Ép Gả Cho Anh Chồng - Phần 11
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
690


Ép Gả Cho Anh Chồng


Phần 11


Cỏ tới thăm Xuân Hoa, mặc dù đã khỏe hơn nhiều nhưng cô ấy vẫn không dám tiếp xúc quá lâu với Cỏ. Nhưng chắc có thể là Xuân Nguyệt đã nói gì đó với Xuân Hoa nên thái độ của Xuân Hoa đã tốt hơn rất nhiều, hay nói đúng hơn là thân thiện hơn với Cỏ nhiều hơn trước. Mà thân thiện là thân thiện vậy thôi chứ Xuân Hoa cũng không có nói gì với Cỏ. Mặc cho cô có hỏi tới cỡ nào thì Xuân Hoa cũng không chịu nói. Xuân Nguyệt có nói với cô, kể từ bữa đêm đó tới giờ, Xuân Hoa không chịu nói gì hết. Mà cũng không phải là Xuân Hoa không chịu nói, đích xác là do cô ấy không nhớ gì, cũng không biết gì để mà nói. Có thể ngày hôm đó, Xuân Hoa là do một thế lực nào đó cố tình dẫn đi…

Sau khi tới chỗ Xuân Hoa, Cỏ ghé qua khu từ đường tìm Dư. Thấy Cỏ tới, Dư cũng trông lắm, cậu nghe nói cô bị ngất, cậu vô cùng lo lắng cho cô nhưng lại không dám tới thăm cô. Cậu có hỏi thăm người làm trong nhà, nghe mọi người nói cô đã tỉnh, sức khỏe ổn định, cậu mới yên tâm được phần nào. Làm bạn bè bao nhiêu năm, cậu biết cô bạn này đã chịu rất nhiều thiệt thòi và uất ức, vì vậy cậu thật lòng coi cô như là em gái của cậu. Nhưng hiện tại thân phận cả hai chênh lệch nhiều quá, cậu không dám quá phận với cô.

Còn Cỏ thì trông vô tư như vậy chớ cô cũng cẩn thận dữ lắm, lần trước Dư có dặn dò cô phải giữ bí mật về mối quan hệ bạn bè của cả hai, vậy nên cô cũng không dám tỏ ra thân thiết choàng vai bá cổ với cậu như trước. Cô không biết lý do vì sao mà Dư lại bắt cô giấu, nhưng nếu cậu ấy đã dặn như vậy thì chắc là có lý do khó nói. Hai đứa chơi với nhau không phải mới một hai tháng… bởi vậy nên cô hoàn toàn tin tưởng vào Dư, cũng như là tin tưởng vào thầy Bổn Đạt.

Dư nhìn bạn mình, cậu vờ như đang tỉa cây, khẽ hỏi:

– Khỏe chưa mà ra đây vậy bà nội?

Cỏ uống trà trong nhà mát, bên cạnh cô còn có bé Nhí, vậy nên cũng không sợ người ta dị nghị. Nghe Dư hỏi, cô cười cười, trả lời:

– Khỏe rồi, khỏe mới lết xuống kiếm ông đây. Ê mà Dư, tôi có chuyện này muốn nói với ông nè.

Dư vẫn làm tiếp công chuyện của mình, cậu ấy nhạt giọng:

– Ờ, tôi nghe, bà cứ nói đi.

Cỏ không nghĩ ngợi gì nhiều, cô liền nói:

– Vụ của Xuân Hoa, tôi nghi chị ấy là bị “người ta” dắt đi. Mà có điều, lúc mà tôi tìm được chị Hoa, chị ấy nói cái gì đó mà tôi không hiểu…

Dư nhíu mày:

– Bả nói cái gì?

Cỏ vẫn còn nhớ rõ như in, cô thuật lại không sót một chữ:

– Chị ấy nói… “Phón Phón, lời nguyền, cứu, con trai.”

Dư nghe Cỏ nói, cậu cũng cảm thấy rất ngạc nhiên, theo như cái cách nói chuyện không đầu không đuôi này thì đích thị là người “cõi dưới” muốn nhờ vả người trần rồi. Thiệt, nhiều cái làm riết thấy bực! Cậu rõ là không sợ ma, cũng không sợ gặp ma nhưng cái mà cậu bực nhất là không thể hiểu được “người âm” muốn nói cái gì với mình. Bởi vì bọn họ không giống người trần, không phải muốn nói cái gì cũng có thể trần trụi mà nói ra. Cũng không phải cứ muốn nhờ vả cái gì thì cứ hiện vào trong giấc mơ là nhờ vả được. Những chuyện tâm linh như thế này thì phải gặp đúng người, gặp đúng tần số thì may ra mới nhờ vả được người trần. Mà đã khó khăn lắm mới gặp đúng người thì lại cứ không thể nói rõ ràng được mọi chuyện, lúc nào cũng chỉ có thể nói mơ hồ như vậy. Nếu không gặp được thầy cao tay dùng pháp lực triệu hồn lên để hỏi, vậy thì đám người trần như các cậu cũng chỉ có thể dùng chất xám để suy luận mà thôi…

Ngó thấy Dư cũng ngu ngơ như mình, Cỏ lại nói tiếp, biểu cảm cực kỳ hoang mang:

– Tôi cũng có hỏi cậu Ba với Xuân Nguyệt, bọn họ không biết ai tên Phón Phón, cũng không biết con trai gì của ai hết. Ông nghĩ thử dùm tôi coi Dư, người kia rốt cuộc muốn nói cái chi với tôi vậy ta?

Dư trầm ngâm thiệt sự, cậu tất nhiên là không biết ai tên Phón Phón rồi, cũng không biết con trai gì đó của ai. Nhưng còn về chuyện lời nguyền, cậu nghi ngờ rất có thể là có liên quan tới người ở nhà ông Lệnh. Để coi, chuyện này chắc cậu phải viết thơ báo cho sư phụ, xem xem sư phụ cậu có biết được cái gì hay không. Chớ còn cậu là cậu chịu rồi, cậu mà biết được cái chi thì mới sợ đó!

Dư dừng tay, cậu nhìn về phía Cỏ, giọng cậu khe khẽ:

– Chuyện này để tôi hỏi thầy coi sao, chớ tôi cũng như bà, có biết ất giáp chi đâu. Nói chung thì bà cũng đừng suy nghĩ nhiều, đã gặp được một lần thì ắt sẽ gặp được lần nữa. Lần sau có gặp thì bà phải hỏi cho rõ, chớ nói như này thì có mà tía tôi đội mồ sống dậy cũng phải bó tay!

Cỏ bất mãn, cô bỉu môi nói với Dư:

– Ông nói nghe dễ dữ hén, cỡ tôi mà lôi người ta lại hỏi chuyện được thì tôi đâu có ngồi đây đoán già đoán non. Khổ thân tôi, đã có máu nhiều chuyện trong người mà còn gặp mấy chuyện nửa nạc nửa mỡ kiểu này nữa. Tôi nghĩ hông ra là vụ chi, tôi bực bội từ bữa tới chừ… hay là tôi với ông tới chỗ đó gặp người ta hôn?

Dư liếc mắt nhìn bạn mình, cậu gằn giọng cảnh cáo:

– Đừng có điên, tôi hông dám làm liều đâu, lỡ có chuyện chi với bà, tôi đẻ hông kịp để đền cho tía má bà đâu nghen. Để tôi hỏi ý sư phụ cái đã, nếu được, tôi với bà đi tới đó, còn nếu hông được thì thôi, đừng có ngu dại làm liều.

Cỏ khẽ gật gù, cô nói là nói vậy chứ bây chừ có cho tiền cô thì cô cũng không dám đi tới đó để tìm người kia. Nhớ lại bữa đó lúc Xuân Hoa trợn mắt nói với cô, cô có cảm giác như Xuân Hoa muốn phi tới mà nhai đầu cô luôn vậy. Cũng không phải cô gan dạ tới mức không sợ trời không sợ đất, nếu gặp “vong” hiền thì cô còn chịu được, chớ lỡ mà gặp “vong” dữ chắc có nước cô xách cái quần mà chạy tám phương tứ hướng còn chưa chắc chạy kịp. Gì chớ người trần hông giỡn chơi được với “vong” đâu, hối hận không kịp luôn đó…

Dư chỉ nói như vậy chứ không nói thêm gì, sau khi nói thêm vài câu luyên thuyên nữa, Cỏ cũng đứng dậy rời đi. Lúc Cỏ rời đi, cô cũng không hề để ý tới là có người cũng đang lén lút rời đi theo cô. Người này không biết là bạn hay là thù, mà cũng chẳng thể nào biết được là họ có gây hoạ cho Cỏ hay là không?!

Riêng về phần Dư, có vài chuyện cậu không nói cho Cỏ nghe, một phần vì cậu không chắc chắn, phần khác là vì cậu đang đợi chỉ dẫn từ chỗ sư phụ cậu. Về việc vong hồn dẫn lối Xuân Hoa, cậu đúng là không biết người đó là ai nhưng còn về chuyện lời nguyền… theo cậu đoán thì chuyện này có thể có liên quan tới… cậu Ba của nhà ông Lệnh!
________________________
Bỉ ngạn đã lên thân được một đoạn nhỏ, ngày nào Cỏ cũng tới tưới nước chăm bón cẩn thận. Cậu Ba cũng cực kỳ chiều theo ý của vợ mình, cậu còn giúp Cỏ mua phân bón để bón phân cho cây. Kể từ lúc về đây tới giờ, cậu Ba tốt với cô cực kỳ, cũng chưa từng mắng mỏ hay là ngược đãi cô. Ngoài chuyện hai vợ chồng ngủ chung một giường nhưng không làm chuyện vợ chồng ra thì mọi thứ giữa cô và cậu Ba đều rất tốt. Mà Cỏ thấy như vậy cũng ổn, mọi thứ nên tiến triển theo mức độ tốt dần đều, chứ nếu như chồng cô ép buộc cô… cô có lẽ sẽ không phục trong lòng!

Hôm nay bà Lệnh cho mời thầy lang về xem mạch hỷ cho mấy đứa con dâu trong nhà. Tính ra thì bây giờ xã hội đã hiện đại, cũng đã có que thử thai nhưng mà bà Lệnh rất tin tưởng thầy Bạch, lại muốn thầy tới xem cho mấy đứa con dâu của bà. Ở cái vùng đất xa xôi khô cằn này mà có được một vị thầy lang cao tay thì đã là một việc cực kỳ tốt. Lắm khi bệnh hoạn không đưa tới bệnh viện kịp thì tới gặp thầy Bạch luôn là một sự lựa chọn đúng đắn.

Mà thầy Bạch cũng là một vị lương y có tâm, bệnh nào mà thầy nói chữa được thì sẽ chữa khỏi dứt điểm. Còn bệnh nào mà thầy lắc đầu, vậy thì có đưa đi tứ phương hay là đưa đi bệnh viện thì cũng không thay đổi được kết quả mà thầy đã phán. Nghe người ta nói thì thầy Bạch không chỉ chữa bệnh bằng tài năng bẩm sinh mà thầy còn có thể nhìn thấy được sự hưng thịnh của một con người. Cũng bởi vì vậy nên một khi thầy đã phán ai không qua khỏi, vậy thì người đó chỉ có nước là chờ ngày qua đời!

Thầy Bạch tuổi tác tầm trên 60, dáng người cao dong dỏng, da trắng, râu bạc, gương mặt nghiêm trang nhưng cũng đầy phần phúc hậu. Thầy tới xem mạch cho ba người là mợ Hai, mợ Ba và mợ Năm. Xem xong, thầy chỉ nói là tốt, hiện tại chưa ai mang thai nhưng cũng không có vấn đề gì. Tiếp theo, thầy kê cho mỗi người một ít thuốc bổ để dưỡng thân thể, xong xuôi hết, thầy mới xin phép trở về lại nhà.

Bà Lệnh nghe thầy Bạch nói tốt, bà cực kỳ vui mừng, lại sai biểu người làm nấu thuốc nấu canh bồi bổ cho mấy đứa con dâu trong nhà. Cuộc đời này của bà cũng chỉ còn chờ có cháu trai để ẵm bồng, coi như là thực hiện được ước nguyện của những người già trong căn nhà quyền quý này!
____________________________________
Thầy Bạch trở về nhà của mình, đến khuya hôm đó, trong sân nhà thầy đột nhiên xuất hiện hai ông lão ăn mặc cực kỳ đơn giản. Nghe tiếng chó sủa ở trong sân, thầy Bạch cũng không tò mò, thầy buông quyển sách trên tay xuống, khẽ khàng đi ra chào đón mời khách vào trong nhà.

Hai ông lão một trước một sau chậm rãi đi vào trong, thầy Bạch tận tình pha trà lấy bánh, thái độ của thầy đối với hai ông lão này vô cùng thân thiện và xem trọng. Rót xong hai tách trà, thầy Bạch cười nhẹ, thầy mời khách:

– Tôi biết thể nào thì ông cũng tới, mà coi bộ bữa nay ông tới sớm hơn mọi khi. Hai ông đã ăn cái chi chưa, tôi đi nấu cơm cho hai người?

Lão Thọ cười đáp, giọng ông ấy khàn khàn:

– Thôi khỏi đi thầy Bạch, lát nữa chủ tớ tôi còn đi có công chuyện nữa, nãy có ghé ở quán ăn rồi, giờ chưa đói.

Thầy Bạch ngồi xuống ghế, ông không nhìn tới lão Thọ nữa mà lúc này đã quay hướng mắt nhìn sang ông lão đang ngồi đối diện trước mặt mình. Thầy cũng không vòng vo, trực tiếp nói thẳng:

– Lão Báu nhà ông coi vậy chứ cũng coi trọng con cháu nối dõi quá nhỉ, chỉ tiếc một điều là…

Đúng vậy, ông lão ngồi đối diện với thầy Bạch chính là ông Báu, là ông nội của Tam gia, cũng chính là vị “đại phú hào” giàu có nhất của hai làng Thượng, Hạ!

Ông Báu khẽ nhíu mày, mặc dù nước da có hơi nhăn nheo xỉn màu nhưng cũng không thể nào làm mờ đi được nét cương trực trên gương mặt. Ông nhìn về phía thầy Bạch, giọng của ông cực kỳ nghiêm túc, không hề có một chút thoải mái nào:

– Ý của thầy là gì vậy? Thầy cứ nói rõ, tôi chịu được, thầy không cần lo.

Thầy Bạch khẽ gật, cũng không phải thầy ngại ngùng chuyện gì, chẳng qua là thầy đang sắp xếp xem nên nói thế nào cho thật dễ hiểu. Nghĩ nghĩ đâu đó cẩn trọng, thầy Bạch lúc này mới từ tốn nói với ông Báu:

– Tôi thấy… mấy đứa cháu dâu nhà ông có vẻ không được ổn cho lắm. Một trong ba đứa sẽ không thể mang thai, một đứa thân thể hư nhược thể hàn, còn một đứa… đứa này thì có chút khó nói.

Lão Thọ và ông Báu nhìn nhau, trên gương mặt của họ không hề giấu giếm được sự kinh hãi và lo lắng. Vẫn là ông Báu không thể nào kìm được mà hỏi gấp:

– Thầy nói cụ thể hơn được không?

Thầy Bạch nói thẳng toạc, không muốn úp mở nữa:

– Vậy tôi xin phép nói thẳng, cũng không muốn giấu giếm ông nữa. Thứ nhất, mợ Hai là không thể có con… thứ hai, mợ Năm là người có thân thể rất hư nhược, muốn có con cũng phải điều dưỡng thêm một thời gian dài nữa. Còn thứ ba, nếu ông bữa nay không tới gặp tôi thì tôi cũng sẽ nhờ người đi tìm ông để nói chuyện này…

Ông Báu nhíu mày nhìn ông bạn trước mặt, sắc mặt của ông gần như tái xanh, cơ mặt càng lúc càng căng ra, thật cũng đủ ẩn nhẫn chịu đựng…

– Con Thảo và con Tiên… vậy còn con bé Như Ý… vợ của thằng Long thì thế nào? Con bé có chuyện gì mà thầy phải đích thân đi tìm tôi?

Thầy Bạch không biết nên nói thế nào cho dễ hiểu, bởi vì mợ Ba nhà này thiệt đúng là kỳ lạ…

– Để tôi nói cho ông dễ hiểu, vợ của cậu Ba là một cô gái… khá là kỳ lạ. Theo như tôi chuẩn mạch thì mạch tượng bình thường, hay nói đúng ra là mạch tượng cực kỳ tốt, về chuyện muốn mang thai hay là mang thai mấy đứa, tôi nghĩ sẽ không có vấn đề gì. Tôi cũng ít khi khen ai nhưng tôi phải khen cô gái này có sức khỏe quá tốt, nếu theo kinh nghiệm của tôi thì vợ của cậu Ba có thể sẽ sống tới hơn 80 tuổi, sống rất là thọ, thọ còn hơn cả ông bây giờ…

Dừng khoảng vài giây, thầy Bạch lúc này lại đột nhiên nhíu mày, biểu cảm khá là nghiêm trọng:

– Nhưng mà có việc này, tôi nghĩ hoài cả một ngày mà nghĩ vẫn không ra. Ông Báu, ông nói thử coi… một người có sức khỏe phi phàm như vậy… thế nhưng ấn đường lại toàn là khí đen. Mà khí đen này đã quá mức dày đặc rồi, dày đặc tới tràn cả ra ngoài… vậy thì có thể sống được thêm mấy ngày nữa đây? Hả?

Ông Báu sửng sốt, mà cả lão Thọ cũng chấn kinh theo, cả hai sững người ngồi nhìn thầy Bạch, nửa chữ cũng không nói được thành lời. Vốn dĩ khó nhọc lắm bọn họ mới tìm được một cô gái có bát tự ngày sinh phù hợp với cậu Ba để giúp cậu qua cơn đại nạn sắp tới. Thế nhưng bây chừ thầy Bạch nói như vậy là sao? Sao lại có chuyện như thế xảy ra được?

Mợ Ba còn chưa sống được với cậu Ba tới một năm mà ấn đường đã tràn đặc khí đen… nói như vậy… chẳng lẽ là mợ Ba… cô ấy sắp chết?

Trời ơi! Nếu Như Ý chết thì Duy Long sẽ như thế nào đây? Không… Như Ý không thể chết, ngàn lần vạn lần… Như Ý không thể chết!

Yêu thích: 4.2 / 5 từ (4 thả tim)
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN