Yêu Hận Tựa Như Núi
Phần 7
Sau đó, tôi chính thức trở thành người quản lý công việc ở nhà cho Nghiêm.
Công việc của tôi cũng chẳng nặng nhọc gì cả, chỉ là quán xuyến nhà cửa, truyền tải lại yêu cầu của anh ta đối với người giúp việc, sắp xếp mọi thứ tươm tất để hài lòng ‘ông chủ’ mỗi khi anh ta về nhà. Mỗi tội cuộc sống ở đây quá hào nhoáng và giàu sang, một kẻ nghèo ở đáy cùng xã hội như tôi tạm thời vẫn chưa quen được.
Khu mà Nghiêm ở là nơi mà giới siêu giàu hội tụ, biệt thự của anh ta có 3 mặt tiền ngay vị trí đắc địa, rộng đến cả nghìn mét vuông, bên trong trồng cây trồng hoa, có cả hồ cá và đình nghỉ mát.
Hôm đầu tiên tôi đến, thím quản lý cũ của biệt thự đã đưa cho tôi một list danh sách dài những việc phải làm hàng ngày, còn dặn tôi:
“Ông chủ trẻ thì trẻ, nhưng khó tính. Tốt nhất là cô cố gắng đừng để làm sai chuyện gì, có bị mắng thì cũng im đi mà nghe rồi xin lỗi, nếu không thì không trụ được đâu”.
“Vâng, cháu còn ít tuổi, có nhiều việc còn chưa hiểu, có gì thím bảo cháu với nhé”.
“Ôi tôi cũng có biết gì đâu mà bảo. Tôi mà chiều được ý cậu ấy thì cũng chả phải đi sớm thế này. Nghe nói đến tôi là người giúp việc thứ 9 rồi, có ai trụ nổi quá 6 tháng đâu”.
Nói tới đây, thím quản lý cũ nhìn tôi đầy thông cảm, vỗ vỗ vai tôi: “Nhưng biết đâu cô trẻ lại hợp ý ông chủ. Thôi cứ cố gắng xem thế nào, dù gì lương ở đây cũng cao ngất ngưởng, mất việc thì tiếc lắm”.
“Vâng, cháu cảm ơn thím”.
Sau đó, tôi đọc đi đọc lại danh sách mà thím ấy đưa, thầm nghĩ chỉ cần mình thuộc lòng những công việc cần làm và cố hết sức thì sẽ không mắc phải sai lầm gì cả. Ai ngờ ngày thứ 2 đi làm tôi đã khiến anh ta phật lòng.
Quần áo của Nghiêm toàn là đồ cao cấp, tôi sợ mình làm ẩu nên tốn 40 phút mới là lượt xong một bộ, lúc mang xuống thì anh ta đã ăn sáng xong rồi. Nghiêm nhìn đồng hồ đeo tay, vẻ mặt hơi thiếu kiên nhẫn:
“Lần đầu tiên là quần áo cũng chậm 30 phút. Nếu còn tái phạm, tôi sẽ trừ lương”.
“Vâng, tôi sợ hỏng áo nên là chậm. Từ sau tôi sẽ chú ý. Xin lỗi anh ạ”.
“Sao cô bảo biết làm việc chân tay? Là quần áo là việc phải dùng đầu óc à?”.
“Là việc dùng chân tay”. Tôi vẫn thật thà giải thích: “Nhưng quần áo anh đắt tiền, tôi sợ hỏng thì không đền được”.
“Thời gian của tôi còn giá trị hơn quần áo của tôi. Nếu nói đền, 30 phút cô làm trễ giờ của tôi, quy ra tiền thì cô cũng không đền nổi đâu”. Anh ta bình thản đứng dậy, cầm lấy bộ quần áo trên tay tôi: “Có cần tôi ghi thêm nợ để cô làm trừ dần không?”.
Tôi mím chặt môi, cảm thấy hơi khó chịu vì bị mắng, nhưng đứng dưới mái hiên không thể không cúi đầu, lại phải xin lỗi: “Tôi xin lỗi anh, sau này tôi sẽ không làm tốn thời gian của anh nữa. Tôi sẽ làm mọi việc cẩn thận. Xin lỗi anh”.
Nghiêm cũng không buồn để ý đến lời xin lỗi của tôi, anh ta chỉ nhìn nhìn một lát rồi cầm tấm thẻ dưới bàn lên, bảo đó là tiền chi tiêu hàng tháng, nhiệm vụ của tôi là phải lên kế hoạch chi tiêu đầy đủ, miễn sao đừng để thiếu trước hụt sau, làm phiền tới anh ta.
Tôi vâng vâng dạ dạ, cứ nghĩ trong thẻ chỉ có khoảng 5 – 60 triệu, không ngờ lúc tra số dư, nhìn thấy hàng loạt số 0 phía sau mới giật mình nhận ra số tiền quá nhiều. Chừng ấy có lẽ đủ để tôi chi tiêu cả đời, nhưng anh ta lại dùng trong vòng một tháng, chẳng khác gì ném tiền qua cửa sổ.
Tất nhiên, dù Nghiêm có ném tiền qua cửa sổ thì cũng là tiền của anh ta, không liên quan đến tôi, nhưng vì tiếc nên tôi vẫn ngồi cả đêm tỉ mỉ lên kế hoạch chi tiêu, làm sao cho vừa phù hợp lại vừa tiết kiệm nhất.
Con bé Hoài thấy tôi cứ tính tính toán toán không ngủ mới ló đầu xuống hỏi:
“Chị ơi, chị không ngủ à?”.
Tôi giật mình, ngẩng đầu lên nhìn gương mặt xanh rợt của con bé: “Em đang còn mệt, ngủ đi. Chị làm xong cái này rồi ngủ”.
“Chị làm bảng tính tiền tiêu nhà anh Nghiêm à?”.
“Ừ. Nhiều khoản phải chi lắm. Nhưng có nhiều thứ chị thấy không cần thiết phải tiêu như thế nên định cắt bớt đi. Một tháng tiêu 500 triệu, bằng người ta làm cả đời rồi còn đâu”
“Eo, 500 triệu á? Thế cái gì cũng phải là đồ đắt à? Em thấy gì mà thức ăn toàn phải là thức ăn nhập khẩu, rồi trứng cá tầm gì đấy. Thế thì riêng đồ ăn một tháng đã tốn mấy trăm triệu rồi còn gì?”.
“Ừ thì người giàu ăn như thế mà. Họ có chuyên gia dinh dưỡng riêng đấy, ăn thế nào cũng phải theo chế độ, không bừa bãi như mình đâu”.
“Anh Nghiêm ở một mình mà ăn uống cũng cầu kỳ thế hả chị?”.
“Ừ, chắc đây là cách sống của người giàu, mình người nghèo thì không hiểu được”.
Nói tới đây, tôi lại sợ mình cứ làm việc mãi thì Hoài không ngủ được, con bé vừa tỉnh lại được một tuần, sức khỏe chưa ổn lắm nên tôi đành tắt điện thoại, trèo lên giường nằm cạnh nó:
“Thôi ngủ đi, ngủ mới khỏe được. Mai em ở đây với y tá, chị đi làm, có gì thì cứ gọi y tá nhé”.
“Vâng, em biết rồi. Nhưng mà chị này, em nghĩ mãi vẫn không hiểu, sao tự nhiên anh Nghiêm lại thuê chị đến làm quản gia nhỉ? Mình có biết gì đâu, thuê làm người dọn dẹp các thứ còn biết, chứ làm quản lý thế đã có kinh nghiệm đâu. Mà lương thì cao nữa”
“Chị cũng không rõ. Thôi ngủ đi, sau này tính”.
Thực ra tôi cũng đã suy nghĩ mãi, sau cùng chỉ đoán rằng Nghiêm cho tôi làm quản lý vì không muốn nợ tôi vụ suýt bị đ.âm xe kia, nhưng ngược lại, số tiền 400 triệu tôi đòi hỏi cũng quá lớn, anh ta không muốn phí phạm tiền cho một kẻ như tôi nên mới sắp xếp cho tôi làm quản lý, để tôi tự biết khó mà lui.
Có điều, những đứa xuất thân từ nghèo khó như chúng tôi tuy thứ gì cũng không có, chỉ có sự lì lợm và kiên trì là không ai bằng. Thứ gì không biết thì tôi sẽ nỗ lực học hỏi, bị mắng thì tôi sẽ cúi đầu xin lỗi. Ban đầu, cái tên Nghiêm kia vừa khó tính lại vừa thích soi mói, anh ta bận cả ngày nên thường xuyên đi từ sáng sớm đến tối mịt mới về nhà, nhưng nhìn góc nào cũng không ưng, bếp lau bóng loáng rồi vẫn chê chưa sạch, quần áo và cà vạt tôi là phẳng phiu xong treo lên, anh ta vẫn chê chưa đủ thẳng, bắt tôi phải là đi là lại, thậm chí đến món anh ta yêu cầu nấu, nguyên liệu và đầu bếp cũng vẫn như vậy, nhưng anh ta ăn xong vẫn không hài lòng, chê bai đồ ăn vừa nhạt nhẽo vừa nhàm chán.
Người làm trong nhà sợ Nghiêm một phép, nhất là chú đầu bếp, bị nói như thế thì mặt mày hết xanh lại trắng. Chỉ có tôi bị mắng mà mặt mày vẫn tỉnh bơ, còn hỏi anh ta:
“Hôm nay gia vị không vừa miệng anh hay là do tự nhiên anh ăn không thấy ngon ạ?”.
“Không có cái gì vừa miệng cả”
“Tôi thấy chú đầu bếp vẫn dùng công thức cũ đấy chứ, hay là để tôi nếm thử xem thế nào nhé?”. Dứt lời, tôi không chờ anh ta đáp đã lấy một đôi đũa khác, gắp một miếng cho vào miệng. Công nhận là đồ ăn của đầu bếp nấu ngon thật, dù nguội rồi nhưng vẫn ngon. Tôi nhai xong mới nói: “Đồ ăn thì ngon, nhưng không đặc sắc, không để lại ấn tượng để ăn tiếp lần 2, lần 3. Cho nên món này anh ăn nhiều lần rồi, giờ không vừa miệng nữa là đúng”.
Tôi dừng lại, liếc sắc mặt đã bắt đầu lạnh xuống của anh ta, hỏi thêm một câu: “Hay là anh ăn mì tôm nhé? Mì tôm không nhiều dinh dưỡng, nhưng một tuần ăn một lần cũng không chán đâu. Tôi ăn nhiều rồi, tôi biết”.
Nghiêm quắc mắt nhìn tôi: “Đây là việc mà quản lý nên làm đấy à?”.
“Tôi thấy ngày nào anh cũng ăn theo chế độ dinh dưỡng, mãi như thế cũng chán. Nên thay vì không nuốt được, thì thử thay đổi khẩu vị một hôm xem sao. Biết đâu lại dễ ăn, mà ăn ngon thì tâm trạng mới thoải mái nữa”.
“Cô biết tôi không thoải mái nhất là việc gì không?”.
“Tôi biết”. Tôi vẫn bình tĩnh mỉm cười: “Là thấy mặt tôi cùng người giúp việc ở đây. Hay là anh lên phòng đi, lát nữa pha mì tôm xong tôi mang lên cho anh. Anh yên tâm, tôi sẽ nhờ chú đầu bếp nấu loại mì dinh dưỡng nhất cho anh, vẫn đảm bảo sức khỏe mà ăn không bị chán”.
Có lẽ, lúc này trong lòng anh ta đã tức đ.iên lên rồi, nhưng hình như con nhà giàu được dạy dỗ khống chế cảm xúc rất tốt thì phải. Anh ta không thèm trả lời nữa, chỉ liếc tôi một cái sắc lẹm rồi đi thẳng lên phòng. Lúc bóng dáng Nghiêm vừa khuất sau cầu thang, mấy người làm trong nhà ai cũng mắt tròn mắt dẹt nhìn tôi:
“Ninh, hôm nay em ăn phải mật gấu đấy à? Sao dám nói với cậu Nghiêm như thế?”.
“Đâu, em chỉ nói thật thôi. Anh ấy ăn đồ dinh dưỡng nhiều quá sẽ chán, thỉnh thoảng ăn món bình dân biết đâu đổi khẩu vị lại thấy ngon”
“Ôi, người ta là con nhà giàu, là tổng giám đốc của Vĩnh Nghiêm đấy, ăn mì tôm sao được mà mì tôm? Mì tôm độc hại lắm, bọn chị ở đây 7 năm rồi, có bao giờ thấy cậu Nghiêm ăn mì đâu. Nãy chị thấy cậu ấy tức lắm, em lên xin lỗi cậu ấy đi”.
Chú đầu bếp cũng đẩy vai tôi: “Đi đi không lại bị đuổi việc bây giờ, mới làm được hơn một tuần, lương còn chưa nhận. Cháu lên xin lỗi cậu Nghiêm đi”.
Tôi lắc đầu: “Chú ơi, chú pha hộ cháu một bát mì nhé, bỏ thêm giá và thịt bò, để cháu mang lên cho anh Nghiêm”.
“Cái con bé này, đã bảo là cậu ấy không bao giờ ăn mì mà”.
“Thì chú cứ pha đi, cháu mang lên cho, anh ấy không ăn thì thôi, còn ăn thì càng tốt chứ sao”. Tôi hạ giọng năn nỉ chú ấy: “Nhanh lên chú nhé, trách nhiệm cháu chịu hết cho, anh ấy mà mắng thì cháu nhận phần cháu hết, chú cứ pha giúp cháu nhé?”.
Chú đầu bếp không có cách nào, đành thở dài, lẩm bẩm mắng tôi, tay lại thoăn thoắt pha mì. Xong xuôi, một mình tôi bưng khay mì lên phòng cho Nghiêm, gõ cửa anh ta cũng không thèm trả lời nên tôi tự đi thẳng vào.
Trong phòng tắm có tiếng nước chảy, hình như Nghiêm vẫn còn đang tắm bên trong. Tôi lẳng lặng đặt khay mì tôm xuống bàn rồi đứng yên đợi anh ta, lát sau Nghiêm đi ra thấy tôi mới khẽ cau mày:
“Cô đang giả ngu hay cô có vấn đề về nhận thức thật thế? Mang tô mì đó ra khỏi phòng ngay”.
“Trong mì này có thịt bò, trứng, có cả tôm mặn anh thích nữa. Tối nay anh không ăn gì thì không có sức làm việc đâu, anh ăn đi”.
“Không ăn”.
“Thế anh muốn ăn món gì? Anh nói đi, tôi bảo chú đầu bếp đi nấu cho anh”.
Anh ta không thèm trả lời mà chỉ lạnh lùng ngồi xuống bàn làm việc, bàn tay nhanh chóng gõ phím, tỏ vẻ chán không thèm phí lời với tôi. Tôi thì vẫn kiên trì nói:
“Tôi hỏi một câu được không?”. Nói xong, không đợi anh ta từ chối đã hỏi luôn: “Những người quản lý trước tôi, bọn họ thế nào vậy?”
“Y như cô”.
“Y như tôi nghĩa là ai cũng làm không tốt đúng không?”
Anh ta khẽ cau mày, dừng tay gõ phím rồi ngẩng lên nhìn tôi: “Phải”.
“Tôi có hỏi người giúp việc trong nhà, mọi người có nói ở đây thay 9 người quản lý rồi. 9 người cũng là con số nhiều, nhưng chẳng lẽ trong tất cả bọn họ không có ai làm tốt sao ạ?”
“Ý cô là gì?”.
Tôi cũng không vòng vo nhiều, nói thẳng: “Tôi nghĩ có lẽ không phải là các quản lý trước làm không tốt. Mà họ không hiểu được ý của anh, thế nên anh mới không hài lòng. Anh Nghiêm, số nợ tôi nợ anh rất nhiều, công việc này cũng sẽ phải làm đến khi trả hết tiền nợ. Thế nên nếu anh có yêu cầu gì thì anh cứ nói với tôi, muốn ăn gì, muốn làm ra sao, không thích gì, ghét gì anh cứ nói, tôi sẽ cố gắng hết sức để làm anh hài lòng. Có như thế thì tôi mới hoàn thành công việc tốt nhất, còn anh cũng đỡ phải rước bực tức vào người”.
“Nếu tôi nói thứ tôi không thích nhất là mỗi ngày đều nhìn thấy mặt cô ở đây thì cô định thế nào?”
“Tôi sẽ càng cố gắng ở lại đây cho đến khi anh không ghét tôi nữa. Hòn đá bên đường có cản bước chân anh, thì anh cũng chỉ đá nó được một hai ngày, cùng lắm là nửa tháng nửa năm. Sau này dần dần anh sẽ chấp nhận sự tồn tại của nó, hoặc không để ý đến nó nữa, có đi qua cũng không buồn tốn sức đá hòn đá đó. Tôi cũng muốn sống như vậy, giữ công việc này, làm cho anh không ghét tôi nữa”
Có lẽ câu nói này của tôi khá thực tế, hoặc cũng có thể Nghiêm không nghĩ tôi sẽ trả lời như vậy nên ánh mắt bất chợt sượt qua một tia ngạc nhiên. Nhưng sau đó, anh ta vẫn trả lời một câu khá gợi đòn:
“Muốn giữ công việc này, thì cô cứ hoàn thành công việc theo đúng ý tôi là được”.
“Có nghĩa là quá trình không quan trọng, miễn là kết quả đúng ý anh phải không?”
“Phải”. Anh ta chỉnh điều hòa nhiệt độ trong phòng lên cao một chút, sau khi ném điều khiển xuống bàn mới bảo tôi: “Tôi thuê cô đến làm quản lý, không thuê cô đến làm trẻ con để chờ tôi dạy bảo. Nếu bất cứ việc gì cũng phải hỏi qua ý tôi, muốn biết tôi muốn gì, yêu cầu gì, ghét gì, thì tốt nhất là cô nên xin nghỉ để làm công việc khác. Tôi không thừa tiền thuê một người cái gì cũng không biết”
Tôi cười: “Tôi thì không giỏi đoán ý người khác, nhưng nếu anh đã nói thế thì từ giờ về sau những việc trong nhà tôi sẽ không hỏi qua anh nữa. Tôi sẽ tự quyết định những việc mà tôi cho là phù hợp. Nếu anh cảm thấy quá khó chịu thì cứ nói với tôi nhé, tôi sẽ xin lỗi và rút kinh nghiệm cho lần sau”.
Anh ta nhìn tôi, sự lạnh lùng trong mắt giống như đã nhạt đi một chút: “Còn gì nữa không?”.
“Không”. Tôi lắc đầu, tự biết ý đi ra ngoài: “Muộn rồi, không làm phiền anh nữa, anh ăn mì đi rồi làm việc nhé. Tôi đi về đây”.
Nghiêm không trả lời, cũng không bảo tôi mang tô mì kia đi ra mà chỉ sầm sì nhìn vào máy tính. Tôi cũng không làm phiền anh ta thêm, quay người đi ra ngoài. Nhưng lúc đến cửa mới thấy phòng anh ta quá rộng, lại bật quá nhiều đèn, vừa tốn điện vừa chói mắt khi làm việc, thế nên tôi tiện tay tắt đi luôn.
Gần 10 cái bóng điện đồng loạt tắt khiến Nghiêm hơi giật mình, anh ta khẽ cau mày ngẩng lên nhìn tôi. Còn tôi thì vẫn bình thản nói: “Mỗi tháng phải trả gần 70 triệu tiền điện, tôi thấy hơi lãng phí. Với cả tôi thấy phòng anh bật nhiều bóng như thế làm việc rất chói mắt, không tốt cho thị lực đâu. Tôi tắt đi không vấn đề gì chứ?”.
Vẻ mặt anh ta như kiểu muốn nói ‘Cô tắt xong rồi còn hỏi’, nhưng dường anh Nghiêm cũng không muốn tranh cãi với tôi nên chỉ nghiến răng bảo: “Còn chưa đi?”.
“Tôi đi bây giờ đây”.
Lúc tôi xuống tầng thì người giúp việc trong nhà vẫn tụ tập hóng kết quả, thấy tôi đi xuống, ai cũng túm lấy hỏi ông chủ đã đuổi việc tôi chưa, có xin lỗi anh ta đàng hoàng không. Tôi chỉ ậm ừ trả lời rằng: “Em không biết, em để tô mì ở đó rồi xuống thôi, đuổi việc hay không thì chắc mai mới biết được ạ”.
Ai cũng bảo tôi lần này c.hế.t chắc, kiểu gì cũng bị Nghiêm đuổi việc. Nhưng kết quả là ngày hôm sau tôi lên phòng anh ta thì thấy bát mì trên bàn đã được ‘ai đó’ ăn gần như sạch hết rồi, chỉ còn lõng bõng một chút nước đã nguội tanh nguội ngắt. Chỉ cần như thế thôi là tôi đã biết kết quả mình có bị đuổi hay không rồi.
Kỳ thực, sau đó Nghiêm không hề đuổi tôi, mà các việc lặt vặt trong nhà anh ta cũng không soi mói nữa. Ví dụ như để tiết kiệm tiền, tôi bảo chú đầu bếp một tuần chỉ nấu cơm bằng thực phẩm mua ở siêu thị nhập khẩu cao cấp 4 ngày, 3 ngày còn lại thì cứ đi siêu thị bình dân, mua đồ ăn bình thường về nấu nướng.
Lúc đầu chú đầu bếp không đồng ý, nhưng tôi cứ khăng khăng bảo nếu như Nghiêm phạt thì tôi sẽ nhận tội lỗi về mình, cộng thêm cả việc hôm trước tôi dám cho ‘ông chủ’ ăn mì mà anh ta không đuổi tôi, nên rút cuộc chú ấy đành phải đồng ý.
Mỗi tội, hôm đầu tiên khi nấu thức ăn bình thường. Nghiêm gắp miếng đầu thì đột nhiên khựng lại, chú đầu bếp thì đầu run như cầy sấy. Chú ấy vừa định khai thật ra là đồ này không đảm bảo đủ dinh dưỡng và cao cấp như đồ nhập khẩu thì anh ta lại ăn miếng thứ hai, thứ ba, ăn hết một bát cơm rồi đứng dậy, không có ý kiến hay phàn nàn câu nào.
Người giúp việc trong nhà lại càng tin tưởng tôi, cứ giơ ngón cái bảo tôi rằng: “Ninh siêu thật đấy, hôm nay cậu Nghiêm không chê nữa. Tính tình đỡ hơn rồi. Cháu mới đến mà hiểu cậu ấy thật đấy”.
Tôi cười, lòng thầm nhủ không phải là tôi hiểu anh ta, mà là anh ta ‘thèm đòn’, ăn ngon mãi rồi nên ngứa miệng, thèm thức ăn của người bình dân. Mỗi tội, tôi lại không dám nói ra miệng nên chỉ bảo: “Chắc ăn mãi đồ nhập khẩu nên chán đấy chú ạ. Như mình ăn mãi đồ bình dân thì chán, thỉnh thoảng được ăn đồ cao cấp thì dù có dở cũng thấy ngon. Đời thường hay thế mà”
“Ừ. Có khi đúng là thế thật. Mấy đồ dinh dưỡng thì dinh dưỡng thật, nhưng có ngon miệng đâu, quanh đi quẩn lại cũng không bằng lúc bụng đói được ăn một gói mì Hảo Hảo”
Tôi bật cười: “Vâng ạ”.
Sau đó, dần dần tôi cũng sắp xếp việc ở biệt thự theo ý của tôi. Cái gì không cần thiết và lãng phí thì tôi sẽ cắt hết, cái gì tái sử dụng được thì tôi sẽ dùng lại, thậm chí cả nguồn điện trong nhà, vì có phòng điều khiển điện riêng nên cứ đến 10h tối thì tôi sẽ cầm ipad tắt các bóng đèn không dùng đến, trong đó có cả những bóng đèn ở phòng của Nghiêm.
Ban đầu anh ta cũng hơi khó chịu, nhưng chắc vì lười đứng dậy khỏi máy tính nên mặc kệ tôi. Dù sao cũng không ảnh hưởng đến chuyện làm việc của anh ta nên Nghiêm không thèm chấp. Chỉ là có một hôm khi tôi sắp chuẩn bị đồ ra về thì có người đến, một chị giúp việc ra mở cửa, người phụ nữ ăn mặc sang trọng vừa bước vào cau mày chê bai:
“Làm cái gì mà nhà cửa tối om thế này? Nhà này thiếu tiền trả tiền điện à mà phải tắt đi như thế? Ai cho các người quyền tắt đấy hả?”.
Chị Sen vội vàng nói: “Dạ, dạo này đang mùa hè, cao điểm thiếu điện nên…”.
“Thiếu điện ở đâu chứ ở Hà Nội này không thiếu điện. Bật lên. Sao các nhà bên cạnh người ta không tiết kiệm điện mà nhà này lại bày đặt tiết kiệm điện? Các người định để người khác chê cười nhà này không có tiền trả tiền điện đấy à?”.
“Dạ không ạ”. Chị Sen vội vàng liếc sang tôi, tỏ ý bảo tôi giải thích với người phụ nữ đó đi, tôi cũng đang định nói thì bà ấy đã hỏi:
“Ai đây?”.
Tôi đoán bà ta cũng là chủ nhà, hoặc người có quan hệ thân thiết với Nghiêm nên vẫn mỉm cười lịch sự: “Em chào chị, em là quản lý mới đến ạ”.
“Quản lý mới?”. Bà ta nhìn chòng chọc tôi từ đầu đến chân: “Bao nhiêu tuổi? Ai thuê?”.
“Em 22 ạ. Anh Nghiêm thuê em vào làm chị ạ”.
Mặt bà ta ngay lập tức lạnh xuống, nhìn tôi bằng con mắt chẳng dễ chịu gì. Nhưng có lẽ vì Nghiêm thuê nên bà ta không bắt bẻ được, chỉ hậm hực mắng tôi vì dám tắt điện trong nhà, bắt tôi bật lên xong, còn lẩm bẩm mấy câu nữa rồi mới xách túi đi lên tầng.
Lúc bà ta mở cửa vào phòng của Nghiêm, tôi mới quay sang hỏi chị Sen: “Chị ơi, đây là ai thế ạ?”.
“Là bà chủ đấy. Mẹ của cậu Nghiêm”
“Mẹ ấy ạ?”.
Thật sự tôi thấy bà ta quá trẻ, quần áo túi xách toàn là đồ cao cấp, da mặt căng mịn nhẵn thín, trông không giống như phụ nữ 4, 50 tuổi mà chỉ tầm hơn 30 thôi. Mà sau đó, chị Sen cũng nói:
“Không phải mẹ ruột đâu, mẹ hai. Mà cũng chẳng phải mẹ hai, vì bố cậu Nghiêm có cưới đâu, còn không được nhập tên vào sổ hộ khẩu nữa, chị nghe nói thế”. Giọng chị Sen thầm thì, còn vừa nói vừa lén lút nhìn lên tầng: “Nhưng bà này ở với bố cậu Nghiêm cũng lâu lâu rồi đấy, nghe nói đi theo bố cậu ấy từ năm 20 tuổi. Bà ấy cũng hay đến đây, nhưng lần nào đến là hách dịch lần ấy nên bọn chị cũng ngán lắm”.
“Muộn rồi, bà ấy còn đến làm gì chị nhỉ?”
“Chị cũng không rõ. Mà thôi, nói muộn mới nhớ, gần 10 rưỡi rồi, về đi không hết xe bus bây giờ”.
“Vâng”.
Lúc đầu tôi cũng nghĩ mẹ hai kia và Nghiêm là quan hệ người trong nhà với nhau nên không để ý nữa, vẫn bật lại đèn điện rồi đi về. Thế nhưng vào nửa tháng sau, khi tôi đến biệt thự thật sớm để làm việc thì lại thấy một chuyện vô cùng động trời.
Bình thường vì phải là lượt quần áo cho anh ta nên tôi luôn đạp xe tới từ 5h sáng, lúc ấy người giúp việc trong nhà vẫn chưa đến, chỉ có tôi dùng chìa khóa phụ mở cửa rồi đến phòng thay đồ của anh ta để lấy quần áo.
Lúc tôi bước vào thì bỗng dưng nhìn thấy một người phụ nữ khỏa thân ở bên trong, giật mình định hỏi “Ai đấy”, nhưng lại nhận ra đó là mẹ hai của Nghiêm.
Chị ta cũng không ngạc nhiên khi thấy tôi, thậm chí cũng không thèm xấu hổ, cứ trần truồng như vậy đứng ngắm trước gương rồi hỏi: “Đẹp không?”.
Tôi toát mồ hôi hột, phải công nhận là người chị ta chỗ nào nên cong thì rất cong, chỗ nào bé thì rất bé, hồng hào xinh đẹp: “Đ… Đẹp ạ”.
“Cô đến đây sớm làm gì?”. Chị ta bỗng nhíu mày.
“Em đến để là quần áo cho anh Nghiêm ạ. Công việc của em là là quần áo cho anh ấy”. Tôi nhanh chóng bình tĩnh lại, xoay người định đi ra ngoài: “Em xin lỗi, em không biết chị ở đây. Em đi ra ngay đây ạ”.
Chị ta không buồn để ý đến tôi, sửa sang lại tóc tai xong lại khỏa thân mở cửa sang gian phòng ngủ bên cạnh của Nghiêm. Lúc đó tôi cũng định đi rồi nhưng chẳng hiểu sao bên tai lại vọng đến tiếng người nói, lòng tò mò thôi thúc tôi dừng lại.
Ở bên kia, có âm thanh ẻo lả của người phụ nữ: “Chào buổi sáng”.
Không gian im ắng vài giây, tiếp theo, giọng nói lạnh lùng của Nghiêm vang lên: “Đi ra ngoài”.
“Người ta đã đến đây rồi, còn mất công cởi quần áo. Giờ này người giúp việc trong nhà vẫn chưa đến đâu, đừng xua đuổi người ta thế chứ?”. Người phụ nữ kia đổi cách xưng hô: “Anh nhìn em đi, hm… anh không muốn em à?”.
Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!