Yêu Hận Tựa Như Núi - Phần 22
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
407


Yêu Hận Tựa Như Núi


Phần 22


Bước chân của Nghiêm ngay lập tức dừng lại, không đợi anh ta quay đầu, tôi đã vội vàng nói:
“Đứa bé là con của anh”.
Anh ta xoay người nhìn tôi, gương mặt bình thản không một chút gợn sóng:
“Ninh, trò đùa này không thú vị chút nào cả”
“Tôi không đùa”. Bàn tay tôi lặng lẽ siết chặt thành quyền, mười đầu ngón tay cắm sâu vào da thịt: “Tôi cũng mới phát hiện ra gần đây thôi. Nếu anh không tin, anh có thể đi kiểm tra cùng tôi”.
Ánh mắt Nghiêm lặng lẽ dời xuống phần bụng tôi, ở đó vẫn còn phẳng phiu, đến giờ đã bốn tháng rồi mà vẫn không hề nhô lên chút nào cả. Một lát sau, anh ta mới bước về phía tôi lần nữa, tay ấn nút mở cổng:
“Chúng ta không gặp nhau mấy tháng rồi?”
“Hơn ba tháng”.
Anh ta gật đầu: “Hơn ba tháng không gặp, rồi tự nhiên nửa đêm cô chạy đến đây, hỏi tôi có muốn tiếp tục mối quan hệ lợi dụng lẫn nhau với cô không, nói sẽ đi theo tôi. Sau đó là nói có thai con của tôi. Ninh, cô có cảm thấy những chuyện này đường đột quá không?”.
“Có. Tôi biết tự nhiên chạy đến đây tìm anh rồi nói những lời như thế rất đường đột. Rất khó chấp nhận. Anh cũng có rất nhiều lý do để không tin tôi. Nhưng từ trước đến nay người duy nhất mà tôi … phát sinh quan hệ chỉ có anh, bây giờ siêu âm bác sĩ cũng bảo em bé cũng đã được bốn tháng. Anh biết đấy, điều kiện của tôi không thể nuôi được một đứa bé, hơn nữa em tôi còn đang bệnh rất nặng, cần có tiền để chữa bệnh. Nếu không phải rơi vào bước đường cùng thì tôi cũng sẽ không mặt dày đến tận đây tìm anh, nhưng tôi thật sự không biết làm thế nào cả, lúc này tôi chỉ nghĩ được dù sao đứa bé trong bụng tôi cũng có một phần m.áu mủ của anh. Cho nên tôi…”.
“Cho nên cô muốn dùng đứa bé để đòi tiền tôi?”.
“Không”. Tôi ngay lập tức phủ định, nhưng sau khi nghĩ kỹ lại, cũng cảm thấy lời Nghiêm nói có phần đúng, nên đành sửa lại: “Trước đây anh nói chuyện xảy ra trên tàu là lỗi của anh, anh sẽ chịu trách nhiệm, phải không?”.
“Tôi đã chịu trách nhiệm rồi. Chuyện Phi bỏ thuốc cô, cô ta cũng phải trả giá rồi. Còn về đứa bé…”. Anh ta nghĩ ngợi vài giây rồi lạnh nhạt đáp: “Nói thật với cô, tôi cảm thấy hơi khó tin”.
“…”
“Ninh, chúng ta đều không còn trẻ, ai cũng đã trưởng thành và có thể tự chịu trách nhiệm với những chuyện mình làm rồi. Tôi đã nghĩ cô sẽ biết tự bảo vệ bản thân. Hoặc có thể tôi đã nhìn nhầm cô, coi cô không giống những người phụ nữ toan tính khác, sẵn sàng đánh đổi tất cả, thậm chí lợi dụng cả một đứa trẻ còn trong bào thai để ràng buộc tôi”.
Những câu nói của anh ta như từng cái tát đau đớn vả thẳng vào mặt tôi. Tôi cảm thấy gò má mình bỏng rát, nhưng ở tận sâu trong lòng còn khó chịu hơn ngoài mặt gấp trăm lần.
Tôi phải hít vào mấy hơi thật dài, thật dài, để áp chế sự nước mắt chực trào ra khỏi khóe mắt: “Đúng. Tôi là kẻ toan tính, một kẻ nghèo không biết thân biết phận, muốn trèo cao. Bây giờ tôi dùng đứa trẻ này để đòi tiền anh, anh sẽ chấp nhận, hay là không?”.
“Vậy tôi hỏi cô, nếu tôi không chấp nhận, cô sẽ giữ hay là không?”.
“Sẽ giữ”
Nghiêm cười nhạt: “Cảm thấy sinh nó ra có thể kiếm được nhiều hơn à?”.
“Đúng thế. Người muốn leo lên giường anh không ít, người muốn mang thai con của anh cũng không ít, khó khăn lắm mới có cơ hội sinh con cho tổng giám đốc của Vĩnh Nghiêm, tất nhiên tôi phải giữ cho chắc”.
“Cô có biết suy nghĩ của mình ngây thơ thế nào không?”. Anh ta nói xong, không chờ tôi trả lời đã tiếp tục: “Để cô không thể sinh, tôi có rất nhiều cách. Ninh, chúng ta hoàn toàn khác nhau, chuyện có một đứa con chung hay ràng buộc nhau là một việc rất viển vông. Lúc trước tôi hỏi cô có muốn tiếp tục một mối quan hệ lợi dụng lẫn nhau không, nghĩa là tôi chỉ muốn một mối quan hệ không ai làm phiền ai cả, tôi cho cô thứ cô muốn, cô cho tôi thứ tôi muốn, chán rồi thì đường ai nấy đi. Cô phải hiểu rằng không có ai và bất cứ thứ gì có thể ép buộc được tôi, cố ý làm trái điều ấy sẽ phải chịu hậu quả, biết không?”
Khi nói những lời này, ngữ điệu của anh ta vẫn trầm ổn như thường, nhưng lời nói lại sắc lẹm như d/ao khiến tôi cảm thấy sợ hãi. Tôi ngước lên nhìn anh ta:
“Vậy anh muốn g/iế.t nó sao?”.
Lần này, Nghiêm không trả lời, chỉ bảo: “Ngày mai tôi sẽ bảo Nhân đưa cô đến bệnh viện, kiểm tra xong rồi tính tiếp”.
“Được. Vậy ngày mai tôi lại đến”.
“Không cần đâu. Cô ở đâu thì cứ nhắn cho Nhân địa chỉ là được, cậu ấy sẽ đến đón cô”.
“Cảm ơn anh”.
Cuộc nói chuyện của chúng tôi cứ thế kết thúc, không tìm ra phương hướng, không có bất ngờ hay vui mừng, đúng như tôi dự đoán, Nghiêm vốn dĩ không chấp nhận đứa trẻ này, dù có thực sự có phải con của anh ta hay không, anh ta cũng không muốn tôi sinh ra nó.
Có lẽ, với nhiều người sẽ cảm thấy oán hận, trách anh ta tàn nhẫn. Nhưng tôi thì khác, tôi hiểu chúng tôi vốn không cùng một thế giới, chuyện đêm đó chỉ là ngoài ý muốn, không xuất phát từ tình yêu. Giờ đùng một cái tôi chạy đến bảo mang thai con của anh ta, anh ta không chấp nhận được cũng đúng. Nếu đổi lại là tôi, tôi cũng sẽ làm như vậy.
Người như Nghiêm sinh ra đã là con nhà giàu ăn sung mặc sướng, ngay cả việc kết hôn cũng phải lấy người tương xứng. Một kẻ nghèo như tôi ngay đến cả chút tiền ít ỏi để nuôi sống bản thân còn không có, tôi với anh ta khác nhau một trời một vực, anh ta không thể để cuộc đời mình bị hủy hoại trong tay tôi được.
Nghĩ đến đây, tự nhiên tôi thấy tủi thân, nước mắt lại chậm rãi rơi xuống, dù đưa tay lau rồi mà vẫn không thể lau hết được. Tôi đi bộ từ nhà anh ta ra đến đầu khu đô thị để bắt xe, nhưng cứ đứng mãi, đứng mãi bên lề đường mà không tìm được một chiếc Taxi nào, điện thoại thì không mang. Rút cuộc, khi tôi đành đi bộ về thì một chiếc Rolls-Royce xuất hiện trước mặt, anh Nhân hạ kính xuống, bảo tôi:
“Ninh, lên xe đi”.
Tôi chần chừ nhìn quanh một lát, sau đó cũng trèo lên xe. Vừa ngồi vào tôi đã hỏi:
“Sao anh lại đến đây vào giờ này? Anh Nghiêm bảo anh đến à?”.
“Ừ. Anh Nghiêm bảo đằng nào trời cũng gần sáng rồi, bây giờ đưa em đi ăn gì đó rồi đến bệnh viện kiểm tra luôn cho đỡ mất thời gian”.
“À… vâng”.
Anh Nhân liếc tôi qua gương chiếu hậu: “Ninh này…”.
“Dạ”.
“Sao em ngốc thế hả? Em có biết trước giờ anh Nghiêm ghét nhất những chuyện như vậy không?”
“Em không biết”.
“Mặc dù đây không phải chuyện của anh, nhưng anh cũng phải nói thật cho em biết. Làm thế thì người thiệt chỉ là bản thân em thôi. Anh Nghiêm và em trước giờ cùng lắm cũng chỉ là cảm mến, yêu thì chắc chắn là không phải. Mà người như anh Nghiêm, dù có yêu sống yêu c.hế/t thì cũng không thể lấy người mình yêu được. Hôn nhân của nhà tài phiệt trước giờ luôn là thế, anh Nghiêm lại là tổng giám đốc của Vĩnh Nghiêm, anh ấy có thể lấy người mình không yêu, có thể nuôi phụ nữ bên ngoài, nhưng không thể có con ngoài giá thú được. Nó còn liên quan đến việc thừa kế, liên quan đến cổ phần, cả những chuyện tranh giành trong nội tộc. Thế nên có con ngoài giá thú là điều tối kỵ, em có hiểu không?”.
“Chuyện của nhà giàu em không hiểu. Em cũng không nghĩ sâu xa như thế. Bây giờ chuyện đã rồi, không thể thay đổi được, anh bảo em phải làm sao?”.
Anh Nhân thở dài: “Anh nghĩ cuộc đời em còn dài, em không thể ở bên anh Nghiêm thì cũng không nên tự làm khó mình. Ninh, buông tha cho đứa trẻ, cầm lấy một số tiền rồi đi nơi khác đi”.
Tôi bật cười, cười một cách cay đắng và chua chát: “Nếu đã dễ như thế, em cũng sẽ không tự làm khó mình đâu”.
Sau đó, anh Nhân không nói nữa, chỉ lặng lẽ chở tôi đi ăn một tô cháo gà ác đầy ắp, cuối cùng là chở tôi đến một bệnh viện tư nhân quốc tế.
Ở đây, các bác sĩ cũng chẩn đoán tôi có thai hơn bốn tháng, thành tử cung mỏng, nhau cài răng lược. Anh Nhân vốn không để ý đến vấn đề này, chỉ hỏi muốn xét nghiệm huyết thống bào thai có được không.
Bác sĩ nói vào thời điểm này thì có thể, cho nên sau đó đã đưa tôi đi chọc ối để lấy ADN của thai nhi, xong xuôi, bởi vì họ hẹn 2 ngày nữa mới có kết quả nên anh Nhân lại đưa tôi về bệnh viện chỗ Hoài.
Mấy chị y tá thấy tôi thất thất thểu thểu đi về mới hỏi tôi đã xoay sở được tiền chưa, giờ Hoài nằm trong phòng ICU rất cần có thuốc điều trị.
Tôi mỏi mệt đáp: “Sắp có rồi ạ. Các chị cho em thêm 2 ngày. Em gom đủ tiền rồi thì em sẽ đi nộp ngay”.
“Ừ, phải sớm lên. Bây giờ ICU chỉ cố gắng làm những điều tốt nhất trong khả năng cho em của chị thôi, còn vấn đề cụ thể thì vẫn phải là thuốc. Có thuốc mới mong có tiến triển, nếu không thì bệnh nhân cũng không có sức khỏe để trụ được những đợt điều trị nặng như vậy”.
“Vâng, em biết mà, em sẽ cố gắng. Nhờ các chị chăm sóc em em giúp em, em sẽ cố gắng xoay sở tiền trong thời gian sớm nhất. Sẽ có thôi. Các chị đừng để em của em c.hế/t”.
Các chị y tá nhìn tôi đầy thương cảm: “Cố gắng lên nhé. Khổ thân, đang bầu bí mà phải tất tưởi lo nhiều việc quá. Nhưng qua được giai đoạn này sẽ ổn thôi, cố lên”.
“Vâng, em cảm ơn chị”.
Mấy ngày Hoài nằm trong phòng ICU, tôi không được vào thăm, cũng không có tâm trạng đi làm. Cả ngày cứ lang thang như một kẻ vô hồn trong bệnh viện.
Tôi không ăn được, cả ngày chỉ uống nước, cộng với việc thể trạng gần đây suy kiệt nên đến ngày thứ 2 thì không chịu nổi, vừa ra đến cổng viện thì tự nhiên thấy có thứ gì đó ấm nóng trào ra từ thân dưới, chưa kịp nhìn xem là gì thì đã xây xẩm mặt mày rồi ngã nhào xuống đất. Trong lúc mơ màng chưa ngất đi, tôi lại nghe thấy có người hò hét bế tôi lên, đưa tôi vào phòng cấp cứu.
Lần này tôi mở mắt dậy thì đã không còn nằm trong phòng cấp cứu nữa, xung quanh là một phòng bệnh cao cấp thuộc khu VIP, ở ghế sofa bên kia còn có Nghiêm.
Anh ta thấy tôi mở mắt mới đứng dậy, đi lại giường nhìn tôi đăm đăm. Nghiêm không mở miệng nói chuyện, chỉ có tôi hỏi:
“Sao anh lại ở đây?”
“Hỏi cô đi, bác sĩ bảo trong vòng một tháng cô đã ngất 2 lần, vừa thấy mặt tôi đã mắng xa xả”.
Tôi vô thức đưa tay lên bụng, dù rất lo lắng, nhưng linh cảm của một người mẹ cho tôi biết con tôi vẫn còn tồn tại bên trong. Vả lại, giờ này Nghiêm vẫn ở đây, nói những lời như vậy nghĩa là đứa bé vẫn không sao cả.
Tôi lén lút thở ra một tiếng, cụp mi mắt, đáp một cách máy móc: “Tôi xin lỗi, lại làm phiền anh rồi”.
Nghiêm ngoảnh đầu đi nơi khác, kéo một chiếc ghế đôn ở gần đó rồi ngồi xuống bên cạnh giường tôi. Anh ta lấy một tập hồ sơ để trên tủ tab, nói: “Có kết quả ADN rồi”.
Tôi không bất ngờ, cũng không muốn nói kết quả thế nào, bởi vì trong lòng tôi rõ nhất, đứa bé này chỉ có thể là con của Nghiêm.
Anh ta dường như cũng hiểu nên không thông báo cụ thể kết quả cho tôi, chỉ hỏi: “Bác sĩ có nói đến vấn đề của cô, cô có biết chưa?”.
“Tôi cũng có nghe bác sĩ giải thích vài lần, cũng thử tìm hiểu trên mạng rồi. Xin lỗi, bây giờ rơi vào hoàn cảnh này tôi cũng không biết nói gì ngoài xin lỗi anh cả. Nếu như anh không muốn sinh, thế thì không chỉ có mạng của đứa bé, mà còn có cả mạng của tôi. Tôi luôn hy vọng mọi chuyện sẽ dễ giải quyết, nhưng bây giờ làm khó anh rồi đúng không?”.
Nghiêm không trả lời mà chỉ lặng lẽ nhìn tôi: “Ý của cô thế nào?”
Tôi trả lời rất ngắn gọn: “Tôi muốn sống”.
Dưới ánh đèn, gương mặt của người đàn ông kia vẫn lạnh nhạt không suy chuyển. Tôi phát hiện ra, chỉ sau 3 tháng không gặp mối quan hệ giữa người với người đã khác, không còn thoải mái vô tư như trước đây, chỉ có xa cách cùng gượng ép.
Nghiêm im lặng một lúc rất lâu mới đáp: “Chuyện có con ngoài giá thú là một chuyện rất khó chấp nhận không chỉ với tôi, mà còn với cả gia đình tôi, hoặc nói rộng ra là cả tập đoàn Vĩnh Nghiêm”.
“Tôi hiểu. Anh Nhân đã giải thích cho tôi hiểu rồi. Thế nên tôi mới muốn xin lỗi anh”
“Thế này đi. Tôi sẽ thử đưa cô ra nước ngoài kiểm tra, bên đó điều kiện y tế tốt hơn. Biết đâu sẽ có cách. Bác sĩ cũng nói việc mang thai lần này của cô rất nguy hiểm, không những sau sinh, mà còn có cả trong thai kỳ. Giống như lần này, bởi vì vấn đề đó nên cô mới bị x.uấ/t huyết. Tôi nghĩ trước hết cứ kiểm tra kỹ lưỡng rồi tính tiếp”.
“Được”. Tôi mỉm cười nhẹ tênh, không giận anh ta vẫn kiên trì muốn tôi từ bỏ đứa nhỏ, chỉ nói: “Nhưng tôi có một yêu cầu trước, có được không? Nếu anh đồng ý, dù sang nước ngoài xong có thế nào, tôi cũng sẽ làm theo yêu cầu của bác sĩ, tôi hứa với anh, tôi nhất định sẽ không chống đối”.
“Cô nói đi”.
“Em tôi cần một số tiền lớn để mua thuốc. Anh có thể cho tôi mượn tạm trước được không?”.
“Bao nhiêu?”.
Tôi xấu hổ, nói ra số tiền cũng thấy vô cùng ngượng miệng: “Khoảng 1 tỷ rưỡi”.
“Được. Lát nữa tôi sẽ bảo Nhân cầm đến cho cô”. Nghiêm thở hắt ra một tiếng, đứng dậy: “Dưỡng bệnh cho tốt đi. Tốt nhất là nên có sức khỏe ổn định thì mới sang nước ngoài được”.
“Vâng, tôi biết rồi. Cảm ơn anh”.
“Đi đây”.
Sau khi anh ta đi khỏi, chỉ còn một mình tôi nằm trong phòng bệnh rộng rãi, dù điều kiện vật chất khá tốt, nhưng lòng tôi lại thênh thang trống rỗng, tựa như một con bướm với đôi cánh tả tơi, dù tự do nhưng lại không biết phải bay đi đâu vậy.
Nằm vẩn vơ suy nghĩ một hồi, tôi mới mở tập hồ sơ kết quả ADN ra xem. Trong đó có ghi một dòng đỏ chói rất rõ ràng: Bào thai có ADN tương thích với ông Trần Đại Nghiêm 99,98%. Thậm chí còn có một tờ kết quả ghi các chỉ số liên quan đến nhiễm sắc thể thai nhi, tôi đọc thấy có bộ nhiễm sắc thể thứ 46 là XY. Như vậy con của tôi là con trai nhỉ?
Tôi vô thức đưa tay lên bụng sờ lần nữa, nghĩ thương con quá nên nước mắt lại lặng lẽ lăn dài.
Con đến với thế giới này theo một cách bất ngờ nhất, không có được sự đón nhận của ai, cả cha và mẹ vốn không hề yêu nhau, bây giờ chỉ nghĩ đến những phương pháp tàn nhẫn nhất. Một người không có đủ điều kiện để nuôi dưỡng, một người lại không thể có con ngoài giá thú, những bế tắc của người lớn lại chỉ có thể trút lên một sinh mạng nhỏ bé mong manh.
Con có tội lỗi gì đâu, sao lại phải gánh chịu những khổ đau của người lớn chứ?
Tôi mỏi mệt ngủ thêm một giấc, đến khi mặt trời ngả về Tây lại bị đánh thức bởi tiếng gõ cửa. Anh Nhân mang theo túi to túi nhỏ vào thăm tôi, vừa thấy tôi định ngồi dậy đã nói:
“Nằm đi, nằm đi. Em đang ốm, dậy làm gì. Anh có mang ít đồ ăn với thuốc bổ cho em đây”.
“Em khỏe mà. Anh mang nhiều thế này em ngại quá”
“Ngại gì mà ngại. Dù thế nào cũng phải tẩm bổ chứ, nhìn em gầy mà xanh như tàu lá ấy. Trông cứ như bị đói ăn lâu ngày”.
Tôi gượng gạo cười, nhìn anh Nhân trút hộp này hộp kia lên bàn, xong xuôi, anh Nhân mới rút ra một túi đựng tiền dày cộp, để ở bên cạnh giường cho tôi:
“Anh Nghiêm bảo anh đưa cho em số tiền này. Trong này là 1 tỷ 700 triệu, em nhận đi”.
“Bao nhiêu cơ ạ?”.
“Một tỷ bảy trăm triệu”.
Số tiền này quá nhiều, hơn số tôi yêu cầu tận 200 triệu, tôi định hỏi lý do tại sao Nghiêm lại đưa nhiều như vậy, nhưng nghĩ lại, chừng ấy tiền đối với anh ta chỉ là một con số nhỏ, anh ta lại đang muốn tôi từ bỏ đứa trẻ, đưa nhiều như thế chắc hẳn phải có mục đích.
Thế nên tôi không hỏi nữa, chỉ nhìn anh Nhân: “Vâng, em biết rồi. Em cảm ơn anh”.
Anh Nhân gật đầu, dặn dò tôi những loại vitamin kia uống thế nào, cháo lúc nào thì ăn. Xong lại hỏi: “Mà em đưa cho anh chứng minh thư của em đi, anh đi làm hộ chiếu. Ra nước ngoài cần có hộ chiếu mới bay được”
“Vâng. À mà đi nước nào hả anh?”.
“Sang Singapore thôi, bay không lâu đâu, khoảng hơn 3 tiếng là đến”.
“Vâng. Em biết rồi”.
Anh Nhân nhận lấy chứng minh thư của tôi xong, nhìn nhìn một lúc rồi lại thở dài: “Ninh này, hôm trước anh có nghe bác sĩ nói đến việc mang thai của em nhưng không để ý lắm. Mãi hôm nay mới biết nguy hiểm như thế. Chuyện đưa em ra nước ngoài để kiểm tra lại và tìm phương án tốt nhất, em cũng đừng trách anh Nghiêm. Bởi vì anh ấy cũng bất đắc dĩ mới phải làm vậy thôi”.
“Vâng, em hiểu mà”. Tôi cười: “Việc này cũng có phần lớn lỗi do em, nếu em biết tự bảo vệ bản thân thì cũng không đến bước đường cùng như thế này”.
“Anh có xem kết quả xét nghiệm rồi, đứa bé là con trai”
“Vâng”
“Như thế thì lại càng khó”
Mặt mày anh Nhân nặng trĩu như đeo chì: “Con gái thì còn có hy vọng, chứ con trai thì sau này lớn lên, chắc chắn sẽ liên quan đến chuyện thừa kế Vĩnh Nghiêm. Mà em biết đấy, gia đình của anh Nghiêm phức tạp lắm, để anh Nghiêm tự giải quyết còn dễ, chứ nếu là gia đình anh ấy giải quyết thì …”. Anh Nhân ngừng lại vài giây, liếc qua sắc mặt tôi: “… mạng người cũng chỉ đáng giá bằng tiền thôi. Mà tiền thì bọn họ có thiếu đâu”.
“Anh Nhân, em biết anh muốn tốt cho anh Nghiêm, hoặc muốn tốt cả cho em nữa. Nhưng anh không cần phải lo đâu, em không cố tình mang thai để hy vọng con em được hưởng quyền thừa kế từ Vĩnh Nghiêm. Nếu có thể, em chỉ muốn cả em và con được sống yên bình,nhưng việc em muốn và việc em có thể làm lại là hai chuyện khác nhau. Em đã nhận tiền của anh Nghiêm rồi, về sau mọi việc em sẽ để anh ấy quyết định”.
Ánh mắt anh Nhân nhìn tôi có chút biến đổi, tựa như ngạc nhiên, cũng tựa như thương cảm và trách móc. Nhưng anh ấy không nói ra, chỉ gật đầu: “Em hiểu thì tốt. Ninh, cuộc đời em còn dài. Anh và anh Nghiêm đều mong những chuyện tốt sẽ đến với em”.
“Cảm ơn anh”.
Sau khi anh Nghiêm ra về, tôi cũng lập tức bấm chuông gọi y tá đến rút dịch truyền, chờ bác sĩ kiểm tra ổn thỏa xong mới vịn tường đi về khu điều trị tích cực.
Cũng may giờ ấy vị bác sĩ chữa bệnh cho em tôi vẫn chưa tan làm, lúc thấy tôi cầm xấp tiền dày đi vào, bác ấy mới hỏi:
“Cháu làm sao có số tiền lớn thế này?”.
“Cháu vay được bạn ạ”.
“Thật không? Trông cháu còn mệt hơn cả mấy ngày trước, có phải cháu bán cái gì không?”.
Tôi cười đến mặt mày méo xệch: “Cháu không bán gì đâu ạ, hai quả thận đang còn nguyên, nội tạng cũng còn nguyên. Tại mấy ngày không ngủ nên cháu hơi mệt thôi ạ”.
Bác sĩ nhìn nhìn tôi từ đầu đến chân một lượt, sau đó tôi phải nói mãi mới chịu tin. Bác sĩ nhận tiền của tôi xong liền gọi cho người ở bên nước ngoài, bảo sẽ trong ngày hôm nay sẽ chuyển tiền đến họ và yêu cầu được nhận thuốc sớm nhất.
Sau khi cúp điện thoại xong xuôi, bác ấy mới quay lại bảo tôi: “Họ nói khi nhận tiền xong sẽ xuất hóa đơn, xuất hàng và gửi theo đường máy bay về ngay, nếu kịp sẽ gửi luôn trong ngày. Bây giờ bên đó đang là 7h sáng, nếu gửi về được hôm nay thì khoảng sáng sớm ngày kia thuốc sẽ về đến đây”.
“Vâng, thế thì tốt quá. Cháu cảm ơn bác sĩ”. Nói tới đây, tôi lại chợt nhớ ra một chuyện nên hỏi: “À phải rồi, cháu làm phiền bác quá. Tiền cháu đưa cho bác là tiền mặt, bây giờ hết giờ ngân hàng làm việc rồi, làm sao để chuyển tiền đi nước ngoài được hả bác?”.
“Thu ngân bệnh viện vẫn chuyển được đấy. Đi, tôi dẫn cháu xuống dưới thu ngân, nhờ họ chuyển tiền”.
“Vâng ạ”.
Chuyển tiền xong xuôi, tôi lại vòng qua khu ICU để hỏi han tình hình của Hoài, được các chị y tá thông báo em tôi vẫn thở, tôi mới yên tâm quay lại phòng bệnh ban nãy để nghỉ ngơi.
Trên bàn có sẵn đồ ăn, vitamin và sữa. Tôi xem một vòng nhưng không dám uống, bởi vì nói sao thì nói, tôi vẫn không hoàn toàn tin Nghiêm. Sợ anh ta bỏ thuốc gì đó vào đồ ăn nên rút cuộc tôi chỉ ăn đồ của bệnh viện, no bụng rồi lại lên giường đi ngủ.
Hai ngày sau thì thuốc của em tôi cũng đã được vận chuyển về đến bệnh viện, trước khi các bác sĩ truyền cho Hoài, tôi đã niệm kinh Phật rất nhiều, sau đó thì ngày nào cũng cầu trời khấn phật cho em tôi sẽ tiếp nhận loại thuốc này và khỏe lại, tôi còn nguyện cầu cho đứa bé trong bụng tôi được mạnh khỏe bình an.
Có lẽ ông trời đã nghe thấy lời cầu nguyện của tôi, hoặc cũng có thể do loại thuốc kia thật sự có tác dụng mà một tuần sau đó rút cuộc Hoài cũng có phản ứng. Các bác sĩ thông báo cho tôi biết bệnh tình của con bé đang có tiến triển tốt, nếu cứ thế này thì khoảng nửa tháng đến một tháng nữa thì chắc chắn sẽ tỉnh.
Tôi nghe xong thì mừng ơi là mừng, cứ rối rít cảm ơn các bác sĩ, sau đó còn vui quá nên gọi cả cho chị Nhung để thông báo.
Chị Nhung cũng mừng thay cho tôi, cứ cười mãi: “Ừ đấy, thế thì tốt rồi. Tao nói rồi, mày cứ ăn ở tốt thì kiểu gì ông trời cũng nhìn đến mày. Đừng lo nữa nhé, bữa nào ổn ổn rồi thì đi làm với chị”.
“Vâng. Nhưng mà em nói thật, chị cứ tuyển người đi. Chứ em đi làm mà cứ đi bữa đực bữa cái thế này ngại lắm, sợ ảnh hưởng đến quán và đến chị nữa”
“Ôi giào, tao vẫn cân được, mày không phải lo. Mày đi làm thì tao rảnh rỗi hơn tý, mà mày không đi thì tao lại bận thêm một tý, chứ có quái gì mà ảnh hưởng”. Chị Nhung mắng xong, lại nhớ ra chuyện gì nên hỏi: “Mà mày lấy đâu ra chừng ấy tiền mua thuốc đấy? Có mạnh thường quân nào tài trợ à?”.
“Vâng”
“Ai mà hào phóng thế?”
“Chuyện này dài lắm, để lúc nào em đi làm rồi em kể cho chị nghe. Giờ em chưa đi làm được, chị chịu khó làm giúp em một thời gian nhé?”.
“Biết rồi, không phải lo. Cứ lo việc của mày đi, ổn thì đi làm”.
“Vâng ạ. Em cảm ơn chị”
“Nhớ là phải kể cho tao nghe đấy, mày mà lươn khươn thì mày c.hế/t với tao”.
Tôi cười hì hì: “Em biết rồi mà. Thôi em phải vào rồi, em cúp máy đây”.
Sau đó vài hôm thì anh Nhân lại đến bệnh viện thăm tôi, đưa thêm đồ ăn, sữa và đồ bổ cho tôi, còn đưa cho tôi hộ chiếu và vé máy bay. Tôi tưởng lần này người đưa tôi sang Singapore là anh Nhân nên hỏi anh ấy có cần mang theo nhiều đồ không, đi khoảng bao nhiêu ngày.
Nhưng anh Nhân lại nói: “Lần này anh Nghiêm đi cùng em. Thời gian ở lại thì anh không rõ, tùy theo tình hình khám bệnh nữa. Còn đồ đạc thì em chỉ cần mang quần áo của em đi là được, vài bộ thôi mà”.
“Anh Nghiêm đi ấy hả anh?”.
“Ừ, anh đặt vé cho anh ấy với em mà. Sao thế em?”.
“À không… em tưởng anh ấy bận nên để anh đi cho tiện”.
“Ừ, gác hết lịch rồi. Anh ấy đưa em đi đấy, em cứ chuẩn bị đi, chiều mai bay”.
“Vâng”.
Ngày hôm sau anh Nhân chở chúng tôi ra sân bay, lần đầu tiên tôi được checkin ở khu vực thương gia, ngồi ghế hạng thương gia bên cạnh Nghiêm, nhưng suốt cả chặng đường bốn tiếng đến Singapore chúng tôi chẳng nói với nhau mấy lời.
Vì đã đặt lịch hẹn trước nên lúc hạ cánh xuống sân bay và tới bệnh viện đã là buổi tối nhưng vẫn có người tiếp đón chúng tôi. Một chị y tá rất xinh đẹp nói chuyện với Nghiêm bằng tiếng anh, hai người trao đổi gì đó, sau đó thì tôi được đưa vào phòng khám bệnh.
Có một vị bác sĩ đầu hói trắng siêu âm cho tôi, ông ấy xem xét rất kỹ lưỡng, Nghiêm cũng ngồi ở gần đó nhìn màn hình đăm đăm, thỉnh thoảng khi thấy tay chân đứa bé cử động, anh ta lại khẽ cau mày.
Gần 40 phút sau bác sĩ mới siêu âm xong, vừa đặt đầu dò về chỗ cũ đã quay sang nhìn Nghiêm, bọn họ cũng trao đổi bằng tiếng anh, toàn những từ mà lần đầu tôi nghe thấy.
Một kẻ ít học như tôi vốn không hiểu thứ tiếng đó, nhưng lòng tôi rất lo lắng, cứ chốc chốc lại lén lút nhìn biểu cảm của hai người đàn ông kia. Ánh mắt của Nghiêm thì tôi không thể đọc hiểu, còn ánh mắt của vị bác sĩ thì rất căng thẳng, thậm chí còn có vẻ nghiêm trọng. Bọn họ nói chuyện khoảng 15 phút thì Nghiêm mới đứng dậy, chào tạm biệt bác sĩ rồi ra ngoài, tôi cũng lững thững đi theo anh ta.
Lúc ấy, tôi muốn biết kết quả đến đ.iê.n lên được, nhưng cũng lại sợ kết quả nên cứ chần chừ mãi không dám hỏi anh ta. Mãi tới khi ra khỏi sảnh lớn bệnh viện, Nghiêm mới dừng bước chân rồi quay đầu lại nhìn tôi:
“Cô hy vọng kết quả thế nào?”.
Tôi khẽ giật mình, cũng lập tức đứng khựng lại. Mở to mắt nhìn anh ta một lát rồi lại cúi đầu đáp: “Anh sẽ không muốn nghe đâu”.
“Ừ”. Anh ta ngửa đầu lên trời thở hắt ra một tiếng: “Bác sĩ nói bây giờ thai đã lớn, khó can thiệp, mà dù có can thiệp đi nữa thì cũng rất khó xử lý nếu xảy ra biến chứng. Khuyên cô tiếp tục theo dõi thai kỳ cho đến khi đứa trẻ sinh ra”.
Tôi không biết nói gì nên chỉ im lặng. Nghiêm lại tiếp tục: “Tôi không thể lấy cô, cũng như cho đứa bé một gia đình hoàn chỉnh, cô biết điều ấy rồi phải không?”.
“Vâng, tôi biết. Tôi cũng không hy vọng anh sẽ làm những điều ấy. Nếu được sinh con ra, tôi chỉ cần có thể nuôi được con, cho con cuộc sống bình thường là được”.
“Cô còn trẻ, cuộc đời còn dài, có một đứa trẻ sẽ ràng buộc rất lớn, mà tôi thì lại không thể gắn bó với cô. Cô đã nghĩ tới tương lai đó chưa?”
“Có, tôi nghĩ đến rồi”. Tôi gượng gạo cười: “Tôi chấp nhận điều đó. Mà dù có muốn không chấp nhận thì cũng phải chấp nhận. Hy vọng anh cũng sẽ chấp nhận việc này. Tôi hứa với anh, chỉ cần có thể nuôi được con, tôi sẽ không làm phiền đến anh. Cả đời này không gặp lại nữa cũng được”.
Nghiêm im lặng suy nghĩ một lát, rất lâu, rất lâu sau anh ta mới nói với tôi: “Nếu đã không thể lựa chọn, thì cứ theo ý trời đi”.
Anh ta quay đầu nhìn tôi: “Tôi sẽ chu cấp cho cô một khoản tiền đủ để cô nuôi đứa bé đến khi trưởng thành. Còn việc sau này có gặp lại hay không thì để sau này tính. Trước hết, cô cứ dọn đến nhà tôi ở trong thời gian chờ sinh đi”.
Tôi kinh ngạc hỏi lại anh ta: “Vì sao ạ?”
“Như cô nói, đứa bé có nửa dòng m.áu của tôi, cũng không thể để cô cả ngày ở lại bệnh viện được. Không biết ở đó có những bệnh tật gì, có thể lây nhiễm đến ai. Nếu đã bắt buộc phải sinh, vậy thì cũng nên sinh nó ra lành lặn khỏe mạnh, phải không?”.

Yêu thích: 4.5 / 5 từ (12 thả tim)
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN