Yêu Hận Tựa Như Núi - Phần 8
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
312


Yêu Hận Tựa Như Núi


Phần 8


Những lời nói gạ tình tởm lợm, cùng với sự loạn luân trắng trợn của một gia đình hào môn khiến cổ họng tôi lợm lên, thật sự chỉ muốn nôn ra ngay tại chỗ.
Tôi nhắm mắt không dám nghe tiếp, định đi thẳng ra ngoài, nhưng đúng lúc này thì cánh cửa phụ bên hông phòng thay đồ cũng vang lên ‘Cạch’ một tiếng, âm thanh lạnh lẽo khiến tôi hơi giật mình.
Nghiêm đứng ngay sau lưng tôi, anh ta vẫn còn cởi trần, bên dưới mặc quần đùi, mắt nhìn chằm chằm tôi. Lúc đó, tôi cũng không phân biệt nổi là tôi bắt gian anh ta tại trận, hay anh ta bắt gặp tôi tại trận nữa, nhưng ở trong ngôi nhà này tôi chỉ là người làm, gặp hoàn cảnh như vậy thì chỉ có thể bình tĩnh nói:
“Chào anh ạ. Tôi đến lấy quần áo của anh để là”.
“Cô nhìn thấy gì rồi?”. Sắc mặt anh ta vô cùng lạnh lùng, không hề có sự bối rối, thậm chí ngữ điệu cũng không có sự đe dọa.
“Anh muốn tôi nói thật hay nói dối?”.
“Tức là đã nhìn thấy và nghe hết rồi?”.
Tôi lắc đầu: “Lúc tôi vào đến phòng thì thấy một người phụ nữ không mặc quần áo, còn nghe thì tôi không cố ý, cũng chỉ nghe loáng thoáng được mấy câu, toàn là những câu không nên nghe nên tôi mới đang định đi ra ngoài. Chuyện ở bên phòng anh, tôi chưa thấy gì cả”.
Vừa mới dứt lời thì ‘mẹ hai’ của Nghiêm từ phòng ngủ đi sang, chị ta lúc này đã quấn một chiếc khăn tắm dài ngang người, hơi liếc hai chúng tôi. Có lẽ, chị ta rất tự tin rằng tôi sẽ không đem chuyện này kể ra ngoài nên vẫn lớn tiếng nói:
“Còn không mau ra ngoài cho Nghiêm thay quần áo?”.
Tôi cúi đầu đáp: “Vâng ạ”
Trong lúc tôi đến phòng khác là quần áo thì không rõ giữa bọn họ đã xảy ra chuyện gì, chỉ biết 5 phút sau có tiếng người lạch cạch mở cửa đi ra, sau đó người phụ nữ kia đi tới, cầm một xấp tiền dày ném lên bàn quần áo trước mặt tôi:
“Biết chuyện gì nên nói, chuyện gì không nên nói không?”.
Tôi khẽ cau mày nhìn toàn tiền dollar trên bàn, không đáp, chị ta lại đe dọa: “Muốn tiếp tục làm quản lý ở đây thì cô nên biết điều, thấy gì nghe gì cũng phải coi như mù câm đ.iếc. Nếu cô ngoan ngoãn nghe lời thì không những số tiền này là của cô, về sau tôi còn có thể cho cô hơn thế gấp 5, gấp 10 lần. Còn nếu cô không biết điều…”.
Chị ta ngừng lại nhìn tôi, hạ tông giọng xuống: “Thì xảy ra chuyện gì cũng đừng trách tôi ác. Nói cho cô biết, tiền của tôi đủ nhiều để bóp c.hế.t những người như cô đấy, biết điều thì ngậm miệng vào và cầm tiền, hiểu không?”.
“Vâng, em biết chị có tiền, chị có thể cho em tiền, cũng có thể dùng tiền bóp c.hế.t em”. Tôi cười cười, lòng bình tĩnh không một gợn sóng, cầm xấp tiền kia lên đưa hai tay cho chị ta: “Nhưng em là người anh Nghiêm thuê về, tiền lương của em cũng do anh ấy trả. Người làm công ăn lương như bọn em chỉ cần đến tháng được nhận lương đầy đủ là được, những việc khác của ông chủ thì bọn em không dám xen vào hay nói linh tinh ra ngoài đâu ạ. Chị cứ yên tâm, em sẽ không làm gì ảnh hưởng đến anh Nghiêm, cho nên số tiền này chị nhận lại đi ạ”.
Người phụ nữ kia không nhận lại tiền, chỉ chòng chọc quan sát tôi: “Chê tiền à? Hay là cô đang giả vờ tử tế để lấy lòng ông chủ?”.
“Không ạ. Em chỉ đang đứng trên phương diện người làm để nói thôi. Với cả, dù em có muốn lấy lòng anh ấy thật cũng không được, anh ấy tự biết phân biệt thật giả mà”.
“Tốt nhất là nên thế. Người như cô không xứng để mơ tưởng viển vông đâu”.
“Vâng”.
Chờ đến khi hai tay tôi mỏi nhừ, chị ta mới cầm lại xấp tiền kia, không quên dọa dẫm tôi mấy câu rồi mới ra về.
Mẹ hai của Nghiêm đi chưa lâu thì người giúp việc trong nhà cũng lạch cạch kéo đến làm việc, có đông người, với cả tôi cũng không muốn liên quan đến những chuyện này nên vẫn tỏ ra bình thường, đưa quần áo phẳng phiu cho Nghiêm rồi xuống nhà cùng đầu bếp chuẩn bị bữa sáng.
Tôi nghĩ dù mẹ hai của Nghiêm có muốn anh ta, hoặc lên giường với anh ta thì cũng là chuyện của bọn họ. Tôi chỉ là người làm, chăm chỉ làm tốt công việc của mình và ‘được trừ nợ qua lương’ đầy đủ là được, còn lại, muốn yên ổn thì tốt nhất tôi không nên nhiều chuyện.
Mà Nghiêm cũng không nhắc nhở tôi bất kỳ vấn đề gì, không dùng tiền để mua chuộc tôi như ‘mẹ hai’ của anh ta, càng không đe dọa tôi lời nào cả, giống như không hề quan tâm đến việc tôi có ngứa miệng nói linh tinh hay không. Cứ như vậy cho đến cuối tháng ấy, khi tôi tổng kết tiền chi tiêu trong tháng xong mới mang lên phòng đưa báo cáo chi tiêu cho anh ta. Nghiêm thấy tôi chỉ tiêu hơn 300 triệu, còn gần 200 triệu nữa để dư ra, anh ta mới cau mày:
“Cô tự ý đổi chế độ dinh dưỡng của tôi, ảnh hưởng đến sức khỏe của tôi thì ai là người chịu trách nhiệm?”.
“Chế độ dinh dưỡng này tôi đã tham khảo bác sĩ dinh dưỡng của anh rồi, chú ấy nói một tuần ăn 4 buổi thực phẩm cao cấp, 3 ngày còn lại ăn đồ ở siêu thị bình dân cũng không sao cả. Tất nhiên về dinh dưỡng thì không đạt 100% được như trước kia, nhưng cũng đạt được 7, 80%. Mà quan trọng nhất là khẩu vị, ăn ngon và hợp ý mình thì tinh thần mới thoải mái được. Thế nên bác sĩ bảo không sao”
“Không sao là do các người nói, còn sức khỏe của tôi chỉ có tôi mới chịu trách nhiệm. Đồ ở siêu thị, ăn vào cũng không biết sau này mắc bệnh tật gì vào người”.
“Những đồ đó cũng mua ở siêu thị bình dân, giá trị dinh dưỡng không bằng siêu thị nhập khẩu, nhưng đã được kiểm định rồi mới đưa vào bán. Với cả tôi thấy ăn nhiều đồ nhập khẩu quá dễ làm dư thừa dinh dưỡng, hơn nữa anh ăn đồ bình dân cũng ngon miệng mà”.
“Ai bảo cô tôi ăn ngon miệng?”.
Lần này, tôi rất tự tin trả lời: “Trước tôi có mấy năm đi phục vụ ở quán ăn, chủ quán lúc nào cũng bảo với nhân viên là phải nhìn nét mặt của khách để biết họ có hài lòng không. Tôi cũng thử nhìn nhiều nên cũng quen rồi, đúng là người khác ăn ngon hay không đều thể hiện ở nét mặt thật”
“Nét mặt tôi thế nào?”.
“Giống như kiểu một đứa trẻ lần đầu tiên được ăn kem vậy”.
Nghe tôi trả lời như vậy, Nghiêm có lẽ hơi ngạc nhiên, khóe môi bất giác cong cong để lộ một nụ cười nhạt: “Miêu tả thế này chắc trước mới học xong lớp 5 à?”.
“Không, tôi học xong lớp 12 mà. Mỗi tội không có tiền đi học đại học thôi. Sau này trả hết được nợ cho anh rồi, tôi sẽ kiếm thêm tiền để đi học nâng cao trình độ, lúc đó chắc miêu tả sẽ tốt hơn”. Tôi cũng cười: “Số tiền còn dư trong thẻ, tôi sẽ dành để chi tiêu vào tháng sau. Anh có yêu cầu thêm gì thì cứ nói với tôi nhé, tôi sẽ điều chỉnh lại”.
“Theo lời cô nói, kem đi”.
“Gì ạ?”
“Trời nóng, mua vài que kem ăn cho mát”.
Kết quả là 10h đêm rồi tôi còn lọ mọ đi bộ ra siêu thị xa tít mù khơi để đi mua kem phục vụ ‘ông chủ’ nào đó. Buổi tối tiểu khu này rất yên tĩnh, dù nhà nào cũng đèn đuốc sáng trưng nhưng đường rộng lại nhiều cây cối nên tôi cũng hơi sợ.
Vừa đặt chân xuống đường thì cũng thấy một người đi song song bên cạnh tôi, quay sang mới thấy Nghiêm đang ngẩng cao đầu nhìn bầu trời: “Thỉnh thoảng đi bộ cho đỡ tù người”.
Tôi gật đầu, nói Phải: “Thay vì ăn theo chế độ dinh dưỡng của bác sĩ, thì vận động mới là cách hiệu quả nhất để duy trì sức khỏe. Câu này tôi vừa nghĩ ra đấy”.
“Có thời gian vận động không mới là vấn đề”. Anh ta không quên mỉa mai tôi: “Công việc của tôi dùng đầu óc, không dùng nhiều chân tay, không có thời gian vận động như cô”.
“Tôi cũng dùng đầu óc đấy chứ?”. Tôi cười, tỏ vẻ không thèm quan tâm đến mấy câu xỉa xói của anh ta: “Ví dụ như từ khi đến làm việc ở nhà anh, tối nào trước khi đi ngủ tôi cũng nghĩ xem phải làm thế nào để anh thôi soi mói nữa. Làm cái này anh không hài lòng, làm cái kia anh cũng không vừa ý, phục vụ được người như anh cũng tốn nhiều nơ ron thần kinh lắm”.
Nghiêm liếc tôi: “Đó là vì cô không thông minh”.
“Cũng như anh không vận động thì không khỏe mạnh”.
Nói qua nói lại, vẫn là một kẻ không có đầu óc và một người không chịu vận động. Nghiêm không thèm chấp tôi nữa, chỉ lẳng lặng đi bên cạnh tôi, chân anh ta rất dài, dường như phải cố ý đi chậm thì mới đi song song với tôi được.
Gần đến siêu thị, anh ta mới hỏi: “Xe của nhóc con hôm trước thế nào? Dùng được không?”.
“Vẫn dùng tốt, nhưng con bé không đi được nữa”. Chẳng biết sao lúc ấy tôi lại nói thật với anh ta, có lẽ vì Nghiêm là người sửa chiếc xe đó, cũng có thể vì hôm nay tự nhiên anh ta lại tử tế với tôi. Tôi nhìn con đường dài trước mặt, hít vào một hơi: “Xương sườn nó bị gãy, tay phải cũng gãy, bác sĩ bảo khó lành được như lúc đầu nên chắc là không tự di chuyển trên xe đó được nữa. Nhưng nó vẫn khăng khăng giữ xe, nó bảo là đồ kỷ niệm nên không muốn bỏ đi”.
Nghiêm không hỏi tôi vì sao Hoài lại bị gãy xương nhiều như thế, anh ta chỉ bảo nếu không dùng được nữa thì tìm phương tiện khác tiên tiến hơn. Tất nhiên, với điều kiện của chúng tôi bây giờ thì đóng được viện phí đã là một điều vô cùng may mắn, bác sĩ cũng bảo sau này nên mua xe lăn điều khiển bằng điện cho Hoài, nhưng số tiền đó quá lớn, tôi không thể xoay sở được. Cho nên tôi chỉ cười trừ rồi thôi.
Lát sau đến siêu thị, Nghiêm bảo tôi đứng ngoài đợi, anh ta vào mua mấy que kem xanh đỏ, lúc ra đến bên ngoài thì đưa cho tôi một cái: “Vị socola”.
Tôi ngại ngùng nhận lấy, trước đây khi còn có Huy bên cạnh, chúng tôi đã ăn kem lề đường một lần, vị không ngon lắm, ăn xong lại về đau bụng suốt ba ngày, sau đó vì tiếc tiền và sợ đau bụng nên chúng tôi không dám ăn nữa. Đây là lần đầu tiên tôi được sờ đến kem trong siêu thị.
Tôi xấu hổ định mang về nhà ăn, nhưng nhưng lại thấy Nghiêm bóc vỏ que kem của anh ta rồi cắn một miếng, hơi nhăn mặt vì chua, nhưng bộ dạng có vẻ rất sảng khoái. Anh ta liếc tôi vẫn đứng ngẩn ra mới hất hàm bảo:
“Mang về nhà không ăn nổi nữa đâu, ăn luôn bây giờ đi”.
“Kem của anh vị gì thế?”.
“Vị dâu tây”.
“À…”. Tôi cũng học theo anh ta, cẩn thận xé vỏ kem bỏ vào thùng rác, sau đó lại cẩn thận cắn một miếng, vị ngọt mát lập tức tràn đầy khắp giác quan.
Đúng là kem ở siêu thị khác kem lề đường thật, ngon đến mức tôi chỉ muốn xuýt xoa một tiếng. Nghiêm ở bên cạnh quan sát tôi, sau đó bật cười: “Người khác ăn ngon hay không đều thể hiện ở nét mặt, ban nãy cô nói đúng rồi đấy”.
Tôi gật gật, lại cắn thêm một miếng kem: “Sao ạ?”
“Nét mặt cô lúc ăn kem giống chó cún lần đầu tiên được ăn kem vậy. Lần đầu tiên được ăn à?”.
Anh ta dùng đúng câu nói của tôi ban nãy để móc mỉa lại tôi, chỉ khác thay từ ‘đứa trẻ’ bằng ‘chó cún’. Tôi cũng không thèm phật lòng, chỉ đáp: “Nói lần đầu tiên được ăn kem cũng hơi quá, trước tôi có ăn rồi, nhưng ăn kem lề đường. Đây là lần đầu tiên tôi được ăn kem trong siêu thị”.
“Cảm giác thế nào?”.
“Rất ngon”.
“Về sau thích thì mua ăn, cũng chẳng đáng bao nhiêu”.
Tôi vừa ăn kem vừa lẽo đẽo bước nhanh để theo kịp chân anh ta: “Anh hay ăn kem ở đây à?”.
“Thỉnh thoảng”. Chẳng biết anh ta biến từ đâu ra thêm một cây kem nữa, đưa cho tôi: “Cái này coi như là phần thưởng cho cô”.
“Vì tôi đã làm tốt công việc quản lý, tiết kiệm được tiền cho anh à?”.
“Không. Vì cô biết cái gì nên nói, cái gì không nên nói”.
Tôi hiểu ý Nghiêm muốn nhắc đến chuyện hôm trước tôi bắt gặp anh ta và mẹ hai. Kỳ thực, tôi cũng đã suy nghĩ về chuyện này, cảm thấy hình như chỉ có người phụ nữ kia muốn trèo lên người anh ta, còn Nghiêm thì không có hứng. Nếu không, chị ta cũng không cần thiết phải mò đến lúc rạng sáng, khỏa thân leo lên giường dụ dỗ anh ta.
Tôi cẩn thận suy nghĩ một lát rồi đáp: “Đó không phải việc của tôi, tôi không muốn quan tâm đến. Nhưng tôi có một câu hỏi muốn hỏi anh”.
“Hỏi đi”
“Nếu đổi lại hôm đó là người khác, chuyện đồn ra ngoài thì kết quả với anh chắc chẳng dễ chịu gì”. Que kem trong tay gần như đã hết, nhưng hơi mát vẫn quẩn quanh ở từng đầu ngón tay: “Anh không sợ à?”.
“Có gì phải sợ”. Nghiêm cười nhạt.
“Tôi cứ nghĩ thứ những người như các anh sợ mất nhất là gia đình”.
Gió ở tiểu khu vẫn thổi rất mạnh, làm bay bay mái tóc ngắn của người đàn ông kia. Nửa gương mặt anh ta được ánh sáng đèn đường chiếu đến, nửa gương mặt còn lại chìm trong bóng tối, đôi mắt sâu thăm thẳm mông lung nhìn về phía trước, cũng chẳng rõ là đang nghĩ ngợi điều gì.
Nghiêm không trả lời tôi nữa, chỉ bảo: “Kem chảy hết rồi, vứt đi”.
“A…”. Lúc này tôi mới phát hiện ra túi kem còn lại trên tay mình đã biến thành lõng bõng nước, cũng chẳng nỡ vứt mà vẫn ôm khư khư trong tay. Nghiêm cũng chẳng thèm nói lần hai, lững thững đi dưới ánh trăng đi về nhà.
Khi đến cổng biệt thự, đột nhiên anh ta lại nói một câu: “Lòng ngay thẳng sợ gì người ta bôi bẩn vào người”.
Tai tôi ùng ục bởi tiếng gió, không nghe rõ nên hỏi lại: “Gì ạ?”.
“Phiền quá, đạp xe về nhanh đi”.
Tôi lén lút nguýt anh ta một cái, không nói nữa, bỏ que kem vào giỏ xe rồi lọc cọc đạp từ biệt thự về nhà. Mỗi tội, kem lạnh không chịu được thời tiết vừa nóng vừa nhiều gió nên chỉ một loáng đã chảy hết, tôi không có cách nào, đành phải dừng ở căn tin mua cho Hoài một cây kem khác.
Không phải kem Haagen dazs như Nghiêm đưa cho tôi ban nãy, mà là một cái Merino vị sầu riêng, khi tôi mang lên phòng, con bé thấy kem thì mắt sáng rực lên:
“Chị mua kem cho em à?”.
Tôi làm ra vẻ bí mật, nói khẽ: “Nhỏ tiếng thôi, bác sĩ không cho em ăn kem đâu. Cắn hai miếng thôi đấy”.
Hoài gật đầu như bổ củi, hau háu nhìn tôi bóc kem ra đút cho nó, rồi lại cắn hai miếng thật to: “Ngon thế. Eo, lần đầu tiên em được ăn kem Merino đấy. Ngon thế. Ngon hơn kem lề đường nhiều”.
Tôi cười: “Ăn thế thôi nhé, lạnh là viêm họng đấy”.
Nó “Vâng” một tiếng, lại nhớ ra gì nên hỏi: “Chị ơi, sao hôm nay chị lại mua kem? Chị không tiếc tiền nữa à?”.
Thật ra tôi vẫn tiếc tiền, nhưng nghĩ chị em tôi khổ sở bao nhiêu năm nay, giờ tôi được ăn kem siêu thị mà em tôi không được ăn thì tội nghiệp nó, nên kem Merino mười mấy nghìn một cái cũng cắn răng mua về.
Tôi bảo: “Ăn một cái thì cũng không tốn mấy đâu. Sau này em khỏe lại, chị sẽ mua thêm cho em ăn”.
“Thôi, em tiếc tiền lắm. Nằm viện đã bao nhiêu tiền, tiền đâu mà ăn kem nữa. Hàng ngày còn tiền cơm, tiền thuốc, tiền bỉm, đủ thứ tiền. Chị đi làm thì lương cũng trả nợ tiền viện phí cho em hết, có tiền đâu nữa mà tiêu, em không dám ăn kem đâu”.
“Không sao đâu. Chị nhận xâu hạt lại rồi, ở nhà anh Nghiêm vẫn có thời gian rảnh. Rỗi ra lúc nào là chị xâu hạt lúc đó, kiếm thêm ít tiền còn chi tiêu”.
“Chị làm ở đó bận từ sáng đến tối mà vẫn xâu được hạt à?”.
“Có chứ. Vẫn xâu được mà. Một tuần làm được mấy chục cái đấy”.
Hoài xòe đôi bàn tay của mình ra, tay nó vẫn rất yếu, chỉ có thể cử động mà không cầm nắm được: “Nếu mà em khỏe thì tốt rồi. Em khỏe thì em sẽ xâu hạt ghế gỗ cho anh Nghiêm, xâu hạt đó kiếm được nhiều tiền hơn. Chị cũng không phải đi vay tiền của anh ấy để nộp viện phí cho em, hàng tháng còn đi làm rồi để ra được tiền nữa. Tại em nên giờ chị mới phải đi làm không công cho anh Nghiêm trừ lương”.
“Cái con bé dở hơi này, tại gì mà tại”. Tôi xoa đầu nó: “Em cứ khỏe mạnh là chị vui rồi. Tiền còn kiếm ra được. Giai đoạn này hơi vất vả một tý nhưng sau này sẽ đỡ. Đợi chị trả hết nợ rồi, chị sẽ kiếm tiền mua xe lăn điện cho em”.
“400 triệu lúc nào mới trả hết được đây. Nếu có anh Huy thì tốt rồi. Có cả tiền tiết kiệm lúc trước của mình nữa”.
Tôi thở dài, mỗi lần nhắc đến Huy là mỗi lần tim tôi đau nhói. Suốt mấy tháng nay tôi chưa khi nào ngừng tìm kiếm anh, đã đăng lên đủ các hội nhóm, nhờ công an, nhờ bộ đội biên phòng, nhưng Huy biến mất cứ như chưa từng tồn tại vậy, không ai biết được tin tức của anh.
Đến giờ, tôi cũng không hy vọng anh sẽ mang khoản tiền tiết kiệm kia về, chỉ mong Huy bình an khỏe mạnh quay lại là được, nhưng vì không tìm thấy anh nên tôi chỉ có thể an ủi Hoài:
“Sau này anh Huy sẽ về thôi, em cứ khỏe đi, kiểu gì anh ấy cũng về”.
“Vâng, hy vọng là thế. Em cũng mong nhanh khỏe để xâu hạt kiếm tiền phụ chị”.
“Ừ”.
Thời gian sau đó, công việc của tôi ở nhà Nghiêm cũng bắt đầu đi vào quỹ đạo, tôi bắt đầu chu toàn hơn trong việc sắp xếp mọi chuyện trong nhà, hiếm khi để xảy ra sai sót, Nghiêm thì bận công việc nên đi sớm về khuya suốt, anh ta vẫn khó tính nhưng đã bớt soi mói, thỉnh thoảng có hứng sẽ rủ tôi đi mua kem hoặc chạy bộ vào buổi tối.
‘Mẹ hai’ của anh ta thì không thấy đến nữa, tôi cũng không nhắc tới chuyện này thêm lần nào, chỉ tập trung làm tốt công việc của mình, thời gian rảnh sẽ lọ mọ ngồi xâu hạt kiếm thêm tiền để trang trải.
Mỗi tội xâu hạt rất mất công mà tiền kiếm được lại ít, tôi muốn thử tìm thêm việc khác để làm ban đêm, thế nhưng có một hôm Nghiêm về nhà sớm hơn mọi lần, thấy tôi đang ngồi trong góc cầu thang xâu xâu gói gói mới hỏi:
“Nhiều thời gian rảnh nhỉ?”.
Tôi giật mình làm rơi cả chuỗi hạt, mấy viên nhựa rơi ra, lăn lông lốc dưới đất, vội vàng nhặt lại nhưng vẫn có mấy viên lăn đến mũi giày của anh ta.
Tôi ngại ngùng nói: “Xong hết việc rồi nên tôi xâu hạt. Hôm nay anh về sớm thế?”.
“Xong việc sớm nên về sớm”. Nghiêm ngồi xuống, nhặt mấy viên nhựa kia đưa cho tôi: “Làm cái này công 500 đồng/cái à?”.
“Vâng”.
“Muốn làm thêm việc khác thu nhập cao hơn không?”.
Tất nhiên tôi không giống Hoài, tôi biết trên đời này chẳng có miếng bánh nào miễn phí cả, thế nên không đồng ý ngay mà chỉ nói: “Cả ngày tôi làm việc ở đây rồi, chỉ làm thêm được mấy việc lặt vặt như xâu hạt vào lúc rảnh rỗi thôi. Không còn thời gian để làm việc khác nữa”.
“Công ty tôi có tài trợ chương trình ‘vinh danh nhân tài toán học’, địa điểm thi chọn nhân tài sắp tới ở Huế. Tôi đang thiếu một quản lý để sắp xếp công việc giữa tập đoàn và ekip chương trình đó, cũng không phải vận dụng nhiều đầu óc đâu, tháo vát chút là được. Cô đi theo tôi 4 ngày, bao ăn bao ở, tiền lương mỗi ngày 5 triệu, không trừ vào tiền nợ”.

Yêu thích: 5 / 5 từ (2 thả tim)
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN