Yêu Hận Tựa Như Núi - Phần 5
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
314


Yêu Hận Tựa Như Núi


Phần 5


Nghe đến thế tự nhiên tôi cũng chột dạ, tôi không sợ cô ta nhưng dính vào ồn ào trên mạng thật sự rất phiền phức, thế nên tôi mới hỏi xin thử Facebook của cô người mẫu kia, lúc vào mới thấy cách đây hai ngày cô ta đăng một clip dài đến mấy phút, đại loại là khóc lóc kể rằng mình đi đường bị người ta vô cớ bạo hành.
Bên dưới có đến 4, 5 nghìn bình luận, toàn là: “Chị Phương đừng sợ, có bọn em bảo vệ chị. Nếu chị không muốn báo công an thì cứ cho em mặt mũi con bé đó, bọn em đến xử nó cho chị”.
“Sao chị Phương hiền quá, bị bắt nạt thế mà không phản kháng lại, còn không báo công an, sợ làm ảnh hưởng đến người ta”.
“…”
Còn có rất nhiều, rất nhiều bình luận nữa mạt sát người được nhắc đến trong clip của Phương, nhưng tôi không muốn đọc hết, chỉ lẳng lặng tắt máy tính rồi định đi làm việc.
Chị Nhung chắc thấy tôi cứ thở dài thườn thượt mãi nên bảo: “Sao thế? Vào xem có vấn đề gì à mà mặt mày nặng như đeo chì thế?”.
“Đâu ạ. Em thấy nhiều bình luận chửi quá nên không xem nữa thôi”.
“Mà thời đại này mày còn dùng 1280 làm gì, tháng này có lương xem dồn mua lấy cái điện thoại smartphone đi mà còn lên mạng, còn biết thế giới nữa. Tao thấy mấy đứa kia nói đúng đấy, mày xinh gái thế thì cũng nên biết chăm chút bản thân tý đi, biết đâu có ngày nào đó gặp đại gia lại được đổi đời”.
“Thôi, em không dám mơ mộng xa thế đâu, em làm nhân viên phục vụ cho quán cafe suốt đời thôi”. Tôi gượng gạo cười: “Em đi làm việc đây ạ”.
Cả ngày hôm đó làm việc mà tôi cứ ngẩn ngẩn ngơ ngơ, khách vào quán mà cứ giật mình thon thót vì sợ Fan của Phương đến gây sự. Tới tối về nhà thì thấy Huy đứng ở đầu ngõ chờ tôi rồi, cả tuần này anh đi theo xe, người lại gầy và đen hơn một chút, thấy tôi, anh mới vẫy tay gọi:
“Xuân, về rồi à em?”.
“Vâng, anh về từ lúc nào thế? Sao lại đứng ở đây?”.
“Anh đang định đến đón em thì lại thấy em về rồi. Anh về từ lúc chiều, ăn cơm với Hoài xong lại phải sang bên chợ đầu mối kiểm hàng nữa, giờ mới quay về phòng trọ đây”.
Nói tới đây, Huy rảo bước đi nhanh lại phía tôi, trên tay anh giấu thứ gì đó, mãi đến khi lại gần mới chìa ra: “Quà cho em này”.
“Ơ, sao tự nhiên lại mua quà cho em?”.
“Em quên à? Hôm nay là sinh nhật em mà”.
Đúng là từ nhỏ đến lớn tôi không được tổ chức sinh nhật bao giờ, lúc còn bé toàn là Huy lên đồi hái hoa và quả dại mang đến tặng tôi, sau này xuống Hà Nội vất vả bươn chải nên tôi cũng chẳng còn nhớ đến những ngày như thế nữa. Không ngờ vẫn có một người không quên sinh nhật tôi.
Tôi đỏ mặt, ngượng ngùng nói cảm ơn anh rồi mở ra, bên trong là một chiếc iphone còn mới cóng. Món quà quá đắt tiền này làm tôi sửng sốt: “Anh… sao anh mua quà đắt thế này. Em không nhận đâu, anh mang trả lại đi”.
“Đắt đâu mà đắt, điện thoại của em cũ rồi, với cả không có tính năng gì, anh mua để em tiện sử dụng, mấy cái smartphone này vào mạng tiện lắm”. Huy dúi ngược lại chiếc điện thoại vào tay tôi: “Đừng lo, mấy chuyến này anh đi xe kiếm được lắm. Giá bột sắn dây tự nhiên lên cao, bán ra lãi nhiều, mà năm nay hoa quả cũng đắt hơn mọi năm nữa. Anh có tiền mới mua được điện thoại cho em chứ?”
“Nhưng đắt quá, em không cần dùng đồ đắt thế này. Anh còn phải tiết kiệm tiền để làm nhiều việc, phung phí thế này không nên đâu”.
“Tiền còn kiếm được, em cứ yên tâm. Tháng này anh để ra được hơn 50 triệu để em bỏ vào tài khoản tiết kiệm rồi, nếu cứ đà này thì vài năm nữa thôi là mình sẽ mua được nhà, anh cũng lo được cho em đi học Đại học, không cần phải đi làm ngày đêm vất vả thế này nữa”.
Mặc tôi nói không nhận, nhưng Huy vẫn nhất quyết bắt tôi dùng chiếc điện thoại ấy, còn bảo mua rồi, bóc hộp rồi nên không trả được, cuối cùng tôi vì sợ làm phật lòng anh nên phải dùng chiếc điện thoại đó.
Huy kiếm được nhiều tiền như vậy tôi rất mừng, nhưng chẳng hiểu sao trong lòng lại cứ có linh cảm không được tốt lắm. Cảm giác như lời lãi nhiều thì công sức phải bỏ ra nhiều hơn, thậm chí là nguy hiểm hơn, bởi vì tôi hiểu trên đời này chẳng có đồng tiền nào là dễ kiếm cả.
Tôi chỉ biết khuyên anh làm gì cũng phải cẩn thận, đừng để người ta lừa lọc mình, đáp lại anh chỉ gật đầu qua loa, nói là anh biết rồi, dặn dò tôi đừng lo.
Huy chỉ ngủ ở phòng được một đêm, ngày hôm sau lại dậy sớm đi theo xe lên cửa khẩu. Tôi và Hoài cũng dậy sớm sửa soạn đồ ăn sáng, lúc chuẩn bị đi làm thì thấy anh Nhân gọi điện thoại, hỏi tôi có ở quán cafe không để anh ấy mang ‘xe’ đến.
Cái Hoài nghe thấy xe thì thích đến sáng cả mắt, cứ giục tôi phải lấy nhanh cho nó, tôi thì ngại anh Nhân mất công đến quán cafe tìm mình nên bảo: “Em ở khu Hoàng Mai, anh có tiện chạy qua không, nếu không tiện thì để em qua Vĩnh Nghiêm lấy ạ”.
“Có, anh đang gần đây, em cho địa chỉ đi, anh đến bây giờ”.
Tôi nghĩ ngợi vài giây rồi dè dặt hỏi: “Anh đi một mình à?”.
“Không, anh chở sếp Nghiêm. Sao thế em?”.
“À… không sao. Thế để em ra chỗ nào tiện đỗ xe rồi nhắn cho anh nhé”
“Ừ, cũng được”.
Tôi định đi một mình, nhưng con bé Hoài cứ nằng nặc đòi đi theo, bảo mãi không được, thế là đành phải cõng theo nó. Tôi cố ý đi thật xa khỏi khu trọ của mình rồi mới nhắn địa chỉ cho anh Nhân, chỉ 10 phút sau đã thấy chiếc Rolls-Royce biển 99 đi đến.
Anh Nhân xuống xe, vòng ra cốp lấy chiếc ‘xe’ của Hoài ra đưa cho tôi. Hôm trước nó là một tấm ván bị dẫm choe dẫm choét, hôm nay đã được sửa lại bằng gỗ thịt, bốn bánh kim loại, còn có một lớp nệm bọc ở trên để ngồi cho êm.
Hoài thấy thế thì sung sướng cười toe cười toét: “Sửa lại đẹp quá, cảm ơn anh ạ. À không, cảm ơn các anh ạ”.
“Có thích không?”. Anh Nhân có vẻ không ghét nó, còn nói đùa: “Ngồi thế này êm mông rồi nhỉ?”.
“Vâng ạ”.
“Có muốn thử ngồi không?”.
“Em có”.
Tôi đành đặt nó xuống, ngồi thử lên ‘xe’, Hoài lấy tay di chuyển một đoạn rồi bảo ngồi thế này vừa rồi, không bị đau mông nữa rồi. Tôi nhìn anh Nhân, nói cảm ơn anh ấy, nhưng anh Nhân lại bảo tôi nên cảm ơn Nghiêm.
Lúc này, con bé Hoài cũng bò đến chỗ cửa sau xe, gõ gõ vào đó mấy cái. Kính xe lập tức hạ xuống, một gương mặt có nốt ruồi lệ sau khóe mắt lập tức hiện ra:
“Nhóc con, chuyện gì thế?”.
Hoài giơ một tay lên cao, trên đó là một chuỗi vòng làm từ những hạt loại phải vứt đi. Lần này, nó sửa lại cách xưng hô với Nghiêm: “Anh ơi, cảm ơn anh ạ. Cái này anh cầm lấy”.
Tôi sợ con bé làm phiền người ta nên vội vàng chạy đến, cầm lấy chuỗi hạt: “Xin lỗi anh, em tôi thích tặng quà lung tung”.
Nghiêm không đáp, chỉ gập laptop trên đùi lại rồi mở cửa xe bước xuống. Anh ta rất cao, lúc này đứng ngược nắng nên chắn hết cả ánh bình minh chiếu vào mắt chúng tôi.
Anh ta chìa tay ra: “Tặng rồi thì đưa đây”. Nói rồi, anh ta lại cúi xuống nhìn Hoài: “Quà cảm ơn phải không?”.
“Vâng ạ”. Con bé sợ tôi cáu nên len lén liếc tôi, giọng lí nhí: “Nhưng không phải quà đắt tiền đâu ạ”.
“Có dễ đứt không?”.
“Không ạ. Em xâu bằng hai lần dây cước đấy, không đứt đâu. Mấy sợi dây khác em chỉ xâu bằng một sợi cũng không đứt được”.
Nghiêm lẳng lặng liếc ngón tay Hoài, gật đầu: “Làm cái này đi bán à?”.
“Vâng ạ”.
“Giá bao nhiêu một chiếc?”.
“Em không biết ạ. Làm được một cái, người ta trả cho em 500 đồng. Em với chị em tối nào cũng làm được mấy chục cái đấy, tính ra được khoảng 3, 40 nghìn ạ”.
Lúc này, anh ta mới dời mắt lên nhìn tôi: “Tôi có một nhà máy sản xuất phụ kiện ô tô. Sản xuất đệm ghế hạt gỗ cũng cần xâu chuỗi hạt thủ công. Hai người có muốn nhận việc về làm không?”. Ngừng lại vài giây, anh ta lại tiếp tục: “Tiền công gấp 5 lần xâu chuỗi hạt đeo tay”.
Ban đầu tôi định từ chối, nhưng nghĩ có công việc tốt như thế chẳng tội gì không làm, vả lại, con bé Hoài có vẻ rất quý Nghiêm, tôi mà không đồng ý kiểu gì nó cũng mè nheo điếc tai. Thế nên tôi hỏi: “Có điều kiện gì không ạ?”.
“Không, làm được bao nhiêu, nhận thành phẩm bấy nhiêu”
“Quy định thời gian thì sao ạ?”
“2 ngày/ghế”.
Hoài lập tức reo lên: “Thế thì được ạ. Tốt quá, nếu như em làm từ sáng đến tối có khi cũng không đến hai ngày đâu. Chị ơi, chị nhận đi. Xâu vòng nhỏ đau tay lắm”.
Rút cuộc, sau một hồi đắn đo tôi đành bảo anh ta: “Vậy cảm ơn anh. Chị em tôi sẽ cố gắng chăm chỉ để trả đơn cho anh đúng hẹn”.
Nghiêm gật đầu, định quay đi thì dường như lại chợt nhớ ra gì đó. Anh ta quay đầu lại, lấy đi xâu vòng hạt của Hoài trên tay tôi, sau đó mới hỏi: “Tên hai người là gì?”.
“Em là Hoài”. Con bé Hoài nhanh nhảu giới thiệu: “Còn chị em là…”.
Tôi sợ nói ra tên sẽ phiền phức, nhất là đám Fan của bạn gái anh ta đang ráo riết tìm chúng tôi, cho nên vội vã cắt lời Hoài: “Ninh. Tôi tên Ninh”.
Anh ta hơi khó hiểu nhìn tôi: “Hai người đọc đầy đủ họ tên cho Nhân, để cậu ấy ghi thông tin vào hợp đồng lao động”.
“Có cả hợp đồng lao động ạ?”.
“Cô không sợ người khác ăn quỵt lương của cô, nhưng tôi sợ người khác bảo tôi cưỡng ép trẻ vị thành niên đi làm”.
Thật ra tôi từ miền núi xuống, lại toàn làm công việc chân tay, ngay cả đi làm ở quán café cũng chỉ thỏa thuận miệng với chủ quán, có biết hợp đồng lao động là gì đâu. Nghe Nghiêm nói như vậy, tôi mới ý thức được giá trị của hợp đồng lao động, lúc ấy cũng xấu hổ quá nên mặt mày đỏ bừng:
“Vâng, tôi biết rồi. Cảm ơn anh”.
Sau đó, tôi đọc qua loa tên tuổi của tôi và Hoài cho anh Nhân rồi mới chào tạm biệt họ ra về. Lúc cõng Hoài trên vai, nó mới hỏi tôi:
“Chị ơi, có phải chị không muốn nói tên thật cho anh Nghiêm biết là vì chị sợ anh ấy không phải là người tốt không?”.
“Chị đã dặn em rồi, bảo em không được tin người lạ. Tự nhiên em tặng chuỗi hạt cho người ta làm gì? Người ta giàu có như thế, có cần chuỗi hạt rẻ tiền của mình đâu, em làm thế là đang làm phiền người ta đấy”.
Con bé Hoài bị tôi mắng nên ỉu xìu giải thích: “Thì tại anh ấy không làm hỏng xe của em, mà vẫn đền xe cho em nên em mới muốn cảm ơn. Em không nghĩ ra được phải tặng gì cả nên em mới lấy chuỗi hạt ra tặng anh ấy đấy chứ. Chị thấy không? Anh ấy nhận mà, còn bảo sẽ cho mình làm thêm công việc khác kiếm được nhiều tiền hơn nữa. Em thấy anh ấy là người tốt thật mà”.
“Chỉ được cái giỏi tin người. Có xe rồi nhưng vẫn không được tự ý ra ngoài đâu đấy. Muốn đi đâu thì phải bảo chị, chị cho đi mới được đi”
“Vâng ạ”.
Tối đó, Huy gọi điện về, tôi cũng có nói lại việc mình nhận làm thêm ghế hạt gỗ cho công ty Vĩnh Nghiêm. Anh nghe xong thì cũng tỏ thái độ y như Hoài, hỏi đi hỏi lại tôi làm cho công ty Vĩnh Nghiêm thật hay không, còn động viên tôi, bảo tôi nhận việc tốt như thế là đúng.
Thật ra chỉ có mình tôi hiểu, tôi nhận lời Nghiêm không phải vì ham có công việc tốt, mà một phần vì lời hứa năm xưa của tôi. Khi Nghiêm hỏi tôi sau này sẽ trả ơn Vĩnh Nghiêm như thế nào, tôi đã nói sẽ cố gắng học thật giỏi, thi đậu đại học và xin đến làm việc cho Vĩnh Nghiêm.
Đến nay đã trôi qua 7, 8 năm, dù tôi không hoàn thành được giấc mơ đại học nhưng có cơ hội được làm một công việc nhỏ cho Vĩnh Nghiêm, có lẽ cũng coi như đã thực hiện được lời hứa trước đây rồi. Mỗi tội cả đêm hôm ấy lên giường đi ngủ rồi tôi vẫn cứ trằn trọc mãi, không rõ Nghiêm có nhớ ngày xưa anh ta đã từng tiện tay nhận nuôi thêm một con bé, cũng là tiện tay cứu rỗi cuộc đời của một đứa con gái nhà nghèo, từng bị ép phải lấy chồng năm 14 tuổi không? Rồi nếu tôi cứ liên quan mãi đến anh ta, hoặc liên quan đến Vĩnh Nghiêm thì sau này sẽ thế nào?
Không biết kết cục, nhưng chẳng hiểu sao linh cảm của tôi lại không tốt lắm, cũng giống như việc Huy đang kiếm được nhiều tiền hơn vậy. Đồng tiền của thiên hạ phải đổ mồ hôi sôi nước mắt mà lấy, có bao giờ có được dễ dàng đâu.
Sau lần gặp đó nửa tháng, anh Nhân bắt đầu giao hàng đến cho chị em tôi xâu ghế hạt gỗ. Tôi vẫn đi làm ở tiệm café, Hoài ở nhà cơm nước và xâu hạt, việc dán mi giả cũng bỏ hẳn, nó nói xâu ghế hạt gỗ dễ làm hơn mà còn không bị đau tay, tiền công cao gấp mấy lần dán mi giả và làm vòng, thế nên nó chỉ tập trung làm việc cho Vĩnh Nghiêm.
Ban đêm về nhà tôi cũng tranh thủ phụ nó, nhờ vậy mà hàng tháng thu nhập của chị em tôi tăng lên đến 7, 8 triệu. Huy cũng mang nhiều tiền về hơn hẳn, có lần còn bàn với tôi mua một cây đàn vĩ cầm để thỉnh thoảng tôi biểu diễn cho anh xem.
Tôi cười bảo: “Lâu rồi, em quên cách chơi đàn vĩ cầm rồi ấy chứ. Với cả đàn vĩ cầm đắt lắm, một cái vài trăm triệu đấy. Em không chơi nữa đâu, anh đừng có mua”.
“Vài trăm triệu cũng được”. Anh hào hứng khoe với tôi: “Tháng này anh để dư ra gần hai trăm triệu đấy. Cùng lắm là bỏ ra một tháng lương để mua cho em chứ mấy”.
Tôi giật mình hoảng hốt nhìn Huy: “Sao tháng này anh kiếm được nhiều thế? Hai trăm triệu liền, tiền ở đâu mà nhiều thế?”.
Anh tủm tỉm rút ra một xấp tiền dày dúi vào tay tôi: “Thì anh nói với em từ đợt trước rồi còn gì, buôn bán trúng quả nên dư ra nhiều lắm. Em cầm bỏ vào sổ tiết kiệm đi, anh sẽ cố gắng kiếm thêm để cuối năm nay mua được nhà”.
“Anh, có phải anh đang có chuyện gì giấu em không?”.
Huy lảng tránh ánh mắt tôi, nhưng miệng vẫn nói: “Không có chuyện gì cả. Anh kiếm được tiền thật, mà có tiền anh cũng mang hết về, anh có chơi bời tệ nạn gì đâu. Em đừng nghĩ linh tinh. Cứ tin anh là được”.
“Nhưng nhiều tiền thế này em sợ. Em sợ anh đi sai đường”.
“Bọn anh chỉ buôn bột sắn với hoa quả chứ có gì đâu mà sai. Được năm trúng vụ thôi, biết đâu năm sau lại ế. Đang kiếm được tiền thì phải tranh thủ. Em yên tâm đi, anh không làm gì sai với em đâu. Em cứ tin anh nhé?”.
Thật ra anh đi xe hàng rất vất vả, thời gian đầu 2, 3 ngày đi một lần, giờ thì cả tuần không về, hoặc có ghé qua phòng trọ cũng chỉ đặt lưng một lát rồi lại dậy đi ngay. Huy bận hơn trước rất nhiều, tiền đưa về cũng nhiều, nhưng càng đưa cho tôi nhiều thì tôi càng lo lắng.
Sau đó, anh nói với tôi sẽ chỉ đi theo xe hàng hết năm nay rồi sang năm sẽ kiếm việc khác, có vốn rồi thì sẽ chuyển hướng kinh doanh, có thể mở một gian hàng buôn hoa quả rau củ ở chợ đầu mối Long Biên, hoặc là thầu bến bãi gì đó.
Tôi cũng thấy việc đi xe hàng quá bấp bênh và nguy hiểm nên cũng động viên anh cố gắng đến cuối năm rồi chuyển hướng. Nhưng hai tháng sau đột nhiên anh lại về vào giữa tuần, hớt hải gọi điện thoại cho tôi:
“Xuân ơi, em đang ở quán cafe à?”.
“Vâng, sao thế anh? Có chuyện gì à? Sao giọng anh lạ thế?”.
“Anh vừa xuống xe xong, nắng quá nên thở không ra hơi nữa đây”
“Anh bảo cuối tuần mới về à? Sao lại về giữa tuần? Có mệt lắm không? Có Hoài ở nhà đấy, anh về uống nước nghỉ ngơi đi, chiều em dặn Hoài đi mua đồ về nấu cơm cho”.
Huy bảo tôi: “Ừ. Anh bảo này, tiền gửi tiết kiệm lúc trước đó, bây giờ có rút trước hạn được không?”.
“Được ạ. Anh cần rút à?”.
“Ừ, mai anh nhập chuyến hàng mới, cần nhiều vốn nên rút tạm để nhập đã. Đợi sau chuyến hàng này họ thanh toán rồi anh đưa lại cho em gửi tiết kiệm”. Nói đến đây, anh hơi ngập ngừng: “Không phải anh có ý đòi em đâu, anh chỉ định nhập hàng thôi, có tiền thì anh sẽ trả em ngay”.
“Tiền tiết kiệm hầu hết là của anh mà, bọn em có góp được mấy đâu. Anh cần thì để em rút cho. Khoảng 1 tiếng nữa em xin nghỉ rồi chạy ra bưu điện rút”.
“Ừ, hay là để anh ra quán cafe đón em đi luôn nhé?”.
“Vâng, thế cũng được ạ”.
Lúc Huy đến, người anh vẫn mặc bộ quần áo sờn vai đầy bụi bặm, gương mặt cũng ướt đẫm mồ hôi. Chẳng biết anh mượn được đâu cái xe Dream để đến đón tôi, ngồi lên xong phải đạp mãi mới nổ máy được.
Ngại tôi quá nên anh cười: “Cái xe này cà tàng lắm rồi, anh mượn của thằng bạn đấy. Đợi hết chuyến này có tiền thì anh mua cái xe tay ga, em đi làm cũng tiện, đỡ phải chờ đợi xe bus”.
“Thôi, em đi xe bus mát lắm”. Trời mùa hạ nóng như đổ lửa, đứng dưới tán cây mà còn có cảm giác thở không được. Tôi lấy khăn thấm mồ hôi trên trán Huy, lại thấy anh gầy và đen hơn trước một chút, mắt đầy tơ m.áu. Tôi xót anh nên nói: “Anh đi xe không được ngủ à? Sao lần nào về cũng gầy đi thế này?”.
“Mấy hôm nay tự nhiên anh bị mất ngủ”. Anh trả lời qua loa rồi bắt đầu chở tôi đến bưu điện, trên đường đi mới hỏi: “Dạo này em xâu chuỗi hạt được không? Có đau tay không?”.
“Hạt ghế nó to nên không đau tay đâu, mà xâu nhanh lắm, có hôm một đêm mà bọn em xâu được 2 cái ghế đấy”.
“Ừ, chịu khó thêm một thời gian nhé. Chúng ta sắp giàu rồi. Lúc đó em không phải đi làm làm gì cho vất vả nữa, ở nhà thôi anh nuôi”.
Tôi cười, bảo không cần, nhưng Huy lại khăng khăng bảo sẽ lo được cho chị em tôi, anh vẽ ra một tương lai vô cùng tươi sáng, khi đó tôi sẽ được đi học đại học, Hoài được đi bệnh viện nước ngoài chữa trị, anh cũng có một cửa hàng buôn bán rau củ.
Rút tiền xong, Huy cũng chỉ ở nhà thêm một tối rồi ngày mai lại vội vàng đi từ 3h sáng. Chẳng hiểu sao từ lúc anh đi, lòng tôi cứ bất an đến lạ, đến quán cafe mà cứ bồn chồn không yên, đến buổi trưa thì tự nhiên thấy một đám con gái đầu tóc nhuộm vàng chóe từ bên ngoài xồng xộc đi vào.
Một người tóm lấy chị phục vụ bàn ở ngoài, trợn mắt hỏi:
“Ở đây có ai có đứa em què không? Cái con gì mà tóc dài dài ấy”.
Chị phục vụ kia lắc đầu đáp: “Không biết, ở đây ai cũng tóc dài cả. Các cô tìm ai thì tự đi mà tìm, tự nhiên túm cổ tôi làm gì?”.
“Tao nghe nói con bé đó làm ở đây mà, nó đâu rồi, ở đây còn những ai nữa?”.
Vừa nói dứt câu thì có một người nhìn thấy tôi, reo lên: “A kia rồi. Con r.anh đánh chị Phương kia rồi. M.ẹ nó chứ, tìm mãi mới thấy nó, đúng cái mặt của nó kia rồi”.
Tôi theo phản xạ định bỏ chạy, nhưng mấy con bé kia đuổi rất nhanh, một đứa túm tóc tôi giật ngược ra sau: “Có phải mày đánh chị Phương không? Mày với con em què của mày ra đường ăn xin không được còn cắn lại người ta đúng không?”.
“Bỏ ra. Các người là ai? Tôi không quen các người, đừng có vô cớ đánh người khác”.
“Cần quái gì mày phải quen tao? Mày chỉ cần biết mày động đến chị Phương thì bọn tao sẽ không tha cho mày. Con r.anh con, đi phục vụ ở quán cafe thôi mà dám mất dạy với người khác à? Hôm nay tao v.ả g.ãy răng mày xem mày còn vênh váo được không nhé?”.
Bọn họ vừa nói vừa quây lại đánh hội đồng tôi, người thì đấm người thì đá, có đứa thì vớ được cái gạt tàn đập thẳng lên đầu tôi. Cả quán cafe đang yên ả lập tức trở nên hỗn loạn, tôi dù bình thường chân tay rất khỏe nhưng cũng không chống lại được 5, 6 đứa con gái thế này, cuối cùng chỉ có thể cắn răng chịu đòn.
May sao lúc này chị Nhung cũng vừa từ bên ngoài vào, nhìn thấy tôi bị đánh mới cầm luôn cây lau nhà trong tiệm, không hỏi câu nào đã lao đến đập liên tiếp vào người mấy đứa con gái kia:
“Chúng mày thích làm loạn ở quán cafe của tao đấy phải không? Mấy con nhãi r.anh này, chúng mày có thích bắt nạt nhân viên của tao không?”.
Mấy chị em nhân viên trong quán cafe thấy thế cũng mỗi người vớ một món lao lại đánh, đám con gái nhuộm tóc xanh đỏ kia đang từ thế được bắt nạt chuyển thành bị bắt nạt. Bọn chúng la oai oái:
“A, a… cái giẻ lau nhà bẩn thế mà bà dám bổ lên đầu bọn tôi à? Tránh ra, tránh ra”.
Chị Nhung không tránh, còn dí thẳng giẻ lau nhà vào mặt nó: “Chúng mày có cút không? Không cút hôm nay tao đóng cửa đánh bỏ m.ẹ chúng mày. Mấy con r.anh, tao đẻ được ra bọn mày đấy, dám đến quán của tao gây sự phải không? Chúng mày có muốn tao cạo đầu bôi vôi thả bè chuối trôi sông chúng mày luôn không?”.
Cả đám thấy chị Nhung vừa đô con lại vừa hung hăng, bên cạnh còn có mấy chị em nhân viên bảo vệ tôi thì không dám vênh váo đánh người nữa, vội vàng kéo nhau chạy biến. Lúc bọn chúng đi rồi, chị Nhung mới lao lại đỡ tôi dậy:
“Xuân, có sao không? Đau chỗ nào không?”.
Đau, tất nhiên là đau chứ? Cả người tôi chỗ nào cũng đau, nhất là trên đỉnh đầu, cảm thấy có một dòng m.áu âm ấm đang rỉ xuống. Nhưng tôi ngại nên chỉ nói: “Không ạ. Em không sao đâu. Em xin lỗi chị, làm ầm ỹ hết quán lên rồi”.
“Xin lỗi cái quái gì? Thế làm sao? Sao mà bọn kia lại đánh mày?”
“Em cũng không biết, tự nhiên thấy xông vào quán, hỏi em xong thì đánh luôn”.
“Mấy con r.anh đó chắc mới học cấp 2, cấp 3 chứ mấy. Cái bọn trẻ trâu này không được dạy bảo thì láo nháo lắm. Thôi đi vào rửa mặt mũi đi, rồi tao chở lên bệnh viện xem vết thương thế nào. Đầu mày chảy m.áu đấy, có khi lại phải khâu”.
“Em không sao đâu, bị xước nhẹ thôi, không phải khâu đâu ạ”.
Tôi không muốn đi bệnh viện, chỉ nói cảm ơn và xin lỗi tất cả mọi người trong quán cafe, sau đó định dọn dẹp và đền lại đồ vỡ, nhưng chị Nhung cứ nhất quyết bảo không phải đền rồi đuổi tôi đi về nhà nghỉ ngơi.
Tôi không cãi được chị ấy nên đành phải về, sau đó chẳng biết có phải vì ấm ức hay vì lòng vẫn bất an, cần tìm một bờ vai để dựa dẫm hay không mà ngón tay tôi lại vô thức ấn số điện thoại của Huy. Bình thường thì điện thoại của anh vẫn mở 24/24, tôi gọi lúc nào cũng được, nhưng chẳng hiểu sao hôm nay chỉ nghe thông báo của tổng đài: “Thuê báo quý khách vừa gọi hiện không liên lạc được”.
Ban đầu, tôi tự trấn an mình rằng anh đi vào vùng không có sóng, nhưng vào Zalo thì thấy nick anh đã truy cập vào 7 giờ trước, không thể nào không có sóng di động chừng ấy thời gian được.
Nỗi bất an lại như lớn dần trong tôi, cứ cách 15 phút tôi lại gọi một lần, gọi suốt từ đó cho đến tối mà số của Huy vẫn không liên lạc được.
Cái Hoài thấy tôi thất thểu về nhà, mặt thì chỗ tím chỗ sưng mới hốt hoảng hỏi: “Chị, chị bị sao thế? Sao mặt mũi lại ra thế kia? Ai đánh chị à?”.
“Không, chị vừa bị cái xe máy vượt đèn đỏ đâ.m vào. May mà không việc gì”.
“Đi đứng kiểu gì mà để xe đâm vào thế? Có đau lắm không? Ngồi xuống đây em xem nào”.
Tôi không có tâm trạng giải thích với nó, chỉ lắc đầu bảo không sao, sau đó mới hỏi Hoài cả ngày hôm nay có gọi cho Huy không. Nó đáp:
“Có, sáng nay lúc 10h em có gọi anh ấy để hỏi xem anh ấy để mấy cuộn thép ở đâu, nhưng không liên lạc được, mà cũng không thấy anh ấy gọi lại. Sao thế hả chị?”.
“Chị cũng gọi suốt từ chiều đến giờ nhưng không được. Không biết anh ấy đi đường có việc gì không”.
“Hay là hỏi cái anh hay đi cùng xe với anh ấy xem. Biết đâu điện thoại hết pin, xe đi 2 người mà, hỏi người này sẽ biết người kia thôi”.
“Thế có phiền người ta không nhỉ?”
“Phiền gì đâu, chị lo thì gọi thôi mà”.
Rút cuộc, tôi đành phải vào facebook Huy để tìm số điện thoại của anh bạn kia, may sao anh ấy chạy xe hàng nên lúc nào facebook cũng để số điện thoại để người ta dễ liên hệ. Chỉ là lúc tôi gọi đến hỏi về Huy, anh ấy có vẻ rất ngạc nhiên:
“Huy á? Huy nghỉ đi xe với anh lâu rồi mà”.
“Anh ấy nghỉ đi xe với anh lâu rồi ấy ạ?”.
“Ừ, 3, 4 tháng nay rồi. Anh hỏi nó nghỉ làm gì, nó bảo nghỉ để ở nhà mở cửa hàng rau củ quả. Thế nó nói với em nó vẫn đi xe cùng anh à?”.
“À không ạ. Anh ấy chỉ nói vẫn đi xe, nhưng em cũng không rõ đi cùng ai, em tìm được facebook của anh nên hỏi thôi ạ”.
Đầu dây bên kia im lặng một lúc rồi đáp: “Thỉnh thoảng anh vẫn nhắn tin hỏi nó, rủ nó đi xe cùng cho có thu nhập, nhưng nó bảo mở cửa hàng rau củ dễ kiếm tiền hơn. Đi xe như bọn anh vất vả lắm, thuận lợi thì một chuyến chắc lãi được 8, 9 trăm đến 1 triệu, mà có chuyến rau củ nó hỏng thì còn lỗ, nên nó bảo không đi nữa. Huy nghỉ chạy xe với anh lâu rồi, em thử hỏi người khác xem nhé”.
“Vâng ạ, em cảm ơn anh”.

Yêu thích: 4.7 / 5 từ (4 thả tim)
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN