ĐỌC LẠI TRUYỆN GIÔNG TỐ
NGUYỄN TUÂN
Tiểu thuyết Giông tố dài 30 chương và thêm một đoạn kết: nhưng sự việc xảy ra trong một thời gian cũng ngắn vậy. Như lời Vũ Trọng Phụng ghi vào lòng truyện, sự việc mở ra vào tháng 10-1932 và kết thúc vào mùa hè 1933. Những niên hiệu này nói lại rất nhiều về hoàn cảnh chính trị và xã hội nước ta lúc bấy giờ.
(...) Tiểu thuyết Giông tố gồm nhiều thứ người: thôn quê, thành thị và cả những nhân vật từ quê ra tỉnh. Có người là thôn nữ bị bán làm lẽ thứ mười hai cho nhà giàu, có người là thư ký, có người là du thủ du thực, có người là gái tân thời, có người là đốc học, có người làm cách mạng. Nhưng trội lên hết để người đọc suy nghĩ, để người đọc nhớ lại mà đặt thành vấn đề thì có hai nhân vật Thị Mịch và Nghị Hách.
(...) Thấy rõ thực dân cai trị, một mặt đàn áp, bắn giết những người chống lại trật tự của chúng; một mặt khác, chúng tạo ra một bọn tay sai trâng tráo. Nhưng sự trâng tráo bẩn thỉu của những kẻ chỉ sống với đồng tiền, lấy đồng tiền ra mà bắt nạt, ăn hiếp cuộc sống, điều khiển cuộc sống, đặt cho cuộc sống một khuôn phép theo đồng tiền bóp nặn ăn cướp được, cái sự trâng tráo ấy (như đoạn văn trích trên đây của thiên truyện XXI), sự trâng tráo của cái xã hội lấy của đè người ấy lại còn lên tới cái mức mặt dạn mày dày vô liêm sỉ cao độ mà chỉ có ngòi bút Vũ Trọng Phụng mới phân tích nổi và tổng hợp được hết ở chương XXIX. Sau những tình tiết phức tạp của truyện (chính cuộc đời riêng của Nghị Hách là một sự phức tạp kinh rợn nhớp nhúa). Nghị Hách đã biết Long, cái người bị y cướp vợ kia, lại chính là con giai y mà y vẫn gả con gái của y cho Long như thường, và trâng tráo đến cái mức quảng cáo cho y bằng sự công nhận việc loạn luân đó giữa một bữa tiệc khoe mề đay, sau một cuộc phát chẩn giả nhân giả nghĩa cho 4.000 người, chính những người y đã bóc lột và đày đọa.
Chương này gần kết thúc Giông tố: đọc đến đây, thấy sợ Vũ Trọng Phụng. Trong các tác phẩm của Vũ Trọng Phụng, Giông tố là một truyện dài đại diện rất nhiều cho tư tưởng tiến bộ và thái độ phê phán của nhà tiểu thuyết trước cuộc sống đảo điên của thời ấy. Nhưng trong Giông tố, chương này là cái đoạn mà thấy tác giả mạnh nhất và cao tay nhất về nghệ thuật. Tôi vừa nói là sợ Vũ Trọng Phụng. Sợ, hiểu theo cái nghĩa của những người trong nghề nghiệp văn chương biết kính phục trước một nhân tài, một chân tâm, một cái uy tín trong văn học cận đại nước ta. Trong dịp kỷ niệm Vũ Trọng Phụng này, sự kính phục ấy càng có nghĩa là sự thương yêu, kính trọng và nhớ tiếc không biết để đâu cho hết được.
° ° °
Nói chung về tác phẩm Vũ Trọng Phụng và cả con người tác giả, lúc sinh thời và cả sau lúc nằm xuống để đường hoàng đi vào cõi bất diệt của văn xuôi Việt Nam, rất nhiều người đọc hay bận tâm về cái khía dâm trong bất cứ trứ tác nào của Vũ Trọng Phụng. Bận tâm đến cái mức độ ngộ nhận những văn phẩm có chân giá của hiện thực phê phán kia đều là những dâm thư. Những đoạn gọi là dâm ấy mà có vì sự cần thiết của cơ cấu một truyện dựng thì đấy cũng chỉ là những hiện tượng. Thực chất của văn phẩm Vũ Trọng Phụng là vượt lên những hiện tượng ấy để nói một cái gì rất lớn và nói lên cái hoài bão rất lành, rất đẹp của tác giả.
Riêng về Giông tố, truyện dài đã đóng bằng một việc tiêu cực tự hoại thân thể, và cũng mở đầu bằng một cuộc cưỡng dâm thô bạo có trả tiền. Rồi lại tiếp diễn những cuộc tiền dâm hậu thú và thông dâm, và vân vân. Nhưng cái chính không phải ở đây. Giông tố có nói đến nông dân, nhưng cái nhìn của Vũ Trọng Phụng còn chệch choạc. Giông tố có nói đến chiến sĩ cách mạng nhưng cái nhìn của Vũ Trọng Phụng còn viển vông, phiêu lưu. Cái mà Vũ Trọng Phụng đánh trúng nhất trong Giông tố tức là đánh vào cái sự trâng tráo tàn bạo của thế lực đồng tiền, của những thế lực phản bội đã dựa vào đế quốc và định cầm cân nảy mực cho sự sống và ngự trị lên trên cái giá trị thật của đời sống. Cái mà Vũ Trọng Phụng xưa kia đã dành cái phần tráng kiện trong nhỡn lực và bút lục để tấn công vào, vì hạnh phúc và công lý, thì ngày nay cuộc cách mạng của ta đã dồn nó vào chỗ Mỹ - Diệm. Vũ Trọng Phụng mà còn, còn đánh nhiều thêm bằng nhiều truyện nữa, còn đánh mạnh hơn bao giờ hết và đánh cho kỳ hết. Không những đánh, mà Vũ Trọng Phụng còn kiến thiết nữa.
(In trong báo Nhân dân, số 966, ngày 27-10-1956).