Yêu Hận Tựa Như Núi - Phần 3
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
392


Yêu Hận Tựa Như Núi


Phần 3


Cũng may con d.a.o kia đâm chệch tim và phổi, chỉ tổn thương ở phần xương nên Huy được các bác sĩ phẫu thuật xong thì đẩy về phòng hồi sức ngay sau đó.
Suốt một đêm ấy tôi không dám chợp mắt, chỉ ngồi bên cạnh giường nắm tay anh. Mấy năm không gặp, Huy có vẻ trưởng thành và dạn dày hơn rất nhiều, gương mặt cũng bị mưa nắng và vất vả làm cho góc cạnh đen nhẻm, lòng bàn tay có rất nhiều vết chai, nhưng chẳng hiểu sao xa cách lâu như vậy mà tôi không có cảm giác xa lạ khi ở bên anh, ngược lại, chỉ cảm thấy thương và ấm áp.
Đến tận tờ mờ sáng mới thấy Huy khẽ cử động, khi nhìn thấy tôi, câu đầu tiên anh hỏi:
“Xuân… anh đang mơ phải không?”
Tôi mỉm cười lắc đầu: “Không phải. Anh bị thương, nặng lắm, nhưng bác sĩ bảo sẽ không sao cả. Chỉ cần nghỉ ngơi nửa tháng là đi làm lại được”.
Vẫn còn tác dụng của thuốc mê nên vẻ mặt anh rất mệt mỏi, mắt tràn đầy tơ m.áu. Huy nhìn tôi đăm đăm, ngón tay lật lại nắm chặt tay tôi: “Em xuống Hà Nội từ lúc nào? Sao không đi tìm anh?”.
“Em xuống từ đầu năm ngoái. Em với Hoài có đến chợ đầu mối Long Biên nhưng không tìm thấy anh, em cũng không biết phải tìm anh ở đâu cả”.
“Anh nghỉ việc ở đó năm 2015 rồi. Anh có viết thư về, nói với em là giờ anh đi bốc vác ở bến xe mà”. Nói tới đây, anh lại hoảng hốt hỏi tôi: “Em không nhận được thư anh viết à?”.
Tôi cụp mắt xuống, lí nhí lắc đầu: “Không, chắc do bưu điện nên em không nhận được, em chỉ nhớ anh làm ở chợ đầu mối Long Biên nên em…”.
Có lẽ Huy cũng đoán ra được lý do tôi không nhận được thư, nhưng anh không vạch trần, chỉ hỏi tôi và Hoài hơn một năm nay sống thế nào, giờ đang ở đâu, có thường xuyên bị bọn bảo kê bắt nạt không.
Vì sợ anh lo lắng nên tôi chỉ kể đại khái, hầu như lược hết tất cả những đắng cay khổ sở mà mình phải chịu đựng, chỉ nói tôi xuống Hà Nội thì xin được đi rửa bát thuê, có thêm ít vốn liếng nên buổi tối mới dẫn Hoài đi bán tăm ở bờ hồ.
Nhắc đến con bé Hoài, Huy mới sực nhớ ra chúng tôi đã bỏ quên nó, vội vàng nhìn quanh phòng rồi hỏi: “Hoài sao rồi em? Em ở đây với anh cả đêm, con bé thì sao? Nãy nó cũng bị đánh, giờ làm sao rồi?”.
“Lúc nãy em gọi điện, nó bảo nó bắt xe bus về phòng trọ rồi. Vết thương không sao cả, chỉ bị tím mấy chỗ thôi. Em dặn nó sáng sớm mai em về rồi”.
“Hai chị em ở trọ ở Hoàng Mai à?”.
“Vâng. Anh ở đâu?”.
“Anh ở bến xe luôn. Bốc vác ấy mà, cứ có người gọi là phải dậy làm luôn, không kể ngày đêm gì cả, nên anh ở lại bến luôn cho tiện. Ngủ thì trải chiếu dưới gầm cầu thang, vệ sinh thì dùng nhà vệ sinh công cộng của bến xe, tiện lắm, mà còn tiết kiệm được tiền”. Huy nhìn tôi, đột nhiên thở dài: “Mấy năm nay không nhận được thư của em, anh đoán em đã thi tốt nghiệp rồi, cũng muốn về quê thăm em, nhưng mấy lần về thì không thấy em đâu cả, hỏi hàng xóm cũng không ai biết em với Hoài đi đâu. Bọn họ còn đồn em bị bán qua biên giới rồi. Anh đang định dồn thêm ít tiền rồi về quê lần nữa, nếu đúng thật em bị bán qua biên giới, anh sẽ thử sang đó tìm em một chuyến. May quá, hôm nay lại gặp được em ở đây”.
Lòng tôi tràn đầy chua xót, cũng không dám nghĩ đến nếu thực sự năm đó bị bán qua biên giới thì bây giờ cả hai sẽ ra sao. Nhưng dù sao vẫn còn gặp lại được nhau ở đất Hà Nội mênh mông rộng lớn này cũng là một điều vô cùng may mắn của chúng tôi rồi, thế nên tôi không giải thích nhiều, chỉ nói:
“Về sau chúng ta giữ liên lạc nhé, để không lạc nhau nữa”.
“Phải giữ liên lạc chứ. Anh có điện thoại, em cũng có điện thoại phải không?”.
“Vâng”. Tôi chìa chiếc 1280 cũ rích của mình ra: “Em có điện thoại. Anh cho em số đi, em gọi vào máy anh”.
Lưu được số điện thoại của Huy xong, tôi mới yên tâm đi về, nhưng về cũng chỉ xem Hoài thế nào rồi lại nấu cơm mang đến viện cho anh.
Huy không có thẻ bảo hiểm, một ngày nằm cũng tốn kha khá tiền thuốc thang nên anh cứ nằng nặc xin về. Ban đầu bác sĩ không đồng ý, nhưng đến ngày thứ 4 vết thương đã khá hơn, lại thấy chúng tôi nghèo quá nên cũng phải cho Huy xuất viện.
Anh không quay lại bến xe mà đi theo tôi về phòng trọ, lúc thấy chị em tôi ở một phòng trọ dột nát, xung quanh hỗn tạp đủ loại hạng người, Huy không yên tâm nên nhất quyết dọn đến ở cạnh phòng của chúng tôi.
Cái Hoài dè dặt bảo: “Phòng trọ thế này một tháng cũng hai triệu đấy anh ạ. Mà em với chị Xuân ở cũng không hết. Hay là anh ở đây cùng bọn em đi, đỡ được tiền nhà, mà cũng đỡ phí diện tích nữa”.
Huy liếc nhìn tôi, ngượng ngập gãi đầu: “Như thế có được không? Đàn ông ở cùng cũng không tiện lắm”.
“Ôi có sao đâu mà, chị em em lớn lên với anh từ nhỏ. Ngày trước ba đứa mình chẳng ngủ cùng trên đống rơm suốt còn gì. Đúng không chị Xuân?”.
Tôi cũng cảm thấy không tiện, nhưng nghĩ tiền ở đất Hà Nội này khó kiếm, hơn nữa Huy vốn không cùng m.áu mủ nhưng lại chẳng tiếc tính mạng để đòi lại tiền giúp chị em tôi. Tôi biết mình nợ ơn anh nên nói: “Anh cứ ở cùng đi, không sao đâu. Nếu ngại thì để em lắp thêm cái rèm, chia đôi phòng ra là được mà. Ở cùng đỡ tiền phòng, mà bọn em cũng tiện cơm nước cho anh nữa”.
“Thế để anh đóng nửa tiền phòng với cả tiền thức ăn nhé?”.
“Vâng, được luôn”
Thế là những ngày sau đó Huy chuyển đến ở cùng chị em tôi, ban ngày hầu như anh chỉ ở bến xe, mãi đêm muộn mới về phòng, ăn qua loa ít cơm rồi trải chiếu ngủ dưới đất.
Sau mấy năm xa cách, con người anh vẫn chẳng thay đổi so với lúc trước là bao. Huy hiền lành, chăm chỉ, lại rất thương chị em tôi, hôm nào bốc vác được nhiều thì anh sẽ dành ra một ít tiền để mua kem cho Hoài, mua hoa quả cho tôi ăn. Tôi xót tiền nên lần nào cũng bảo về sau anh đừng mua nữa, nhưng anh chỉ cười nói:
“Cái này anh mua thanh lý, rẻ lắm. Em cứ ăn đi, anh kiếm được tiền mà”.
“Bốc vác vất vả lắm, đổ mồ hôi sôi nước mắt mới kiếm ra được đồng tiền chứ có dễ đâu. Anh phải tiết kiệm còn dùng vào nhiều việc khác nữa”.
“Anh biết rồi mà”.
Thời gian ấy, vì không có đàn violin nữa nên tôi không thể ra bờ hồ biểu diễn, đi bán tăm dạo lại càng không dám, đám bảo kê kia quanh quẩn ở đó suốt, tôi mà ló mặt ra kiểu gì cũng ăn đòn nên đành phải thôi.
Rút cuộc tôi đành xin làm phục vụ ở một quán cafe trên phố, lương ở đây không nhiều như chơi đàn violin, nhưng bù lại không sợ bị ai đánh hay trật tự phường ra đuổi. Làm ở tiệm cafe được nửa tháng thì tình cờ lại gặp được xe của một người.
Tôi vẫn nhớ rõ logo của chiếc xe đã đưa tôi và Huy đến bệnh viện là hình cô gái với đôi cánh dang rộng, biển số của xe hình như cũng là 99 gì đó. Ở Hà Nội này hình như loại xe đó không nhiều, mãi đến hôm tan ca về mới thấy nó đỗ trước một cửa hàng đồ ăn tây. Dừng lại ngó nghiêng một lúc không thấy ai, cuối cùng, lại thấy xe hơi bẩn nên tôi mới tháo khăn quàng cổ ra, tỉ mẩn lau sạch từng vết bụi trên đó.
Lúc trước làm dây m.áu ra xe người ta, muốn rửa xe đền cho họ nhưng không được nên tôi mới đành phải dùng cách này, lau tới khi xe bóng loáng thì lòng mới thoải mái đi về nhà.
Sau đó, chắc vì đã trở thành phản xạ nên mỗi lần đi qua nhà hàng cơm tây kia tôi đều sẽ quay đầu nhìn một cái. Ròng rã 3 tháng thì nhìn thấy chiếc xe kia được 4 lần, lần nào tôi cũng sẽ dừng lại lau sạch xe cho người ta. Đến lần thứ 5, khi vừa định nhét chiếc khăn quàng cổ bẩn vào túi thì có một giọng đàn ông vang lên phía sau lưng tôi:
“Cô làm gì thế?”.
Giật mình ngoảnh đầu lại mới thấy một người đàn ông mặc áo măng tô màu xám nhạt đang đứng trên bậc thềm nhìn mình. Chẳng nhớ rõ đó có phải là người ngồi ở hàng ghế sau ngày hôm đó không, nhưng tôi vẫn ngượng ngập đáp: “À… tôi thấy xe anh bẩn nên lau thử. Xin lỗi vì đã tự tiện động vào xe của anh nhé”.
“Muốn đòi phí lau xe à?”.
“Không ạ. Tôi không đòi tiền phí gì cả, tôi thấy bẩn nên mới lau. Anh yên tâm, tôi chỉ tình cờ đi ngang qua thôi, tôi không làm việc đó để thu phí”.
Anh ta bước xuống bậc thềm, nhìn chiếc xe bóng loáng rồi lại nhìn tôi, sau đó bỗng dưng rút ví ra, lấy hai tờ tiền màu xanh nhét vào tay tôi: “Đừng làm chuyện vô bổ nữa. Xe của tôi không cần cô lau”.
Tôi ngẩn ra mấy giây rồi vội vàng đuổi theo bước chân anh ta: “Xin lỗi anh, tôi không nhận tiền đâu ạ. Tôi nói rồi, tôi không lau xe để đòi anh trả tiền”.
Bàn tay đặt trên cửa xe của anh ta hơi dừng lại, anh ta nghiêng đầu nhìn tôi: “Vậy nghĩa là cô định dùng cách này để làm quen với tôi?”.
“Gì ạ?”.
Anh ta phẩy tay, nhắc lại câu vừa nãy: “Đừng làm chuyện vô bổ nữa”.
“Không phải. Tôi đã bảo không nhận tiền mà. Anh cầm tiền đi”. Tôi dúi ngược tiền vào tay anh ta rồi định bỏ chạy: “Xin lỗi anh ạ, về sau tôi sẽ không động vào xe anh nữa. Tôi đi trước đây”.
Vừa nói dứt lời thì sau lưng đột nhiên có tiếng hú còi inh ỏi của cảnh sát cơ động, tiếp theo là tiếng xe máy gầm rú rền vang cả đoạn đường. Đám thanh niên hư hỏng phi như đ.iên chạy trốn cảnh sát, chúng tôi lại đang đứng ở một khúc cua, bọn chúng không khống chế được tốc độ nên đâm thẳng về phía tôi và người đàn ông kia.
Lúc ấy, theo phản xạ nên tôi lập tức đẩy anh ta ra, cũng vội vàng nhảy về sau một bước, giây tiếp theo một chiếc xe máy đâm sầm vào chỗ hai chúng tôi vừa đứng, lực mạnh đến mức chỉ nghe ‘Rầm’ một tiếng, người ngồi trên xe máy lao thẳng về phía kính xe rồi bật ngửa ra sau.
Có tiếng người hét lên: “Thôi rồi, đâm vào Rolls-Royce rồi”.
Cảnh sát cơ động cũng nhanh chóng đuổi đến nơi, bọn họ nhìn hai gã thiếu niên đầu đầy m.áu me dưới đất rồi lại nhìn tôi và người đàn ông kia: “Hai người không sao chứ?”.
Mặt tôi tái mét, sợ đến mức miệng lưỡi cứng lại: “Không… không sao ạ”.
Người kia cũng nói: “Không sao”.
“Đây có phải xe của anh không?”. Cảnh sát chỉ vào chiếc Roll-Royce đỗ cạnh chúng tôi.
Anh ta gật đầu, nói Phải.
Vẻ mặt người cảnh sát ngay lập tức trở nên khó coi, nhưng cũng nhanh chóng nghiêm nghị trở lại. Bọn họ nói trước tiên phải gọi cấp cứu đưa những người bị thương đến bệnh viện, còn về phần xe bị hư hỏng, bọn họ sẽ làm việc với người nhà của đám thiếu niên và người đàn ông chủ chiếc Rolls-Royce.
Tôi thấy ở đây không còn việc của mình nữa nên quay lưng đi luôn, nhưng bước được mấy bước đột nhiên lại có cảm giác chân hơi đau, cúi xuống mới thấy bắp chân bắt đầu chảy m.áu, hình như ban nãy rút chân về không kịp nên mới bị một mảnh nhựa của xe máy cắm vào.
Tôi nghĩ cũng chỉ là vết thương nhỏ, bỗng dưng lại nghe giọng người đàn ông kia gọi:
“Này”.
Ngoảnh đầu lại, thấy anh ta hất hàm chỉ về chân mình: “Chảy m.áu kìa”.
“À… Vết thương nhỏ ấy mà”. Ánh mắt tôi âm thầm nhìn anh ta một lượt, thấy không thương tích gì mới gật đầu thêm một cái coi như tạm biệt, sau đó bước nhanh ra về.
Người đàn ông kia cũng không giữ tôi lại, cả hai nhanh chóng mỗi người đi mỗi đường, cứ nghĩ sẽ chẳng bao giờ gặp lại nữa, nhưng vài hôm sau bỗng dưng lại thấy tài xế của anh ta tìm đến tận quán café tôi làm.
Tôi có ấn tượng với người này nên nhìn một cái đã nhận ra ngay, người tài xế hình như cũng vẫn nhớ mặt tôi nên hỏi: “Cô là người hôm trước lau xe cho anh Nghiêm đấy à?”.
“Nghiêm nào ạ?”.
“Chủ xe Rolls-Royce ấy”.
“À…”. Tôi gật đầu: “Vâng, sao thế ạ?”.
Anh ta đứa cho tôi một xấp tiền dày: “Anh Nghiêm bảo tôi mang cái này đến cho cô. Đây là tiền công cô lau xe”.
Tôi khẽ cau mày, không nhận mà chỉ nói: “Tôi đã nói với anh ấy rồi, tôi không nhận tiền, tôi thấy bẩn nên tiện tay lau thôi. Không cần phải làm thế đâu ạ”.
“Cô lau xe là vì chuyện lần trước phải không?”. Anh ta nhìn thẳng vào mắt tôi, thấy tôi im lặng không trả lời lại hỏi tiếp: “Tôi nhớ cô, lần trước cô ôm một người đầy m.áu lên xe. Sau đó ghế da trên xe phải thay mới toàn bộ. Cô bảo muốn đền tiền rửa xe”.
Anh ta đã nhận ra nên tôi cũng không giấu nữa, xấu hổ gật đầu: “Vâng, tôi làm bẩn xe, mà các anh không cho tôi rửa xe nên tôi mới lau xe. Chỉ là tôi muốn trả ơn thôi, không có ý đòi tiền. Anh mang chỗ tiền này về đi, nhờ anh nói giúp với anh Nghiêm là tôi cảm ơn anh ấy”.
Người tài xế hình như cũng đoán được tôi sẽ trả lời như vậy nên cũng không ép, chỉ hỏi: “Có muốn có công việc khác tốt hơn không?”.
Suýt nữa thì tôi buột miệng hỏi “Việc gì ạ?”, nhưng nghĩ lại, trên đời này sẽ chẳng có miếng bánh nào miễn phí cả. Tôi không thể nhận sự giúp đỡ của người ta nên cười bảo: “Với tôi việc ở đây đã là tốt lắm rồi. Cảm ơn ý tốt của anh và anh Nghiêm”.
Anh ta gật đầu, đưa cho tôi một tấm danh thiếp: “Vậy được. Đây là số điện thoại của tôi, khi nào cô có việc gì cần giúp thì cứ gọi cho tôi. Tôi sẽ nói lại với anh Nghiêm”.
Ngừng lại vài giây, anh ta lại nói: “Ở Hà Nội này, anh Nghiêm không phải người bình thường, không có việc gì là anh ấy không thể giải quyết được. Nếu cô cần thì cứ liên hệ, anh ấy có thể giúp cô một lần”.
Đến lúc này tôi mới hiểu ra, chuyện đưa tiền và tỏ ý muốn cho tôi một công việc là do người đàn ông tên Nghiêm kia không muốn nợ ơn tôi. Lần trước tôi đẩy anh ta ra lúc xe của đám thanh niên kia lao đến, cũng coi như giúp anh ta một lần, nên anh ta cũng cho tôi một cơ hội để yêu cầu anh ta giúp đỡ.
Nhưng tôi không hứng thú với việc đó nên chỉ cầm danh thiếp, nói cảm ơn rồi chào tạm biệt. Chị Nhung lúc đó đang là quản lý của quán cafe, thấy tôi đứng nói chuyện lâu với khách mới hỏi:
“Tâm sự gì mà lâu thế? Người yêu của mày đấy hả?”.
“Không, đó không phải người yêu của em đâu. Người quen lâu ngày gặp lại nên đứng nói chuyện chút thôi ạ”.
“Trông cũng cao to đấy, được phết. Tranh thủ lúc chưa có khách nói nhiệt tình vào chứ, nói thế thì ăn thua gì”.
Chị Nhung tuy mồm miệng hơi độc địa, lại hay toang toác quát tháo nhưng đối xử rất tốt với đám nhân viên bọn tôi. Tôi biết không phải chị ấy nói mỉa nên chỉ cười, sau đó lại nhớ ra một chuyện nên hỏi:
“Chị ơi, cái xe mà có logo hình cô gái đang dang cánh, tên là Ron roi gì đó, xe đó có đắt không hả chị?”.
“Rolls-Royce á?”.
“Vâng”.
“Đắt chứ sao không đắt? 4 – 50 tỉ một cái đấy, có cái còn lên đấy 7, 80 tỉ ấy chứ. Sao? Có thằng tán mày đi xe đó hả?”.
Nghe đến số tiền, sống lưng tôi bất giác lạnh toát, nghĩ lại lần trước tôi dám ôm Huy lên xe làm dây m.áu ra sàn, lại còn lén lút lau xe cho anh ta, lỡ cọ tay vào làm xuất hiện một vết xước thôi thì tôi cũng xong đời.
Thảo nào lúc tôi bảo để tôi đền tiền rửa xe, người tài xế kia mới khinh bỉ nói một câu: Cô không đền nổi đâu. Giờ mới biết đúng là tôi không đền nổi thật.
Mặt tôi nghệt ra: “Không, làm gì phải, em làm sao quen người giàu như thế được”.
“Ôi mấy cái bọn xe Mẹc miếc thì có thể phông bạt, thuê xe làm màu, chứ Rolls-Royce thì phải cực cực giàu mới đi được. Cũng có vài người cho thuê Rolls-Royce, nhưng Rolls-Royce mà biển đẹp thì chỉ có đại gia mới có tiền mua, hội cho thuê xe không mua nổi đâu”.
“Vâng, em biết rồi ạ”.
“Sau ra đường nhớ tránh mấy xe đó thật xa vào nhé. Nhìn thấy logo đó thì cứ đứng cách 50 mét cho an toàn. Làm xước một cái thôi thì bán cả cái mạng mày đi cũng không đủ tiền mà đền ”.
“Vâng”.
Chỉ vì mấy câu nói của chị Nhung mà tôi ngẩn ngơ cả buổi tối, tới lúc tan làm, Huy đến đón thấy tôi không tập trung mới hỏi:
“Sao thế em? Hôm nay có việc gì à?”.
“À không”. Tôi vội vàng lắc đầu, lại nhìn quanh xem có xe ô tô nào ở gần mình không: “Sao hôm nay anh lại về sớm thế? Còn mất công qua đón em nữa”.
“Anh có vé tháng xe bus mà, không tốn tiền mấy đâu. Hôm nay các xe ra bến sớm nên anh về sớm”. Anh dắt tôi ra bến đợi xe bus, đón chuyến xe cuối cùng để về phòng trọ. Trên đường về, Huy mới nói với tôi: “Xuân này, có một anh bạn của anh hồi còn làm ở chợ đầu mối Long Biên ấy, anh ấy mới mua được cái xe hàng, đang rủ anh lên Lạng Sơn để nhập hoa quả về bán ở chợ. Anh thấy làm bốc vác cũng được, nhưng có hôm đông hàng, hôm ít hàng, tiền kiếm được cũng chỉ đủ ăn thôi, không dư ra được. Nên anh muốn thử đi buôn với anh bạn kia xem thế nào, nếu ổn thì anh nghỉ bốc vác rồi theo xe luôn”.
“Nhưng đi thế có ổn không anh? Anh đã đi buôn bao giờ đâu, với cả người bạn kia thế nào, có tin được không?”.
“Anh ấy cũng tốt lắm, hồi đầu anh làm ở chợ thì anh ấy hay nhường hàng cho. Anh ấy nhanh nhẹn hơn anh, với cả có gia đình hỗ trợ nữa, nên lên Hà Nội 7 năm là mua được xe hàng rồi. Có xe hàng thì cũng dễ làm ăn hơn”.
Tôi cũng nghĩ làm bốc vác không có tương lai, vừa vất vả lại vừa mất sức, Huy đi buôn hàng với người ta cũng được, thế nên sau đó cũng động viên anh đi theo xe hàng, làm những gì anh muốn, miễn là kiếm ra tiền chân chính và trở về an toàn là được.
Huy gật đầu, anh nói sẽ cố gắng kiếm thêm tiền để đỡ đần cho chị em tôi đỡ vất vả, còn bảo nếu có thể sẽ nuôi tôi học Đại học. Nhưng tôi đã không còn hy vọng với ước mơ ấy từ lâu rồi, tôi chỉ mong ba chúng tôi có công việc ổn định, có cơm để ăn, em tôi có tiền mua thuốc thang, chỉ thế thôi.
Nhưng tôi lại không thể ngờ rằng vào một ngày không lâu sau đó, công việc buôn bán của Huy bắt đầu khấm khá, anh đi xe hàng buôn bán được nên tiền kiếm ra cũng nhiều hơn, khoản tiền dư giả đầu tiên sau một tháng đi làm, anh dùng để đưa tôi và Hoài đi ăn KFC.
Con bé Hoài nghe xong thì mắt sáng như đuốc, hỏi đi hỏi lại: “Ăn KFC á anh Huy? Có thật là ăn KFC không? KFC là gà rán á? Chúng ta có tiền đi ăn gà rán thật à?”.
Huy cười cười, xoa đầu em gái tôi: “Ừ, thật chứ. Hôm nay anh có tiền rồi, anh dẫn Xuân với Hoài đi ăn gà rán, muốn ăn bao nhiêu cũng được”.
“Em ăn một cái đùi gà với một cánh gà được không?”.
“Được luôn”.
Hoài quay sang tôi hỏi: “Chị Xuân muốn ăn gì?”.
Tôi suy nghĩ một lát rồi đáp: “Chị ăn khoai tây chiên”.
“Đến quán gà rán phải ăn gà rán chứ, sao chị lại ăn khoai tây chiên”.
“Vì chị thèm khoai tây chiên mà”.
Thực ra không phải tôi thèm khoai tây chiên, mà là tôi tiếc tiền. Tôi sợ chị em tôi tiêu quá nhiều tiền của Huy, mà số tiền đó vất vả lắm anh mới kiếm được, nên lúc đến cửa hàng KFC, Hoài gọi một cái đùi gà, còn tôi chỉ ăn ké khoai tây chiên trong suất của nó.
Đêm hôm ấy, Huy cõng Hoài trên vai, đi song song với tôi, được ăn một bữa gà rán sau suốt bao nhiêu năm tằn tiện mà chúng tôi vui đến mức tưởng như có cả thế giới trong tay. Con bé Hoài còn nói: “Anh Huy ơi, sau này chúng ta phải kiếm thật nhiều tiền để tuần nào cũng được đi ăn gà rán nhé?”.
“Sao lại tuần nào cũng đi ăn gà rán?”. Huy đáp: “Sau này chúng ta còn đi ăn hải sản này, ăn buffet này, đi du lịch này, thuê chung cư có hai phòng ngủ này”.
“Thật à? Sau này anh Huy không phải ngủ dưới đất nữa, em với chị Xuân cũng được ngủ giường có đệm êm thật á?”.
“Thật chứ. Ở chung cư không bị dột nước mưa, không phải nằm trên ván gỗ đâu”.
“Thế thì em cũng phải thật chăm chỉ kiếm tiền mới được”. Nói tới đây, Hoài lại che miệng cười khúc khích: “Anh Huy ơi, sau này có chung cư rồi, anh có lấy chị Xuân không?”.
Tôi đỏ mặt, vội vàng mắng con bé: “Lại nói linh tinh rồi đấy”.
“Linh tinh đâu mà linh tinh, em muốn chị lấy anh Huy, sau này em sẽ bế con cho anh chị”.
Huy chỉ cười không đáp, anh quay sang nhìn tôi, trong đêm tối, đôi mắt như có thêm một đốm lửa.
Thực ra ở tuổi 21 này tôi cũng đã biết rung động rồi, không còn là con bé ngây thơ ngốc nghếch như lúc còn ở thôn làng giáp biên đó nữa. Tôi biết bản thân mình có tình cảm với Huy, tôi cảm thấy chúng tôi nợ ơn anh, cũng muốn gắn bó cả đời với anh. Nhưng vì quá nghèo nên không dám tính trước tương lai gì cả.
Đêm hôm ấy, lúc Hoài đi ngủ rồi, Huy nằm dưới đất sát bên giường chúng tôi, đột nhiên lại hỏi tôi một câu: “Xuân này…”
“Dạ”. Tôi giật mình, tim bất giác đập nhanh vài nhịp.
“Sau này nếu anh thật sự mua được chung cư rồi, em có muốn ở cùng với anh không?”.
“Có chứ. Được ở ké chung cư em thích lắm”.
“Ý anh không phải thế”. Anh gối đầu lên tay, ngẩng mặt mông lung nhìn trần nhà: “Anh muốn ở với em cả đời”.
Một câu tỏ tình rất đơn giản nhưng lòng tôi lại như bị sắt nóng cọ vào, hoảng hốt đến run rẩy. Tôi nghĩ rất lâu, rất lâu, sau cùng lí nhí đáp một chữ “Có”. Lúc này, anh mới quay sang tôi, gương mặt đỏ ửng:
“Anh sẽ chăm chỉ kiếm tiền, sẽ cố gắng kiếm tiền nhanh nhất, em chịu khó đợi anh nhé?”.
“Vâng ạ”.

Yêu thích: 4.4 / 5 từ (5 thả tim)
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN