Yêu Hận Tựa Như Núi - Phần 4
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
440


Yêu Hận Tựa Như Núi


Phần 4


Thời gian sau đó, chỉ vì muốn sớm thực hiện được mơ ước có một căn chung cư của riêng mình mà cả tôi và Huy đều dồn hết sức lao vào kiếm tiền. Anh bỏ hẳn bốc vác để tập trung buôn hoa quả từ cửa khẩu về chợ đầu mối, sau đó lại thấy nếu chỉ đi xe không lên Lạng Sơn thì phí quá nên Huy bàn với bạn nhập bột sắn dây từ dưới này bán qua Trung Quốc. Cứ buôn đi bán lại như vậy, phần lời lãi cũng được nhiều thêm.
Tôi thì ngoài thời gian làm ở quán café ra, ban đêm còn cùng với con bé Hoài nhận thêm cả việc dán mi giả và xâu chuỗi vòng. Đến cuối tháng tổng kết lại, ba chúng tôi góp lại được cả mấy chục triệu. Số tiền lớn nhất mà từ bé đến lớn tôi được sờ vào.
Huy đưa hết tiền cho tôi giữ, anh bảo anh đàn ông, lại thường xuyên phải đi đường xa nên không dám cầm nhiều tiền. Tôi cũng không dám cầm nên bảo:
“Để nhiều tiền ở phòng cũng lo lắm. Ban ngày thì có Hoài trông, nhưng nó yếu như thế, trộm cắp vào thì không làm gì được. Hay là em làm một cuốn sổ tiết kiệm đứng tên cả ba đứa mình nhé. Có việc cần dùng thì đi rút”.
“Ừ, cũng được. Em làm sổ đứng tên mình em thôi, cần gì thì em đi rút cho dễ”.
“Nhưng trong đó có cả tiền của anh mà”.
Huy cười: “Tiền của anh cũng là tiền của em. Tiền đó để dành để mua chung cư của mình mà. Em cứ giữ lấy”. Nói tới đây, anh hơi đỏ mặt, gãi đầu gãi tai ấp úng bảo: “Anh thấy mấy đứa bạn anh cũng hay đưa tiền cho vợ giữ như thế đấy. Bọn nó bảo vợ cầm tiền thì mới yên tâm được”.
Tôi nghe thế thì vừa buồn cười mà cũng vừa ngượng, cũng không muốn từ chối làm Huy phật lòng nên đành đáp: “Vâng, thế thì em giữ hộ cho anh. Cần gì thì anh cứ nói với em nhé”.
“Ừ. Anh biết mà. Thời gian này anh đi xe, không ở nhà nhiều, em với Hoài ở nhà nhớ đóng cửa kỹ càng lại. Anh sửa ổ khoá rồi, số điện thoại của công an phường anh cũng ghi giấy dán vào cửa, em dặn Hoài nếu có gì thì gọi cho công an ngay. Mấy bọn vớ vẩn nghe đến công an là sợ đấy”.
“Vâng, em biết rồi”.
Khu tôi ở chẳng khác gì khu ổ chuột, những phòng trọ xung quanh đủ loại hạng người, từ nghi.ện hút cho đến làm g.ái, cửa nẻo lại chỉ là mấy tấm gỗ mục ghép lại. Huy không yên tâm nên cứ mỗi khi ở nhà lại kỳ cạch gia cố lại cửa chính cửa sổ, sửa sang lại đồ điện để chị em tôi ở.
Chúng tôi cứ thế đùm bọc nhau để sống, từ bùn đen nỗ lực vươn lên để có một cuộc đời tươi sáng hơn, không có ai quản vất vả khó khăn. Chỉ là có những hôm tôi đi làm ở quán cafe về mệt, cũng không được ngủ mà hai chị em cứ bật đèn xâu xâu dán dán cả đêm, lưng và mấy ngón tay tôi đau buốt cả, con bé Hoài thương tôi mới bảo:
“Chị ơi chị đi ngủ đi, em làm được mà. Mai em ở nhà cả ngày, có đi làm như chị đâu, chị cứ để đấy em làm cho”.
“Nhiều thế mình em làm sao được? Với cả em mới cần đi nghỉ ấy. Người em yếu, thức khuya quá có tốt đâu”
“Ôi em khoẻ re. Có ốm đâu mà cần đi nghỉ”. Con bé lấy tay quệt nước mũi, bàn tay nhem nhuốc dính đầy nhựa dán mi giả: “Mà lần này anh Huy đi lâu chị nhỉ? 3 hôm rồi chưa về”
“Lên cửa khẩu đường xa lắm, với cả anh ấy còn giao cả hàng sang Trung Quốc nữa, có khi hết tuần này mới về được ấy chứ”.
“Em thấy anh ấy cũng kiếm được thêm nhiều tiền hơn trước thật, nhưng cũng vất vả quá. Đi đường xa thế rõ nguy hiểm, mà cũng không được ăn uống tử tế nữa. Dạo này anh ấy gầy lắm nhé, gầy trơ cả xương vai ra”.
“Ừ, chị cũng thấy thế. Để cuối tháng này chị lấy lương, chị đi mua cho anh ấy ít thuốc bổ. Tại anh ấy ăn uống thất thường nên mới thế đấy”.
“Vâng, mà chị ơi, mai đi giao mi giả cho người ta, em đi bằng cái xe anh Huy làm cho em được không? Chỗ này phải làm đến sáng mai mới xong được, mà chị đi làm sớm, không kịp giao cho họ lúc 6h sáng đâu”.
Xe Huy làm cho em gái tôi là một miếng gỗ gắn lên 4 cái bánh xe, Hoài ngồi trên đó dùng tay đẩy là có thể đi được. Nhưng ở Hà Nội đất chật người đông này, ra đường kiểu đó rất nguy hiểm, tôi không muốn con bé đi nhưng nó cứ nằng nặc xin, khẳng định chắc nịch là đi được, rút cuộc tôi đành phải đồng ý.
Hôm đầu tiên Hoài đi không vấn đề gì, hôm thứ 2 cũng thế, đến hôm thứ 3 thì nó gọi điện thoại cho tôi khóc toáng lên, bảo nó va phải một người nào đó, giờ họ cứ túm lấy nó đòi bồi thường.
Lúc tôi chạy đến thì Hoài đang bị một đám đông vây kín, một người phụ nữ ăn mặc sang trọng giơ tay tát bôm bốp vào mặt vào đầu nó, lại cầm mấy đồng tiền lẻ ném vào người con bé:
“Mày nghĩ đền cho tao chừng này tiền là đủ à? Mày có biết bộ váy này bao nhiêu không? Con ra.nh con này, đã què quặt tật nguyền thì đừng có ra đường làm hại người khác chứ hả? Đồ nhà quê bẩn thỉu”.
Em tôi sợ co rúm người lại: “Có phải em va vào chị đâu, tại chị dẫm vào xe của em nên em mới bị ngã rồi đổ đồ lên váy chị đấy chứ. Do chị không nhìn thấy em trước chứ? Sao chị lại đánh em”.
“A, mày còn cãi à? Mày có tin tao báo báo công an đến bắt mày luôn không? Cái miếng gỗ mày ngồi mà đòi là xe à? Ai cho phép lưu thông xe này trên đường? Cái mặt mày ai cho phép ra đường? Sao người nhà mày không xích mày lại, để mày ra đường làm chó d.ại thế này hả?”.
Hoài vội vàng ôm lấy cái xe, khóc oà lên ấm ức: “Đây là xe của em”.
Cô gái kia bực tức đạp vào xe của Hoài, còn định đánh nó thêm, nhưng tôi cũng ngay lập tức xông đến tóm lấy tay cô ta:
“Này, làm cái gì đấy? Tay chân lành lặn mà ra đường đi bắt nạt người yếu thế hơn mình, cô không biết xấu hổ à?”.
“Mày là ai? Việc của mày à? Buông ra”.
Người lao động chân tay như chúng tôi tất nhiên khoẻ hơn mấy cô tiểu thư này, tôi không buông, còn bẻ quặt cô ta ra sau: “Xin lỗi con bé mau”.
“Mày nói gì? Xin lỗi ai?”
“Mày nói xem xin lỗi ai”
Hoài thấy tôi nổi đ.iên mới túm lấy chân tôi, nước mắt giàn giụa: “Chị ơi, bỏ người ta đi, em không cần xin lỗi, chị đừng động vào người ta, mình không có tiền đền cho người ta đâu”.
Cô gái kia lại gào mồm lên hét: “Thì ra bọn mày cùng một giuộc với nhau phải không? Bỏ ra. Tao báo công an bắt hết bọn mày. Lũ nhà quê mọi rợ, bỏ cái tay bẩn thỉu của mày ra”.
Sau đó, cô ta chửi chúng tôi bằng đủ loại từ ngữ, không xin lỗi, còn mắng em gái tôi là đồ tật nguyền thiếu sứt, đồ gánh nặng của xã hội. Tôi cũng đ.iên quá, bình thường tính tôi nhịn rất giỏi, nhưng động đến em tôi thì tôi tức không chịu nổi, tôi túm tóc cô ta rồi lôi đến một chiếc xe ven đường, ấn đầu cô ta xuống nắp capo xe:
“Tao bảo mày có xin lỗi không? Mày đừng tưởng mày là người Hà Nội, có tiền thì muốn chửi ai cũng được, muốn bắt nạt ai cũng được. Xin lỗi em tao mau”.
“Sao tao phải xin lỗi lũ mọi rợ chúng mày”. Rất nhiều người ở gần đó muốn can ngăn nhưng một phần vì cô gái kia quá vô lối, phần vì tôi cũng quá hùng hổ, nên cuối cùng chỉ đứng xem. Cô ta gào một lúc thấy không ai giúp mới hét: “Con đ.iên kia mày có biết tao là ai không hả? Tao nói cho mày biết, làm xước mặt tao thì cả dòng họ nhà mày có bán thận đi cũng không đền nổi, tao kiện c.hế.t mày”.
“Mặt mày có giá trị thế cơ à? Thế còn mặt em tao thì sao? Mày tát nó sưng vù mặt thì sao? Nói tao nghe xem”
Cô ta há miệng định chửi tiếp, nhưng sau đó đột nhiên lại im bặt. Vừa nãy chanh chua là thế mà giờ nước mắt từ đâu tuôn ra như mưa, tỏ vẻ ấm ức gọi: “Anh Nghiêm, giúp em với, mấy người này bắt nạt em”.
Tôi khẽ cau mày, nhìn theo hướng ánh mắt cô ta mới thấy người đàn ông đi Rolls-Royce hôm trước đang cầm một cốc café đi tới.
Anh ta hình như cũng không muốn nhúng tay vào chuyện phụ nữ đánh nhau nên chỉ tựa vào một chiếc xe khác gần đó, thản nhiên nói: “Tiếp tục đi”.
Cô ta càng khóc to hơn: “Cô ta đánh em, em không làm gì cả, tự nhiên cô ta đánh em. Anh giúp em với. Không thì cô ta g.iế.t em mất”.
Tôi cứ tưởng ‘người đẹp’ khóc thảm thương là thế, người có quen biết như Nghiêm ít nhiều gì cũng phải giúp đỡ. Không ngờ anh ta lại đáp nhẹ tênh:
“Sợ c.hế.t thì cô phản kháng lại đi. Cô cũng có hai chân hai tay như người ta, không đánh lại được là lỗi của cô, lôi tôi vào làm gì?”.
“Em…Em yếu hơn, em không đánh lại được. Nếu không anh báo công an giúp em với, báo công an đến bắt cô ta đi. Cô ta là đồ du côn, vô cớ đánh người”.
Lần này anh ta gật đầu: “Số điện thoại công an phường là bao nhiêu?”.
“Em… em không biết”.
“Không biết cũng đòi báo công an?”. Nghiêm rút điện thoại ra, vẻ mặt ngán ngẩm: “Có cần tôi báo luôn cô bạo hành người khuyết tật trước không?”.
“Em không có…”.
Hai chữ ‘Không có’ phía sau cô ta nói rất nhỏ, dường như cũng tự xấu hổ với chính mình nên không dám nhìn thẳng vào mắt người đàn ông kia.
Con bé Hoài cũng sợ phiền phức nên bò đến níu chân tôi: “Chị ơi được rồi, mình đi thôi. Bỏ chị ấy ra đi, đừng đánh nhau nữa. Công an đến thật thì phiền lắm”.
Có lẽ vì anh ta không bênh vực sự vô lối của cô gái kia nên tôi cũng đỡ ấm ức rồi. Không muốn dây đến công an phiền phức nên tôi mới bỏ cô ta ra, nhìn Nghiêm một cái rồi mới ngồi xổm xuống, bảo Hoài: “Ừ, leo lên đi, chị cõng em về nhà”.
“Vâng”
Con bé Hoài vẫn tiếc cái xe Huy làm nên một tay ôm cổ tôi, một tay cứ ôm khư khư lấy tấm ván gỗ đã bị dẫm hỏng đó. Khi tôi vừa cõng nó đứng lên thì thì cũng thấy cô gái kia chạy về phía Nghiêm, chui vào lòng anh ta khóc lóc:
“Anh ơi em sợ lắm. Mấy người đó đáng sợ lắm, bọn họ là lũ du côn đầu đường xó chợ đấy. Cả con bé què kia nữa, nó thấy em đi ngang qua mới túm váy em để xin tiền, em bảo em không có tiền lẻ thì tự nhiên nó khóc lăn ra ăn vạ, còn bôi cả nhựa dính đầy váy em. Em không bạo hành nó, nó diễn kịch để đòi tiền em đấy”.
Tôi biết em tôi không bao giờ làm vậy, định lên tiếng, nhưng Hoài lại nói: “Thôi kệ đi chị, đừng chấp cô ta nữa, thích nói gì cũng được. Mình không làm thì không phải tức”.
“Nó đánh em có đau không?”
“Không, không đau gì hết. Lúc nãy đau nhưng giờ hết đau rồi”.
Con bé vừa nói vừa lau mũi, mấy giọt m.áu rơi theo tay nó, dính vào cổ tôi. Tôi nín nhịn hít vào sâu một hơi, đi được mấy bước rồi vẫn nghe giọng ẻo lả của cô gái kia oang oang kể xấu tôi và Hoài, còn kêu mất chiếc nhẫn kim cương trên tay, đổ tội cho tôi ban nãy giằng co đã ăn trộm mất của cô ta.
Rút cuộc tôi không nhịn nổi nữa, lại cõng theo con bé Hoài quay lại. Tôi không muốn phí lời với người phụ nữ kia, chỉ nói với Nghiêm:
“Anh bảo với bạn gái của anh, đừng có vu oan cho người khác. Chính cô ta vô cớ đánh em tôi trước, em tôi tật nguyền nhưng chưa bao giờ đi xin ăn của ai, đừng nói là xin cô ta tiền lẻ. Còn nhẫn của cô ta tôi không biết, cô ta mất nhẫn thì đi mà báo công an tìm. Không có bằng chứng mà đổ tội cho tôi thì tôi cũng sẽ kiện cô ta tội vu khống đấy”.
Bàn tay anh ta đang đưa lên không trung đột nhiên khựng lại, Nghiêm dường như không định đẩy cô ta ra nữa, chỉ nhìn tôi đầy thú vị: “Muốn kiện thì cũng được thôi. Nhưng nãy giờ chỉ có cô động vào người cô ấy, giờ cô lấy gì chứng minh người lấy nhẫn không phải cô?”.
Tôi mím chặt môi, im lặng suy nghĩ một lát mới nói: “Không tin thì cứ khám người thử xem. Nếu không có nhẫn thì các người phải xin lỗi chị em tôi”.
“Còn nếu có?”
“Tôi sẽ theo các người lên đồn công an”.
Cô gái kia thấy tôi làm căng thì cũng bắt đầu sợ, nhưng miệng thì vẫn cố chống chế: “Vừa nãy cô vội vàng cõng con bé kia về là ý gì? Ai mà biết được nãy giờ cô giấu nó ở đâu rồi? Có khi vứt vào lùm cây hoặc nuốt vào trong bụng rồi cũng nên”.
“Thế thì đi chụp X-Quang nhé? Chụp xong, trong bụng tôi hoặc trong bụng em tôi không có thì cô quỳ xuống xin lỗi chị em tôi, thế nào?”.
“Sao tôi phải xin lỗi cô?”.
“Cô vu oan cho người khác được, quỳ gối xin lỗi cũng phải làm được”
Cô ta ấp úng một lát, mắt đảo liên tục nhìn sang Nghiêm, thấy anh ta không nói gì thì bắt đầu lên mặt:
“Chẳng việc gì tôi phải xin lỗi các người. Đám du côn du đồ các người trò gì chẳng làm được, có giấu chỗ nào cũng chẳng ai biết. Thôi coi như tôi mang nhẫn kim cương đi làm từ thiện cho người nghèo, dù sao cũng chỉ là cái nhẫn thôi, dây vào đám người không có văn hoá như các người chỉ tổ mệt người”. Nói đến đây, cô ta lại dựa sát vào lòng Nghiêm: “Anh Nghiêm, chúng ta đi thôi. Đừng phí thời gian với cái lũ này nữa. Đi đến nhà hàng, em tranh thủ massa vai cho anh nhé?”
Anh ta trả lời rất thản nhiên: “Tôi thấy vẫn nên báo công an đi”.
“Báo… báo công an gì cơ ạ?”
“Báo công an tìm nhẫn cho cô”
“Thôi, em không cần nữa, không cần báo đâu, chúng ta đi thôi”.
“Không dám à?”. Nghiêm cười lạnh: “Không dám thì quỳ xuống xin lỗi người ta đi”.
Sắc mặt cô gái đó ngay lập tức tái nhợt, vội vã buông anh ta ra: “Nhưng em không… em không vu oan cho cô ta, em bị mất nhẫn, mà chỉ có cô ta động vào em nên em mới nghi ngờ cô ta. Nếu không phải thì thôi”.
Nghiêm vẫn lạnh nhạt nhìn cô gái đó, tôi không rõ ánh mắt của anh ta có đáng sợ không, nhưng người phụ nữ kia có vẻ sợ hãi, không cần đợi Nghiêm nói đến câu thứ hai đã quay sang xin lỗi chị em tôi, cũng không dám ở lại thêm mà vội vã chào anh ta rồi rảo bước đi thẳng.
Không còn chuyện gì nữa nên tôi cũng định cõng Hoài đi về, nhưng đột nhiên Nghiêm lại nói: “Nhóc con”.
Em tôi chớp chớp mắt, nhìn quanh một lượt rồi mới nghi hoặc “Dạ” một tiếng rất khẽ. Nghiêm nhìn tấm ván gỗ trên tay nó, hỏi:
“Cái đó là xe à?”.
“Vâng, là xe của cháu ạ”. Năm đó Hoài mới 15 tuổi, người lại nhỏ nên xưng cháu với anh ta. Nghiêm cũng không bận tâm đến cách xưng hô này, chỉ bảo:
“Sửa được nữa không?”.
Em tôi nâng tấm ván gỗ lên: “Chắc là vẫn sửa được ạ”.
“Đưa đây”. Anh ta chìa tay ra, vẻ mặt vẫn nhẹ tênh như gió: “Tôi bảo người sửa rồi đem trả lại”.
Lần này tôi mới lên tiếng: “Không cần đâu, chúng tôi tự sửa được. Với cả không phải do anh làm hỏng, anh không cần phải có trách nhiệm với xe của em tôi”.
“Ban nãy cô nói cô gái kia là gì của tôi?”.
“Bạn gái”
“Thế thì đưa ‘xe’ đây”.
Nghĩa là anh ta thay mặt cho ‘bạn gái’ chịu trách nhiệm với việc sửa xe của chúng tôi.
Chẳng biết do con bé Hoài sợ hay là vì nó tin tưởng anh ta sẽ đền lại xe cho mình thật, mà sau đó lại ngây ngốc đưa tấm ván cho Nghiêm. Anh ta nhận lấy, lại đưa cho người tài xế đứng phía sau mình. Anh Nhân cẩn thật đặt dưới chân xong lại lấy giấy bút ra, hỏi địa chỉ nhà của chúng tôi để lúc nào sửa xong sẽ mang ‘xe’ đến.
Tôi không dám để người lạ biết chỗ mình ở nên chỉ bảo lúc nào sửa xong tôi sẽ tự đến lấy, không ngờ địa chỉ mà người tài xế đọc lại là tập đoàn Vĩnh Nghiêm.
Tôi tưởng mình nghe nhầm nên hỏi lại: “Anh nói là tập đoàn Vĩnh Nghiêm ạ?”.
“Đúng rồi. Địa chỉ của chúng tôi ở số X, đường Y, quận Hai Bà Trưng. Khi nào cô đến thì cứ liên hệ số điện thoại trên danh thiếp tôi đưa cho cô lần trước ấy. Khoảng ba ngày chắc là sẽ sửa xong. Hoặc cô cho tôi số điện thoại của cô, lúc nào xong tôi gọi”.
Tất nhiên tôi không cho số điện thoại, cũng không có tâm trí đâu mà nghĩ đến việc sẽ lấy xe. Tôi chỉ vô thức quay sang người đàn ông tên Nghiêm kia, nhìn kỹ mới thấy đúng là dưới khoé mắt anh ta có một nốt ruồi lệ màu đỏ nhạt.
Mấy lần gặp đều chỉ thấy loáng thoáng mặt trong bóng tối, đến hôm nay nhìn kỹ mới thấy anh ta đúng là rất giống ‘con trai duy nhất của chủ tịch tập đoàn Vĩnh Nghiêm’, người đã cho tôi thêm một suất Nuôi Em năm tôi 14 tuổi, cũng là ân nhân mà tôi đã nợ ơn suốt nhiều năm nay.
Cứ nghĩ tôi và anh ta sẽ chẳng bao giờ có thể gặp lại nữa, nhưng hoá ra trái đất này đúng là tròn thật, người với người vốn chỉ như hai đường thẳng song song, đi hết một vòng rồi lại gặp nhau.
Hơn nữa, không những gặp lại một lần, mà còn có duyên rất nhiều lần!
Mỗi tội ấn tượng về lần gặp này của tôi không tốt lắm, vả lại, chính bản thân tôi cũng không thể hoàn thành được lời hứa năm xưa với Vĩnh Nghiêm nên không dám nhắc lại chuyện mình đã được bọn họ nhận nuôi. Rút cuộc, tôi chỉ nói:
“Cảm ơn các anh. Tôi sẽ liên hệ lại sau”.
“Để tôi đưa hai người về”.
“Không cần đâu ạ. Bọn tôi tự bắt taxi về được. Phiền các anh rồi”.
Anh Nhân quay sang nhìn Nghiêm, thấy anh ta không nói gì mới gật đầu coi như tạm biệt chị em tôi.
Trên đường về nhà, con bé Hoài cứ đăm chiêu nghĩ ngợi mãi, lát sau hình như nó nhớ ra gì đó nên đột nhiên kêu lên:
“Chị, tập đoàn Vĩnh Nghiêm có phải là tập đoàn từng nhận nuôi chị không?”.
“Ừ. Sao thế?”.
“Ôi bảo sao nãy em nghe Vĩnh Nghiêm cứ thấy quen quen, nghĩ mãi mới nhớ ra ngày trước chị bảo chị được suất Nuôi Em của tập đoàn Vĩnh Nghiêm. Kể cũng hay chị nhỉ? Trước ở quê được họ nuôi, giờ lại được gặp người của tập đoàn đó”. Mũi nó vẫn sụt sịt vì chảy m.áu, Hoài quệt quệt tay mấy cái rồi lại bảo: “Em thấy cái anh Nghiêm đó trông có vẻ nhiều tiền lắm. Lại tên Nghiêm luôn nữa, hay là chữ Nghiêm trong Vĩnh Nghiêm là tên anh ấy nhỉ? Kiểu soái ca con chủ tịch tập đoàn ấy”.
Nghe nó nói vậy, tôi vừa tức lại vừa buồn cười: “Ai mà biết được. Với cả em quan tâm người ta làm gì. Ban nãy còn đưa xe cho họ nữa. Đồ của mình, mình tự sửa được rồi, để họ sửa lại phiền phức ra”.
“Thì tại… em thấy cái anh Nghiêm đó tốt nên mới đưa đấy chứ. Này nhé, cái bà mà đánh em rõ ràng có quen anh ấy, còn ôm anh ấy khóc lóc còn gì. Thế mà anh ấy không bênh, còn bảo bà đó quỳ xuống xin lỗi chị em mình”.
“Chỉ thế thôi mà nghĩ người ta tốt à?”.
“Thật mà. Nếu đổi lại là anh Huy, bất kể chị em mình ai bị bắt nạt thì anh ấy cũng sẽ đứng về phía mình. Đằng này cái anh Nghiêm kia thì không. Em thấy anh ấy biết phân biệt đúng sai nên nghĩ anh ấy là người tốt”.
“Ở đây ngoài chị với anh Huy ra, em đừng tin ai cả. Người thì có năm, bảy hạng người, lòng dạ người ta thế nào không biết được, đừng có nhìn mặt mà bắt hình dong, biết chưa?”.
Con bé Hoài lập tức tiu nghỉu, không dám cãi tôi mà chỉ đáp: “Vâng, em biết rồi”.
Thực ra, ngay cả tôi cũng không định hình được Nghiêm với cô gái kia là mối quan hệ thế nào, vì sao là bạn gái mà anh ta lại không bênh vực, tôi càng không rõ anh ta là người tốt hay người xấu, nhưng tôi biết chúng tôi không cùng một hạng người, cách tốt nhất là về sau nên tránh xa anh ta.
Nhưng vài ngày sau đó các chiến dịch quảng cáo sản phẩm mới của tập đoàn Vĩnh Nghiêm diễn ra rất rầm rộ, từ biển led quảng cáo ngoài đường cho đến tivi, đâu đâu cũng thấy Vĩnh Nghiêm.
Có một hôm quán café vắng khách, bọn tôi vừa rảnh tay được một chút thì lại thấy một mẩu quảng cáo tủ lạnh thế hệ mới của Vĩnh Nghiêm. Người đóng quảng cáo lại đúng là cô gái hôm trước đã gây sự với em tôi.
Chị Nhung đang tính tiền ở quầy bar, nhìn thấy cô ta mới chép chép miệng: “Con bé này mặt không đẹp lắm nhưng được cái người ngợm ngon thật, chẳng trách dạo này bọn nó cứ đồn nó cặp với con trai nhà Vĩnh Nghiêm”.
Mấy nhân viên trong quán cũng lập tức xâu vào buôn chuyện: “Đúng đấy, em có theo dõi facebook của con bé này mà. Lúc đầu chỉ là người mẫu nghiệp dư, có hơn 100k người theo dõi thôi. Xong tự nhiên nó cứ úp úp mở mở, đăng story kiểu ẩn ý với cái anh Nghiêm đó nên lượt follow tăng ầm ầm luôn. Giờ mấy triệu follow rồi. Mà đóng quảng cáo cho tập đoàn Vĩnh Nghiêm thế này người ta lại càng tin ông Nghiêm với nó đang yêu nhau”.
“Ờ mà cứ con nào dính đến ông Nghiêm là con đó hot nhỉ? Lợi dụng để đánh bóng được tên tuổi bao nhiêu. Xong lại nhận quảng cáo rồi bán hàng online, đầy tiền”
“Thì thế nên bọn nó mới bâu lấy ông Nghiêm đấy chứ. Phải em em cũng bâu. Có được chĩnh tiền vàng to như thế tội gì không bâu, Xuân thấy đúng không?”.
Tôi vừa lau bàn vừa vểnh tai nghe ngóng, thấy bọn họ gọi đến tên mới giật mình: “À… em không biết”.
“Trông mày còn đẹp hơn con bé người mẫu đó, đi làm phục vụ quán café làm gì cho phí đời. Sau mà gặp được ông đại gia nào đến phải hốt ngay, hốt dạng tầm cỡ như ông Nghiêm kia thì mới dễ đổi đời được kìa”.
“Ôi đại gia không đến phần em đâu”.
“Mày cứ chăm chút bản thân đi là được chứ mấy, cái con người mẫu kia cũng có xinh quái đâu, thế mà vẫn hốt được đại gia đấy”. Nói tới đây, một chị bỗng dưng lại đổi chủ đề: “À mà hôm trước tự nhiên tao thấy facebook nó đăng clip nói gì mà bị người ta bắt nạt ấy, fan của nó đang rần rần đòi tìm người bắt nạt nó để tính sổ kia kìa”.

Yêu thích: 4.2 / 5 từ (5 thả tim)
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN