Yêu Hận Tựa Như Núi - Phần 20
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
349


Yêu Hận Tựa Như Núi


Phần 20


Thật lòng, tôi chưa bao giờ nghĩ sau chuyện đêm hôm qua, Nghiêm phải cho tôi một thứ gì đó. Tôi chỉ cảm thấy về sau giữa chúng tôi sẽ khó lòng vô tư được như trước đây, không thể ngờ đến anh ta lại chủ động đề nghị như vậy.
Có điều, dù lời đề nghị đó có hấp dẫn đối với cả trăm cô gái, thì với tôi lại hoàn toàn ngược lại. Tôi biết rất rõ mình không xứng với mối quan hệ cặp kè đại gia này, càng hiểu loại người nghèo như chúng tôi không thể dây đến Nghiêm, cho nên tôi chỉ cười nhạt:
“Vì sao lại chọn tôi?”.
“Không biết, có lẽ là cảm thấy phù hợp”.
“Là tính cách phù hợp, hay là sau chuyện đêm qua cảm thấy phù hợp?”.
Anh ta suy nghĩ một lúc rồi bình thản nhìn tôi: “Cả hai”
“Tôi thì lại cảm thấy không phù hợp”. Tôi lẳng lặng hít vào một hơi, đóng cửa xe lại, ngồi ngay ngắn trả lời anh ta: “Lúc trước anh có hỏi tôi, người mà tôi muốn thuê thám tử tìm kiếm là ai phải không? Đó là người lớn lên cùng tôi từ nhỏ, đối xử rất tốt với chị em tôi. Tôi và anh ấy có hứa hẹn với nhau, sau này có tiền rồi chúng tôi sẽ mua một căn chung cư nho nhỏ, mua được nhà xong anh ấy sẽ cưới tôi”.
“…”
“Nhưng gần một năm nay tự nhiên anh ấy mất tích, tôi biết anh ấy sẽ không bỏ rơi tôi, chỉ vì một lý do nào đó nên anh ấy mới không quay về được thôi. Tôi luôn tự hứa với mình là tôi sẽ đợi anh ấy”.
“…”
“Nhưng mà đêm qua tôi lại ngủ với anh rồi”.
Câu nói này của tôi làm ánh mắt Nghiêm khẽ biến đổi, trong đó vẫn là sự lạnh nhạt, nhưng lại có một vẻ bất đắc dĩ và trào phúng, giống như đang mỉa mai tôi.
Tất nhiên, bây giờ tôi cũng chẳng còn lý do gì để phải xấu hổ trước anh ta cả, nên tôi vẫn tiếp tục nói:
“Tôi bị bạn anh bỏ thuốc, nhưng không kiềm chế được bản thân vẫn là lỗi của tôi. Vì tôi không biết giữ mình nên mới ra như thế này. Nhưng tôi chỉ cho phép bản thân mình sai một lần, về sau không muốn lặp lại nữa. Cho nên đề nghị của anh tôi xin phép được từ chối. Tôi không muốn có mối quan hệ lợi dụng lẫn nhau như anh nói, tôi chỉ muốn quay về cuộc sống như trước đây thôi”.
Nghiêm cũng không ép tôi, anh ta nghiêm lúc lắng nghe hết lời tôi nói rồi gật đầu: “Được. Tôi chỉ đưa ra đề nghị, quyền lựa chọn vẫn là cô. Tôi không thích chơi trò ép buộc phụ nữ”.
“Cảm ơn anh”. Ngừng lại vài giây, tôi mới bổ sung thêm: “Tôi có một yêu cầu, được không?”.
“Cô nói đi”
“Tôi muốn xin nghỉ việc. Số tiền tôi nợ anh, có thể để tôi đi làm rồi trả dần được không?”.
“Cảm thấy về sau khó đối diện với nhau à?”.
“Vâng. Đúng là khó đối diện”.
Anh ta cười nhạt: “Số tiền đó coi như đền bù tổn thất tinh thần cho cô đi. Dù sao thì người thiệt thòi nhất vẫn là cô, đàn ông thường không mất đi thứ gì cả”.
Còn tôi thì gần như mất đi tất cả, tôi muốn nói như vậy, càng muốn từ chối ‘số tiền đền bù tổn thất tinh thần kia’, nó chẳng khác gì Nghiêm bỏ tiền ra để mua tôi một đêm cả.
Thế nhưng, có giữ tự trọng cũng chẳng mài ra ăn được, cuộc đời của những kẻ nghèo như chúng tôi vô cùng khó sống, gánh một khoản nợ trên vai càng chẳng dễ dàng gì. Tôi suy nghĩ một lát rồi gật đầu:
“Vậy được, thế thì chúng ta không có ai nợ ai. Công việc của tôi, tôi sẽ sắp xếp để bàn giao lại cho người khác. Anh yên tâm, chừng nào chưa có người mới đến thì tôi vẫn sẽ tiếp tục làm”.
“Ừ”.
Không còn chuyện gì để nói nữa nên tôi xuống xe, lấy ba lô rồi đi xe đạp điện về. Mấy ngày rồi không vào viện thăm Hoài, hôm nay tôi về thấy nó còn gầy hơn lúc trước, mặt mũi xanh xao, tay chân đầy vết kim tiêm tím bầm.
Tôi xót em nên nói: “Sao chị mới đi có 3 ngày thôi mà đã hốc hác thế này rồi? Em không ăn được à? Có còn chảy m.áu cam nữa không?”
“Không, hết chảy rồi mà. Tại mấy hôm nay nắng nóng quá, em không ăn được nên mới gầy đi đấy chứ”. Nó tủm tỉm nhe răng khểnh ra cười, còn giơ tay khều khều tay tôi: “Chị đi biển có thích không? Có mua quà gì về cho em không thế?”.
“Có, chị nhặt được mấy cái vỏ ốc ở bờ biển đẹp lắm. Chị mang về cho em đây này”.
Vừa nói, tôi vừa lục ba lô lấy vỏ ốc, lúc đưa cho Hoài thì hai mắt con bé sáng rực lên, cứ úp vỏ ốc vào tai để nghe tiếng sóng biển. Hoài hỏi tôi mấy hôm ở biển làm gì, đi du thuyền có thích không, bắt tôm hùm trên đảo thế nào, mùi vị hải sản tự nhiên ra sao. Sau đó còn hỏi đến Nghiêm.
Tôi bảo: “Anh ấy nhiều bạn lắm, mà toàn bạn nhà giàu, chị không quen được nên toàn ngồi một mình thôi”.
“Có bạn gái không chị?”.
“Nhiều lắm. Ai cũng xinh, da trắng như trứng gà bóc”.
“Da chị cũng trắng, chị cũng xinh mà. Em nghĩ anh Nghiêm cho chị đi theo lần này là có ý cả đấy, biết đâu anh ấy lại thích chị”.
“Cái con bé này, đã nói mãi rồi. Anh ấy không thích chị đâu, bớt đọc truyện ngôn tình rồi ảo tưởng soái ca nữa đi”.
Hoài phụng phịu bĩu môi: “Em đang làm mối cho chị đấy chứ?”.
“Thế em không thích anh Huy nữa à?”.
“Có, nhưng mà anh Huy có về đâu. Anh Huy mang hết tiền tiết kiệm đi rồi”.
“Đừng nói linh tinh, anh ấy chỉ là chưa về thôi”.
“Vâng”.
Sau hôm đó, tôi vẫn đến nhà của Nghiêm làm việc. Hết kỳ nghỉ, trở lại với guồng quay của công việc nên anh ta có vẻ rất bận rộn, thường đi làm từ sáng sớm đến khuya, có hôm thì tôi chuẩn bị ra về mới thấy xe của Nghiêm vào gara, có hôm thì tôi về rồi vẫn chưa thấy anh ta về.
Tôi chủ động giữ khoảng cách, mà Nghiêm cũng không muốn miễn cưỡng thân thiết nên nếu có gặp thì tôi chỉ chào anh ta một câu, anh ta cũng gật đầu lại rồi bình thản bước qua nhau. Chuyện đêm đó ở trên tàu có lẽ ai cũng không quên, nhưng cả hai đều không nhắc đến nữa.
Cứ như vậy cho đến hai tuần sau đó thì có người mới đến nhận công việc quản gia. Tôi lặng lẽ bàn giao công việc lại, cũng trả lại chiếc xe đạp điện vào gara cho Nghiêm. Trước lúc rời đi, mọi người trong nhà quyến luyến tôi nên cứ nắm tay tôi thở dài mãi:
“Cứ tưởng là lần này cái Ninh phải làm được lâu dài hơn mấy người trước cơ, thế mà rồi cũng gần một năm là nghỉ. Cậu Nghiêm còn trẻ mà nhiều khi khắt khe quá, nhẫn nhịn giỏi như Ninh cũng không trụ được”.
Tôi cười cười: “Không phải đâu cô ơi, tại cháu tìm được việc khác tốt hơn đấy. Cháu còn ít tuổi, không phù hợp với công việc quản gia này lắm. Cháu tự xin anh Nghiêm nghỉ để đi làm việc khác đấy ạ”.
“Ôi công việc này đang tốt, lương cũng cao mà. Sao lại nghỉ? Bao nhiêu người muốn làm mà không được đấy”.
“Nhưng lại ít có thời gian được ra ngoài để biết đây biết đó cô ạ. Cháu chưa được đi đâu cả, cũng chưa được tiếp xúc nhiều với bên ngoài, cứ ru rú ở đây thì ế chồng mất, cháu phải đi ra còn kiếm người yêu nữa chứ”.
Tôi nói đùa như vậy mà mấy cô giúp việc trong nhà lại tin là thật, bọn họ ngẫm nghĩ một lát rồi cũng gật đầu: “Ừ nhỉ, quên mất. Ninh cũng phải kiếm người yêu, còn lấy chồng nữa chứ. Ở đây từ sáng đến tối thì lấy đâu ra người yêu. Mà này, lúc nào lấy chồng thì nhớ mời bọn cô đấy nhé, bọn cô sẽ xin cậu Nghiêm nghỉ một ngày để đi ăn cưới Ninh”.
“Vâng ạ”.
“Nhớ giữ liên lạc đấy nhé”.
“Cháu biết rồi. Cháu đi đây, lúc nào có dịp thì cháu sẽ về thăm các cô các chú, các cô các chú đừng quên cháu nhé”.
“Ừ ừ, không quên đâu. Nhớ về thăm đấy”.
“Vâng ạ”.
Rời khỏi biệt thự nhà Nghiêm, tôi cứ nghĩ là sẽ nhẹ lòng nhưng chẳng hiểu sao lại cứ thấy tim nặng trĩu, giống như một nơi mình đã gắn bó và có một vài kỷ niệm vui, bây giờ rời khỏi cũng có ít nhiều tiếc nuối hụt hẫng vậy.
Nhưng dù sao rời đi được cũng tốt, vừa trả hết được nợ, vừa không phải dây dưa với người mình không muốn gặp, cho nên rất nhanh sau đó tinh thần tôi cũng tự xốc lại tinh thần, lẳng lặng ngửa đầu lên trời hít vào một hơi thật sâu, bắt một chiếc xe bus về bệnh viện, ôm em gái tôi ngủ một giấc, ngày mai mở mắt dậy là một ngày mới tươi sáng.
Để có tiền sinh hoạt, tôi lại xin quay về quán cafe của chị Nhung làm việc, thời gian này chị ấy mở rộng kinh doanh nên cứ gọi cho tôi suốt. Giờ thấy tôi xin làm lại thì chị Nhung lập tức đồng ý ngay, còn bảo tôi chăm chỉ như thế thì cho tôi làm quản lý kiêm thu ngân.
Tôi vội vàng xua tay: “Ôi em có biết gì đâu mà làm quản lý. Không có kinh nghiệm thì dễ làm mất khách lắm, thôi chị cứ quản lý đi, em làm nhân viên bưng bê thôi”.
“Tao nói rồi, mày đẹp như thế thì bưng bê làm gì cho phí của giời. Mày phải đứng ở quầy bar tính tiền, như thế mấy ông đại gia mới ngắm được mày. Mà mày cũng không phải lúc nào cũng tất ta tất tưởi, đầu bù tóc rối bưng bê. Mày cứ nghe tao làm quản lý đi, không biết gì thì hỏi, tao chỉ bảo tận tình”.
“Nhưng mà…”
“Nhưng nhị cái gì, giờ tao mua lại quán cafe này, còn thuê thêm cả miếng đất bên cạnh để mở rộng quán nữa, bận bỏ xừ đi, tao thời gian đâu mà làm quản lý nữa. Bảo mày làm thì mày cứ làm đi, thiếu tiền thì tao trừ lương mày cho nhớ”.
Chị Nhung đã bảo thế thì tôi không từ chối được, đành cười trừ rồi cũng phải nhận việc.
Thời gian đầu làm quản lý cũng bỡ ngỡ, lại dính đến tiền nong nên tôi căng thẳng cực kỳ. Có điều, tính tôi trước giờ luôn cẩn thận, cứ tỉ mẩn tính tính toán toán cả ngày mãi cũng quen, may sao làm hơn một tháng cũng không bị trừ lương lần nào.
Tôi nhanh chóng hòa mình vào guồng quay công việc, cảm giác hụt hẫng khi rời khỏi biệt thự của Nghiêm cũng dần phai mờ theo thời gian. Tuy nhiên, cũng có một vài lần tôi nghĩ đến anh ta, thỉnh thoảng đi qua cửa hàng đồ ăn Tây đã trông thấy chiếc Rolls-Royce của Nghiêm lúc trước, tôi cũng lơ đãng ngoái đầu lại xem nó có đỗ ở đó không. Thậm chí có lần khách vào uống cafe đi một chiếc xe gầm thấp xấu xí như của Nghiêm, tôi cũng tò mò ngoái đầu lại nhìn hơn 2 lần.
Chị Nhung thấy thế mới bảo: “Ferrari đấy”.
“Ferrari ấy ạ? Tên đẹp mà xe xấu thế?”
Chị Nhung đập vào vai tôi một phát: “Xấu cái con khỉ, xe mấy chục tỉ mà mày còn chê xấu. Cả Hà Nội này có mấy chiếc thôi, đại gia mới có tiền ngồi Ferrari đấy, đừng trông thấy nó lùn lùn thế mà tưởng nó rẻ”.
Nghe đến số tiền mấy chục tỉ, ngay cả tôi cũng choáng váng, không hẳn vì con số quá lớn, mà vì lúc trước tôi chê Ferrari của Nghiêm vừa lùn vừa chật, trông như một con bò xấu xí chỉ có hai chỗ ngồi vậy. Anh ta cũng hùa theo tôi, bảo xe này xấu nên người đi đường mới nhìn. Thế mà giờ mới biết nó trị giá mấy chục tỉ.
Nhưng nghĩ đến đây, tôi lại nhanh chóng gạt đi, vì giờ không còn dây dưa gì với anh ta nữa nên chiếc xe đó có bao nhiêu tiền cũng chẳng liên quan đến tôi. Tôi chỉ cười cười bảo chị Nhung:
“Thì đắt hay rẻ em cũng có mua được đâu, chê được thì cứ chê chứ”
“Mày cứ chê cho lắm vào, mai sau lại có thằng đi Ferrari tán mày”.
“Thôi chị đi ngủ đi rồi mơ. Em đi làm việc đây”.
Bận rộn cả ngày hôm đó, đến hơn 11 giờ tôi mới lóc cóc lấy ra đạp để về bệnh viện. Vừa mới dắt xe ra khỏi cổng thì bỗng dưng có bóng người từ đâu chạy đến túm lấy ghi đông xe của tôi, giật mình ngẩng lên mới thấy Phi tóc tai rũ rượi. Cô ta vừa khóc vừa van xin tôi:
“Chị Ninh, em biết em sai rồi. Chị bảo anh Nghiêm tha cho em đi, anh ấy không dừng lại thì em c/hế.t mất, bố mẹ em cũng c/hế.t mất. Tội của em thì chị cứ để em chịu, chị nói giúp em một câu, nhờ anh Nghiêm tha cho bố mẹ em đi. Em biết em sai rồi”.
Tôi mắt tròn mắt dẹt nhìn cô ta: “Cô nói gì, tôi không hiểu”.
“Sao chị lại không hiểu? Chính chị là người bảo anh ấy trả thù em còn gì? Chị bảo anh ấy chặn đường sống của công ty nhà em, làm gia đình em đang kinh doanh tốt cũng sắp phải phá sản đến nơi rồi. Chị nói anh ấy giúp em đi”.
Nghe Phi nói vậy, tôi mới hiểu lúc trước Nghiêm đã đồng ý với tôi sẽ bắt Phi phải trả giá. Kết quả là anh ta làm theo cách này.
Mặc dù hoàn cảnh cô ta như bây giờ rất đáng thương, nhưng khi cô ta chỉ vì muốn mua vui cho mình mà bỏ thuốc tôi, khiến tôi mất đi thứ quý giá nhất của đời con gái, khiến tôi không còn mặt mũi nào để gặp lại người mà tôi thương mến, thì ai thương tôi đây? Ai đau xót cho cuộc đời tôi đây?
Cuối cùng, tôi đẩy tay cô ta ra khỏi ghi đông xe mình rồi nói: “Chuyện cô làm ra thì cô tự đi giải quyết đi. Anh Nghiêm có làm gì cô thì cũng không còn liên quan đến tôi nữa rồi, đừng có làm phiền đến tôi”.
“Sao chị lại nói liên quan đến chị? Chính vì chị nên anh ấy mới thế. Chị bảo anh ấy buông tha cho em đi. Em biết em sai rồi, chị muốn em làm gì cũng được, chị tha cho em đi”.
“Buông xe của tôi ra”
“Chị Ninh”.
Tôi dắt xe đi nhưng cô ta cứ bám mãi không buông, lẽo đẽo chạy theo tôi suốt cả đoạn đường dài làm ai cũng nhìn. Rút cuộc, tôi mới dừng lại: “Tôi đã nói rồi, bây giờ tôi với anh Nghiêm không liên quan nữa. Chuyện tốt của cô gây ra đấy. Cô không tin thì cứ đi tìm hiểu đi. Người có thể quyết định được việc buông tha hay không chỉ có anh ấy, cô đến tìm anh ấy mà xin”.
“Chị…”. Phi bị từ chối hết lần này tới lần khác thì bỗng dưng nổi đóa lên, đẩy cả tôi và xe ngã xuống đất. Lúc ấy, một cơn đau nhói từ thắt lưng dội thẳng xuống bụng dưới của tôi, tôi đau đến mức không đứng lên được, chỉ nghe cô ta xa xả chửi: “Chị đúng là đồ độc ác, đồ th.ú đội lố.t người. Tôi bỏ thuốc chị thì chị cũng được sướng, chị cũng được trèo lên người anh Nghiêm, lòng chị chắc cũng thỏa mãn lắm. Nhưng chị vẫn phải giả vờ ta đây thanh cao, ta đây là người bị hại. Hạng người giả dối như chị tôi nhổ vào, chị cứ chờ đấy, rồi một ngày nào đó kiểu gì cũng có người lột cái mặt chị ra thôi, kiểu gì chị cũng gặp quả báo”.
Nói rồi, cô ta còn đạp thêm vào xe của tôi thêm một cái rồi mới hậm hực bỏ đi. Tôi thì ngồi dưới đất ôm bụng một lúc lâu mới có thể đứng dậy, lại phủi sạch quần áo rồi lóc cóc đạp xe về.
Có điều, lúc vào phòng tắm đi tắm mới thấy ở đũng quần tôi thấm ra mấy giọt m.áu đỏ chói. Tôi cứ nghĩ là do ban nãy bị xô ngã, va đập phần mềm nên mới bị như vậy, sau đó cũng tiếc tiền với cả ngại nên không đi khám gì cả, may sao đến ngày hôm sau thì không chảy m/áu nữa, tôi cũng quên béng đi luôn.
Bẵng đi thêm nửa tháng, tình hình bệnh của Hoài bắt đầu trở nặng thêm. Con bé chảy m.áu cam suốt, người cũng gầy sọp đi rất nhanh, chỉ trong mấy ngày mà chỉ còn mỗi da bọc xương, yếu đến mức không thể ngồi dậy nổi.
Bác sĩ bảo với tôi bây giờ không có cách nào điều trị cho Hoài cả, nói đằng nào cũng chỉ có một kết quả thì tốt nhất là nên đưa em tôi về đi, để những ngày tháng cuối cùng nó được thanh thản ở bên người thân, có cha mẹ chăm sóc. Cứ ở mãi bệnh viện rồi tiêm truyền cả ngày đau đớn lắm.
Nhưng chúng tôi ở đây làm gì có người thân, cha mẹ nào chăm sóc và ngó ngàng đến em tôi? Ở Hà Nội phồn hoa này chỉ có mỗi tôi và Hoài nương tựa vào nhau để sống, tôi cũng chỉ có mình nó làm động lực để cố gắng, Huy đã đi rồi, giờ nó cũng đi thì tôi biết sống làm sao đây?
Tôi biết rồi một ngày mình sẽ phải chấp nhận kết quả đau lòng ấy, nhưng hiện giờ tôi vẫn cố chấp không muốn buông tay. Tôi níu lấy tay áo của bác sĩ, khóc nức nở:
“Bác sĩ ơi, bác sĩ cứ để em cháu ở lại đi ạ. Tốn bao nhiêu tiền cũng được, cháu sẽ cố gắng, bác sĩ đừng bắt em cháu về, em cháu không có ai là người thân ngoài cháu, mà cháu cũng chỉ có mỗi mình nó thôi. Bác cho em cháu về thì con bé sẽ c.hế/t mất, bác sĩ điều trị tiếp cho em cháu đi, bác cứu lấy em cháu với”.
Vị bác sĩ tóc bạc trắng này biết hai chị em tôi đã lâu, thấy tôi khóc như vậy mới thở dài: “Tôi cũng rất muốn cứu em cháu, nhưng bệnh này thì y học bó tay rồi. Chữa trị từ lúc còn nhỏ may ra còn có cơ hội phục hồi, nhưng em cháu đến bệnh viện quá muộn, cơ thể cũng nhiều bệnh quá, không xử lý được. Mà nằm viện cả năm nay cũng tốn kém lắm rồi, con bé cũng phải chịu rất nhiều đau đớn, thế nên tôi khuyên cháu nên đưa em cháu về đi”.
“Không, không, cháu không đưa nó về đâu ạ. Bọn cháu cũng không có nhà. Trước đây bọn cháu thuê phòng trọ, nhưng phòng sập lâu rồi, giờ bọn cháu không có chỗ nào để đi nữa, chỉ có ở bệnh viện thôi. Bác đừng đuổi bọn cháu, bác cứ tiếp tục chữa cho em cháu đi, hết bao nhiêu tiền cũng được ạ, còn nước còn tát, đến khi nào em cháu không trụ được nữa thì hãy dừng. Còn giờ con bé vẫn đang còn sống, bác đừng dập tắt hy vọng của cháu, bác cho em cháu ở lại đi ạ”.
Tôi vừa khóc vừa nói rất nhiều, nói về hoàn cảnh của chị em tôi, cầu xin bác sĩ hãy giúp cho Hoài được sống. Vị bác sĩ kia có lẽ cũng mủi lòng nên sau khi nghe xong mới vỗ vai tôi bảo:
“Thôi được rồi, tối nay tôi có cuộc họp trực tuyến với các chuyên gia đầu ngành ở các bệnh viện khác, có cả các giáo sư đang làm việc ở nước ngoài. Tôi sẽ thử hỏi về trường hợp của em gái cháu xem còn phương pháp nào không. Nhưng cháu cũng đừng nên hy vọng quá, vì thật ra chúng tôi đã sử dụng tất cả những gì tốt nhất cho em gái của cháu rồi”.
“Vâng vâng”. Tôi vội vã gạt nước mắt, rối rít cảm ơn bác sĩ: “Cháu biết rồi ạ, nhờ bác hỏi giúp cháu, cháu cảm ơn bác, cảm ơn bác”.
“Mà nhìn cháu càng ngày càng xanh xao đấy nhé, tôi nhìn bệnh không sai đâu, cháu nên thử khám xem thế nào, đừng để đến lúc phát hiện muộn khó điều trị”.
“Vâng ạ. Cháu biết rồi, có thời gian cháu sẽ đi khám ạ”.
Nói là nói vậy nhưng tôi làm gì có thời gian và tiền để đi khám, tôi thấy mình vẫn khoẻ, chỉ là dạo này hơi mệt mệt một chút thôi. Đợi vị bác sĩ kia đi xong, tôi mới vào nhà vệ sinh rửa sạch lại mặt mũi rồi về phòng bệnh của Hoài.
Con bé nằm thoi thóp trên giường, cả người chỉ còn được một nhúm nhỏ co quắp, kim tiêm cắm khắp người trong thương và xót vô cùng. Nó nghe tiếng tôi mới yếu ớt mở mắt, muốn nói gì đó nhưng môi khô khốc không thốt được nên lời.
Tôi vội vàng chạy lại, nắm tay Hoài: “Chị đây, chị đây. Em thấy mệt lắm à? Có khát nước không? Chị lấy nước cho em uống nhé?”.
“Chị ơi”. Giọng con bé thều thào, nói không ra hơi: “Em đau lắm. Sáng nay bác sĩ đến khám hỏi em có muốn về nhà không. Bác sĩ cho em về nhà hả chị? Nghĩa là em sắp c/hế.t hả chị?”.
“Lại nói vớ vẩn đấy, bác sĩ thấy em sắp khoẻ rồi nên mới hỏi thế đấy. Qua đợt đau này là sẽ khoẻ lại nhanh thôi, đến lúc đó chị xin xuất viện, rồi chị em mình đi Huế chơi nhé?”
“Chị đừng lừa em nữa, em biết hết rồi. Chị ơi, chị đừng tốn tiền cho em nằm viện nữa, chị đợi em c.hế/t rồi thiêu xá.c em đi, thả tro của em xuống sông Hồng thôi”.
Chỉ một câu nói của nó mà làm tôi không kìm được, vừa mới lau nước mắt lại khóc oà lên. Tôi nức nở ôm chặt lấy em tôi, lắc đầu nguầy nguậy: “Em không c.hế/t, chị không thả tro của em đi đâu cả. Em phải ở với chị, em phải mạnh mẽ lên. Chị đang làm tất cả để em tiếp tục được sống, em cũng không được phép buông xuôi. Hoài ơi, anh Huy đi rồi, chị chỉ có mình em thôi, em đừng bỏ chị. Đừng để chị lại một mình. Chị xin em đấy, em phải mạnh mẽ lên”.
“Chị ơi, nhưng mà…”. Con bé cũng khóc, nước mắt lặng lẽ rơi xuống áo tôi. Có lẽ chưa bao giờ chị em tôi lại sợ cảnh xa nhau như thế này cả, xa đến mức chỉ cần buông tay là cả đời sẽ không gặp được nữa.
Thế nên một lát sau, Hoài đành nói: “Chị ơi, em sẽ mạnh mẽ, em sẽ tiếp tục cố gắng, chị đừng khóc nữa. Em thương chị”.
“Ừ, chị cũng thương em. Chị thương em nhất trên đời”.
Ngày hôm sau, tôi dậy thật sớm chạy lên phòng của vị bác sĩ kia để hỏi kết quả. Không may lại đúng ngày bác sĩ ấy có việc gia đình nên tới muộn, tôi đứng chờ từ 6h sáng đến tận 11 giờ trưa mới gặp được. Bác sĩ thấy mắt mũi tôi thâm quầng mới ngạc nhiên hỏi:
“Cháu đứng đây từ sáng đấy à?”.
“Vâng, cháu đứng chờ từ sáng ạ. Cháu tưởng khoảng 7h bác sẽ đến”.
“Hôm nay tôi có việc, cũng quên nói lại với cháu”. Bác sĩ vừa mở cửa phòng vừa bảo tôi: “Hôm qua tôi đã hỏi về trường hợp của em cháu rồi, hầu như tất cả đều nói không còn phương pháp chữa trị. Nhưng có một giáo sư nói gần đây ở Mỹ mới sáng chế ra một loại thuốc mới, có thể khắc phục tạm thời được các triệu chứng nhược cơ. Song song với đó cũng nên dùng các loại thuốc tốt nhất để tìm cách phục hồi lại nội tạng của cơ thể sau suy đa tạng. Tất nhiên đó chỉ là lý thuyết mới được nghiên cứu, còn lại chưa có ai áp dụng và cũng không dám chắc tỉ lệ đáp ứng thuốc hay thành công là bao nhiêu”.
“Chỉ cần có hy vọng là được ạ, dù là 1% cũng được. Bác sĩ có thể liên hệ để em cháu dùng thuốc đó không ạ?”.
“Việc thuốc thì giáo sư kia có thể đặt hàng giúp, nhưng vấn đề là thuốc của Mỹ rất đắt, nhất là những thuốc mới được cấp phép như thế. Các loại hỗ trợ phục hồi nội tạng cũng rất đắt. Cháu cứ cân nhắc chi phí đi”.
“Vâng. Bác có biết số tiền khoảng bao nhiêu không ạ? Cháu muốn biết áng chừng để lo liệu ạ”.
Vị bác sĩ già đẩy gọng kính lên cao, khẽ hắng giọng một tiếng: “Khoảng trên 1 tỷ”.
Nghe đến số tiền, mồm miệng tôi lập tức cứng lại. Tôi mở to mắt nhìn vị bác sĩ kia, ông ấy cũng dường như đọc hiểu được sự hốt hoảng của tôi nên thở dài: “Những thuốc đó không thuộc danh mục bảo hiểm nên rất đắt, không phải người bệnh nào cũng có thể mua được. Mà cũng chưa chắc em gái cháu đã đáp ứng được thuốc. Cháu cứ suy tính kỹ càng xem thế nào”.
“Vâng ạ”. Tôi chần chừ một lát rồi lại nói: “Nhưng cháu sẽ không bỏ cuộc đâu, cháu sẽ cố gắng, cháu sẽ thật cố gắng để kiếm tiền. Mong bác tạo điều kiện giúp đỡ cháu”.
“Ừ, nếu khó khăn quá thì tôi sẽ thử kêu gọi các mạnh thường quân ủng hộ xem thế nào, hoặc cháu thử đăng ký chương trình Cặp Lá Yêu Thương xem. Hy vọng em cháu sẽ chờ được cho đến khi có thể gom được tiền ủng hộ, hoặc VTV duyệt hồ sơ của cháu”.
“Vâng ạ, cháu cảm ơn bác”.
Mặc dù bác sĩ đã đưa ra các phương án để tôi có thể kêu gọi ủng hộ như vậy, nhưng thực sự tôi không thấy khả thi lắm. Thứ nhất là vì bệnh của Hoài đã quá nặng, khó lòng chờ lâu thêm, thứ hai là bây giờ người nghèo đau ốm nhiều như thế, chắc gì hoàn cảnh của tôi đã là đáng thương nhất để được người ta quan tâm đến.
Nhưng số tiền hơn 1 tỷ thực sự quá lớn với tôi, tôi không thể nhờ ai giúp đỡ được cả, tôi muốn cứu em nhưng lại không có khả năng ấy. Lần trước đưa Hoài nhập viện đã thấy tuyệt vọng vô bờ, lần này tôi còn cảm thấy tuyệt vọng hơn, cảm giác không còn đường để đi tiếp vậy.
Tôi không còn nước mắt để khóc, chỉ lảo đảo rời khỏi phòng bác sĩ, vừa đi vừa ngửa đầu lên trời ra sức hít thở. Nhưng hình như vì sáng nay tôi không ăn gì, lại đứng quá lâu nên bắt đầu hoa mắt, đầu óc chếnh choáng, mọi thứ trước mặt cứ dần dần xoay vòng ngả nghiêng.
Vừa định ngồi xuống ghế nghỉ thì bỗng dưng trời đất tối sầm, tôi ngất đi giữa hành lang bệnh viện. Cũng chẳng rõ ai đã đưa tôi đến phòng cấp cứu, chỉ biết khi mở mắt ra đã thấy mình đang nằm trên giường bệnh rồi.
Một chị y tá đang chỉnh kim truyền, thấy tôi mở mắt mới hỏi: “Tỉnh rồi à?”.
“Vâng ạ. Em bị ngất hả chị?”
“Ừ, ngất giữa hành lang, mọi người đi qua thấy nên đưa chị vào phòng cấp cứu. Chúng tôi đã lấy m.áu của chị mang đi xét nghiệm rồi. Chị đang có thai, chị có biết không?”

Yêu thích: 4.4 / 5 từ (8 thả tim)
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN