Yêu Hận Tựa Như Núi
Phần 21
Mấy chữ cuối cùng mà chị y tá nói giống như sét đánh ngang tai tôi, tôi lập tức từ giường bật dậy:
“Chị nói gì cơ? Ai mang thai ạ? Em á? Em mang thai ấy ạ?”.
“Ừ”. Chị y tá đưa cho tôi một tờ giấy xét nghiệm: “Beta HCG trong máu tăng cao, tương đương với tuổi thai khoảng 10 – 12 tuần. Chị chậm kinh lâu chưa mà không biết?”.
Kỳ thực, kinh nguyệt của tôi từ lúc dậy thì đã không đều, có khi nửa năm mới có một lần, có lần thì cả năm, giờ hỏi tôi chậm kinh bao lâu rồi tôi cũng mù mờ không rõ.
Vả lại, ngày ấy tôi còn quá trẻ, 23 tuổi ngây ngô non nớt, từ trên thôn làng hẻo lánh xuống Hà Nội thứ gì cũng không biết, lại không có một chút kinh nghiệm yêu đương hay kiến thức sinh sản gì. Tôi cứ nghĩ kinh nguyệt của tôi như thế sẽ khó mang thai nên từ lần ngủ với Nghiêm đó cũng không nghĩ tới biện pháp phòng tránh sau này. Giờ tự nhiên phải đón một tin bất ngờ như vậy, nói không kinh sợ là giả, nói không lo lắng cũng là giả.
Chị y tá thấy mặt tôi ngơ ngác cũng thương tình động viên tôi cứ bình tĩnh, đợi lát nữa hết dịch truyền rồi đi siêu âm. Tôi vẫn không thể tin nổi, run rẩy hỏi:
“Chị ơi, có khi nào kết quả xét nghiệm má/u sai không hả chị? Beta HCG là cái gì ạ?”
“Beta HCG là một chỉ số hoocmon trong m/áu đại diện cho bánh nhau, khi có thai thì sẽ xác định bằng chỉ số này. Thường thì xét nghiệm má.u sẽ rất ít xảy ra sai sót. Nhưng tốt nhất là chị cứ đợi siêu âm đã, xem kết quả siêu âm thế nào rồi tính tiếp”
“Vâng ạ”.
Quãng thời gian chờ siêu âm tôi cứ thấp tha thấp thỏm, hết lên mạng tìm kiếm về beta HCG rồi lại xem xem tại sao tuổi thai lại là 10 – 12 tuần, trong khi tôi mới đi biển về gần 2 tháng thôi, tính ra thì cũng chỉ mới hơn 8 tuần. Tôi cứ ngồi đần trên giường bệnh đọc đến mờ cả mắt, đọc xong lại cầu mong cho kết quả m.áu nhầm lẫn, nhưng khi chị y tá kia đưa tôi đến phòng siêu âm, bác sĩ kiểm tra rất cẩn thận và còn cho tôi xem hình của em bé trong bụng, thông báo thai đã được 11 tuần 5 ngày, tôi đã gần như c.hế.t lặng.
Hình ảnh một hình hài nhỏ xíu đã có gần như đầy đủ tay chân, có thể cử động, có thể nghe được từng nhịp tim đang đập khiến thân thể tôi khẽ run lên từng đợt, tôi hoang mang không biết bản thân mình phải làm sao cả, cũng lo sợ rất nhiều thứ khi nhìn thấy đứa con này. Lúc ấy, biết rõ không nên khóc, nhưng chẳng hiểu vì tủi thân, ngạc nhiên hay sợ hãi điều gì mà lệ trên mắt tôi bất giác chảy xuôi.
Tôi há miệng rất lâu mới có thể nói: “Mấy… mấy hôm trước cháu bị ngã, có bị chảy m.áu bác sĩ ạ”
“Ra m.áu nhiều không?”.
“Cũng không nhiều lắm, chỉ vài giọt thôi ạ. Như thế có ảnh hưởng gì đến thai không hả bác sĩ?”
Bác sĩ chau mày nhìn chằm chằm màn hình, lại nói với tôi: “Thai hiện tại đang phát triển bình thường, có một ít dịch tụ ngoài màng nuôi nhưng không ảnh hưởng gì cả. Có thể lúc cô bị ngã thì gây ra tụ dịch và chảy m.áu, bây giờ phải đi lại cẩn thận, hạn chế vận động mạnh hay mang vác nặng. Tạm thời cũng kiêng sinh hoạt vợ chồng đi nhé”
“Vâng ạ”
“Với cả có một vấn đề nữa…”. Bác sĩ chỉ vào màn hình siêu âm: “Nhìn ở chỗ này, thấy không? Thành tử cung của cô rất mỏng, túi thai bám vào thành trước đoạn dưới cơ tử cung, đã bắt đầu xuất hiện một vài xoang mạch m.áu xâm lấn sâu vào cơ tử cung, hình ảnh bánh nhau không đồng nhất. Tôi nghi ngờ nhau cài răng lược”
“Nhau cài răng lược là gì hả bác sĩ? Cái đó… có nguy hiểm không ạ?”.
“Rất nguy hiểm, có thể đánh giá là một trong những loại bệnh lý nguy hiểm nhất trong quá trình mang thai và biến chứng sau sinh”.
Những từ ngữ chuyên môn tôi không hiểu, nhưng được bác sĩ giải thích rằng nhau cài răng lược có thể đe dọa tính mạng của thai phụ, gây chảy m.áu không thể cầm, b/ăng huyế.t, khả năng lớn phải cắt cả tử cung, thậm chí còn có thể t.ử v/ong, nhất là đối với trường hợp có thành tử cung mỏng như tôi.
Nghe đến đó thì sống lưng bất giác lạnh toát, trước giờ thấy người ở quê tôi đẻ sòn sòn 3 năm 2 đứa, thậm chí có người 15, 16 tuổi đã sinh con rồi, có thấy ai mang thai mà nguy hiểm như vậy đâu. Giờ tự nhiên bác sĩ nói vậy tôi rất lo sợ.
Hơn nữa, đứa trẻ này đến quá bất ngờ, tôi chưa chuẩn bị sẵn sàng tinh thần cho việc mình sẽ làm mẹ, cũng rất sợ dây dưa đến Nghiêm và có nhiều hậu quả sau này. Tôi không dám chắc được mình có nên sinh hay là không, thế nên sau khi suy nghĩ hồi lâu, tôi mới lí nhí hỏi một câu:
“Nếu nguy hiểm như vậy, thì… có thể không sinh không hả bác sĩ?”.
Vị bác sĩ kia ngay lập tức nghiêm khắc nhìn tôi, lắc đầu: “Như tôi đã giải thích cho cô nghe rồi đấy, nhau cài răng lược và thành tử cung mỏng rất nguy hiểm. Bánh nhau sẽ không tự tách khỏi cơ tử cung được, nếu cô can thiệp thủ thuật bây giờ thì tỉ lệ chảy má/u không cầm được sẽ rất cao, tỉ lệ phải cắt bỏ tử cung cũng rất cao. Cô đã có bé nào chưa?”.
“Dạ chưa ạ”
“Có muốn sau này vẫn sẽ được làm mẹ không?”.
Tôi ngay lập tức gật đầu: “Có ạ, cháu có”.
“Còn muốn sau này được làm mẹ thì cô buộc phải giữ đứa trẻ này. Trong cả thai kỳ nên giữ gìn và theo dõi thật sát. Nhau cài răng lược tuy nguy hiểm, nhưng không phải là không có phương pháp giữ an toàn cho mẹ và bé, đồng thời bảo tồn tử cung cho thai phụ. Cô còn trẻ, tương lai còn dài phía trước, làm mẹ là thiên chức thiêng liêng của người phụ nữ, đừng vì suy nghĩ nông cạn mà tự đóng lại cánh cửa thiên chức của mình”.
Những lời bác sĩ nói giống như một gáo nước lạnh dội vào đầu óc không được tỉnh táo của tôi, tôi rất xấu hổ, cũng cảm thấy mình thật tồi tệ. Tôi cụp mắt, cúi đầu thật lâu rồi mới lặng lẽ nói ra một câu: “Vâng, cháu hiểu rồi, cháu cảm ơn bác sĩ”.
“Được rồi, để khẳng định chắc chắn cô có bị nhau cài răng lược không thì phải đi chụp thêm MRI. Nói chung tôi siêu âm thế này thì 90% là đúng rồi, cô cứ chuẩn bị tinh thần cho tốt, chuyện đâu còn có đó. Không cần lo lắng quá làm gì”.
“Vâng ạ”.
Sau khi chụp MRI, có kết quả, tôi lại được đến phòng bác sĩ trưởng khoa để tư vấn lần nữa. Vị bác sĩ ấy cũng khuyên tôi nên giữ đứa bé này, trước hết là vì tính mạng tôi, sau đó là vì tương lai vẫn còn hy vọng mang thai của tôi, cuối cùng là cho đứa bé trong bụng một cơ hội sống.
Thật lòng, bởi vì sợ hãi và có quá nhiều điều khó khăn ràng buộc, tôi đã suy nghĩ đến việc bỏ đứa bé. Nhưng khi nhìn thấy hình hài của con qua màn hình siêu âm, trái tim của tôi đã mềm nhũn như một vũng nước, lòng cũng cảm thấy xúc động không sao diễn tả được. Bản năng làm mẹ thôi thúc tôi yêu thương sinh linh bé bỏng trong bụng mình, nhắc nhở tôi phải bảo vệ tốt con của tôi, hơn nữa chuyện này không chỉ liên quan đến tính mạng đứa trẻ mà còn là tính mạng tôi, không thể quyết định bừa bãi được.
Nhưng mà bây giờ bệnh tình Hoài rất nặng, tôi không có tiền chữa bệnh cho em, càng không có đủ điều kiện để mang thai và nuôi một đứa bé. Hơn nữa, Nghiêm cũng không biết đến sự tồn tại của nó, thậm chí anh ta sẽ không chấp nhận việc tôi mang thai và sinh con. Rồi còn cả Huy, tôi đã không còn mặt mũi nào để sau này gặp lại anh, nhưng sinh con cho người đàn ông khác khi anh mới mất tích một năm thì thật sự quá trơ trẽn, đáng bị người ta phỉ nhổ.
Bây giờ tiến không được lùi cũng không xong, tôi không biết phải làm sao cả.
Nhưng mà tất cả mọi tội lỗi đều xuất phát từ tôi, vì tôi ngu ngốc nên mới tự đẩy mình vào con đường này, vì tôi gây ra nghiệp nên tôi phải gánh, có phải không?
Lúc đến phòng bệnh thì Hoài đã ngủ rồi, nằm bên cạnh em gái mà lòng tôi ngổn ngang như một mối tơ vò, nghĩ về tất cả rồi lại thao thức lo sợ cả đêm, không thể chợp mắt nổi.
Hoài hình như cũng nhận ra tôi có chuyện nên một lúc sau mới quay sang, giọng ngái ngủ hỏi:
“Chị ơi… sao thế hả chị?”.
“À… không sao. Chị đánh thức em à? Chị xin lỗi, em ngủ tiếp đi”.
Con bé lắc đầu, lồng ngực lên xuống theo từng nhịp thở dốc. Dạo gần đây em tôi thường xuyên phải thở oxy, mỗi lần hít thở cũng vô vàn khó nhọc. Tôi đưa tay xoa ngực Hoài một lúc, lại nghe nó nói:
“Chị đừng lo, em đang cố gắng mà, em sẽ cố, chị cũng phải cố lên”.
“Ừ, ừ, chị biết mà”.
“Nếu em không cố được nữa, chị cũng phải cố thay phần em. Chị, chị đừng tuyệt vọng, đừng đi theo em. Em xin chị đấy”.
Tôi lại rơi nước mắt, rấm rứt nức nở bảo với nó rằng tôi không sao. Có chuyện gì thì tôi cũng sẽ tiếp tục sống, nỗ lực tiến lên. Hoài nghe được câu này của tôi mới hài lòng, mỏi mệt cười yếu ớt rồi chìm vào trong giấc ngủ.
Ngày hôm sau tôi xin chị Nhung nghỉ để đi một vài bệnh viện khác khám xem có thay đổi gì không, nhưng đi 3, 4 viện vẫn thế, bác sĩ nào cũng kết luận tôi buộc phải giữ thai và theo dõi thai kỳ cẩn thận, chỉ có một phòng khám trả lời rất thản nhiên rằng: “Muốn can thiệp thủ thuật cũng được, cứ chồng tiền rồi ký tên vào đây, 5 phút nữa vào phòng làm tiểu phẫu. Nhanh thôi ấy mà, ngủ một giấc là xong”.
Tôi cúi đầu đọc tờ hợp đồng dưới bàn, thấy trên đó có ghi một dòng: “Bệnh nhân cam kết tự chịu mọi rủi ro và không yêu cầu bồi thường nếu trong quá trình làm thủ thuật có biến chứng”.
Tôi kinh ngạc ngẩng lên hỏi: “Biến chứng có thể xảy ra là những biến chứng gì ạ?”.
“Thì sốc phản vệ, hay là má/u khó đông. Nói chung là một vài biến chứng nhỏ thôi. Phòng khám này làm bao nhiêu bệnh nhân rồi, chưa bao giờ xảy ra sai sót gì, nói chung cô không cần phải sợ. Cứ lên giường nằm một lúc là xong ngay ấy mà”.
Tính mạng của con người mà họ nói một cách thản nhiên và vô trách nhiệm như vậy, tôi cảm thấy không đủ can đảm, vội vàng từ chối rồi đứng dậy đi về.
Sau hôm đó, tôi không còn hy vọng gì về việc từ bỏ đứa bé nữa, không phải vì sợ ảnh hưởng đến sinh mạng tôi, mà từ tận sâu trong tim tôi thương đứa con này, không muốn dứt bỏ nó. Tôi cũng đã hứa với Hoài là sẽ phải sống tiếp, sống để nuôi em tôi và thực hiện nguyện vọng của nó. Cho nên, việc mà tôi có thể làm chỉ là phân vân.
Tôi phân vân suốt hai tuần trời, vừa muốn giữ con lại vừa sợ không nuôi được con. Ngày nào đi qua tiệm thuốc tây ở cổng viện, nhìn những vitamin bầu trong đó tôi rất muốn mua cho con, mua cả sữa để uống, nhưng bây giờ ngay cả tiền để mua thuốc cho Hoài tôi cũng không có, cuối cùng đành ngậm ngùi đi thẳng qua.
Có nhiều đêm, vì suy nghĩ quá nhiều rồi lại tưởng tượng linh tinh nên tôi cứ lén lút trốn vào một góc để khóc. Thầm cầu mong tất cả mọi việc đang diễn ra chỉ là một cơn mơ, tỉnh dậy là mọi khó khăn giằng xé sẽ trôi qua hết, nhưng con tôi càng ngày càng lớn lên, em tôi thì mỗi giây mỗi phút lại yếu đi, sự thật như từng cái vả mặt mỗi ngày khiến tôi cảm thấy đau đớn tuyệt vọng vô bờ bến, giống như mình đã dẫm lên một con đường đầy lao gai chông sắt, rõ ràng ngày ngày chảy m.áu đau đớn nhưng không có cách nào ra khỏi được vậy.
Có một hôm, chị Nhung thấy tôi đọc một bài viết về biến chứng sau khi can thiệp thủ thuật của một thai phụ bị nhau cài răng lược rồi cứ thế rơi nước mắt, chị ấy mới vỗ vai tôi:
“Cái con này, mày đang xem cái gì thế? Sao xem linh tinh rồi lại khóc?”.
“À…”. Tôi vội vàng tắt màn hình, lau nước mắt nói: “Tự nhiên em thấy trên mạng nên xem thôi, sao thế hả chị?”.
“Thật không? Hay là mày có bầu rồi? Tao thấy dạo này mày xanh lắm nhé, người gầy rạc đi như tờ giấy, ăn thì không ăn. Hôm nào cũng chỉ ăn mỗi cơm với rau”.
“Thì mùa này nóng, em ăn thế cho mát mà. Dạo này bé em em ốm nặng quá, em không được ngủ nên mới gầy đi thôi”.
“Thế mày hỏi đài truyền hình chưa? Họ có đồng ý duyệt hồ sơ không?”
“Họ bảo phải chờ chị ạ, còn nhiều hoàn cảnh khác khó khăn hơn chưa đến lượt, mình phải chờ thôi. Các bác sĩ cũng kêu gọi giúp em, nhưng số tiền lớn quá, nên…”.
Chị Nhung nhìn tôi đầy thương cảm, thở dài: “Mày đúng là xinh đẹp nhưng số khổ. Khổ thật ấy. Người ta có nhan sắc, chỉ việc ăn sung mặc sướng, lo ăn chơi làm đẹp. Còn mày thì cứ quần quật cả ngày, hết em ốm rồi bạn mất tích, khổ lắm thôi”.
Tôi cười cười, không biết phải nói gì nên không trả lời. Mãi sau, tôi mới lấy hết can đảm hỏi chị Nhung:
“Chị ơi, em hỏi chị việc này nhé. Nãy em đọc được bài viết kia, cái bạn trong đó mang thai, nhưng bị nhau cài răng lược, cái đó là biến chứng nguy hiểm trong thai kỳ, dễ làm chảy m/áu không cầm được ấy. Mà bạn ấy cũng nghèo nữa, không có tiền để nuôi con. Thế giờ nên làm sao được chị nhỉ?”
“Bảo bố nó góp vào mà nuôi. Chứ giờ biến chứng nguy hiểm thế thì phải để mà đẻ chứ, bỏ làm sao được mà bỏ”.
“Nhưng bố nó không nhận nó ấy chị ạ”.
Chị Nhung chau mày ngẫm nghĩ: “Thế gia đình nó đâu, về nói với bố mẹ nó, đẻ ra rồi cả nhà góp lại nuôi. Bố mẹ giận thì giận chứ ai nỡ bỏ con bỏ cháu mình bao giờ”.
“Bạn ấy mồ côi chị ạ, cũng không có bố mẹ”
“Ôi thế thì tao chịu. Hoàn cảnh như thế thì chịu đấy, đã khổ như thế sao còn dám mang thai? Mà bố đứa bé không nhận thì cũng nên đến nhà ăn vạ chứ? Giờ nó một mình nuôi con làm sao nổi?”
“Em cũng không rõ nữa”
“Chuyện trên mạng thật không hay chuyện của mày đấy?”
“Thật mà, chuyện trên mạng”
“Tao nghĩ cách tốt nhất là bắt thằng bố nó chịu trách nhiệm thôi, cứ cằn ra ăn vạ, hoặc bóc phốt m.ẹ nó lên mạng luôn. Đếch cần nó cưới, nhưng phải bắt nó phải có trách nhiệm chu cấp cho hai mẹ con, chứ thằng kia vừa được sướng lại vừa chả có trách nhiệm gì có mà đ.iên. Chả tội gì phải tự chịu thiệt như thế cả. Mày cứ comment mạnh vào, bảo đến mà bắt vạ thằng bố nó ấy, kiểu gì cũng có cách ép nó phải xì tiền ra mà nuôi con”.
“Vâng”.
Tôi thấy chị Nhung nói có phần hơi thô và thẳng, nhưng có lẽ lại là cách tốt nhất cho mẹ con tôi hiện tại. Tôi không có khả năng nuôi đứa bé, mà đứa trẻ này lại có một phần m.áu mủ của anh ta, khi rơi vào đường cùng có lẽ tôi buộc phải nói cho Nghiêm biết. Vì dù sao đi chăng nữa, hai chúng tôi vẫn có một sợi dây gắn kết vô hình, dù không muốn công nhận nhưng vẫn phải chấp nhận thực tế là vậy. Giữa tôi và anh ta có một đứa con.
Nhưng ngẫm kỹ lại, tôi thấy làm vậy thì chẳng khác nào một kẻ đào mỏ lấy con ra để ép buộc anh ta. Tôi không trơ trẽn được như vậy, càng không tin Nghiêm sẽ bị uy hiếp bởi đứa bé trong bụng tôi, thế nên tôi đã chần chừ rất lâu cũng không nói cho anh ta biết.
Mãi cho đến khi em bé trong bụng tôi được 4 tháng, cũng là lúc Hoài gần như không thể cầm cự được thêm, đêm nó nôn ra m.áu và phải chuyển đến phòng ICU điều trị tích cực, bác sĩ bảo với tôi nếu không có thuốc ngay bây giờ thì Hoài sẽ c.hế/.t. Trong lúc túng quẫn, đau đớn và hỗn loạn vì sợ mất em, tôi đã như một kẻ đ.iên chạy đến biệt thự của Nghiêm lúc giữa đêm rồi bấm chuông inh ỏi.
Một lát sau anh ta ra mở cửa, thấy tôi nước mắt nhòe nhoẹt, đầu tóc rối bù mới ngạc nhiên hỏi:
“Sao tự nhiên lại đến đây?”.
Tôi vừa thở hổn hển vừa nói:
“Lời nói lúc trước của anh còn tính không?”.
“Lời nào?”.
“Anh hỏi tôi có muốn bắt đầu một mối quan hệ lợi dụng lẫn nhau không. Lời đó có còn tính không?”.
Nghiêm khẽ cau mày nhìn tôi đăm đăm, giống như đang muốn dò xét xem tôi toan tính điều gì mà lúc trước đã thẳng thừng từ chối, bây giờ nửa đêm nửa hôm lại đến để nhắc lại điều này.
Qua một lát sau, anh ta mới hỏi: “Lúc đó cô đã nói muốn chờ đợi người đàn ông của cô, chỉ cho phép bản thân mình sai một lần. Bây giờ đổi ý rồi à?”.
Tôi nuốt khan một ngụm nước bọt: “Đổi ý rồi, không chờ nữa”.
“Bây giờ là cho phép bản thân mình sai nhiều lần ư?”.
“Tôi…”. Tôi mím chặt môi, im lặng cúi đầu một lúc lâu, cũng tự đấu tranh nội tâm một lúc lâu. Sau đó, vẫn là đồng tiền chiến thắng tất cả, lúc này tôi cần tiền hơn tự trọng, cần chữa bệnh cho em và nuôi con tôi hơn là danh dự của tôi.
Thế nên tôi nói: “Tôi cần tiền. Tôi muốn đi theo anh, sống một cuộc đời về sau không phải suy nghĩ đến tiền bạc. Đổi lại, anh muốn gì ở tôi, tôi sẽ giao cho anh hết. Kể cả tính mạng của tôi, tôi cũng sẽ giao cho anh”.
Lần này, Nghiêm chỉ cười nhạt: “Muộn rồi. Tôi không có hứng với việc trao đổi đó nữa. Cô về đi”.
Nói xong, anh ta xoay người đóng cửa định vào nhà. Còn tôi thì chẳng khác gì vừa bị ăn một chậu nước lạnh, vừa xấu hổ vừa nhục nhã, cảm giác như không còn mặt mũi nào để nói thêm câu tiếp theo.
Nhưng tôi đã đi đến hết đường rồi, không còn lựa chọn nào khác, cũng không có cọng rơm nào có thể bấu víu ngoài anh ta. Cho nên khi Nghiêm chạm chân đến bậc thềm, tôi mới lẳng lặng hít vào một hơi thật sâu, dõng dạc nói một câu:
“Tôi có thai rồi”.
Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!