Ngày Anh Đến
Phần 20
Chị Hạnh mặt tái nhợt như không còn giọt máu vội túm lấy tay ông Minh run rẩy nói:
– Cha, cho con về. Con mệt lắm.
Thế nhưng dường như toàn bộ sự chú ý của ông Minh lúc này đã dồn cho chiếc vòng con Đào đang cầm. Ông buông tay chị Hạnh, tiến về phía chiếc vòng tì hưu. Tôi đưa tay chạm vào chiếc vòng trên tay con Đào khẽ cất lời:
– Đào, đưa cho mợ.
Con Đào nhìn chiếc vòng, còn cho lên xoay xoay rồi mới vừa đưa cho tôi vừa trầm trồ:
– Vòng đẹp ghê á mợ, con tì hưu nặng thế này chắc vàng nguyên khối hả mợ? Mà con thấy lạ nha, vòng của mợ sao lại khắc hai chữ H.T bên dưới nhỉ? Con tưởng mợ tên Khánh Ngân phải khắc chữ K.N chứ?
– À H.T có nghĩa là Hạnh Trân, tên thật của mợ là Hạnh Trân mà, Khánh Ngân là tên cha mẹ nuôi mợ sau khi nhận về mới đổi thôi. Thôi, con bé này cũng nhiều chuyện quá thể cơ. Về dọn bát đi, ở đây gây ồn ào quá đi mất.
– Dạ. Mà ủa mợ ơi, thế mợ không phải con ruột của ông bà Hải Hà ạ? Con thấy ông bà thương mợ quá chừng còn tưởng mợ là con ruột luôn đó.
Ông Minh ngước lên nhìn tôi, ánh mắt là sự bàng hoàng, giọng ông có chút không bình tĩnh hỏi:
– Cháu gái, cho bác xem chiếc vòng của cháu được không?
Tôi nhìn ông Minh, vẻ mặt lộ ra vẻ chần chừ hỏi lại:
– Bác muốn xem chiếc vòng này ấy ạ? Có việc gì sao bác?
Bà Hoà vội vã lao đến, gắt lên:
– Ông làm sao đấy? Con gái nó sắp ngất rồi, đưa nó về đi đã xem nào.
Mẹ Hoa đang đứng bên cạnh, thấy vậy lên tiếng:
– Con bé nó sức khoẻ còn yếu, hay cứ để ở đây qua đêm nay đã. Tôi gọi bác sĩ đến xem cho con bé chứ đi đường dài là mệt đấy ạ.
Thế nhưng bà Hoà dường như không muốn nghe, bà túm lấy tay ông Minh, lôi về phía chị Hạnh. Có điều lúc này ông Minh đã không quan tâm đến điều ấy, ông hất tay bà Hoà gắt lên:
– Nghe lời bà thông gia đi, cho con bé nghỉ tạm ở đây sáng mai về.
Nói rồi ông lại quay về tôi, giọng khẩn khoản:
– Cháu gái, có thể cho bác xem thử chiếc vòng của cháu không?
Tôi nhìn ông Minh, từ từ xoè tay ra đưa chiếc vòng cho ông. Chị Hạnh vội vã định lao tới, thế nhưng con Đào đã nhanh chân đi về phía chị ta cất lời:
– Để em đỡ mợ lên giường.
Thế nhưng chị không hề nghe, chị và bà Hoà đẩy con Đào ra túm lấy ông Minh. Đáng tiếc ông đã kịp cầm chiếc vòng tì hưu. Tay ông xoay lên, nhìn hai chữ H.T bên dưới, dường như ông có chút không thở được một tay chạm lên ngực, giọng hơi lạc đi:
– Sao… sao cháu lại có chiếc vòng này?
Tôi đưa tay lấy lại chiếc vòng, ánh mắt dè chừng đáp:
– Dạ, đây có lẽ là vòng của cha mẹ ruột cháu đeo cho cháu trước khi đưa cháu vào cô nhi viện. Có chuyện gì với chiếc vòng sao bác?
– Cha mẹ ruột cháu là ai?
– Cháu cũng không biết, chỉ thấy cha mẹ nuôi cháu nói lúc cháu được đưa vào cô nhi viện bên cạnh có chiếc vòng này, còn có mẩu giấy ghi tên cháu là Hạnh Trân, và có cả một cái khăn mùi soa thêu con công phượng nữa. Cha mẹ nuôi cháu bảo mấy đồ này có lẽ là của cha mẹ ruột để cho cháu sau còn có thể nhận diện mà đi tìm, đến giờ cháu cũng không biết cha mẹ ruột cháu là ai cả.
Bà Hoà, chị Hạnh nhìn tôi, dường như không thể cất nổi lời nào. Giờ đây đến ngay cả việc lôi ông Minh đi cũng không thể làm nổi, chỉ có thể trân trân buông thõng tay nhìn nhau. Ông Minh không hề để ý đến những biểu cảm ấy, hỏi lại:
– Cháu gái, cháu nhóm máu gì?
– Dạ, cháu nhóm máu AB.
Ông Minh gần như ngã xuống, hai tay ông phải bấu lên chiếc bàn uống nước nhà chị Hạnh. Rất lâu sau ông mới thốt lên lời:
– Cháu có thể cho bác xem khăn mùi soa không?
Chị Hạnh lúc này liền lăn đùng ra ngất. Tôi nhìn cũng thừa biết chị ta đang cố diễn kịch, đáng tiếc ông Minh chẳng những dừng việc hỏi tôi mà ông còn gắt gỏng hơn cả lúc trước, ánh mắt hằn học lớn tiếng với bà Hoà:
– Tôi đã bảo cho nó lên giường ở đây nghỉ, ngày mai về rồi bà cứ cố chấp lôi lôi kéo kéo ở đây? Cho nó lên đây nghỉ đi, giờ về đường xa, nó sao chịu được? Hay bà làm sao? Hay bà có gì sợ hãi mà nãy giờ cứ sồn sồn đòi về? Bà có gì sợ hãi à mà từ lúc tôi bảo lên đây bà không chịu? Bà sợ hãi gì à mà bắt tôi phải một hai mang con Hạnh về luôn?
Bà Hoà nhất thời bất động, á khẩu không thốt lên lời nào, ánh mắt bà sự sợ hãi quả thực đã ngập tràn. Mẹ Hoa đứng bên cạnh khẽ nói:
– Phải đấy, chị cho con bé nghỉ ở đây. Chuyện sai cũng đã sai rồi nhưng sức khoẻ mới quan trọng. Đối với tôi dâu con trong nhà chỉ có con Hạnh và con Ngân thôi, còn con bé kia có mang thai đi nữa cũng không bao giờ có cửa bước chân vào biệt phủ này. Tôi sai người gọi bác sĩ một lúc chắc sắp đến rồi, thôi mọi người cũng tản ra để mợ cả nghỉ ngơi.
Bà Hoà run rẩy, chuyện chị Hạnh ngất còn không đáng sợ bằng chuyện ông Minh đang nói với tôi. Thế nhưng muộn rồi, bà đã không còn cách nào can nổi. Thậm chí ông Minh sau khi bế chị Hạnh lên giường trong lúc đợi bác sĩ đến ông lại quay sang tôi lặp lại:
– Cháu gái, cháu có thể cho bác xem khăn mùi soa của cháu được không?
– Nhưng khăn cháu để ở phòng rồi bác ạ.
– Cháu về lấy đi, bác ở đây chờ.
Tôi nghe vậy liền ngước lên nhìn Thành nói:
– Anh đi cùng em được không?
Thành gật đầu, cùng tôi đi về nhà. Nói là đi về nhà nhưng qua vườn hoa tôi và anh đã quay lại. Khăn mùi soa tôi đã để sẵn ở túi quần nãy giờ. Lúc lên nhà chị Hạnh bác sĩ cũng đang thăm khám cho chị, sau khi đợi bác sĩ xác nhận chị không sao tôi và Thành mới bước vào. Ông Minh cũng vội vã đi về phía tôi, tôi đưa chiếc khăn mùi soa cho ông cất lời:
– Đây là khăn mùi soa của cháu ạ.
Ông Minh mở ra xem, mặc dù theo năm tháng chiếc khăn đã ố, mấy sợi chỉ thêm cũng có sợi đã bung, nhưng hình ảnh công phượng trên đó vẫn rõ. Ông Minh nhìn chiếc khăn, bất giác tôi thấy mắt ông đỏ lên, bên trong bà Hoà đang nhìn tôi, hai tay đan lại bấu chặt như thể đang cầu nguyện. Nhìn dáng vẻ sợ hãi ấy tôi khẽ cười trong lòng, cái cảm giác trả thù từng chút một, khiến đối phương thấp thỏm lo âu lại không thể phản đòn mới thú vị làm sao? Cái cảm giác khiến đối phương cảm thấy chết dần, chết mòn còn đáng sợ hơn cả cái chết thực sự. Chị Hạnh nằm trên giường, đã cố diễn vở kịch ngất đi chị làm sao có thể tỉnh lại luôn. Bà Hoà hai chân đập đập lên sàn nhà như cố che lấp đi sự hoang mang mà lại chẳng che nổi. Ông Minh cầm chiếc khăn, nắm chặt trong tay, ông nhắm nghiền mắt, giọng lạc đi:
– Cháu gái à… cháu biết gì cháu có thể nói cho bác nghe không? Cháu được nhận nuôi về từ bao giờ? Cháu biết cháu chỉ là con nuôi từ bao giờ? Họ đưa cho cháu những thứ này từ bao giờ?
Tôi nhìn ông Minh, tim cũng khẽ nhói lên, cảm giác biết người đứng trước mặt mình là cha ruột lại phải diễn một vở kịch khiến tôi cảm thấy đau lòng. Tôi khẽ đáp lại:
– Hai tuổi cháu được cha mẹ nhận về nuôi, mười tuổi cháu mới biết cháu chỉ là con nuôi. Cha mẹ nuôi nói với cháu tên cháu là Hạnh Trân, được một người đàn ông lạ mặt mang vào cô nhi viện cùng chiếc vòng tì hưu, một bức thư và chiếc khăn mùi soa này. Khi mang đến người đàn ông có nói với các bác ở cô nhi viện tên của cháu là Hạnh Trân nhưng tuyệt đối không được đặt như vậy, tất cả đồ đạc của cháu cũng đều phải câyt hết tránh nguy hiểm, chỉ nhớ để sau này nói với cháu. Các bác đặt cháu tên là Hạnh Ngân, nhưng lúc cha mẹ cháu mang cháu về đổi lại là Khánh Ngân. Từ nhỏ cha mẹ đối xử với cháu rất tốt, cháu cũng nghĩ cha mẹ ruột hoặc là chết rồi, hoặc là bỏ rơi nên không có ý định đi tìm. Có điều lúc anh trai cháu mất cháu mẹ cháu đưa cho cháu mấy đồ này và bảo cháu đi tìm cha mẹ ruột, cha mẹ ruột cháu còn sống nhưng không rõ là ai, không rõ ở đâu. Lúc cháu đến cô nhi viện hỏi các bác ở đó thì nghe các bác nói trước kia có một người phụ nữ đã từng đến tìm cháu, nhưng khi ấy cháu được nhận nuôi rồi các bác cũng không tiết lộ thông tin của cháu ra, năm cháu mười hai tuổi có một người đàn ông cũng đến tìm. Nhưng các bác ở đó vì thấy cháu được nhận nuôi rồi nên đã không tiết lộ thông tin, chỉ nghe nói người đàn ông ấy sau đó có tài trợ cho quỹ cô của nhi viện một thời gian khá dài. Khả năng… đó là cha cháu, cháu vốn định đi tìm thông tin thì xảy ra chuyện… cháu bị người ta bắt cóc… hại rơi xuống vực suýt chết, cái này chắc bác cũng nghe rồi, cháu may mắn được người ta thấy nên cứu về, cháu bị thương rất nặng, hơn một tháng mới hồi phục, gần hai tháng mới có thể tìm đường trở về nhà. Thế nên giờ cháu rất sợ… cháu không có ý định tìm cha mẹ nữa, giờ cháu chỉ muốn bình yên sống. Cha mẹ cháu có lẽ giờ cũng có cuộc sống riêng, họ có lẽ cũng quên đứa con này rồi.
Khi tôi nói đến đây tôi bỗng thấy vai ông Minh khẽ run lên. Ánh mắt ông nhìn tôi chất chứa một nỗi đau đớn sâu nặng, cả một nỗi bàng hoàng không thể tin nổi. Tôi khẽ hỏi lại:
– Nhưng rốt cuộc có chuyện gì vậy bác? Sao bác lại hỏi cháu chuyện này?
Ông Minh cúi mặt, trên đầu có vài sợi tóc đã lấm chấm bạc. Tôi còn tưởng ông sẽ kể với tôi về đứa con gái thất lạc của ông, sẽ ôm lấy tôi nhận con. Thế nhưng không, ông từ từ ngước lên hỏi lại:
– Cháu có thể cho bác xin vài sợi tóc được không?
Tôi biết một người đàn ông đến tuổi này có một sự nghiệp vững chắc trong tay như ông không dễ gì mà lại làm việc một cách bộp chộp. Dẫu tôi nhận ra sự xúc động mạnh của ông nhưng tôi hiểu ông đang ngầm muốn xác nhận lại mối quan hệ của tôi và ông bằng một bản xét nghiệm ADN. Tôi đưa tay bứt mấy sợi tóc trên đầu tôi đưa cho ông đáp:
– Dạ đây ạ. Nhưng rốt cuộc có chuyện gì vậy bác? Bác hỏi cháu mấy chuyện này có chăng bác biết cha mẹ ruột cháu sao?
Ông Minh nhận lấy mấy sợi tóc, tay ông run run, đột nhiên bên trong bà Hoà lao ra túm lấy tay ông nói:
– Con Hạnh nó tỉnh rồi. Con Hạnh nó muốn gặp ông, sao ông cứ đứng đây làm gì, con gái muốn gặp ông.
Mấy sợi tóc của tôi trên tay ông Minh khẽ rơi xuống đất. Bà Hoà vội vã kéo ông vào, thế nhưng ông gạt đi, cúi xuống nhặt từng sợi tóc dưới nền nhà đáp lại:
– Bà ở đây chăm con, tôi có việc phải đi ra ngoài một lúc.
– Ông đi đâu? Con gái nó tỉnh rồi, nó muốn gặp ông mà ông đi đâu chứ?
Tôi thấy ông Minh ngồi nhặt tóc, trong lòng dấy lên một nỗi xót xa vốn định nói để tôi nhổ mấy sợi tóc khác đưa cho ông ông đã tỉ mẩn nhặt hết bốn năm sợi dưới nền gạch sáng bóng, đến tận sợi cuối cùng mới đứng lên. Bà Hoà bên cạnh vẫn tru tréo lên:
– Ông làm cái gì vậy chứ? Ông đi đâu chứ? Con nó đang cần ông…
Thế nhưng ông Minh không để tâm, ông xoay lưng cầm nhúm tóc đi thẳng ra ngoài. Bà Hoà vội vã nắm chặt tay không buông, đầu bà ta lắc lắc nói:
– Ông định đi đâu? Ông muốn đi đâu? Tôi đi với ông?
Ông Minh dùng tay còn lại, ra sức gỡ từng ngón tay của bà Hoà đang bấu lên mình từ chối:
– Bà ở đây chăm con, tôi đi một mình.
– Không, tôi đi cùng ông, con Hạnh nó tỉnh rồi, tôi đi cùng ông.
Thế nhưng trước sự dai dẳng của bà Hoà ông Minh lại dường như nhận ra có vấn đề. Ông kiên quyết kéo tay bà ra đáp:
– Bà hôm nay bị ăn phải bả à mà cứ giật đùng đùng lên thế? Hay là… hay bà… biết chuyện này rồi?
Bà Hoà càng lúc càng không khống chế được cảm xúc. Càng không khống chế được lại càng để lộ ra những bất thường. Bà ta liền cười gượng gạo đáp:
– Tôi biết chuyện gì chứ? Tôi thấy con gái đang ốm, nó cần cha mà ông lại cứ định làm cái gì.
Chị Hạnh từ trong cố lết người gọi ông:
– Cha, cha ơi! Con có chuyện muốn nói với cha.
Có điều ông Minh không để tâm mấy lời bà Hoà hay chị Hạnh nói. Ông xoay người người, trước khi đi tôi nghe tiếng ông nói:
– Bà ở đây với con Hạnh, tôi có việc, đêm nay tôi không về. Bảo với nó có chuyện gì nói sau, bảo nó nghỉ ngơi cho khoẻ. Mai tôi về nói chuyện lại với bên thông gia.
Nói xong chẳng đợi bà Hoà đáp ông Minh đã đi thẳng ra ngoài. Bà Hoà đứng chết lặng trong nhà, ánh mắt sắc lạnh nhìn tôi. Có lẽ cả bà ta và chị Hạnh đều không ngờ tôi còn sống mà trở về. À không, suốt hai mươi năm nay bà ta đã không ngờ tôi còn sống rồi. Năm ấy bà ta có lẽ đã nguyền rủa tôi chết đi, đáng tiếc số mệnh lại trêu ngươi bà ta, năm lần bảy lượt hại mà tôi vẫn sống. Tôi nhìn bà Hoà, nắm tay Thành lên tiếng:
– Dạ! Bác ở lại chăm chị Hạnh, vợ chồng cháu xin phép về nghỉ ngơi.
Chị Hạnh đứng ở góc tường, trông chị ta rệu rã, trắng bệch như hồn ma. Tôi nhìn chị ta khẽ cười:
– Chị vào nghỉ ngơi đi kẻo muộn lại mệt. Sáng mai vợ chồng em sẽ xuống thăm.
Thế nhưng cả hai mẹ con chị ta không đáp lại lời tôi. Mẹ Hoa và thầy Đăng cũng đi về nhà lớn, tôi nghe tiếng thầy Đăng thở dài thườn thượt:
– Một lúc mà nhà xảy ra bao nhiêu chuyện. Không biết sao cha con Hạnh lại cứ hỏi con Ngân về cái vòng tay của nó nhỉ? Hay ông ấy biết cha mẹ ruột con Ngân?
– Ôi dào tôi sao biết được. Giờ lo cho sức khoẻ con Hạnh trước đã, tôi thấy nó suy sụp lắm rồi, việc tốt mà con trai ngoan của ông gây ra đấy! Đúng là cha nào con nấy.
– Bà… bà đừng có xỏ xiên…
– Tôi nói thẳng chứ xỏ xiên cái gì. Này thì cháu nó ở nhà ngoan lắm. Giờ thì muối mặt với thông gia.
Thành nắm tay tôi đi phía sau thầy mẹ, trên sân con xe Maybach của ông Minh đã rời đi từ bao giờ. Đêm nay có lẽ ông Minh sẽ mất ngủ, nhưng tôi tin… ngoài ông Minh còn rất nhiều người khác mất ngủ. Giấy thì làm sao gói được lửa? Đã là sự thật mà mẹ con chị Hạnh lại tìm cách lấp liếm đi? Tôi khẽ bật cười, chẳng lẽ mẹ con chị ta nghĩ rằng giữ được ngày hôm nay thì giữ được cả đời sao? Chẳng lẽ mẹ con chị ta ngây thơ đến mức nghĩ tôi thực sự vẫn chưa biết gì? Mà tôi đã biết, rốt cuộc hai con người độc ác ấy giấu được ông Minh đến bao giờ chứ?
Trở về phòng con Đào đã dọn sạch sẽ nhà cửa. Tôi nhìn nó khẽ nháy mắt, tự dưng lại nhớ đến cái Trúc. Cả con Đào lẫn Trúc đều là những đứa trung thành, thông minh. Có điều cái Trúc số mệnh bạc bẽo, càng nghĩ càng thương, càng nghĩ lại càng muốn hành hạ mẹ con chị Hạnh như cách họ đã hành hạ tôi. Trên đời này làm người tốt rất khổ, tôi đã từng làm người tốt, cái Trúc cũng từng làm người tốt. Thế nhưng rồi sao? Kết cục thì một người chết, một người suýt chết. Cái gì mà quả báo chứ? Cái gì mà ở hiền gặp lành? Sau khi chết đi sống lại tôi tin rằng vận mệnh nằm ở trong tay mình. “Quả báo” này chỉ có tôi tự mình trả cho mẹ con chị ta chứ không có ông trời nào trả cả. Ông Minh đã đi rồi, cầm theo nhúm tóc kia mang theo, muốn đổi trắng thay đen cũng hoàn toàn không có khả năng. Đêm nay mẹ con chị ta không ngủ! Thế nhưng đêm nay tôi lại ngủ rất ngon. Bên ngoài kia có bão tố thế nào, trong căn nhà nhỏ này vẫn bình yên và ấm áp. Tôi không biết suốt đêm ấy ông Minh đã mang nhúm tóc ấy đi xét nghiệm theo kiểu nào. Hiện tại có một kiểu xét nghiệm ADN lấy rất nhanh, xác định mười sáu Locus lad có thể cho ra kết quả chỉ trong vòng vài tiếng đến chục tiếng đồng hồ. Với một người giàu có như ông Minh tôi tin ông sẽ lựa chọn cái nhanh nhất, chính xác nhất.
Đêm qua, sau một đêm ngủ ngon tôi dậy với một tinh thần rất thoải mái. Sáng Thành đi dạy học còn tôi thì chuẩn bị đi ra công ty. Năm cuối rồi, còn môn của Thành tôi bị thi lại thôi nên thời gian khá rảnh. Tôi muốn có chút kinh nghiệm để khi ra trường đỡ bỡ ngỡ, tôi còn muốn có kinh nghiệm để vực dậy xưởng gỗ cho cha tôi. Khi tôi đang ngồi ăn sáng để chuẩn bị lên nhà lớn thì con Đào cũng vào khẽ nói:
– Mợ! Đêm qua nhà cậu Khang bật điện cả đêm. Sáng nay con thấy mợ Hạnh mắt thâm như gấu trúc, mà mắt đỏ ngầu luôn, như kiểu mợ ấy không ngủ cả tuần nay rồi ý chứ không phải mỗi đêm qua.
Chồng có con riêng, nhân tình lại là một con người ở mưu mô, thầy mẹ lại chấp nhận rước nó về, đến ngay cả mẹ ruột của chồng cũng cùng một phe với nó đã khiến chị suy sụp. Giờ đây lại thêm chuyện cha chị sắp nhận đứa em rơi vãi mà lẽ ra chị và mẹ chị tống nó chết từ lâu rồi khiến chị càng cảm thấy như một cơn ác mộng kinh hoàng. Một cơn ác mộng mà chị không thể nghĩ tới. Cách đây vài ngày chị tưởng chừng như mình sắp có tất cả rồi, tất cả mọi thứ, thế mà giờ đây, giống như bị rút cạn đi hơi thở yếu ớt, chị cảm giác sắp không còn gì, chị cảm giác mình sắp mất tất cả. Nhưng thế này thôi sao? Thế này đã thấm gì so với những gì chị ta gây ra? Không đâu! Mọi thứ mới chỉ đang bắt đầu, còn rất rất lâu mới có thể kết thúc được. Mẹ con chị ta vẫn ở đây, có lẽ mẹ con chị ta không dám đi đâu lúc này, có lẽ giờ đây từng giây từng phút trôi qua đều là nỗi ám ảnh. Có điều dù bên nhà ấy sóng gió đang nổi lên thì bên này tôi lại yên ổn đi làm, tôi tin có kết quả ông Minh sẽ biết tự khắc tìm đến tôi, thế nên tôi không hề có ý chờ đợi chỉ dặn dò con Đào và thằng Lân ở đây canh chừng hai mẹ con chị Hạnh giúp tôi, có gì bất thường thì báo lại. Hôm qua xin thầy Đăng rồi nên sáng nay thầy chở tôi cùng ra công ty. Đến nơi tôi mới biết Hoa Đăng là một công ty rất lớn. Tôi nghe cha tôi kể ngày xưa thầy Đăng mẹ Hoa buôn bán trúng mánh sau đó mở xưởng gỗ nhỏ, xưởng gỗ dần phát triển thành xí nghiệp rồi giờ là cả một cơ ngơi thế này. Cha tôi còn nói công ty này phát triển là nhờ công lao của mẹ Hoa rất nhiều, hồi mới thành lập, những đơn hàng đại đa số là mẹ vất vả gặp đối tác để người ta hợp tác với mình. Gần ba mươi năm rồi công ty càng ngày càng lớn mạnh, trước kia lúc Thành đi nước ngoài về vừa đi làm giảng viên vừa giúp thầy Đăng một tay, sau này thầy giao lại việc cho anh Khang, Thành cũng bận quá nên đâm ra cũng không giúp gì được nữa. Lúc tôi vào công ty anh Khang đang làm việc, thầy Đăng sắp xếp cho tôi làm cùng chị Thuỷ, kế toán của công ty. Anh Khang không vui vẻ cho lắm, thế nhưng tôi cũng đếch quan tâm. Tôi nhờ chị Thuỷ cho tôi xem ít sổ sách trong một năm nay của công ty để nghiên cứu một chút. Anh Khang thấy vậy liền nói:
– Em dâu mới đến công ty chưa nổi một ngày mà đã đòi xem sổ sách, công ty đâu phải là cái chỗ để em muốn xem gì thì xem?
Tôi nhìn anh Khang, trước kia mẹ Hoa muốn xem thu chi của công ty anh cũng từ chối, đến nay tôi muốn xem anh cũng không cho. Tôi cá rằng chắc chắn anh có vấn đề nên mới giấu giếm như vậy. Mục đích của tôi đến công ty này đâu phải chỉ để lấy kinh nghiệm sống? Có điều thầy Đăng ở đó, thấy anh Khang nói vậy thầy liền cất lời:
– Là người một nhà cả làm sao mà phải khó khăn thế? Thuỷ, cô đưa cho con bé xem sổ sách trong năm nay đi.
Anh Khang vốn định không đồng ý nhưng thầy Đăng đã khoát tay ra hiệu cho chị Thuỷ lấy cho tôi. Sổ sách của công ty vốn đã nhập trên máy, sổ sách bằng giấy này chỉ thể hiện lại để xem cho dễ. Tôi mở đống sổ sách ra xem, ban đầu chưa phát hiện ra điều gì, thế nhưng mở đến quyển thứ năm đột nhiên tôi cảm thấy mấy quyển giữa năm này dường như tôi đã từng xem qua rồi. Dường như các số liệu này tôi đã từng đọc, từng nhập máy. Tôi khẽ day trán, trong một giây đột nhiên ồ lên. Cuối cùng tôi cũng nhớ ra đống sổ sách này ở đây? Đây chính là đống sổ sách mà mẹ Hoa từng đưa cho tôi. Chỉ có điều sổ sách dường như chỉ là bản pho to của đống này, còn đây mới là bản chính. Bảo sao khi đọc đến số liệu tôi đã thấy rất quen. Ba quyển giữa năm đều có bất thường về tài chính. Một số tiền bị hao hụt không rõ lý do. Thầy Đăng quá tin tưởng anh Khang, toàn bộ việc của công ty thầy giao cho anh hết. Tôi xem thêm đống sổ sách cuối năm rồi trả lại cho chị Thuỷ. Anh Khang nhìn tôi hỏi:
– Thế nào? Xem xong có hiểu gì không?
Tôi khẽ lắc đầu, giả vờ đáp:
– Nhiều số liệu quá em đọc hơi rối. Chắc em phải đi theo chị Thuỷ dài mới sáng suốt ra được.
Anh Khang không nói gì nữa quay về phòng làm việc. Tôi cũng cố gắng ghi nhớ để về nhà xem lại đống sổ sách mẹ Hoa giao cho. Hoá ra mẹ cũng đã nghi ngờ anh, hoá ra mẹ cũng nhận ra sự bất thường ấy chỉ có thầy Đăng đến nay vẫn tin tưởng anh như vậy. Nếu thầy biết mấy chuyện này, nếu thầy biết cả chuyện anh Khang không phải con ruột thầy, rốt cuộc thầy sốc đến thế nào chứ? Khi đang định đi thăm quan qua công ty một chút thì thầy Đăng ở phòng bên kia cũng sang tìm tôi rồi nói:
– Ngân. Ông Minh có việc đến tìm con. Ban nãy ông ấy có qua nhà mình nhưng chắc không ở nhà nên ông ấy có gọi cho thầy. Ông ấy đang ở dưới sảnh, con xuống xem thế nào?
Tôi gật đầu cầm túi xách đi ra ngoài sảnh, ông Minh đang đứng đó, tay cầm một sấp giấy. Nhìn ông dường như có chút vội vã, có chút gấp gáp, còn có chút không kiên nhẫn. Có lẽ đêm qua ông đã chờ đợi kết quả này mà không hề ngủ, mái tóc ông hơi rối bù, gương mặt phờ phạc. Chính tay tôi đã mang tóc của ông và tôi đi xét nghiệm, thế nên tôi cũng đã xác định được kết quả thế nào. Khi thấy tôi ông có chút ngây người, đứng từ xa nhìn tôi không rời mắt. Đến khi tôi lại gần, ông mới cúi xuống. Tôi lên tiếng chào:
– Cháu chào bác, bác đến tìm cháu có việc gì thế ạ?
Ông Minh lúng túng, hai tay như thừa thãi, mãi mới hỏi lại:
– Có thể… ra ngoài nói chuyện được không?
Giọng ông rất run. Tôi gật đầu đi theo ông sang quán cafe ngay bên cạnh công ty. Có vẻ như ông xúc động đến mức không gọi được nước, tôi liền gọi hai cốc nước cam rồi nói:
– Có chuyện gì bác cứ bình tĩnh. Có phải bác biết cha mẹ ruột của cháu không ạ?
Tôi nói đến đây thấy ông Minh lại ngước lên nhìn mình. Ông bặm chặt môi, đôi mắt hơi đỏ lên, ông không trả lời câu hỏi của tôi mà bắt đầu kể:
– Cách đây hơn hai mươi năm về trước, bác có một người vợ. Người vợ ấy là người vợ mà cha mẹ bác đường hoàng cưới về cho bác. Có điều lấy nhau đã mấy năm mà vợ bác không thể sinh con. Lúc ấy dưới áp lực của gia đình, lại cộng thêm tuổi trẻ bồng bột, bác đã sa ngã, bác làm cho một người phụ nữ khác có bầu. Vợ bác biết chuyện đã rất đau khổ, thế nhưng vì hoàn cảnh gia đình, còn một người em trai đang học hành và mẹ già nên cô ấy không còn cách nào khác là chấp nhận bác mang người phụ nữ kia về, sống cùng một nhà. Sau đó vài tháng không ngờ vợ bác lại có bầu tự nhiên. Thời gian ấy hai người phụ nữ sống rất hoà thuận, khi biết cả hai đứa bé trong bụng hai người phụ nữ ấy đều là con gái, cách nhau chỉ vài tháng bác đã đúc hai chiếc vòng tì hưu cho hai đứa con chưa chào đời của mình. Đứa lớn bác đặt tên là Đồng Trân Hạnh, đứa nhỏ bác đặt là Đồng Hạnh Trân.
Ông Minh nói đến đây thì dừng lại, thở một hơi nhìn tôi. Hai tay tôi bấu chặt vào nhau, trong lòng có oán trách, nhưng trước mặt là người cha ruột, dẫu có sai lầm nhưng ông vẫn là người cha thương con. Ông hơi nhắm mắt nói tiếp:
– Hai chiếc vòng tì hưu ấy, bác khắc tên hai đứa con lên rồi đưa cho hai người phụ nữ. Có điều sau khi người phụ nữ sinh ra Trân Hạnh thì bác có một dự án lại phải đi xa một thời gian. Khoảng thời gian ấy mỗi lần gọi về nhà bác thấy mọi chuyện vẫn ổn nên yên tâm. Thế nhưng đến ngày mẹ Hạnh Trân sinh Hạnh Trân… bác nhận được điện thoại từ vợ. Cuộc điện thoại rất lạ, chỉ nghe những tiếng nức nở. Bác có linh cảm không lành nên vội vã trở về. Thế nhưng ở thời đó trở về mất cả ba bốn ngày. Về đến nơi bác mới biết Hạnh Trân bị một người đàn ông lạ mặt bắt cóc đi rồi. Sau đó người ta tìm thấy xác của người đàn ông đó dưới một vực sâu, bên dưới còn có chiếc áo dính máu của Hạnh Trân. Cậu Hạnh Trân vì đi tìm Hạnh Trân mà cũng mất ngay sau đó. Mẹ Hạnh Trân đã rất suy sụp, gần như phát điên không tin nổi sự thật kinh hoàng ấy. Bà ấy ngày đêm gào khóc, đã vô số lần tự tử nhưng đều được cứu. Cuối cùng không thể chịu được nữa bà ấy gửi bác đơn ly hôn sau đó bỏ đi biệt tích.
Tôi đã từng nghe thằng Lân nói về chuyện này. Thế nhưng khi nghe chính cha mình kể lại tôi đã không kìm nổi. Tôi ngồi trước mặt ông, nghe ông kể một câu chuyện tôi đã biết trước, dù bản thân tôi đã trải qua sinh ly tử biệt nhưng kể đến đâu, mắt tôi ầng ậc nước đến đấy, cuối cùng không còn ngăn nổi để mặc nước mắt rơi. Tôi khóc không phải vì hôm nay tôi được nhận cha, mà tôi khóc vì thương mẹ, khóc vì thương cậu, thương cả chính bản thân mình. Mà càng thương tôi lại càng căm hận mẹ con chị Hạnh, định giết một đứa trẻ còn đỏ hỏn, hại một gia đình phải ly tán, khổ sở, rốt cuộc đã bao người chết dưới tay mẹ con chị ta chứ? Ông Minh thấy tôi khóc hai tay cũng run run, cầm tập bản xét nghiệm ADN đặt lên bàn rồi nói:
– Bác từng nghĩ rằng Hạnh Trân đã chết, vì khi ấy áo của Hạnh Trân quả là rơi xuống vực. Sau này khi nỗi đau nguôi dần, bác có nghĩ đến trường hợp Hạnh Trân còn sống nên có đi tìm. Nhưng tìm mãi không có tung tích nên bác đã thôi hi vọng. Cho đến ngày hôm qua… bác gặp Hạnh Trân… cả một đêm qua bác đã không dám ngủ. Bác không dám tin người trước mặt bác lại là Hạnh Trân, bác không dám tin người bác từng chửi mắng lại là Hạnh Trân. Tại sao hai mươi mấy năm nay bác mỏi mắt trông chờ lại không thể tìm được. Tại sao… tại sao cháu lại là Hạnh Trân? Tại sao cháu lại là con gái của bác?
Câu hỏi cuối cùng khiến giọng ông lạc đi. Ông không còn cố gắng tỏ ra mạnh mẽ được nữa, hai tay ôm lấy ngực, bản xét nghiệm ADN được mở ra. Tôi nhìn lên dòng chữ đỏ, đã biết kết quả nhưng vẫn trân trân không nhúc nhích. Ông Minh nhìn tôi, rất lâu sau khẽ gọi:
– Hạnh Trân!
Hai tiếng Hạnh Trân ông gọi tôi như người cha xa cách con gái cả một thế kỉ. Tôi cúi thấp đầu xuống, dẫu có toan tính thế nào tôi nhưng lúc này tôi cũng nhận ra máu mủ ruột thịt là thứ thiêng liêng. Ông Minh thấy tôi im lặng, lại cất giọng, thứ giọng khàn đục mang cả tạp âm của sự thống khổ:
– Con gái.
Tôi nghe đến đây, ngước lên nhìn cha. Người trước mặt là cha tôi, là cha ruột tôi. Đột nhiên tôi thấy cha khóc, hai hàng nước mắt chảy xuống gương mặt đã có những nếp nhăn hằn theo năm tháng. Bờ vai cha run lên, tiếng khàn đặc phát ra từ cổ họng. Cha vừa khóc vừa nói:
– Xin lỗi con. Ngay từ đầu là lỗi của cha, ngay từ đầu là cha không bảo vệ được con. Hai mươi ba năm nay cha sống trong sự dằn vặt, đến ngay cả gặp con cũng không biết đó là con gái mình, cha đã dùng những từ khó nghe để mạt sát con. Cha… thật sự không còn có thể biết nói gì lúc này nữa. Cha không nghĩ mình tìm được lại con, không nghĩ con ở gần mình đến thế.
Tôi nghe tiếng cha khóc, tôi bỗng thấy nghẹt thở. Hai tay tôi chạm lên tay cha khẽ nói:
– Bác… cha… cha đừng khóc nữa, cũng đừng tự dằn vặt mình.
– Không! Là cha đã sai rồi, là cha sai vì không bảo vệ được con. Bao nhiêu năm nay con sống thế nào cha không biết. Xin lỗi con… thực sự xin lỗi con rất nhiều. Con có tha thứ cho cha cha cũng không thể tha thứ cho mình. Nếu không phải vì năm ấy cha đi xa như vậy con đã không phải cách xa cha cả hai mươi ba năm dài đằng đẵng.
Thực ra mấy lời này là cha tôi nói ra, nhưng bản thân tôi lại nghĩ khác. Tôi còn sống ngày nào, mẹ con chị ta còn tìm cách hại tôi ngày ấy thế nên khẽ nói:
– Cha đừng tự trách mình. Con biết cha cũng không mong điều ấy. Cha… cha dằn vặt mình thế này… con rất đau lòng.
Cha tôi nghe xong cúi gằm mặt, mái tóc lộ rõ mấy sợi bạc. Nhìn cha bình thường có vẻ trẻ hơn so với tuổi, nhưng sau một đêm qua tôi bỗng thấy cha già đi rất nhiều. Cha tôi đưa tay lên lau khoé mắt đang ướt. Một người đàn ông khóc có nghĩa rằng ông đang thực sự rất thống khổ. Hai mươi ba năm nay ngỡ con mình đã chết, gặp trong hoàn cảnh này có cứng rắn cỡ nào cũng không thể ngăn được xúc động. Có lẽ đêm qua ông đã xác định được tôi và ông là cha con rồi, bản xét nghiệm này chỉ là minh chứng pháp lý để chắn chắn hơn mà thôi. Đối với tôi chuyện này tôi đã sớm biết nên không còn sốc, lúc tôi biết chuyện này tôi đã từng nghĩ đến việc đi tìm ông để nói cho ông biết. Nhưng đến sau này khi trải qua rất nhiều chuyện tôi mới dùng đến cách này. Cách để ông tự tìm hiểu về tôi, tự mình mang tóc tôi đi xét nghiệm, chỉ có như vậy ông mới tự mình tiếp nhận được nó, chỉ có như vậy ông mới có thời gian tự sắp xếp lại mọi thứ.
Tôi không biết tôi và cha mình ở trong quán cafe đến bao lâu. Chỉ nhớ rằng cha còn kể cho tôi rất nhiều chuyện, nhưng vì vừa sinh ra tôi đã bị đem đi nên kỉ niệm của tôi và cha không có gì, chỉ duy nhất có chiếc vòng tì hưu là cha thuê tự đúc cho tôi, còn khăn mùi soa là mẹ tự tay thêu. Cha có hỏi tôi về cuộc sống hai mươi năm nay, tôi có kể về gia đình, dù sao tôi cũng còn may mắn hơn rất nhiều đứa trẻ bị mang đi. Bởi ít ra tôi còn được một gia đình quá đỗi tốt bụng, tử tế nhận nuôi. Nghe tôi kể như vậy gương mặt cha cũng mới giãn ra đôi chút. Thế nhưng tôi vẫn không quên kể với cha việc tôi đang định đi tìm cha mẹ ruột của mình thì xảy ra chuyện sau đó rơi xuống vực. Thực ra bằng chứng tôi có rồi, tôi kể chỉ để cha biết mẹ con chị Hạnh hại tôi, tôi muốn cha tự mình đi tìm hiểu trước khi sự thật được phơi bày. Cha tôi nghe tôi kể, gương mặt cũng thoáng phút chốc đăm chiêu, cảm giác trong ánh mắt đầy những cảm xúc phức tạp. Một người như ông tôi nghĩ có lẽ không sớm thì muộn cũng sẽ tự mình tìm hiểu ra.
Khi tôi và cha về đến nhà cũng thấy trên nhà xôn xao. Vừa bước vào đến cổng cũng nghe tiếng chị Hạnh rít lên:
– Con ranh con láo toét, mày dám đổ oan cho tao? Tao đẩy mày lúc nào?
Tôi còn chưa kịp hiểu chuyện gì xảy ra đã thấy con Mai đang ngồi trong lòng vú Quý, nó vừa khóc vừa nói:
– Con biết mợ ghét con nên muốn hại đứa bé trong bụng con. Nhưng con xin mợ, con đẻ xong con sẽ đi luôn. Con không dám tranh giành với mợ bất cứ điều gì, chỉ xin mợ tha cho mẹ con con một mạng.
Nghe con Mai nói đến đây thì tôi cuối cùng đã hiểu ra có chuyện gì. Anh Khang thì gắt lên:
– Anh sai với em nhưng đứa bé nó có tội gì chứ? Em làm sao cứ phải làm mấy cái chuyện này? Em không mệt mỏi à?
Chị Hạnh ngước lên nhìn anh Khang gào lớn:
– Tôi đã bảo tôi không làm, tôi không đẩy nó vì sao anh không tin tôi? Vì sao hả?
Hoá ra lại là vở kịch cũ lặp lại, chỉ có điều giờ chị Hạnh lại biến thành nạn nhân như tôi đã từng. Tôi dám chắc chị Hạnh không dám đẩy con Mai đâu, chị ta sốc lên sốc xuống còn thời gian đâu mà hại nó. Thế nhưng trong nhà làm gì có ai tin chị? Mẹ chị đứng bên ngoài bất lực nói:
– Khang. Con bé nó không có làm sao con lại không chịu tin? Nó sức khoẻ còn yếu, trưa cố lên nhà ăn bữa cơm cùng mọi người… sao con lại không tin?
Ngày hôm qua bà Hoà và chị Hạnh còn to mồm lắm, còn một hai đòi về. Thế nhưng chuyện đêm qua, thân thế của tôi đã lộ trước mặt cha ruột là ông Minh thì giờ đây cách nói chuyện của chị Hạnh và bà Hoà đã nhẫn nhịn rất nhiều. Ít ra nếu lộ ra mẹ con chị còn phải cố gắng mà bấu víu vào anh Khang chứ? Gương mặt chị nhìn anh Khang đờ đẫn xen lẫn cả đau lòng. Thế nhưng khoảnh khắc thấy tôi và cha từ xe Maybach bước ra chị còn đờ đẫn hơn. Mái tóc chị bết lại, rũ rượi, đêm qua hai mẹ con chị đã thức trắng. Nhìn tôi và cha đi cùng nhau có lẽ hai mẹ con chị ta cũng đã hiểu: rốt cuộc cha con tôi đã nhận nhau! Khi vào đến nhà thầy Đăng, mẹ Hoa, mọi người vẫn đang chờ tôi ăn cơm. Không ai thắc mắc gì chuyện vì sao tôi đi cùng ông Minh, thầy Đăng chỉ nghĩ ông Minh biết gì về thân thế tôi nên mới gặp riêng chứ cũng không hề tò mò. Chỉ có mụ Hoà và chị Hạnh không nuốt nổi miếng cơm nào, nhưng cũng không dám xin về luôn mà phải chờ mọi người ăn xong. Ăn cơm xong mọi người đi nghỉ ngơi, anh Khang và thầy Đăng thì ra công ty. Cha tôi chưa vội về mà gọi tôi lên nhà chị Hạnh. Khi chỉ còn tôi, bà Hoà, chị Hạnh cha tôi khẽ nói:
– Tôi đã tìm được con bé Hạnh Trân rồi. Không ngờ nó lại là em dâu cùng con Hạnh nhà mình. Đêm qua tôi đã mang tóc nó đi xét nghiệm ADN. Nó chính xác là Hạnh Trân. Bản thân tôi cũng không dám tin. Hai mươi mấy năm nay nó còn sống mà tôi nào biết!
Chị Hạnh, bà Hoà nghe xong khẽ nhìn bản xét nghiệm ADN. Biết rồi nên còn gì để xem nữa đây, biết rồi còn gì để sốc đây? Cha tôi lại nói:
– Tạm thời… cổ phần công ty tôi sẽ chưa vội sang tên cho con Hạnh. Tìm được con Trân rồi… tôi muốn chia đôi tài sản cho cả hai đứa.
Tôi không biết vì sao cha tôi lại nói mấy lời này trước mặt chị Hạnh, bà Hoà và cả tôi. Thế nhưng tôi có thể nhìn rõ sự thất vọng trong ánh mắt chị Hạnh. Đến giờ chị ta cũng vẫn chưa hề biết mình và cha tôi không cùng huyết thống. Ngày Thành xảy ra tai nạn toàn bộ xét nghiệm tôi đã bí mật đem giấu đi. Thế nên chị ta chỉ nghĩ tôi đang tìm cách chứng minh tôi là con ông Minh chứ bản thân lại không hề biết mình là con riêng của lão Trung và bà Hoà. Chuyện này chỉ có bà Hoà biết, bà ta cố gượng cười đáp:
– Thật không ngờ hai chị em dâu lại là hai chị em ruột. Phải! Ông nói phải, cổ phần công ty phải chia đều chứ? Hôm qua thấy cái vòng của con bé tôi đã ngờ ngợ rồi. Mà hôm qua con Hạnh nó mệt nên tôi rối quá chẳng nghĩ được gì. Trân à… tuy bác… tuy bác không phải mẹ ruột cháu nhưng cháu với Hạnh là chị em ruột, nếu được cháu cứ coi bác là mẹ của cháu, bác sẽ thay mẹ cháu cháu sóc cháu. Ông à… tôi… tôi bất ngờ quá. Lần trước tôi đâu biết còn mắng con bé. Tôi… tôi thấy có lỗi quá.
Tôi nhìn bà Hoà, đóng kịch thật giỏi, giờ thì đừng nói là nửa tài sản, đến một phần mười bà ta cũng hạnh phúc rồi. Còn hơn chỉ chút nữa thôi cha tôi mà phát hiện ra thì chỉ trắng tay. Thế nhưng để xem tôi và bà ta ai đóng kịch giỏi hơn? Tôi nhìn chị Hạnh, khẽ run rẩy, giọng lạc đi:
– Chị gái… chị là chị gái của em sao?
Chị Hạnh nhìn tôi, đầu hơi ngoẹo đi, cố cười đáp:
– Ừ… ừ… chị… chị có chút chưa tiếp nhận được…
Cha tôi nhìn chị Hạnh lên tiếng:
– Cha cũng sốc, con bé cũng sốc, có lẽ chúng ta ai cũng cần thời gian tiếp nhận. Tạm thời con Hạnh ở đây. Chuyện về thằng Khang bà thông gia nói rồi, mai bà ấy sẽ đưa con bé kia về quê, để nó sinh con xong đón con nó thôi. Cha cũng cần về giải quyết nốt một số việc, để bàn với luật sư nốt việc chia tài sản.
Chị Hạnh nhìn tôi giọng hơi run lên:
– Cha… nhưng ngày mai là sinh nhật mẹ rồi. Con muốn về…
– Thì mai về. Mai hai chị em cùng về. Giờ thông gia người ta đã nói thế rồi, về luôn người ta lại đánh giá không hay. Vả lại cha cũng muốn hai chị em dần tiếp nhận chuyện này đi. Mai con đi cùng em về nhà, vợ chồng con với vợ chồng em cùng sang luôn. Hôm nay cha phải về luôn, cha làm việc với luật sư về việc phân chia tài sản luôn để sắp tới còn giao lại công ty cho hai đứa. Còn mấy chuyện nữa cha cần làm, còn cần xuống nhà con Trân gặp cha mẹ nuôi nó nói lời cảm ơn. Có điều tạm thời chuyện này cũng chưa nói ra với ai cả. Chuyện tìm được con Trân tạm thời cứ giữ kín đã.
Bà Hoà sợ cha tôi nghi ngờ nên vội vã cất lời:
– Phải đấy. Thôi con ở đây cho có bạn với em. Mẹ về cùng cha, hai vợ chồng hai đứa cùng về nhé.
Chị Hạnh thấy bà Hoà nói vậy, cuối cùng cũng không từ chối nữa. Có lẽ chị ta cũng quá mệt mỏi rồi, có lẽ chị ta muốn ngủ một giấc để còn tìm cách đối phó với tôi. Thứ chị ta cần đâu phải là nửa công ty, thứ chị ta cần là tất cả. Tôi nhìn chị ta, khẽ chào cha tôi, chào bà Hoà rồi đi về nhà. Nửa tài sản sao? Một xu một cắc cũng đừng có mơ! Tôi gọi điện cho thằng Lân, báo nó thuê người bảo vệ cha tôi, cũng sai bảo nó thay đổi chút kế hoạch rồi nằm xuống ngủ! Vốn dĩ định để cha tôi tự tìm hiểu về thân thế con gái cưng Đồng Trân Hạnh, nhưng cha gấp gáp muốn chia tài sản thì tôi cũng gấp gáp thực hiện kế hoạch của mình. Dù sao thì việc phân chia tài sản cũng không thể xong trong một sớm một chiều. Huống hồ cha tôi là người sống, chia rồi vẫn chia được lại. Thế nên tôi mới sai thằng Lân cho người bảo vệ cha tôi. Buổi tối trước khi đi ngủ tôi có kể lại với Thành mọi chuyện, còn hỏi anh có muốn mai đi cùng tôi sang nhà ông Đồng Thái Minh hay không? Anh nghe xong bật cười đáp lại:
– Muốn chứ? Dù cha ruột em chưa muốn công khai chuyện này ra ngoài, nhưng với tư cách là con rể anh cũng nên sang hỏi thăm cha một chút.
Tôi nghe giọng anh rất gian, thực ra tôi biết Thành biết hết rồi, anh không nói ra thôi nhưng vẫn âm thầm phía sau bảo vệ tôi. Bằng chứng là toàn bộ camera quay lén trong biệt phủ thằng Lân nói đều là do anh lắp, thế nên về đây tôi chưa bao giờ phải lo lắng chuyện chị Hạnh giở trò gì với tôi. Sáng ngày hôm sau tôi và Thành dậy khá muộn, hôm nay anh được nghỉ nên cũng chẳng cần dậy sớm làm gì. Sáng nay con Đào báo với tôi phía chị Hạnh chưa dám manh động gì, có lẽ bà Hoà đã gọi điện cho chị ta, cố gắng thuyết phục chị ta đợi phân chia xong cổ phần rồi mới tính tiếp. Con Đào hôm chị Hạnh ngất, trong lúc lộn xộn nó đã kịp lén lắp máy ghi âm trong phòng chị. Tôi biết hiện giờ chị ta đang án binh bất động, đang cố gắng tìm cách để tiếp tục hãm hại tôi. Có điều giờ tôi trong bóng tối, chị ta ngoài ánh sáng, tôi nắm rõ về chị ta còn chị ta lại chẳng hề biết tôi sẽ làm gì nên có muốn tìm cách cũng rất khó. Huống hồ giờ đi đâu một bước tôi đều có người đi theo bảo vệ, còn cắt cử cả người canh chừng chị ta. Thế nên… đấu với tôi… chị ta nào có cửa?
Trưa, cha ruột tôi gọi điện cho tôi và Thành sang bên nhà, vợ chồng anh Khang chị Hạnh đã về từ sớm. Nói chung anh Khang vẫn thương vợ, cũng là do mình sai nên sáng nay anh cũng phải dậy từ sớm đưa chị Hạnh sang bên ấy. Tôi và Thành nhận được điện thoại mới sang. Khi sang đến nơi mới biết nhà của cha tôi cũng là một cơ ngơi to lớn ở gần thành phố. Tuy không to bằng biệt phủ của nhà Thành nhưng thiếu chút thôi cũng ngang cơ. Mẹ con chị Hạnh tất nhiên chẳng mong tôi sang, nhưng làm sao ngăn nổi. Cái cảm giác nhìn mẹ con chị ta muốn giết chết tôi mà chẳng giết nổi, còn phải giương mắt nhìn tôi nhận người cha chị ta muốn là riêng của mình nó cũng thi vị đấy. Khi sang đến nơi quản gia mở cửa cho chúng tôi vào, mẹ con chị Hạnh đang ngồi trên bàn, bên cạnh là bánh kem. Hôm nay là sinh nhật bà Hoà, có lẽ bà cũng chẳng nghĩ tôi và Thành lại kéo đến dự sinh nhật bà, lời mời rơi vãi của bà thôi mà tôi đến thật. Nhưng bà chẳng còn cách nào cố vui vẻ mời tôi và Thành vào trong. Tôi cũng cầm chiếc bánh kem mua cho bà ta khẽ nói:
– Chúc mừng sinh nhật bác ạ. Cháu biết bác không phải mẹ ruột cháu vì cháu được cha kể rồi… nhưng cháu cũng muốn gọi bác một câu mẹ… mong bác sau này có thể coi cháu như chị Hạnh…
Nói đến đây tôi liếc nhìn chị Hạnh, hôm nay tuy thần sắc chị đã tốt hơn nhưng vẫn rất nhợt nhạt. Chị nào mong có đứa em như tôi đội mồ sống lại? Chị mong tôi chết quách đi cho rồi. Bà Hoà cầm chiếc bánh kem, nở nụ cười méo mó liếc cha tôi đáp:
– Ừ ừ được rồi. Bác cảm ơn cháu. Từ nay thường xuyên sang đây nhé cháu. Trước có mỗi con Hạnh thôi, giờ có chị có em… rồi. Hai mươi mấy năm xa cách, cha hai đứa đêm nào cũng mong ngóng. Giờ thì tốt quá rồi
Má ơi! Tôi buồn nôn mà phải cố nhịn. Cha gọi chúng tôi ngồi vào bàn ăn. Bà Hoà hỏi tôi hai mươi mấy năm nay sống thế nào? Có vui không, có khổ sở gì không? Tôi nhìn bà ta đang định đáp thì bên ngoài chợt có tiếng chuông cửa. Cha tôi đang ngồi ngoài tiện ra mở cửa, chú quản gia nhà cha tôi cầm một hộp quà lớn đưa cho cha tôi nói:
– Ông chủ, tôi thấy shipper nói gửi này cho ông. Chắc đây là quà ông tặng bà chủ ạ?
Cha tôi nhìn hộp quà, ngạc nhiên hỏi:
– Shipper nào? Tôi đâu có đặt gì đâu? Quà tôi tặng rồi mà?
– Dạ tôi không rõ, thấy shipper bên Giao hàng tiết kiệm mang đến, bảo gửi ông Minh tặng vợ.
Bà Hoà thấy vậy đang định tiến tới, tôi vội đi về phía cha liền lên tiếng:
– Hay cha đặt mà quên? Cha thử mở ra xem là quà gì, hoặc có thể là ai đó tặng bác Hoà…
Tôi nói đến đây cha tôi cũng mở hộp quà ra. Hộp quà chẳng bọc gì, chỉ có nắp đạy nên mở ra rất dễ. Bà Hoà và chị Hạnh cũng đi lên. Cha tôi kéo đồ trong hộp quà ra, là một sấp giấy và một cái bút ghi âm. Tuy khoảng cách của tôi và cha là một đoạn nhưng cũng nhìn được phía bên trên cùng là tờ giấy xét nghiệm ADN của chị Hạnh và cha tôi, còn ghi rõ tên Đồng Trân Hạnh và Đồng Thái Minh… bên dưới dường như còn rất nhiều giấy tờ khác mà tôi không nhìn rõ.
Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!