Yêu Hận Tựa Như Núi - Phần 2
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
15


Yêu Hận Tựa Như Núi


Phần 2


Sau đó, tôi thực sự được công ty Vĩnh Nghiêm đã chu cấp ăn học từ năm tôi 14 tuổi cho đến tận lúc 18 tuổi, 4 năm tôi ăn cơm có thịt cá của Vĩnh Nghiêm, sử dụng sách vở bút viết của Vĩnh Nghiêm, nhận học bổng từ Vĩnh Nghiêm, hưởng rất nhiều ưu đãi từ họ, nhưng lại chưa từng gặp lại người đàn ông kia lần nào.
Thầy hiệu trưởng nói tôi rất may mắn, bởi vì người đã đồng ý cho tôi thêm suất ‘Nuôi Em’ đó chính là con trai duy nhất của chủ tịch tập đoàn Vĩnh Nghiêm, đối với anh ta chút tiền nhỏ để nuôi tôi không đáng để nhắc đến, nhưng với tôi, nó lại là cọng rơm duy nhất để tôi bấu víu nuôi hy vọng được thoát khỏi đây.
Đến cả cha mẹ tôi khi biết chuyện tôi được tài trợ ăn học thì không bắt tôi phải nghỉ ngang nữa, nhưng trong suốt 4 năm ấy bọn họ vẫn liên tục gọi người đến xem mặt tôi. 16 tuổi tôi có kinh nguyệt lần đầu tiên, cơ thể bắt đầu dậy thì phổng phao, có vài người đàn ông bắt đầu để mắt đến, nhưng lần nào tôi cũng nói:
“Cháu chưa muốn lấy chồng, cháu còn phải đi học, cháu không lấy chú đâu, chú đi về đi”.
Bố tôi trợn mắt quát: “Con gái học nhiều cũng chẳng làm cái m.ẹ gì. Bằng tuổi mày người ta đã đẻ mấy lứa rồi, mày muốn đi học làm gì? Biết đọc biết viết là được. Học xong cũng chỉ lấy chồng thôi, biết nhiều cũng chỉ là đàn bà đ.ái không qua nổi ngọn cỏ”
“Không, con học xong lớp 12 con còn muốn thi đại học, con không lấy chồng”.
“Thi đại học?”. Bố tôi cười mỉa: “Hạng mày mà cũng đòi thi đại học á? Qua nổi tốt nghiệp không mà đòi thi đại học? Rồi mày định lấy tiền đâu đi thi? Ai nuôi mày học đại học? Tao nói cho mày biết, tiền nhà này phải để dành nuôi thằng Út, nuôi báo cô con Hoài là đã đủ lắm rồi, một xu cũng đừng hòng tao cho mày”.
Mẹ tôi ngồi bên cũng chen vào: “Không có tiền đâu mà học, đừng có đú đởn mơ ước viển vông. Làng này không có ai đi học đại học, mày cũng phải ở nhà lấy chồng”.
“Con không lấy, con thi đậu đại học thì con tự kiếm tiền đi học. Con không xin tiền của bố mẹ, bố mẹ cũng đừng bắt con lấy chồng”.
“À con r.anh con này, còn dám trả treo à?”. Bố tôi hùng hùng hổ hổ cầm điếu cày đập tôi: “Tao cấm mày đi học nghe chưa? Tao bảo lấy chồng thì phải lấy chồng, mày dám cãi tao đập c.hế.t mày”.
Bố tôi uống rượu nhiều, người gầy tong teo nhưng đánh con thì rất khỏe, điếu cày cứ vun vút đập vào đầu tôi, chảy m.áu nhày nhụa. Người đàn ông đến xem mắt thấy bố tôi đánh ác quá mới đành lên tiếng can ngăn mấy câu, sau đó vội vàng ra về. Cũng nhờ vậy mà sau đó mà không có ai dám đến hỏi tôi nữa.
Mỗi tội, bị đánh đau như thế mà bố mẹ tôi cũng không buồn cho tôi đi bệnh viện khâu lại, một mình tôi ôm cái đầu nứt toác nằm co ro trên đống rơm trong bếp, đau và sốt suốt một đêm, đến sáng hôm sau Huy không thấy tôi đi học nên mới chạy sang, thấy tôi gần như không còn hơi thở, anh mới xốc tôi lên, hoảng hốt gọi:
“Xuân ơi, tỉnh dậy đi. Em bị làm sao thế? Sao đầu lại đầy m.áu thế này?”
Tôi yếu ớt mở mắt, thấy anh thì tủi thân quá nên khóc òa lên: “Em đau lắm. Đau ở đây này”.
“Ừ, ừ, anh biết rồi. Anh đưa em đi bệnh viện nhé, đi bệnh viện là hết đau ngay thôi”.
“Em không đi đâu”. Tôi cũng sợ c.hế.t, nhưng tôi không có tiền, Huy cũng không có tiền, thế nên mới không dám đến bệnh viện. Huy khuyên tôi mãi không được, lại cõng tôi lên, đưa tôi đến chỗ một ông thầy lang trong thôn.
Thầy lang nói đầu tôi bị mấy vết thương rất sâu, phải khâu lại, nhưng ở chỗ của ông ấy không có thuốc tê nên tôi chỉ có thể khâu sống, chiếc kim ông thầy lang kia dùng cũng là loại to như kim khâu bì lúa, mỗi lần đâm xuyên qua da thịt tôi đều có cảm giác đau đến c.hế.t đi.
Nhưng bị đánh đập, bị ngược đãi như vậy mà tôi vẫn như một con kiến dẫm mãi không c.hế.t. Tôi không bị nhiễm trùng, cũng tự lành vết thương, mỗi ngày Huy sẽ hái một nắm lá thuốc ở trên núi đắp lên đầu tôi, còn bảo tôi rằng tóc tôi dày như thế chắc chắn sẽ che được mấy vết sẹo đó, nhìn kiểu gì tôi cũng vẫn xinh đẹp như cũ.
Nghe anh nói như vậy, lần đầu tiên trong đời tôi biết đỏ mặt. Tôi nói: “Em không xinh đâu, bạn Hoa lớp A1 mới xinh”.
“Không. Với anh Xuân là xinh nhất, Xuân đừng buồn vì mấy vết sẹo kia nữa, không sao đâu”.
“Anh Huy ơi, sau này anh có thi đại học không?”.
Năm đó tôi học lớp 10, Huy học lớp 11, gia cảnh của anh cũng chẳng khá giả, bố bỏ đi lấy vợ khác, mẹ vừa mới bị bệnh hiểm nghèo mất năm ngoái, anh ở với bà ngoại, nhưng bà cũng yếu lắm rồi, đầu óc lú lẫn nhớ nhớ quên quên, mấy lần tôi sang còn chẳng nhận ra tôi.
Huy chần chừ một lát rồi nói: “Học xong lớp 12 anh sẽ xuống thành phố xin việc làm. Xuân cố gắng thi đậu đại học nhé, Xuân ở thành phố nào anh sẽ đến xin việc ở thành phố đó”.
“Em cũng muốn đi làm”.
Huy trợn tròn mắt: “Em phải đi học chứ? Em được công ty Vĩnh Nghiêm nuôi cơ mà?”.
“Họ chỉ nuôi em đến lớp 12 thôi, học xong em sẽ xuống thành phố đi làm, nếu tích góp đủ tiền em mới thi đại học”.
Anh ngẫm nghĩ một lát, đầu mày khẽ cau lại, gương mặt thiếu niên bị nắng nóng miền núi làm cho đen nhẻm rơi vào trầm tư. Lúc sau, Huy bảo với tôi: “Thế cũng được, sau này anh xuống thành phố trước rồi viết thư về cho em. Anh sẽ ghi địa chỉ để em đi tìm anh”.
“Vâng ạ”.
Tôi định học xong 12 sẽ dẫn cả cái Hoài đi, nó ốm yếu nên ở nhà cũng không bị bố mẹ đánh nhiều như tôi, nhưng cơm không đủ ăn, tôi mà đi cũng chẳng có ai chăm sóc nó. Thế nên ước mơ lớn nhất của tôi năm đó chính là mang theo em tôi xuống thành phố, kiếm việc làm thêm, tìm bệnh viện tốt nhất cho nó chữa trị và thi đại học.
Nhưng sau đó lại có một việc xảy đến, phá hủy tan tành những ước mơ dự định trong tôi…
Đó là vào ngày tôi vừa kết thúc kỳ thi cuối cấp 3. Kết quả làm bài rất tốt, tôi về nhà sớm hơn hẳn mọi lần, nhưng vừa vào đến cửa đã nghe thấy tiếng bố tôi đếm tiền xoèn xoẹt bên trong.
Mẹ tôi mắt nhìn hau háu vào xấp tiền dày kia, hỏi: “Đủ chưa?”
“4 triệu, bớt cho họ 200 còn 3 triệu 8”
“Lẽ ra ông phải đòi 5 triệu, ông đòi có 4 triệu thì chúng nó chẳng hời quá, lại còn bớt thêm 200”
Bố tôi lườm mẹ tôi: “Nhìn xem cái loại như nó mà đáng giá 5 triệu à? Người thì gầy đen như hủi, mồm thì cãi chem chẻm cả ngày. Bán làm vợ người ta thì cũng chỉ biết nấu cơm giặt giũ, cùng lắm đẻ 5, 7 đứa con. Cái loại đàn bà đ.ái không qua ngọn cỏ được tích sự gì không?”.
“Đẻ được 5, 7 đứa con là được rồi còn gì. Nhà thằng tàu kia chẳng mãi không lấy được vợ, sợ tuyệt tự nên mới tìm mối sang tận đây mua người à?”
“Bà nghĩ thiếu người để nó mua chắc”. Ông ta hừ lạnh một tiếng: “Đúng là loại đàn bà vô dụng”
Mẹ tôi bĩu môi, không nói gì nữa, mắt vẫn dán chặt vào tập tiền, dường như ngoài tiền ra, bà ấy chẳng nghĩ đến việc mình sắp bán con.
Ở cái làng này nạn bán người sang Trung Quốc làm vợ rất phổ biến, các gia đình vừa nghèo vừa đông con nên có rất nhiều người suy nghĩ bán đi một vài đứa cũng chẳng sao. Có đứa 11, 12 tuổi đã bị chuốc thuốc mê rồi dắt qua biên giới, có đứa còn nhỏ hơn đã bị bán đi làm con nuôi, sau rồi cũng sẽ trở thành công cụ đẻ con cho người ta.
Tôi cứ nghĩ bố mẹ tôi sẽ không nhẫn tâm đến mức bán tôi, không ngờ bọn họ đã đếm tiền xong xuôi cả rồi. Tôi vừa giận, vừa hận họ đến mức cả người run lên, lúc ấy còn quá non nớt bồng bột nên chưa kịp nghĩ thấu đáo đã mở cửa xông thẳng vào.
Bố mẹ tôi vẫn còn đang ngơ ngác thì tôi đã giật lấy tập tiền trong tay họ, gào thét: “Bố mẹ bị đ.iên rồi à? Con mình dứt ruột đẻ ra cũng mang đi bán? Bố mẹ có biết bán sang Trung Quốc thì sẽ làm sao không? Bố mẹ có nghĩ cả đời con không về được nữa không? Sao bố mẹ độc ác thế hả?”
“Đưa lại tiền cho tao”. Hai mắt bố tôi long lên sòng sọc, nhảy dựng lên muốn cướp lại xấp tiền: “Tao đẻ ra mày thì tao có quyền bán mày. Nuôi mày mười mấy năm tốn cơm tốn gạo, giờ mày phải kiếm tiền báo hiếu lại cho tao”.
“Bố muốn báo hiếu thì đợi con đi làm kiếm tiền, con sẽ kiếm tiền trả lại mười mấy năm bố nuôi con. Bố không có quyền bán con”.
Mẹ tôi cũng đứng bật dậy quát: “Con ra.nh con này, ai dạy mày nghe trộm bọn tao nói chuyện. Đưa tiền đây cho tao, tiền đó là tiền đóng học phí của thằng Út”.
“Con không đưa”
“Mày nói lại tao xem”.
Vừa nói, bà ta vừa xông lại túm tóc tôi, trói chân tay tôi rồi bắt đầu đánh. Bọn họ mắng tôi là loại r.anh con vô tích sự, cho ăn học bao nhiêu năm cũng không báo hiếu được cha mẹ, giờ còn dám trả treo cướp tiền của bà ta.
Mẹ tôi chỉ vào trán tôi quát: “Có khoản tiền đó thì thằng Út mới có tiền đóng học phí. Đằng nào mày cũng phải lấy chồng, sang bên đó có thằng tàu nó nuôi mày, cho mày ăn ngon mặc đẹp, mày chỉ việc đẻ con cho nó. Tao đã lo cho mày sung sướng thế mà giờ mày còn cãi phải không? Con ra.nh này, loại ăn hại ”.
Bố tôi thì không nói câu nào, chỉ rút dây lưng quất tôi liên tiếp, Hoài nghe ầm ỹ mới bò từ dưới bếp lên nhà, thấy tôi bị đánh thì co rúm lại một góc, khóc òa lên van xin thay tôi. Nhưng hễ nó mở miệng thì ông ta lại xoay người quất thẳng vào mặt nó. Con bé không chịu được đau, lại bò tới bò lui quanh nhà để trốn.
Cuối cùng, kết thúc trận đòn hôm đó là tôi bị đánh đến thương tích đầy mình, bố tôi đổ cơm ra sàn, bắt tôi phải quỳ xuống ăn hết phần cơm vữa nát bẩn thỉu đó. Ông ta nói tôi không bằng một con ch.ó, nên tôi phải ăn cơm giống ch.ó, nếu tôi không ăn, ông ta sẽ đánh c.hế.t tôi.
Tôi không sợ c.hế.t, tôi chỉ sợ Hoài cũng sẽ c.hế.t theo tôi nên vừa khóc vừa bốc từng vốc cơm để ăn. Sau đó, vì người ngợm tôi đầy m.áu làm bẩn nhà nên mẹ tôi đành phải cởi trói cho tôi, bắt tôi lau dọn nhà cửa một lượt rồi đuổi tôi xuống bếp đi ngủ.
Hoài bò đến bên tôi: “Chị ơi, chị có đau lắm không? Mình đi khỏi đây đi chị. Mình đừng ở đây nữa. Mình đi đi chị ơi”.
Hốc mắt tôi đỏ hoe, cổ họng nghẹn đắng, cố gắng lắm mới nói được một câu: “Ừ, đợi chị đỡ đau rồi chị em mình đi. Đi xuống thành phố kiếm việc làm, không ở đây nữa”.
“Vâng, em không ở nhà nữa đâu, em sợ lắm. Bố mẹ ghét chị em mình, bố mẹ chỉ thương thằng Út thôi. Bố mẹ ác lắm, chúng ta đi thôi”.
Tôi cũng nghĩ vậy, nhưng kỳ thực, lúc đó trong người tôi không có tiền, cơ thể lại chi chít vết thương, muốn đi mà lực bất tòng tâm.
Nhưng nửa đêm, Hoài lại đánh thức tôi dậy, nó thì thầm nói vào tai tôi, bảo vừa bò lên nhà nghe bố mẹ nói chuyện, bọn họ bảo ngày mai sẽ xích tôi lại rồi mang qua biên giới.
Tôi bật khóc như một đứa trẻ: “Phải làm sao đây Hoài ơi, không có tiền thì đi đâu được? Phải làm sao được?”
“Chúng ta đi tìm anh Huy đi chị, anh Huy viết thư về bảo chị xuống thành phố làm còn gì?”. Nó nắm chặt tay tôi: “Em nhịn đói được, chị ơi, chị đừng sợ gì cả, chúng ta xuống thành phố đi tìm anh Huy đi. Tìm được anh ấy thì không sợ bị bố mẹ bán đi nữa”.
Năm đó bà ngoại của Huy đã mất, anh học xong 12 cũng xuống thành phố đi làm thuê, mấy tháng đầu vẫn gửi thư đều cho tôi, nhưng sau đó mẹ tôi phát hiện nên đã cướp hết những bức thư đó, còn dặn bưu tá hễ có thư phải giao cho bà ta.
Tôi bị mất liên lạc với Huy từ khi đó, nhưng tôi vẫn còn nhớ rõ anh từng bảo với tôi anh xin làm bốc vác ở chợ đầu mối Long Biên. Thế nên sau khi bị Hoài thuyết phục, rút cuộc tôi cũng hạ quyết tâm rời khỏi chốn địa ngục đó, mang theo em tôi xuống thành phố tìm Huy.
Đêm ấy trời mưa tầm tã, tôi với Hoài chỉ mang theo mấy bộ quần áo vội vã rời khỏi căn nhà địa ngục kia. Nước mưa rửa trôi m.áu trên người tôi, làm lạnh buốt trái tim tôi, tôi cõng em gái trên lưng, cắn răng lặc liễng đi bộ suốt một đêm. 5h sáng mới ra đến đường quốc lộ, lại ngồi chờ thêm mấy tiếng để xin đi nhờ xe chở lợn xuống thị trấn. Rồi cứ xin xe đi như thế cuối cùng cũng đến được thành phố trong mơ ước của tôi.
Hà Nội phồn hoa thực sự giống như trong tờ báo tôi để ở đống rơm trong bếp, người xe qua lại như nước, rực rỡ ánh đèn, nhiều bánh nhiều hoa, xô bồ đến mức khiến chúng tôi choáng ngợp.
Nhưng chúng tôi không có cơ hội ngắm nhìn lâu, bởi vì ở nơi này chỉ có hoa cho người giàu, người nghèo muốn thoát khỏi ‘lệ’ chỉ có thể tự vươn lên kiếm sống.
Cũng chẳng nhớ rõ chúng tôi đã trầy trật để trụ lại Hà Nội trong những ngày đầu như thế nào, chỉ biết tôi và Hoài thường lăn lóc ngủ ở công viên, gầm cầu, đói quá thì tìm nhặt những đồ người ta vứt trong thùng rác để ăn. Ngày tiếp theo đó thì tôi xin đi rửa bát thuê cho một cửa hàng ở ngay gần gầm cầu.
Chủ quán thấy tôi từ miền núi xuống nên chỉ trả cho tôi 50 nghìn để rửa bát từ sáng cho đến đêm. Khi đó với tôi 50 nghìn cũng là một số tiền lớn, lại có thể vừa xin đồ ăn thừa về, vừa trông cái Hoài nên tôi đồng ý ngay.
Tích cóp được 300 nghìn đầu tiên, chị em tôi lập tức bắt xe bus đến chợ đầu mối Long Biên. Lúc xuống khỏi xe sờ vào trong túi mới thấy đã bị móc trộm hết tiền, con bé Hoài tiếc nên cứ khóc mãi, tôi phải dỗ nó rằng lát nữa tìm được Huy rồi thì anh sẽ mời bọn tôi đi ăn một bữa cơm thật ngon thì nó mới chịu nín. Mỗi tội chị em tôi ngồi trong chợ suốt cả một ngày một đêm, bụng kêu réo òng ọc không có gì để ăn, đói đến sắp lả đi rồi mà vẫn không thấy anh xuất hiện.
Hỏi mấy thương lái ở trong chợ cũng chẳng ai biết Huy mà tôi muốn tìm là ai, có người thấy bọn tôi giống như ăn xin, sợ ám vía nên đuổi chị em tôi như đuổi tà. Chờ hơn một ngày không được, tôi lại cõng theo em đi bộ về gầm cầu cũ, mười mấy kilomet đi đến phồng rộp cả chân. Hoài ở trên lưng tôi nức nở:
“Chị ơi, không tìm được anh Huy thì sao được hả chị? Lỡ chúng ta không có tiền ăn thì làm sao được hả chị? Ở đây nhiều người xấu lắm, em sợ”.
“Không sao đâu”. Tôi gượng gạo cười yếu ớt: “Chị lại về đi rửa bát thuê, sau này có tiền rồi mình lại đi tìm anh Huy tiếp. Chỉ cần anh ấy vẫn còn ở Hà Nội thì kiểu gì mình cũng tìm được, em đừng lo”.
“Có thật thế không hả chị? Chúng ta sẽ tìm được anh Huy thật hả chị?”.
Tôi gật đầu chắc nịch: “Thật chứ, kiểu gì cũng tìm được”.
Sau khi quay về gầm cầu đó, tôi cứ thế làm đủ mọi việc để có thể tồn tại ở đất Hà Nội này, lăn lê từ gầm cầu đến bãi rác, ngủ ở những nơi bẩn thỉu nhất, ăn những thứ tồi tàn nhất. Từng bị chủ quỵt lương, từng bị đánh vì làm người ta ngứa mắt, từng bị những gã say rượu trong quán nhậu quấy rối,… chật vật như vậy gần nửa năm cũng tích góp được một số tiền để thuê một phòng trọ nhỏ ở khu ổ chuột rìa thành phố.
Tôi bắt đầu nhận ra 50 nghìn đồng không đáng so với 16 tiếng lao động của mình mỗi ngày, cho nên mới bàn với Hoài mua một ít đồ tăm bông và kẹo cao su để mang đi bán. Hoài gật đầu hưởng ứng ngay, nó bảo nó cũng không muốn ở nhà ăn bám tôi mãi, nó muốn cố gắng kiếm tiền để tôi được đi học Đại học.
Nhưng xuống Hà Nội này bươn chải mới thấy ước mơ lúc trước của tôi càng ngày càng xa vời, tôi không dám mơ được đi học tiếp nữa, chỉ ngày ngày dẫn em gái đi vòng quanh bờ hồ để bán tăm và kẹo cao su, đến buổi tối lại chuyển qua bán hoa hồng cho các cặp đôi đang yêu đương.
Khi đó chị em tôi đã bị đánh không ít lần vì dám tranh giành địa bàn của những người bán tăm dạo khác, nhưng có lẽ do tôi lì quá, bọn họ đánh mãi cũng thôi. Mỗi lần thấy tôi cõng Hoài đi qua đều lắc đầu ngán ngẩm: “M.ẹ hai cái đứa này, lì như trâu, đánh thừa sống thiếu c.hế.t thế mà ngày nào cũng dám vác mặt ra đây bán tăm”.
“Thôi kệ bọn nó đi. Con bé kia là chị của đứa tật nguyền thật đấy, mấy lần tao đánh, con chị toàn ôm lấy con em để che”.
“Đúng là cái bọn không biết trời cao đất dày”.
Cứ như thế, chúng tôi biến thành những con gián đập mãi không c.hế.t ở đất Hà Nội phồn hoa này, chưa từng một lần liên lạc với gia đình, chưa từng quay về quê hương. Đến năm thứ 2 thì cuộc sống bắt đầu khấm khá hơn, thỉnh thoảng tôi còn có tiền mua cho em vài bộ quần áo mới, mua cả cho nó vài thang thuốc bổ.
Tôi và Hoài vẫn đi bán tăm dạo, sau đó có một lần nó nhặt được từ đống rác một chiếc đàn vĩ cầm rồi giơ lên cao, reo lên: “Chị ơi, xem em tìm được gì này”.
Nó lấy áo lau sạch những vết bẩn trên đàn vĩ cầm, tay búng búng mấy sợi dây trên đó, cây đàn violin lập tức vang lên những âm thanh thánh thót: “A, vẫn còn dùng được này”.
Tôi đã được nhìn thấy đàn violin trên tivi rất nhiều lần, nhưng đây là lần đầu tiên được sờ vào đàn vĩ cầm thật sự. Chúng tôi đều là những người nghèo, không dám hy vọng mình sẽ biết chơi thứ nhạc cụ xa xỉ ấy, nhưng ngày hôm đó tôi và Hoài còn lục được trong đống rác rất nhiều sách dạy chơi đàn vĩ cầm, có lẽ là do một cô gái nhà giàu nào đó dùng chán nên mới vứt đi.
Chị em tôi nhặt tất cả những thứ đó về, và tôi cũng bén duyên với việc chơi đàn violin từ giây phút đó.
Thời gian đầu tôi chỉ mày mò học trong sách, chơi đàn cho vui thế thôi, nhưng Hoài cứ khen hay rồi bảo tôi: “Hay là từ mai mình không đi bán tăm nữa, mình ra bờ hồ chơi đàn đi. Hôm trước em thấy chú kia biểu diễn phun lửa được nhiều người cho tiền lắm. Họ cho nhiều hơn đi bán tăm nhiều”.
“Thôi, chị chơi thế này ai mà nghe nổi”.
“Không, chị chơi đàn này hay mà. Hay thật đấy”. Ngữ điệu của nó cao vút, ánh mắt tràn đầy khích lệ nhìn tôi: “Chị chơi kiểu gì cũng có người nghe, mà không ai nghe thì em sẽ là khán giả mãi mãi của chị, ngày nào cũng ủng hộ chị, vỗ tay khen chị”.
“Cái con bé này…”
“Chị, thử một lần đi mà”
Nhờ có nó động viên nên một tuần sau tôi mới dám mang đàn violin ra bờ hồ để chơi, Hoài cầm một chiếc mũ quanh quẩn ở chân tôi, mỗi lần có khách đến nghe nó đều giơ mũ lên xin tiền ủng hộ.
Kết quả chúng tôi thành công ngoài mong đợi, đợt đó có rất nhiều khách nước ngoài đến Hà Nội du lịch, bọn họ thích tiếng đàn của tôi nên đến xem rất đông, cũng bo cho chúng tôi kha khá tiền. Hôm đó về đếm được gần một triệu, bằng cả nửa tháng chúng tôi đi bán tăm và bán hoa, Hoài lẩm nhẩm kiểm tiền xong thì cười đến không sao khép miệng được, còn bảo tôi chọn đúng nghề rồi.
Tôi đáp: “Mới chơi nên họ mới xem thôi, ngày mai có khi họ chán rồi lại không xem nữa. Chị thấy cứ bán tăm với cả bán hoa là ổn nhất”.
“Xùy, mới bắt đầu mà chị đã nản rồi. Phải tin vào mình chứ, em thấy chị có năng khiếu lắm, chị cứ chơi đàn đi, khi nào không ai nghe nữa thì mình quay về bán tăm”.
Tôi cười cười: “Ừ, chị biết rồi. Hôm nay bò nhiều thế đầu gối em có đau không?”.
“Không đau chị ạ, nhìn thấy tiền cái là hết đau luôn rồi”.
Tôi chỉ vào trán nó: “Chỉ được cái lẻo mép”.
Chẳng biết có phải tôi thực sự có năng khiếu về đàn vĩ cầm hay không, mà những ngày tiếp theo người đến xem tôi biểu diễn vẫn rất đông, tiền được bo cũng nhiều.
Cứ ngỡ cuộc đời nếu cứ như thế, không có biến cố thì ngày mai tươi sáng sẽ đến với chúng tôi, nhưng sau tết năm ấy thì có một đoàn bảo kê mới đến khu vực bờ hồ, bọn chúng thấy tôi chơi violin kiếm được nhiều tiền nên ngứa mắt, đến chỗ tôi biểu diễn quậy tung một trận, đập chiếc đàn violin duy nhất của tôi, cướp sạch tiền trong mũ của Hoài.
Với những kẻ nghèo tận đáy xã hội như chúng tôi, tiền quý không khác gì sinh mạng. Cái Hoài tiếc của nên vừa khóc vừa bò theo chúng giằng lại, tôi cũng chạy theo luôn miệng van xin bọn chúng trả lại tiền. Nhưng đám du côn đó chẳng những không trả mà còn đánh cả chị em tôi.
Lúc tôi bị xô ngã ngửa ra đất, đột nhiên lại nghe tiếng người hét: “Xuân. Xuân phải không?”.
Suốt mấy năm nay chúng tôi luôn tìm kiếm giọng nói quen thuộc này, bây giờ nghe được tiếng Huy, nỗi tủi thân suốt mấy năm nay lập tức vỡ tung ra: “Anh Huy, anh Huy ơi”.
Hình như Huy cũng rất bất ngờ vì gặp được chúng tôi ở đây, nhưng thấy chị em tôi bị đánh, hai mắt anh bất giác đỏ ngầu. Anh không kịp hỏi tôi thêm câu nào đã lao lại đám bảo kê kia, một tay ôm lấy Hoài, một tay lôi đám người kia ra:
“Chúng mày đừng có bắt nạt người khác, trả tiền lại cho em ấy đi”.
Cả một đám đang hăng say đánh người lập tức chuyển hướng về phía Huy. Gã to con nhất tóm cổ áo anh, trợn trừng mắt:
“Thằng nhãi con, việc của mày à?”.
“Đó là em gái tao”. Mấy năm không gặp, người anh vẫn gầy đét, cao hơn, nhưng lại đen và lam lũ hơn xưa rất nhiều. Huy vì bảo vệ chị em tôi mà dám cự lại bọn chúng: “Nếu bọn mày không trả thì tao báo công an đấy, đàn ông sức dài vai rộng mà đi cướp tiền của mấy đứa con gái chân yếu tay mềm, không thấy nhục à?”.
“Nhục á? Nhục cái thằng b.ố mày”. Hắn vung thẳng một quyền vào mặt Huy: “Mày thích chõ mõm vào việc người khác không? Chõ mõm này, lo chuyện bao đồng này”.
Con bé Hoài lập tức hét to: “Anh Huy, anh Huy ơi… Mấy người kia bỏ anh ấy ra”.
Đám bảo kê không thèm để ý đến chúng tôi, chỉ lao vào đánh Huy túi bụi, anh thì vẫn yếu ớt bảo bọn chúng phải trả tiền cho chị em tôi, âm thanh nhỏ dần trong những tiếng đấm đá và dẫm đạp, sau rồi chẳng còn nghe thấy gì ngoài tiếng rên nữa.
Đám đông xem biểu diễn thấy đánh nhau thì lập tức giải tán, không có ai dám vào can ngăn mấy người bọn tôi. Tôi sợ quá nên cũng chạy đến một gian hàng rong, giật lấy chiếc còi người ta bán rồi chu mồm thổi mấy hơi dài, miệng lại hét: “Công an đến, công an đến”.
Quả nhiên ba chữ này có tác dụng, lũ bảo kê không kịp nhìn đã vội vã bỏ chạy mất dạng, tôi định đến xốc Huy dậy, nhưng anh lại nhanh hơn tôi, lồm cồm bò lên rồi đuổi theo đám người kia.
Miệng anh đầy m.áu, nhưng anh vẫn nói phải đòi tiền lại cho tôi. Tới khi tôi đuổi tới thì anh đã nằm bẹp trên đường, trên ngực cắm một con dao dính đầy m.áu.
Anh nằm dưới đất, má.u chảy lênh láng khắp nơi, người đi đường không ai dám dừng lại giúp anh. Nhưng khi thấy tôi đến, anh vẫn cố gắng mở mắt, đưa cho tôi một túi tiền dính nhầy nhụa m.áu:
“Anh… đòi được rồi. Tiền… tiền của em… này”.
Tôi quỳ dưới đất khóc như mưa: “Em đưa anh đến bệnh viện nhé, anh chịu khó chờ một lát, em đưa anh đến bệnh viện là hết chảy m.áu ngay thôi. Anh chờ em một lát”.
Anh lắc đầu: “Không sao đâu. Không đau, không phải đến bệnh viện đâu”.
“Chảy bao nhiêu m.áu thế này sao mà không đau? Đi, chúng ta đến bệnh viện đi, em có tiền đây, em đưa anh đến bệnh viện”.
“Không cần thật mà”.
Mặc anh nói không cần, tôi vẫn nhất quyết gọi taxi đưa anh đến bệnh viện. Nhưng khu vực quanh bờ hồ taxi không vào được, cõng anh ra tận đường cũng không bắt được taxi, m.áu trên người Huy thì cứ nhỏ tong tong xuống tay tôi. Tôi sợ anh c.hế.t nên bỗng dưng hóa liều, nhảy ra chặn đường một chiếc xe đang đi đến:
“Giúp tôi với, cho tôi đi nhờ đến bệnh viện với. Bạn tôi anh ấy bị đánh sắp c.hế.t rồi, xin giúp tôi với”.
Tài xế hạ kính xe xuống, nhìn chúng tôi: “Gọi taxi đi, chúng tôi còn có việc, không chở hai người đi được”.
Nước mắt trên mặt tôi giàn giụa: “Tôi không gọi được taxi, bạn tôi chảy nhiều m.áu lắm, chờ taxi đến thì anh ấy c.hế.t mất. Tôi xin anh, tôi lạy anh, anh cho tôi đi nhờ một đoạn thôi. Có bệnh viện ở ngay gần đây, cho tôi đi nhờ một đoạn thôi. Tôi sẽ trả anh tiền, tôi trả tiền mà”.
Ở mui xe của chiếc xe đó có logo hình một cô gái với đôi cánh dang rộng, người nghèo như chúng tôi tất nhiên không thể biết được đó là loại xe nào, có đắt tiền hay không. Mãi đến sau này mới biết đó chính là Rolls-Royce, giá trung bình khoảng vài chục tỉ một chiếc, tôi chỉ cần để m.áu của Huy dây ra xe họ thì có bán cả mạng đi cũng không đền được.
Nhưng người ở hàng ghế phía sau lại nói: “Để bọn họ lên xe đi”.
Tài xế tròn xoe cả mắt, ngoảnh đầu lại: “Nhưng anh Nghiêm…”.
“Lát nữa thay toàn bộ ghế da là được”.
Tôi nghe bọn họ nói không hiểu gì, nhưng lát sau người tài xế kia cũng xuống xe, mở cửa ghế phía sau cho bọn tôi lên xe. Lúc này mới thấy ở hàng ghế sau còn có một người đàn ông nữa, nửa gương mặt anh ta chìm trong bóng tối, không rõ hình dáng, chỉ thấy một sống mũi rất cao.
Tôi ôm Huy bò lên, rối rít cảm ơn: “Cảm ơn anh, cảm ơn anh, tôi nhất định sẽ trả tiền cho anh”.
Anh ta hỏi tôi: “Bệnh viện nào?”.
“Bệnh viện Việt Đức, nhờ anh đưa chúng tôi đến bệnh viện Việt Đức ạ”.
Anh ta gật đầu, người tài xế dù khó chịu với mùi m.áu trên người chúng tôi nhưng vẫn phải nổ máy xe chạy đi. Trên đường đến đó, Huy lúc tỉnh lúc mê, anh luôn miệng nói không muốn đến bệnh viện, tiền phải tiết kiệm để còn về quê đi tìm tôi.
Tôi rơi nước mắt nói: “Em xuống Hà Nội rồi, em với Hoài xuống Hà Nội đây rồi, không cần anh phải về quê nữa. Chúng ta gặp lại nhau rồi”.
“Xuân…”
“Em biết rồi mà, biết rồi mà…”.
Tôi khóc từ đó đến bệnh viện, lúc xuống xe còn vừa nấc vừa cảm ơn người đàn ông kia. Sau đó lại xin anh ta số điện thoại để còn đền tiền rửa xe, nhưng tài xế chỉ khinh khỉnh nói:
“Cô không đền nổi đâu”.
“Rửa xe thôi mà, tôi đền được, nếu không tôi sẽ tự rửa xe cho các anh. Tôi sẽ rửa đến khi các anh hài lòng thì thôi”.
Người tài xế định nói gì đó, nhưng người đàn ông phía sau khẽ gọi: “Nhân”.
“Vâng”
“Đi thôi”.

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN