa đâu. Anh bỏ lên đi, em đi vào nhà nấu cơm đây”.
Dứt lời, tôi cuống cuồng bỏ chạy, nhưng chưa được hai bước đã bị một bàn tay kéo lại. Nghĩ đến trong tay anh có con sâu, tôi vội vàng giằng ra, nhưng Phong vừa tưới cây nên sàn ban công còn ướt, tôi lại dùng lực mạnh nên bị trượt, cả người đổ nhào về phía anh.
Người nào đó ở phía sau lập tức ôm lấy tôi, anh cũng bị trượt ngã, cũng may là phía dưới để mấy hộp xốp chưa trồng hoa nên không bị đau.
Tôi nằm úp sấp trên người anh, toàn bộ thân thể đè lên người của Phong, không có cảm giác đau, nhưng vừa sợ lại vừa ngượng không chịu được. Hai má tôi nóng ran trở lại, cuống quít muốn đứng dậy, nhưng cùng lúc này Phong lại hỏi:
“Đau không?”.
“Không…”. Giọng nói của tôi vẫn còn run rẩy: “Anh thì sao? Có đau không?”.
Anh không đáp, chỉ nói một câu không liên quan: “Em lại đè c.hế.t con sâu rồi”.
Giống như nhiều năm trước đây, khi tôi còn nhỏ, vườn trong nhà đã trồng đủ loại hoa lá. Mẹ tôi không thích dùng thuốc trừ sâu làm tổn hại sức khỏe, mà tôi thì lại sợ sâu, cho nên cứ ba ngày một lần, bà lại bảo Phong phải ra vườn bắt sâu.
Trời mùa hè nắng nóng đến 40 độ, anh muốn đi học buổi chiều thì giờ nghỉ trưa buộc phải ra vườn bắt sâu. Khi đó đầu anh không đội mũ nón gì cả, trên người cũng mặc một bộ quần áo ngắn tay mỏng, ánh mặt trời thiêu đốt da anh, mồ hôi trên đầu chàng thiếu niên chảy ròng ròng, thấm cả xuống nền đất, nhưng suốt cả buổi anh vẫn không rời khỏi khu vườn của mẹ tôi, lặng yên bắt sâu.
Có một hôm tôi trốn ngủ trưa, cầm theo một chiếc ô chạy xuống, định che cho anh nhưng nhát gan, chỉ đứng ở đầu luống hoa gọi: “Anh ơi”.
Phong không để ý đến tôi, vẫn cúi đầu lục tìm dưới lá cây. Tôi thấy trong tay anh là một nắm sâu xanh, anh không g.iế.t chúng mà chỉ bỏ vào trong một chiếc hộp, sau đó cũng chẳng biết mang đi làm gì.
Tôi gọi ba, bốn tiếng không nghe được Phong đáp, cuối cùng đành phải rón rén dò dẫm từng bước chạy lại: “Anh ơi, anh mang sâu đi đâu thế?”.
Lần này, anh ngước lên nhìn tôi, nhưng chỉ nhìn một giây rồi lại cụp mắt xuống: “Mang cho chim vành khuyên ăn”.
“Ồ”. Tôi thích thú reo lên: “Chim vành khuyên ở đâu?”.
“Không biết”.
“Thế thì lúc nào anh mang cho chim vành khuyên ăn thì gọi em nhé. Em muốn xem chim vành khuyên”.
Phong không trả lời, tôi lại lẽo đẽo theo anh hỏi về chim vành khuyên màu gì, nó có giống chim sẻ không, có nói chuyện được không, giống như trong truyện Tấm Cám ấy.
Anh không để ý đến mấy lời nói nhảm của tôi, vẫn lặng lẽ đi từng luống hoa bắt sâu, còn tôi vì sợ nên không dám nhìn, chỉ dang thật rộng cánh tay bé xíu ra che ô cho anh. Một lúc sau đó anh ngẩng lên trời rồi nói: “Kia là chim vành khuyên”.
Thì ra chim vành khuyên mà anh nói chính là một con chim sâu màu xanh bé xíu, bên dưới cánh có một nhúm lông màu đỏ. Hình như con chim này đã quen với việc được Phong cho ăn sâu rồi nên không sợ người, liệng một vòng trên không trung rồi bay xuống đậu ở khóm hoa gần chỗa chúng tôi.
Khi ấy tôi phấn khích đến mức hét ầm lên, nhảy chân sáo chạy lại: “Chim vành khuyên, đẹp quá, chim vành khuyên mau đến đậu vào tay áo chị đi”.
Bởi vì tôi hét quá to nên con chim sợ hãi, vội vã đập cánh bỏ đi mất. Tôi tiếc ngẩn tò te quay lại, cũng thấy Phong nhìn chằm chằm mình, dưới chân anh là hộp sâu đã bị tôi dẫm be bét.
Lúc đó còn quá nhỏ nên tôi chỉ biết cười hì hì rồi xin lỗi anh, nhưng ngày hôm sau, hôm sau nữa, mỗi lần theo anh ra vườn bắt sâu là tôi sẽ dọa chim vành khuyên chạy mất, có lần còn làm đổ cả hộp sâu vào trong khóm lá, làm Phong lại phải tỉ mẩn nhặt về.
Anh không mắng tôi, chỉ khom lưng vạch từng chiếc lá nhặt sâu về, tôi không dám lại gần đám sâu, chỉ cầm một cái que dài nhàm chán chọc chọc vào lưng anh. Tôi bảo Phong: “Anh ơi, em được nghỉ hè 2 tuần, anh chơi với em nhé?”.
Ban đầu anh không trả lời, nhưng bị tôi chọc que vào lưng khó chịu nên lát sau anh mới quay người lại, định nói gì đó nhưng mẹ tôi lại từ trong nhà chạy ra. Chẳng hỏi đầu đuôi thế nào đã mắng Phong một trận, sau đó xách tôi vào nhà.
Hôm đó Phong bị phạt không được ăn cơm, còn phải quỳ dưới bãi sỏi, tôi cũng bị nhốt trên phòng, chỉ có thể lén lút ló đầu qua ô cửa sổ nhìn anh. Tôi nhìn từ khi trời nắng gắt cho đến chiều tà, tới tận lúc mặt trời lặn anh vẫn cứ quỳ ở đó, nhưng suốt cả quá trình lại chưa hề một lần ngước lên nhìn tôi.
Kể từ đó về sau tôi không được xuống vườn hoa của mẹ nữa, nhưng cách đó vài hôm bỗng nhiên trên bệ cửa sổ phòng tôi bỗng dưng xuất hiện một hộp sâu nhỏ. Tôi sợ thì sợ, nhưng vẫn cầm hộp sâu lên lắc lắc, sau đó thu hết can đảm mở nắp hộp để ra ngoài ban công, chờ chim vành khuyên đến ăn.
Nửa ngày sau ra kiểm tra thì chẳng thấy chim vành khuyên đâu, chỉ có mấy con sâu bị nắng tháng 6 hun cho c.hế.t khô queo thành một cọng, tôi ấm ức oà khóc một trận, ngày tiếp theo mở cửa sổ lại thấy thêm một hộp sâu xanh.
Chuyện cũ đã qua lâu lắm rồi, đến bây giờ ngay cả tôi cũng quên mất, nhưng không ngờ có một người vẫn còn nhớ. Tôi không ngồi dậy nữa, chỉ cúi đầu nhìn anh: “Ở chung cư thế này có chim vành khuyên không?”.
Phong cũng nhìn tôi, đáp: “Không có”.
“Thế thì sau này anh đi mua lưới, em sẽ mua một con chim vành khuyên. Khi nào anh bắt được sâu thì thả vào lồng cho nó ăn nhé?”.
Ánh nắng của buổi hoàng hôn giống như thấm vào đôi mắt anh, rất lâu, rất lâu rồi tôi mới trông thấy vẻ lạnh lùng được xua đi trong đôi đồng tử ấy, sự ấm áp ở đó giống như ánh chiều tà đỏ rực kia, dịu dàng và mạnh mẽ khiến người ta phải rung động.
Phong không trả lời là được hay không được, chỉ bảo tôi: “Thạc sĩ Minh Châu”.
“Dạ”
“Chim vành khuyên không đậu vào ống tay áo được đâu”.
“Tại sao ạ?”
“Bởi vì trong truyện Tấm Cám là chim Vàng Anh”.
Hoá ra anh không chỉ nhớ, mà còn nhớ rất rõ từng câu nói của tôi ở mười mấy năm trước. Lòng tôi vừa bối rối, vừa cảm thấy xấu hổ, vội vàng chống chế: “Lúc đó em mới 8 tuổi thôi, em không nhớ được chim Vàng Anh với chim Vành Khuyên là bình thường mà. Mấy hôm nữa kiểu gì em cũng chọn đúng chim Vàng Anh cho anh xem”.
Phong cười cười, bảo tôi: “Đứng dậy đi. Tối nay đưa em ra ngoài đi ăn”
“À..”. Tôi gật đầu, lại thấy sai sai nên tròn xoe mắt hỏi: “Sao tự nhiên lại ra ngoài ăn ạ?”.
“Tháng này công ty tăng 5% doanh số, có công của em. Tôi chính thức nhận em, nhân tiện thưởng cho em ăn một bữa”.
“Chỉ thế thôi ạ? Lẽ ra phải tặng cho em thêm một cái phong bì, bên ngoài ghi là phần thường tháng đầu tiên đi làm của Minh Châu. Bên trong là một xấp tiền dày chứ”. Được ‘sếp khen’, tôi phổng cả mũi, biết một bữa ăn là quá lắm rồi nhưng vẫn giả vờ nói đùa như vậy.
Anh tỉnh bơ đáp: “Vậy không đi ăn đúng không?”.
“Đi, đi chứ”. Tôi cuống quít chạy vào trong nhà: “Em đi tắm rồi ra ngay, tối nay thưởng cho em một bữa ăn, thế ăn món gì là tùy em chọn đúng không?”.
“Ừ”.
“Thế thì em muốn ăn sườn nướng lề đường”.
“…”.
Có lẽ là lần đầu tiên được anh dẫn đi ăn tối nên tôi háo hức, vội vàng tắm rửa, sau đó lại mặc một bộ váy nhẹ nhàng và thoa chút son môi, sau đó mới cùng Phong ra khỏi nhà.
Trên đường đi, có mấy lần tôi định nói với anh về việc gặp lại người đàn ông tên Hưng kia, nhưng nghĩ đi nghĩ lại, dù sao chuyện giữa cả 3 chúng tôi trong quá khứ cũng chẳng phải việc vui gì, có lẽ Phong cũng không thích tôi giao du với bạn anh, nên tôi lại không nói nữa.
Xe đi chừng 20 phút trong nội thành, cuối cùng cũng dừng lại ở một quán sườn nướng mật ong ngay gần sân vận động. Chúng tôi xuống xe gọi hai đĩa sườn nướng, thêm một ít rau muống muối, mấy món dân dã thôi nhưng tôi cảm thấy ngon vô cùng, ăn một mạch no căng cả bụng, Phong thì ít khi đụng đũa, cả buổi anh chỉ ngồi nướng cho tôi.
Tôi vừa nhồm nhoàm gặm sườn vừa nói: “Anh ăn đi, đừng chỉ nướng cho em. Em tự nướng được mà”.
“Em còn tay nào để tự nướng?”. Anh nhìn bàn tay bóng dầu mỡ của tôi, đáp bình thản.
Tôi cười hì hì, cũng ngại đôi co nên mặc kệ anh, không nói nữa. Có điều, khi chúng tôi ăn sắp xong thì bỗng dưng điện thoại trên bàn Phong đổ chuông, tôi không cố tình nhìn, nhưng theo phản xạ liếc qua thì thấy người gọi đến được anh lưu một chữ Mây.
Thời này tên Mây khá hiếm, tôi có cảm giác đó không phải tên mà là một biệt danh mà Phong lưu lại thôi. Nhưng người được anh lưu một cái tên rất nhẹ nhàng, và còn có chút dịu dàng tình cảm như vậy, chắc hẳn là một người rất khác biệt nhỉ?
Anh lau tay sạch xong mới bảo tôi: “Đợi một chút”. Sau đó cầm điện thoại đứng dậy, ra chỗ khác nghe. Lát sau quay lại, sắc mặt anh có hơi bất đắc dĩ nhìn tôi: “Tôi có việc phải đi trước, lát nữa em tự về một mình được không?”.
Tôi nuốt nốt miếng sườn mới đáp: “Được ạ. Anh cứ đi đi, lát nữa em gọi Grab về”.
“Về đến nhà thì nhắn tin cho tôi”.
“Vâng”.
Hình như việc kia rất quan trọng nên Phong chỉ nói đến thế rồi quay người đi luôn, trước kia chúng tôi không thường xuyên đi chung xe với nhau lắm, nhưng chưa lần nào anh bỏ tôi giữa chừng một mình thế này, mà đặc biệt lại còn trong bữa ăn ‘phần thưởng đầu tiên’ của tôi nên tôi hơi hụt hẫng.
Nhưng tôi không thắc mắc, chỉ lặng lẽ ăn xong rồi gọi Grab về. Lúc về tới nhà tôi có nhắn tin nhưng Phong không trả lời, tôi chờ một lát cũng không có hồi âm nên tôi không đợi nữa, ném điện thoại qua một bên rồi tranh thủ làm việc.
Giữa chừng, vì cần một số tài liệu nên tôi định về phòng lấy, nhưng khi ngang qua căn phòng bên cạnh phòng ngủ, tôi thấy cánh cửa ấy hôm nay chỉ khép hờ, bên trong có ánh sáng nhẹ nhàng hắt ra, đứng ở góc của tôi có thể thấy một phần giá sách.
Bởi vì Phong hay làm việc bên này nên tôi nghĩ trong đó ít nhiều sẽ có tài liệu về kinh doanh, vào mượn tạm một quyển cũng được. Có điều, khi tôi đẩy cửa ra mới thấy căn phòng này không chỉ có bàn làm việc và giá sách của anh, mà còn có một chiếc bàn thờ nhỏ bằng gỗ, trên đó có một tấm hình đen trắng của một người phụ nữ rất giống anh.
Trước đây tôi từng nghe kể về mẹ anh vài lần, đến hôm nay tận mắt thấy di ảnh của mẹ Phong mới thấy mọi người không hề nói quá. Mẹ anh rất đẹp, chỉ có điều tấm ảnh thờ đặt tại đây không còn nguyên vẹn mà có rất nhiều vết chắp vá, giống như đã từng bị xé nát thành cả trăm mảnh rồi sau đó được ai đó ghép lại vậy. Tuy nhiên, dù như thế, dù tấm ảnh cũng chẳng có màu sắc, nhưng chỉ cần nhìn lướt qua một lần cũng đủ cảm nhận được bà ấy là một mỹ nhân, một mỹ nhân thập niên 80 có nhan sắc nghiêng nước nghiêng thành khó ai bì được vậy.
Phong rất giống bà ấy, đặc biệt là đôi mắt, trong veo sáng lạn, giống như chứa đựng cả một bầu trời quảng đại, nhưng cũng như một mặt hồ bình yên không gợn sóng, nhưng lại phảng phất phủ đầy tịch liêu cô đơn. Khiến người ta có cảm giác chạnh lòng, nhưng muốn gần mà lại không gần được.
Bởi vì nhìn thẳng vào di ảnh người c.hế.t là bất kính nên tôi không dám nhìn lâu, chỉ đứng một lúc rồi xoay người, định nhanh chóng tìm sách ở giá rồi đi ra. Nhưng khi sờ đến giá sách mới thấy trên đó chẳng phải sách kinh doanh hay tạp chí xe cộ như tôi tưởng tượng, mà chỉ có mấy quyển truyện tranh bìa đã rách nát, hoặc vài cuốn nghìn lẻ một đêm đã xuất bản từ cách đây mười mấy năm.
Tôi còn tìm thấy trên kệ có một tấm ảnh cũ mèm đã được đóng khung cẩn thận, trong đó có 5 chàng thiếu niên mười mấy tuổi đang khoác vai nhau đứng trước một khoảnh đồi rộng lớn, có Phong, người đàn ông tên Hưng và vài người khác tôi không biết tên, ở giữa còn có một cô gái nhỏ nhắn có làn da trắng sứ như ngọc.
Phong đứng ngay sau lưng cô ấy, gương mặt thủa thiếu thời rực sáng như ánh nắng trải trên sườn đồi, trong mắt hay trong lòng đều chứa đầy hoài bão của tuổi trẻ.
Ánh mắt của anh trong ảnh là một ánh mắt tôi chưa gặp bao giờ, người con gái trong ảnh cũng là người mà tôi chưa từng biết đến, nhưng chẳng hiểu sao tôi cứ có linh cảm cô ấy chính là người đã gọi điện thoại cho Phong hôm nay, hoặc có thể là một người rất quan trọng với anh.
Đang ngẩn ngơ nghĩ ngợi thì có tiếng tin nhắn điện thoại làm tôi giật bắn mình, tôi vội vàng đặt lại tấm ảnh đó về chỗ cũ rồi đi ra khỏi phòng. Tới phòng khách, tim vẫn đập liên hồi trong lồng ngực, phải hít vào thở ra mấy hơi cho ổn định tâm trạng mới cầm điện thoại lên.
Người nhắn tin đến là Phong, anh chỉ nhắn cho tôi một dòng: “Tối nay tôi không về. Khóa cửa đi”.

Yêu thích: 4.9 / 5 từ (7 thả tim)
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN