Vạn Dặm Thương Nhớ - Phần 9
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
727


Vạn Dặm Thương Nhớ


Phần 9


Để mà đi được đến cuối thượng nguồn của con suối mà vị đạo sĩ kia đã nói, mợ tư phải đi qua 2 cái làng bên cạnh, leo qua 1 ngọn núi nhỏ mới tới. Chặng đường này khá dài hơn nữa lại có phần nguy hiểm, vậy mà Diệp vẫn mang dáng vẻ hi vọng có thể lấy được cái gọi là nước thánh đem về cho cậu Đăng, mà không hề biết rằng phía sau đang có 1 nguy hiểm rình rập.

Mợ bắt đầu đi khi đường còn nhá nhem tối, đến khi trời bắt đầu hừng lên cũng là lúc mợ đã leo lên được đỉnh ngọn núi.
Trước mặt bây giờ là nửa vầng tròn đỏ chói hắt xuống con suối nhỏ nước chảy trong veo.
Mợ đưa ống tay áo lên thấm những hạt mồ hôi vương trên cương mặt mình mà cười:

– Mặt trời lên rồi, vậy là đã đến kịp giờ mão.

Mợ nhìn về phía con suối, hít 1 hơi thật mạnh rồi tiếp tục trèo xuống đi lại phía đó, nhưng chỉ là mới quay người 1 cái, 1 lực mạnh đẩy khiến mợ trượt chân ngã.
Diệp nhanh tay bám được vào tảng đá nhô ra mà ngước nhìn lên, 1 người đàn ông che mặt đứng ở đấy nhìn về phía mợ.

– Ai ở trên đó vậy, giúp tôi với!

Gã đàn ông kia cũng xoay người để trèo xuống, Diệp có chút mừng rỡ nghĩ mình được cứu, nhưng không ngờ rằng gã ta đến gần cố gắng gỡ tay mợ ra khỏi tảng đá.
Diệp kinh hãi cố bấu víu lấy:

– Ông làm gì thế? Tại sao lại muốn hại tôi?

Gã đàn ông kia nghe vậy lại lên tiếng:

– Cô gái, có trách thì cũng là trách cô đã làm gì đắc tội với mợ hai nhà phú hộ Trịnh, còn tôi chỉ là được mướn để làm việc thôi.

– Mợ hai? Sao mợ hai lại muốn giết tôi?

– Chuyện đó thì chắc cô nên đi hỏi mợ ta. À, mà làm gì còn cơ hội nữa đâu.

Nói rồi, gã đàn ông đấy cũng gạt tay mợ ra khỏi tảng đá, cả người Diệp cứ vô lực mà rơi thẳng xuống, bóng người đàn ông kia cũng nhỏ dần.
Cơ thể mảnh mai yếu đuối bị quật ngã bởi những tán cây gai góc, quần áo trên người cũng đã sớm rách nát, cho đến khi cả người ngã thẳng xuống đất, mọi ý thức của Diệp cũng mất hẳn.

Thời gian trôi đi, Cách đó không xa, tiếng nói chuyện của 2 người con trai vang lên:

– Haizzz, cuối cùng cũng kịp để ngắm bình minh.

– Cậu cũng rảnh thật, bắt con dạy sớm chỉ để kéo con đi đến đây ngắm bình minh.

– Cảnh đẹp ngay gần trước mắt, không ngắm thì rất lãng phí.

– Cậu chủ à, ở nhà con còn nhiều việc phải làm, chốc nữa lại phải lội quay về con sợ con không còn sức để mà làm mất.

– Mày nói nhiều quá đấy Tí, rủ mày đi cùng để cho mày được thưởng thức cảnh đẹp mà mày cứ than vãn mãi.

– Cậu chủ của con ơi, lát nữa ông chủ không thấy là chết con đấy, con còn đâu tâm trạng mà ngắm cảnh.

– Được rồi, lại con suối kia rửa mặt cho mát rồi cậu với mày về!

Nói rồi, người đàn ông dáng vẻ nho nhã cũng đi về phía dòng nước chảy, lúc này, từ phía xa cậu ta mơ hồ thấy được 1 bóng người nằm trên chỏm đá nhỏ mà khẽ nheo mắt lại:

– Tí, mày nhìn ở kia….có thấy cái gì không?

Thằng Tí nghe vậy cũng dõi theo hướng chỉ của cậu ta, nheo mắt 1 lúc rồi nhảy cẫng lên:

– Trời ơi, cậu chủ ơi, là 1 cô gái đó, không lẽ ma nữ sao?

Khi nãy cậu ta cũng phán đoán là 1 cô gái, giờ thằng Tí cũng thấy vậy nên cậu chắc chắn hơn mà vội vàng đi lại phía đấy.
Thằng Tí ở phía sau lo sốt vó mà nói:

– Cậu Thịnh, cậu đi đâu thế? Cậu đừng lại đó, cẩn thận đấy.

Cậu ta chẳng để tâm đến lời của thằng Tí, gấp gáp đi về phía đấy.
Mỗi lúc lại gần, cậu mới nhận ra cả người cô gái kia đầy thương tích, cậu đi tới đỡ lấy cô lên.
Lúc này, mới nhìn được rõ gương mặt của mợ, cậu Thịnh có chút sững sờ:

– Là cô sao?

Thấy Diệp bất tỉnh mà cả người xây xát, cậu Thịnh liền nhìn về phía gia nô của mình mà gọi:

– Tí, lại đây nhanh lên!

Thằng Tí nghe vậy liền chạy lại, nó hốt hoảng nói:

– Trời ơi, cô ta chết rồi sao cậu?

– Mày gở cái mồm vừa thôi, mau lại đỡ cô ấy lên lưng cậu, nhanh lên.

– Hả, cậu định cõng cô ta về sao? Cô ta là ai?

– Cậu bảo mày nhanh lên sao mày nói nhiều thế?

Thấy cậu tức giận, thằng Tí cũng vội vàng đi lại, đỡ người mợ Diệp lên người cậu Thịnh, cậu sau đấy cũng vội vàng cõng mợ rời đi.

Ở nhà phú hộ Trịnh lúc này, cậu Đăng đã dậy ra ngoài nhìn trước ngó sau, rồi lại hỏi con Sen:

– Sen, có thấy mợ tư không?

Con sen nghe vậy liền lắc đầu:

– Từ lúc con dậy đến giờ cũng chưa gặp mợ tư, chắc mợ đang còn ngủ.

Cậu nhớ lại chuyện đêm qua, có lẽ việc thằng Cuội khiến mợ lo sợ nên mất ngủ, nghĩ vậy cậu cũng không hỏi gì thêm rồi lại đi về phòng.

Khi trời đã đổ về trưa, vẫn không nghe thấy tiếng của mợ tư, cậu lại có chút lo lắng. Thường ngày, hễ cứ dậy là mợ lại sang tìm cậu, hôm nay xem chừng đã sang giờ Tỵ mà vẫn không thấy bóng mợ đâu.

Cậu Đăng đi thẳng đến phòng mợ gõ cửa:

– Diệp, em có ở trong đó không?

Đáp lại cậu là 1 sự im lặng, thấy vậy cậu lại hỏi:

– Em đang ngủ à?

Vẫn không có ai trả lời, có cảm giác bất an, cậu liền đẩy cửa đi vào.
Lúc này, cả căn phòng trống trơn, chăn gối cũng được gấp gọn gàng, cậu Đăng lo lắng đi ra ngoài gọi lớn:

– Sen, sen!

Con sen từ dưới nhà chạy lên:

– Dạ, cậu chủ gọi con?

– Mợ tư đâu rồi?

– Ủa, con tưởng mợ vẫn ngủ, sáng giờ con chưa gặp mợ ấy.

Lúc này, mợ hai từ đâu đi tới lại nói:

– Ô, bữa qua nghe mợ tư nói muốn đi đến thượng nguồn lấy nước cho cậu, đã sang giờ Tỵ rồi mà sao chưa thấy về nhỉ. Hay lại có chuyện rồi?!

Cậu Đăng nghe vậy mới sực nhớ tới lời hôm qua mợ tư nói, cậu khẽ nhăn mặt 1 cái:

– Trời, đúng là ngốc quá mà!

Nói rồi, cậu nhìn sang con Sen:

– Sen, gọi thằng Cuội ra đây cho cậu, cậu đi tìm mợ.

– Cậu chủ, sức khoẻ cậu không tốt, không đi được đâu. Cậu cứ ở nhà để con bảo Cuội nó đi cho.

Cậu Đăng nghe vậy gắt nhẹ:

– Đừng cãi lời cậu, mau gọi nó ra đây đi!

Con sen thấy thái độ cương quyết của cậu cũng không dám cãi lời.
Lúc này, mợ hai đã nhanh chóng đem chuyện đi thưa với ông bà chủ. Vừa nghe thế, bà cả liền vội đi ra:

– Đăng, con bị điên sao? Nó đi đâu thì kệ nó, sức khoẻ không tốt còn đi tìm nó làm gì?

– Đến thượng nguồn là phải qua 1 ngọn núi, có lẽ mợ ấy đang gặp chuyện nên giờ vẫn chưa về. Ngọn núi đấy lại không có mấy người đi đến, chỉ sợ mợ ấy 1 mình lại tội.

– Trời ơi, kệ nó đi con ơi, nó đi bu càng mừng.

– Bu, sao bu vẫn cứ ác cảm với Diệp thế? Từ ngày Diệp về đây, mợ ấy không khi nào là không bị trách mắng, đánh đập mà Diệp vẫn không 1 lời kêu than. Bu nói như vậy mà được sao?

– Thì….thì….do nó tự chuốc lấy, chứ bu có bắt nó đi đâu.

Cậu Đăng tức giật thở hắt 1 cái, lúc đấy thằng Cuội cũng đi ra:

– Cậu chủ, cậu định đi đâu thế?

– Đi đến thượng nguồn con suối làng với cậu!

Ông Huấn lúc này cũng đi ra:

– Cuội, giữ cậu lại, không cho cậu đi!

Thằng Cuội bị kẹp giữa có chút khó xử không biết làm gì, cậu Đăng lúc này nhìn ông bà mà kiên định nói:

– Hôm nay, nếu ai mà cản con, thì đừng trách con nhắc lại lời của ông ngoại năm đó.

Lời vừa dứt, cả ông Huấn và bà cả đều sững sờ, câu nói của ông ngoại cậu năm đó vang lên trong suy nghĩ bọn họ:

“Từ bây giờ, ta để lại toàn bộ tài sản cho cháu ngoại của ta. Đăng nó sẽ là người có quyền trong cái gia đình này. Nếu bất cứ ai làm phật ý nó, nó có quyền đuổi thẳng người đấy ra khỏi nơi này. Các ngươi, liệu mà sống cho đàng hoàng!”

Bà cả nghe thế cũng chợt cứng họng:

– Con….con….đúng là bị con yêu tinh nó mê hoặc rồi!

Nói rồi, bà cũng tức giận bỏ vào trong nhà, cậu Đăng lúc này nhìn sang thằng Cuội:

– Cuội, đi theo cậu!

– Dạ!

2 người bọn họ cùng đi ra cổng, cứ theo hướng thượng nguồn con suối mà đi thẳng.

Ở 1 căn nhà khang trang khác, tiếng xì xào to nhỏ của đám gia nô vang lên:

– Cậu chủ đưa ai về thế nhỉ?

– Trông có vẻ cậu Thịnh rất lo lắng cho cô gái này.

– Cậu chủ nhà mình lương thiện hay giúp người mà.

Đám gia nô đứng ngoài ngó nhìn vào bên trong căn phòng, cậu Thịnh đứng bên cạnh giường nôn nóng chờ thầy lang đang thăm khám cho Diệp.
1 lúc sau, thầy lang đứng dậy, nhìn sang cậu nói:

– Cũng may chỉ là bị thương ngoài da, không ảnh hưởng đến gân cốt. Còn về phần đầu, do va đập mạnh nên tạm thời bất tỉnh, lát nữa nếu cô ấy tỉnh lại, cứ cho uống theo đơn thuốc lão phu kê, tĩnh dưỡng vài ngày là được thôi.

– Cảm ơn thầy, vậy nhờ thầy ghi đơn thuốc ra giúp con, con sẽ bảo người đi mua.

Thầy lang khẽ gật đầu 1 cái, sau đấy đi lại phía bàn ngồi xuống, lấy giấy bút ra ghi.

Cùng lúc đấy, Diệp cũng mơ hồ mà tỉnh lại. Mọi thứ trước mắt khiến cô cảm thấy lạ hoắc mà mấp máy nói:

– Mình….chưa…chết…sao? Đây là đâu?

Cậu Thịnh thấy cô đã tỉnh lại liền vội vàng đi tới:

– Cô tỉnh rồi?

Nhìn gương mặt cậu con trai phía trước có phần lạ lại có phần quen, cô khẽ nhíu mày hỏi:

– Anh là?

– À, tôi vô tình thấy cô nằm ngất ở bên bờ con suối nên đã đưa cô về đây. Cô bị sao thế?

Nghe thế, Diệp mới bắt đầu nhớ lại mọi chuyện, nhớ lại những lời gã đàn ông che mặt kia nói mà mấp máy nói nhỏ:

– Là mợ hai, mợ hai muốn giết mình!

Cậu Thịnh nhìn cô khó hiểu:

– Cô nói sao?

Lúc đấy, thầy lang cũng cầm đơn thuốc đi lại:

– Đơn thuốc tôi đã ghi rõ ràng ở đây, cậu cho người mua và làm theo như lời tôi dặn là được.

Cậu Đăng nhận lấy tờ đơn rồi khẽ cúi đầu:

– Cảm ơn thầy!

– Nếu không còn gì, vậy tôi xin phép về trước!

Diệp lúc này bỗng chợt nhớ đến 1 chuyện liền vội nói:

– Thầy lang, khoan đã!

Ông ấy nghe vậy liền quay người nhìn sang, Diệp cũng vội ngồi lên nhưng vừa nhấc đầu cô liền cảm thấy đầu óc đau choáng váng mà nhăn mặt lại.
Thầy lang thấy thế vội nói:

– Cô gái, có chuyện gì cô cứ nằm xuống nói là được. Đầu của cô bị va đập mạnh, vẫn cần phải nghỉ ngơi.

Diệp nghe vậy cũng đành nằm xuống, rồi nhìn thầy lang nói:

– Cậu chủ của tôi mắc 1 căn bệnh nhiều năm rồi vẫn không khỏi. Cũng mời rất nhiều thầy lang đến thăm khám đều không được, không biết thầy có chữa được không?

– Chữa được hay không thì phải để tôi đến thăm khám mới rõ được.

Diệp nghe vậy nghĩ trong đầu bây giờ chưa thể trở về nhÀ được. Thứ nhất là cô còn đang bị thương, thứ 2 nếu đúng thật mợ hai muốn giết cô, cô trở về lúc này sẽ khiến mợ ta chột dạ mà động tay chân, ở nhà đấy ngoài cậu Đăng thì không ai đứng về phía cô cả, chỉ sợ không chống đỡ được lại thiệt thân, cô cần phải tính kỹ hơn. Nghĩ vậy, cô lại nhìn thầy lang nói:

– Con cũng không rõ bệnh của cậu chủ là gì, chỉ biết cậu chủ phải thường xuyên tránh tiếp xúc với ánh sáng mặt trời, ở trong phòng tối.

Nghe vậy, thầy lang chau mày suy nghĩ rồi lắc đầu:

– Lão phu hành nghề y bao năm nay, quả thực chưa nghe đến căn bệnh nào mà phải tránh ánh sáng cả. Nhưng nếu nói 1 loại độc thì chắc là có.

Diệp nghe vậy khẽ nhíu mày:

– Độc là sao ạ?

– Theo lão phu được biết có 1 loại chất độc không gây chết người luôn mà nó ngấm từ từ vào cơ thể. Loại độc ấy khi uống vào, nếu người uống phải trong 1 thời gian dài không tiếp xúc với ánh sáng bên ngoài sẽ phát tác mạnh hơn. Nhưng nếu khi cơ thể được tiếp xúc với ánh sáng bên ngoài, sẽ nảy sinh ra quá trình trao đổi chất bên trong, đặc biệt tia nắng có thể giúp phục hồi thể chất, uống phải lượng ít thì chỉ cần thường xuyên tắm nắng là độc được thải, ngược lại nếu tránh ánh sáng bệnh tình chắc chắn sẽ nặng hơn.

Diệp nghe vậy trong lòng trở nên kinh hãi:

– Cậu chủ là bị trúng độc sao? Không lẽ có người muốn hại cậu ấy?

Tự nói với bản thân xong, cô lại nhìn thầy lang:

– Nói vậy, chỉ cần thường xuyên tiếp xúc với ánh nắng là có thể giải độc được đúng không ạ?

– Có thể thôi, bên cạnh đó vẫn cần cho uống thêm 1 số loại thuốc bổ giúp giải độc và thanh lọc lại cơ thể.

– Vậy thầy có thể ghi giúp con đơn thuốc được không?

– Được!

Nói rồi, thầy lang cũng lại bàn ghi thêm 1 tờ đơn nữa rồi đưa cho Diệp.
Cô nhận lấy nó, cúi đầu cảm ơn rồi cất cẩn thận trong người mình.

Sau khi thầy lang rời đi, cậu Thịnh mới lại gần hỏi:

– Cô đã bị như vậy rồi mà vẫn lo cho cậu ta, có cần tôi sai người sang báo cho cậu ấy không?

Diệp nghe vậy lại hỏi:

– Anh biết tôi à?

– Cô không nhớ sao? Lần trước cô có qua làng tôi để mua đồ.

Nghe vậy, Diệp mới lục lại ký ức của mình, sau đấy mới sực nhớ ra:

– À, tôi nhớ rồi! Thật sự cảm ơn anh, anh lại cứu tôi 1 lần nữa!

– Không có gì, cô có cần tôi cho người sang bên đó báo không?

Diệp nghe vậy vội vàng xua tay:

– Không cần đâu!

– Sao thế? Cô gặp chuyện gì à?

Diệp đang nghĩ trong đầu không biết có nên nói chuyện mình bị hại cho cậu Thịnh nghe không bởi vì lúc này cô không có chứng cớ gì cả, người đàn ông lạ mặt đó cô cũng chẳng biết. Chỉ là giờ trở về không được, cô muốn nương nhờ tạm ở đây ít bữa, thì cũng nên có lý do thuyết phục.
Nghĩ ngợi 1 lúc, Diệp nói:

– Tôi bị người ta đẩy xuống vách núi!

– Cô bị người đẩy sao? Có biết ai không?

– Là mợ hai của cậu Đăng mướn người làm!

Nghe thế, cậu Thịnh cũng kinh ngạc:

– Mợ hai, sao mợ ta lại muốn hại cô?

Diệp khẽ lắc nhẹ đầu:

– Tôi không biết tại sao mợ ấy lại muốn giết tôi. Chỉ là thời gian này, tôi muốn tìm hiểu mọi chuyện, nên mong anh có thể cho tôi nương nhờ ở đây ít bữa được không? Tôi sợ về đó không an toàn!

– Được, không vấn đề gì. Cô cứ ở đây đến khi nào cô muốn, cần tôi giúp gì thì cứ nói.

– Cảm ơn anh!

Nói rồi, trong đầu mợ chợt loé lên những suy nghĩ. Lần may mắn có thể sống sót trở lại này, có lẽ mợ nên mạnh mẽ hơn để sinh tồn. Chuyện cậu Đăng bị hạ độc cũng khiến mợ thấy bất an, mợ muốn bảo vệ cậu thì mợ phải bảo vệ được bản thân mình đã.
Diệp cứ thế bắt đầu kéo bản thân vào những suy nghĩ sâu xa, mợ bắt đầu vạch lên những mưu kế để bóc trần tất cả.

Buổi chiều hôm đó, ngoài cổng nhà ông Huấn vang lên giọng nói đứt quãng của thằng Cuội

– Ông chủ…..bà chủ….Các mợ….mau mau….!

Nói đến đấy, thằng Cuội trên lưng cõng cậu Đăng đã ngất đi mà ngã bổ xuống đất.
Ông Huấn từ trong nhà vội vã chạy ra:

– Trời ơi, chuyện gì thế này?

– Ông chủ, mau mau….đưa cậu chủ…vào phòng….gọi đại phu đến….khám cho cậu ấy mau lên. Cậu chủ trèo núi bị trượt chân ngã!

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN