Ngày Anh Đến - Phần 6
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
2359


Ngày Anh Đến


Phần 6


Tôi không biết mình đã nằm đó bao lâu, cũng không biết đã có những chuyện gì xảy ra. Tôi chỉ biết khi tôi tỉnh lại trời đã hửng sáng, tôi mở mắt ra ngồi bật dậy, phải dụi mắt mấy lần tôi mới nhận ra mình đang nằm trong sofa của phòng khách, trên người còn đắp một chiếc chăn mỏng. Mẹ tôi và cái Chi vẫn chưa về, tôi nhìn ra ngoài, cửa đóng then cài rất cẩn thận. Đầu tôi ong ong, dù cố gắng thế nào tôi cũng không nhớ nổi đêm qua tôi đã về bằng cách nào. Bằng cách nào mà còn cài được cả cổng vào, còn tìm được cả chăn mà đắp cho mình? Càng nghĩ tôi càng không thể nào mà nghĩ ra được, chỉ nhớ đêm qua tôi ra mộ Vũ uống rượu. Tôi kể cho anh nghe cuộc sống không có anh khổ sở nhường nào, sau đó… sau đó tôi không nhớ nổi ra điều gì nữa. Chỉ nhớ mang máng trong lúc say rượu tôi đã nhìn thấy một người, nhưng không phải là Vũ. Tôi biết chắc chắn không phải anh, dù anh có không còn tồn tại trên cõi đời này nữa tôi vẫn có thể nhận ra anh. Người đó là ai tôi không biết, giữa đêm ở nghĩa địa, ngoài kẻ điên khùng như tôi thì chỉ có thể là âm hồn dã quỷ. Có điều vì say nên tôi thực sự không biết đó là tỉnh hay mơ, có thể người tôi gặp là trong lúc say tôi tự ảo tưởng ra như thế, có thể trong lúc say tôi cũng đã tự tìm đường về nhà cũng nên. Tôi không nghĩ nổi, cũng không muốn nghĩ nữa đứng dậy uống một cốc nước cho tỉnh táo rồi về phòng rửa mặt.
Tôi nhìn mình trong gương, suýt không nhận ra nổi đó là mình. Trước kia hai má tôi phúng phính, mắt to tròn, giờ hai má hóp lại, đôi mắt trũng sâu. Nếu Vũ còn sống, nhìn thấy tôi như bây giờ chắc anh cũng bỏ tôi mà đi yêu người khác mất thôi. Tôi vỗ chút nước lên mặt rồi đi xuống bếp nấu chút gì đó ăn. Trời hôm nay nắng rất đẹp, gió mát dịu kèm chút nắng hanh hao. Ăn sáng xong tôi khoá cửa nhà rồi bắt xe lên đơn vị Vũ. Cuối cùng tôi cũng dám chấp nhận sự thật một cách thẳng thắn. Tôi biết nếu bản thân đã không thể chết, cách duy nhất chỉ có thể là sống một cách có ý nghĩa. Vài ngày trước tôi nghe anh Long đội trưởng của Vũ có nói kẻ bắn Vũ đã bị bắt, tất cả đồng phạm đều bị bắt. Đám người ấy buôn ma tuý với số lượng cực lớn nên án tử hình là không tránh khỏi. Thực ra ngày hôm nay tôi lên đơn vị Vũ không phải vì việc ấy. Tôi lên vì vụ án của cha tôi. Chuyên án ma tuý kia cả đơn vị Vũ đã điều tra xong, dẫu tôi có hận, có thù, có muốn nghiền nát kẻ đã khiến Vũ hi sinh thì cũng không thể làm được. Sai trái pháp luật sẽ xử, có hận thù tôi cũng chỉ có thể để trong lòng. Nhưng vụ án của cha tôi thì đang đi vào ngõ cụt. Tôi biết trước khi mất Vũ vẫn luôn nghĩ đến vụ của cha, anh còn nói với chú Trung đợi xong chuyên án ma tuý anh sẽ điều tra vụ của cha. Nhưng còn chưa kịp điều tra thì anh đã không còn. Lúc tôi lên anh Long nói với tôi vụ án của cha tôi hiện đã giao cho cậu Duy, người cùng tổ với Vũ. Tuy nhiên vì không có một manh mối gì, dù đội anh Long đã xuống dưới xưởng gỗ nhưng nó cháy rụi, không để lại dấu vết gì nên vẫn chưa thể tìm ra được kẻ đứng sau. Tôi nhớ lúc ấy chú Trung có nói cha tôi tìm được chiếc bật lửa nhưng sau đó chiếc bật lửa đã mất một cách thần bí. Giờ cha tôi vẫn nằm viện, tuy cha tỉnh rồi nhưng cha lại không thể nhớ ra hôm ấy đã xảy ra chuyện gì nên vụ án càng rơi vào bế tắc.
Tôi không biết phải làm thế nào, đội điều tra hình sự là những người có nghiệp vụ họ còn chưa điều tra ra chuyện gì. Thế nên tôi chỉ biết nhờ anh Long có thể cố gắng giúp tôi điều tra vụ án này sớm nhất có thể. Tôi biết chỉ có điều tra ra vụ án này sớm nhất Vũ mới có thể ra đi thanh thản, gia đình tôi mới có thể yên bình một chút. Anh Long có vẻ hiểu được tâm tư của tôi nên vỗ vai tôi an ủi:
– Em yên tâm, người nhà cậu Vũ cũng như người nhà bọn anh. Bọn anh sẽ bảo vệ gia đình em cho đến khi tìm được hung thủ đứng sau.
Nghe anh Long nói như vậy tôi cũng yên tâm phần nào. Sau khi trở về từ đơn vị Vũ tôi không vào viện với cha mà trở về nhà. Hôm nay cả cô Lan, cái Chi và mẹ tôi ở viện nên tôi muốn về nhà dọn dẹp nhà cho sạch sẽ rồi thắp một nén hương lên bàn thờ của Vũ. Hôm nay đã là ngày đầu tháng, nửa tháng nữa thôi là tôi đã phải gả đi rồi. Vài ngày trước tôi nghe cô Lan nói mới biết lý do thực sự nhà trai gấp gáp muốn đón dâu về dù nhà tôi vẫn đang có tang. Hoá ra ngoài việc ông nội bên ấy sắp hấp hối thì mới biết bên nhà trai xem bói, nếu trong năm nay cậu hai không lấy vợ thì cuối năm sẽ bị trùng tang. Thầy bói còn nói năm nay cậu hai tam tai, nếu như không hoá giải thì số mệnh sẽ gặp nguy hiểm. Mà để hoá giải thì chỉ có thể cưới vợ, tôi lại hợp mệnh, hợp tuổi, còn là hôn ước từ nhỏ nên bên nhà trai muốn đón tôi về. Việc hoá giải tang đã có thầy bói lo. Nghe mẹ kể cha chú rể và cha tôi cũng coi như có mối thâm tình nên mới lấy việc giúp cha tôi phẫu thuật để đổi lấy cuộc hôn nhân này. Tôi nằm trên giường, nghĩ đến viễn cảnh lấy chồng, rời xa ngôi nhà này, rời xa tất cả những ký ức đẹp đẽ nhất, cũng đau thương nhất đến một nơi xa lạ. Nghĩ thôi tôi cũng đã cảm thấy tim mình nhói lên. Tôi còn chẳng biết người tôi lấy là ai, mặt mũi ra sao, tính cách thế nào. Một cuộc hôn nhân mà cả tôi và người ta đều chẳng biết gì về đối phương. Tôi không muốn nghĩ, cũng chẳng đủ sức lực mà nghĩ kéo chăn lên. Tôi thật sự rất mệt, mệt đến mức chỉ muốn ngủ một giấc thật dài.
Những ngày tiếp theo mẹ tôi và cô Lan bận bịu, phần vì phải chăm cha tôi trên viện, phần vì chuẩn bị để tôi gả đi. Dẫu nhà tôi có tang, không tổ chức đám cưới nhưng quần áo, lễ phục mẹ vẫn tự tay lo cho tôi. Mẹ may cho tôi một chiếc áo dài đỏ rất đẹp, trên ngực còn thêu con chim hạc. May xong mẹ là lượt cẩn thận rồi treo ở tủ. Tôi nhìn con hạc mẹ thêu trên áo, từ khi tôi còn nhỏ tôi đã mặc định con hạc là vật đính ước của tôi và Vũ, thế nên khi thấy mẹ thêu hạc nên chiếc áo dài để tôi mặc đi lấy người khác tôi lại thấy tim mình nhức nhối. Tôi biết chắc chắn anh sẽ hiểu cho tôi, nhưng kì thực trong lòng tôi lại không muốn hiểu cho mình. Tôi cảm thấy mình đang bội tín!
Trước kia tôi luôn cho rằng cho dù thế giới đổ sập trước mắt, chỉ cần có anh, tôi sẽ dũng cảm, không sợ hãi, nhưng bây giờ, thế giới không sụp đổ, chỉ là tôi không còn anh, thế giới trong tôi mới thực sự sụp đổ và vỡ vụn.
Từ hôm ra mộ anh lần thứ hai tôi đã quyết định sẽ không ra mộ anh nữa. Tôi đã chấp nhận rằng anh không còn nhưng tôi biết nỗi đau ấy sẽ khắc cốt ghi tâm, cả đời này không thể quên. Anh đi rồi, anh mang theo tất cả mọi thứ, mang theo ánh nắng và nụ cười vui vẻ trong cuộc đời của tôi theo anh xuống nấm mồ lạnh lẽo kia. Thế nên đối với chuyện kết hôn tôi gần như không có tâm trạng để quan tâm. Có điều quan tâm hay không quan tâm cũng không quan trọng bởi cuối cùng tôi vẫn phải gả đi.
Ngày mười sáu tháng sau nhà trai qua đón tôi về. Từ sáng mẹ tôi đã dậy thật sớm mặc cho tôi chiếc áo dài màu đỏ. Mẹ còn tự tay trang điểm cho tôi xong xuôi rồi xuống nấu cho tôi chút đồ ăn sáng. Đến tám giờ sáng nhà trai qua, thế nhưng không có chú rể. Họ nhà trai nói chú rể sáng có việc gấp trên trường nên không kịp về để đón dâu, bù lại họ nhà trai đến rất đông đủ. Với tôi có chú rể hay không cũng không sao, nhưng ngược lại mẹ tôi thoáng buồn. Mẹ dặn dò tôi mấy câu mắt mẹ đã đỏ hoe lên, cái Chi thì dúi vào tay tôi một cái nhẫn nửa chỉ vàng rồi nghẹn ngào nói:
– Chị phải thật hạnh phúc nhé. Lúc nào rảnh phải về thăm nhà chị nhé.
Tôi nhìn nửa chỉ vàng nó đưa, biết mấy hôm trước nó móc toàn bộ tiền tiết kiệm để mua vàng cho tôi mũi tôi cay cay. Giờ ở nhà chỉ còn mẹ và nó, cha thì vẫn nằm trên viện, tôi xoa xoa đầu nó nhắc nhở mấy câu rồi thắp hương lên bàn thờ tổ tiên ba nén nhang. Khi đứng dưới bàn thờ, nhìn lên di ảnh của Vũ tôi không nén nổi lòng cố quay đi để che đôi mắt đã ầng ậc nước. Khi ra đến ngoài, mẹ kéo tôi vào phòng đưa tôi chiếc nón rồi đột nhiên mẹ khóc, vừa khóc mẹ vừa nói:
– Ngân, xin lỗi vì đã gả con đi trong hoàn cảnh thế này. Nhưng mẹ đã không còn cách khác. Nhà chồng con là nhà quyền thế, giàu có, trong lòng mẹ con là đứa chín chắn, hiểu chuyện, mẹ tin là con sẽ thích nghi được. Mẹ chỉ mong con có thể buông bỏ hết chuyện đau thương, sống an nhiên và hạnh phúc. Nếu không mẹ thật sự rất day dứt, áy náy.
Tôi thấy mẹ khóc, đưa tay nắm lấy tay mẹ an ủi:
– Mẹ đừng khóc, mẹ khóc như vậy con mới thấy có lỗi. Cha mẹ nuôi con hai mươi năm không tính toán, con tự nguyện gả đi, con chấp nhận cuộc hôn nhân này, con cũng sẽ cố gắng vun đắp nó. Mẹ yên tâm nhé.
Mẹ tôi nghe tôi nói như vậy cúi xuống, nước mắt lã chã rơi. Giống như mẹ đã cố gắng lắm nhưng vẫn không thể kìm nén được nước mắt. Cô Lan đứng ngoài càu nhàu:
– Gả đi vào nhà giàu như thế còn khóc lóc gì chứ, bao nhiêu đứa mong còn chẳng được nếu không phải hôn ước từ nhỏ, không phải người ta cần thì chắc gì đã được đặt chân đến biệt phủ ấy. Nhà trai đang đợi, cháu đi ra đi.
Tôi cầm chiếc nón đi ra ngoài, lời cô Lan nói không phải không có lý, chỉ là tôi biết suy nghĩ của cô khác với mẹ tôi. Sau cái chết của Vũ mẹ luôn áy náy vì nghĩ mẹ đã từng ngăn cản tôi và Vũ, thế nên tôi gả đi, hạnh phúc thì không sao, không hạnh phúc mẹ lại sẽ dằn vặt mình. Mẹ dặn tôi đã đi rồi đừng ngoảnh đầu lại. Tôi nghe lời mẹ, cầm chiếc nón đi thẳng ra ngoài. Nhà trai rước dâu bằng một dàn siêu xe. Tôi được đưa lên con xe hoa trắng, khi lên đến xe rồi tôi mới biết cuối cùng mình đã thực sự gả đi rồi. Mấy ngày trước tôi vẫn nghĩ rằng gả đi cũng chỉ là đâm thêm một nhát, giẫm thêm một cái vào nỗi đau cực hạn. Nhưng giờ phút này, khi ngồi trên xe, con xe dần lăn bánh, xa rời ngôi nhà quen thuộc hai mươi mấy năm tôi mới nhận ra… có một nỗi đau nhức nhối cuộn lên. Tôi biết khi tôi đã gả đi rồi, nhà này không còn là nhà của tôi nữa, sau này có trở về cũng chỉ là khách. Ít ra dù Vũ có mất đi, tôi ở lại đây vẫn còn người thân, còn cha mẹ, còn em, gả đi rồi, tôi chỉ là một kẻ cô đơn, lạc lõng giữa một thế giới xa lạ. Tôi không ngoảnh lại, chỉ có thể nhìn mẹ và em gái qua gương chiếu hậu, bóng mẹ và em cũng dần bé lại cuối cùng thì chỉ còn là một khoảng không vô hình. Tôi không khóc, có lẽ đã khóc quá nhiều nên không còn khóc nổi, trong lòng là những cảm xúc hỗn loạn và trống rỗng.
Xe đi gần hai tiếng đồng hồ mới về đến nhà trai. Ban đầu tôi còn tưởng nhà trai ở ngay trong lòng thành phố, thế nhưng đến nơi mới biết nhà trai là một biệt phủ nằm dưới chân đồi ở ngoại ô thành phố. Nó không phải là biệt thự nữa, là to gấp cả chục lần những căn biệt thự ở phố. Lái xe nói với tôi do không thích cuộc sống ồn ào ở phố, nên ông chủ về đây xây biệt phủ, mấy quả đồi này đều là của cha chú rể. Tôi biết nhà chú rể quyền thế, giàu có, nhưng chưa từng tưởng tượng ra giàu đến mức này. Dù trước kia gia đình tôi cũng thuộc hàng giàu có, nhưng đứng trước cổng biệt phủ tôi mới thấy sự giàu có trước kia của gia đình tôi chỉ bụi nhỏ mà thôi.
Người ta đưa tôi vào trong, từ cổng biệt phủ đã trải đầy hoa. Pháo giấy nổ liên tục, cả một cái sân biệt phủ còn rộng hơn cả một nhà hàng lớn, có ai đó bỗng trùm lên đầu tôi một chiếc khăn voan đỏ rồi khẽ nói:
– Mợ hai, mợ lấy ba sợi tóc trên đầu rồi nắm tay con vào nhà. Nhớ từ đây vào đến nhà mợ không được tháo khăn voan, cũng không được để tóc bay đi. Đây là thủ tục cưới xin bắt buộc để kết tóc se duyên, cậu mợ sẽ hạnh phúc trọn đời.
Tôi lúng túng cầm tay cô bé đi trước, trước nay tôi quen sống phụ thuộc dựa dẫm vào cha mẹ, vào Vũ, giờ đến nơi phồn hoa thế này tôi bỗng cảm thấy lạ lẫm, xen lẫn cả bối rối. Khi vào bên trong tôi vẫn chưa được tháo khăn voan che mặt, chỉ xoè ba sợi tóc trong tay ra. Tiếng cô bé ban nãy lại cất lên:
– Ông bà, con đưa mợ vào rồi ạ.
Vì lớp khăn voan che mắt, tôi không nhìn được ai với ai, nhưng tôi biết xung quanh rất nhiều người. Tiếng một người đàn ông trung tuổi cất lên:
– Được rồi, mày lấy cái hộp đỏ cho ông rồi cho cậu mợ kết tóc se duyên.
– Dạ vâng ạ, cậu Thành, cậu nhận tóc của mợ rồi buộc lại với tóc cậu. Đủ ba sợi thì cậu đặt vào hộp này rồi đưa cho mợ.
Dưới lớp khăn voan, tôi chỉ thấy nửa thân dưới của người mà tôi đang kết tóc. Đôi tay thon dài của anh ta nhặt mấy sợi tóc dài của tôi hờ hững buộc lại mấy sợi tóc ngắn thành một nhúm rồi cho vào hộp nhỏ đỏ. Tiếng pháo giấy lại vang lên, người đàn ông trung niên ban nãy đưa tôi hộp đỏ nhỏ dặn dò:
– Thế là từ nay hai con đã nên duyên vợ chồng. Thầy chúc hai con trăm năm viên mãn, bạc đầu nghĩa phu thê. Thầy hi vọng hai con sẽ vun đắp hạnh phúc này, sớm sinh con đàn cháu đống. Thành, con thắp hương gia tiên cho phải phép. Con Trúc, cậu Thành thắp hương xong mày dẫn mợ về phòng trước để mợ nghỉ ngơi cho cậu ra tiếp khách cho ông.
Suốt một đêm qua tôi không ngủ, lại thêm ngồi xe mấy tiếng, người tôi mệt rã rời. Hai tháng nay không một giây phút nào tôi không ở trong trạng thái kiệt sức. Nỗi đau mất Vũ khiến tôi thấy mình sao chống đỡ được nổi, rất nhiều lần tôi thấy mình không thể tiếp tục sống được nữa, thế nhưng nghĩ đến cha mẹ, đến em tôi vẫn phải gắng gượng. Nhưng hôm nay tôi thật sự rất mệt, nơi này không có ai cả, ngay cả một bữa cơm mẹ nấu tôi cũng nhớ đến xót xa. Vậy nên khi nghe được về phòng tôi chỉ muốn nhanh để được ở một mình. Cũng may thủ tục rất nhanh, thắp hương xong cái Trúc dẫn tôi về phòng, lúc đi qua tôi thấy tiếng mấy người xì xầm:
– Mợ hai đấy, mợ đẹp lắm, nãy đứng ngoài cổng tao chưa che khăn tao nhìn thấy rồi, mợ cao như người mẫu ý, lại còn trắng xinh, đẹp hơn mợ Hạnh nhiều.
– Mợ Hạnh xách dép cho mợ hai nhé. Đã vậy mợ hai còn giỏi cơ, nghe nói mợ cả trước đỗ thủ khoa đấy, bảo sao ông nhất quyết muốn rước mợ về cho cậu Thành.
Người ta còn nói rất nhiều nhưng tôi không nghe được hết. Cái Trúc vừa dẫn tôi đi vừa nói:
– Khu bên này là nhà của cậu mợ. Mợ muốn đi đâu thì em dẫn mợ đi.
Tôi nghe cái Trúc nói thì từ chối:
– Cảm ơn cô, tôi muốn nghỉ ngơi một chút.
– Dạ. Mợ là mợ nên mợ cứ xưng hô mợ với em cho phải phép nha mợ.
Ở đây phong tục cưới xin khác, cách xưng hô cũng có chút khác so với dưới huyện. Tôi thấy cái Trúc nói vậy cũng đáp lại:
– Được rồi, mợ cảm ơn em. Em cứ làm việc của mình đi, mợ muốn nghỉ ngơi chút.
– Dạ vâng ạ.
Cái Trúc nói xong ra ngoài khép cửa lại, tôi cũng tháo khăn voan ngồi trên giường. Chiếc giường được trang trí một màu đỏ, sàn nhà lát bằng gỗ, nội thất trong nhà mang nét sang trọng theo kiểu phương Đông. Một gia đình giàu có cỡ này bảo sao cô Lan luôn tấm tắc khen. Tôi nằm xuống giường, co quắp người lại như một đứa trẻ trong lòng mẹ. Tôi rất nhớ mẹ, nhớ em Chi, nhớ cả cha tôi và nhớ Vũ đến cực độ. Tôi nằm đó, mệt mỏi quá cuối cùng thiếp đi. Trong giấc mơ tôi thấy mình hồi còn nhỏ, tôi mơ thấy gia đình mình ngồi quây quần bên mâm cơm, ấm áp, hạnh phúc, tôi mơ cha chở mấy anh em chúng tôi trên con xe hạng sang đến một cánh đồng hoa cải vàng. Hoá ra tôi cũng từng là công chúa sống trong một biệt thự xa hoa. Người ta thường nói khi hiện thực tàn nhẫn quá con người ta sẽ mơ đến những ký ức hạnh phúc nhất. Hạnh phúc nhất của tôi có lẽ là những ngày Vũ còn sống…
Thế nhưng giấc mơ có đẹp thế nào cuối cùng cũng phải tỉnh. Tôi chẳng biết mình ngủ bao lâu chỉ biết đến khi có tiếng cạch cửa liền mở mắt ngồi bật dậy. Trời lúc này đã tối, trong phòng chỉ có mấy ngọn nến đang cháy. Dưới ánh sáng lờ mờ tôi thấy một người đàn ông bước vào. Tôi nhìn anh, cả người như sững lại, mũi tôi chợt cay xè nhìn bóng dáng cao to tưởng như rất quen thuộc. Suýt chút nữa tôi đã bật ra chữ “Vũ”, tôi không biết vì tôi vừa tỉnh lại sau cơn mơ, hay bởi ánh sáng vàng hiu hắt của nến mà tôi nhìn người đàn ông trước mắt thành Vũ. Nhưng khi anh ta lại gần tôi mới biết mình nhìn nhầm. Tôi lục lại trí nhớ, chợt nhớ ra anh ta tên Thành. Gương mặt này tôi nhìn có chút quen mắt, cảm giác như từng gặp ở đâu mà không thể nhớ ra. Thành không nhìn tôi, anh ta ngồi ở ghế im lặng nhìn mấy cây nến đang cháy. Trong phòng chỉ có tôi và anh ta, anh ta không nói gì tôi cũng không sao mở mồm ra được. Cũng may chỉ một lúc cái Trúc gõ cửa rồi bê vào một mâm thức ăn khẽ nói:
– Mợ hai, mợ đi tắm rồi ra ăn cơm đi ạ.
Nghe cái Trúc nói tôi vội vã bật dậy, mở vali lấy quần áo đi vào phòng tắm. Nước nóng làm cho tôi tỉnh táo hơn đôi chút, tôi tẩy trang sạch sẽ gương mặt, tắm thật kĩ rồi đi ra ngoài. Lúc ra đến ngoài không thấy Thành đâu, chỉ thấy cái Trúc đang đứng chờ mình. Tôi ngồi xuống bàn, tuy không có tâm trạng để ăn nhưng tôi vẫn phải ăn. Cái Trúc đưa tôi đôi đũa cất tiếng:
– Mợ ăn đi ạ, cậu Thành có việc nên đi ra ngoài rồi, chắc muộn cậu mới về. Ông sai em ở đây hầu hạ mợ. Ở nhà này ông bà ăn cơm ở nhà lớn, còn các cậu mợ nhà ai nhà ấy ăn riêng, có bữa sáng thì ăn trên nhà lớn chung với ông bà hay ăn riêng cũng được.
Tôi cầm đôi đũa, nặng nhọc gắp chút thức ăn. Cái Trúc vừa rót nước cho tôi vừa nói tiếp:
– Mợ mới về nên chắc chưa biết, ông bà có ba người con, cậu Khang là cậu cả, vợ cậu Khang là mợ Hạnh, cậu Thành chồng mợ là cậu hai, còn cậu út là cậu Duy, hôm nay cậu về dự đám cưới mà đi luôn rồi. Mợ về đây gọi ông là thầy Đăng giống mợ Hạnh gọi, bà là mẹ Hoa, còn mợ Hạnh là chị dâu chồng mợ nhé. Ở đây còn có ông cố là ông nội của các cậu nữa, mà ông cố già rồi, yếu lắm, nên ông bà mới muốn cưới gấp cho cậu Thành.
Tôi không đáp lời cái Trúc, nhưng trong đầu sắp xếp lại lời nó cho nhớ.
– Mà mợ đẹp ghê luôn, em nghe ông bảo trước kia gia đình mợ cũng giàu có lắm, mợ còn là thủ khoa đại học phải không mợ? Mợ đã đẹp còn giỏi chứ.
– Cảm ơn em.
Thấy tôi có vẻ kiệm lời nên cái Trúc cũng không nói gì nữa, đợi tôi ăn xong nó liền bưng mâm cơm đi giục tôi nghỉ ngơi để sáng mai còn dậy. Tôi đánh răng xong lại lên giường nằm, khách khứa bên ngoài đã về hết, chỉ có tiếng kêu của đám giun, dế ngoài mấy bãi cỏ. Đang nằm tôi thấy điện thoại rung, là tin nhắn của mẹ.
“Con gái! Mẹ biết cuộc hôn nhân không có tình yêu sẽ khó khăn cho con rất nhiều. Nhưng đã là nghĩa phu thê, kết tóc se duyên cùng nhau cũng coi như duyên phận. Con cố gắng buông bỏ quá khứ để sống thật hạnh phúc con nhé! Đừng khắt khe với bản thân mình quá, đừng dằn vặt mình mãi, con phải vui vẻ mẹ mới yên lòng được”
Tôi đọc dòng tin nhắn của mẹ, vẫn là lời dặn như vậy nhưng không hiểu sao tôi lại ứa nước mắt. Giờ này ở nhà mẹ vẫn chưa ngủ được, vẫn lo cho tôi. Tôi nhắn lại cho mẹ một tin rồi đứng dậy mở cửa ra ngoài. Biệt phủ rộng lớn, cổng đỗ cả mấy siêu xe. Tôi ngồi bên hiên, hít chút không khí. Đêm nay trăng rất sáng, cái Trúc thấy tôi ra ngoài thì chạy đến nói:
– Mợ, bên ngoài lạnh đấy, cậu chắc đêm nay về muộn, cậu dặn em bảo mợ ngủ trước đi không cần chờ cậu đâu.
Tôi nhìn cái Trúc tự dưng bật cười, nó nghĩ tôi ra ngoài để chờ Thành về. Cái Trúc thấy tôi cười cũng nhoẻn miệng cười:
– Mợ cười đẹp quá, còn có núm đồng tiền giống cậu Thành, cậu mợ mà có con thì đúng là cực phẩm luôn. Mà mợ vào nghỉ sớm đi nha, em đi dọn dẹp đã không tý ông bà mắng em chết.
– Ừ, em cứ đi làm việc của mình đi.
Đợi cái Trúc đi khuất tôi ngồi một lúc rồi vào phòng đóng cửa lại leo lên giường. Tôi biết trong đêm tân hôn với người khác mà tôi lại nhớ đến Vũ là rất tệ. Nhưng tôi không sao ngăn nổi suy nghĩ ấy, dẫu sao Vũ và tôi cũng sống hai mươi năm cùng nhau, tình yêu không phải là duy nhất, mà thứ tình cảm sâu nặng hơn cả ruột thịt mới khiến tôi đau lòng nhất.
Nằm một lúc rất lâu tôi mới ngủ thiếp đi. Đến sáng hôm sau khi có tiếng gõ cửa tôi mới vội vàng bật dậy. Cái Trúc gọi tôi:
– Mợ ơi, mợ dậy đánh răng rửa mặt rồi theo con lên nhà ăn sáng nhé. Cả nhà đang đợi mợ
Ngày đầu về làm dâu đã thế này rồi, tôi có chút áy náy vội vàng đánh răng rửa mặt rồi theo cái Trúc lên trên nhà lớn. Vừa đến sân tôi đã nghe tiếng thầy Đăng quát:
– Anh thì giỏi rồi, đi cả một đêm qua không về. Anh đừng tưởng tôi không biết anh đi tìm con đấy. Lấy vợ rồi nó vẫn không chịu buông tha, bám lấy anh như đỉa đói vậy à? Anh làm ơn nể tôi một chút, dù gì vợ anh cũng là con gái của bạn tôi, anh thích trăng hoa ra sao thì ra, đừng bôi tro trát trấu vào mặt tôi là được.
Không cần ai giải thích tôi cũng đoán được đêm qua Thành không về. Trúc như sợ tôi nghe được liền nói lớn:
– Dạ, ông ơi, con cho gọi mợ hai lên rồi ạ.
Bấy giờ trong nhà mới im lặng, thầy Đăng nhìn ra, thấy tôi cười gọi:
– Ngân, con vào ăn sáng đi.
Tôi gật đầu lễ phép đáp dạ, rồi vào bàn ngồi. Ở đây rất đông người làm, riêng bữa ăn thôi cũng mấy người phục vụ. Hôm qua nghe cái Trúc nói tôi cũng biết đầy đủ thành viên trong gia đình. Nhưng lúc ăn sáng tôi còn thấy có một người phụ nữ trạc tuổi mẹ Hoa – mẹ chồng tôi, ăn mặc rất sang trọng. Không ai giới thiệu với tôi, chỉ thấy cái Trúc gọi là vú Quý, tôi cũng không dám hỏi chỉ lặng lẽ ngồi ăn. Chị Hạnh thấy tôi ngồi im thì khẽ cười nói:
– Em dâu mới về nên chắc còn ngại ngùng, cùng là chị em dâu với nhau nên nếu có gì không biết cứ hỏi chị…
Chị Hạnh còn chưa kịp nói hết câu đột nhiên Thành đã đặt mạnh bát xuống khiến tôi giật mình. Anh ta buông đũa rồi đứng dậy nói:
– Con ăn xong rồi, xin phép thầy con đi làm.
Thầy Đăng thấy thái độ của Thành như vậy tức giận mắng vài câu. Nhưng rất tiếc anh ta đã đi ra ngoài, trở về phòng thay một bộ vest chỉn chu rồi phóng ô tô đi thẳng. Thầy Đăng thở dài thườn thượt nói:
– Đúng là không được cái tích sự gì, ba thằng con được mỗi thằng Khang biết nghe lời, hai thằng còn lại toàn cái loại vô dụng, bất hiếu.
Cả nhà dường như đã quen với thái độ này của thầy Đăng nên chẳng ai nói gì, chỉ có mẹ Hoa vẻ mặt không vui cho lắm. Thế nhưng mẹ cũng không nói gì, chỉ hỏi han tôi vài câu rồi buông đũa. Tuy mới về nhưng tôi cũng nhận ra thái độ của thầy Đăng với Thành và anh Khang rất khác nhau. Cũng đúng thôi, trong ba đứa con trai, anh Khang là người duy nhất đi theo con đường kinh doanh của thầy. Ăn sáng xong tôi đi thăm ông nội rồi mới trở về phòng. Lúc đi qua vườn hoa tôi nghe thấy tiếng cái Trúc cất lên:
– Mày điên à? Ông đã dặn mấy chuyện ăn chơi của cậu hai không được để đến tai mợ hai. Mày làm gì thì làm, để mợ buồn rồi đến tai ông ông vả chết bà mày.
Tôi nhìn lại phía tiếng nói, thấy cái Trúc đang đứng cùng cái Mai. Người làm trong nhà rất nhiều, nhưng đại loại tôi cũng nhớ được một số cái tên quen thuộc. Cái Mai đáp lại:
– Buồn thì có làm sao? Mày nghĩ mỗi mợ ta buồn thôi à? Mày biết cậu hai lấy vợ cả tá người buồn không?
– Thôi mày tem tém lạ tem tém lại cho tao nhờ. Cậu là của mợ, mày đừng có xàm xí.
Thực ra tôi cũng đã nghe phong thanh Thành là kiểu người ăn chơi, phóng túng. Thành là công tử con nhà giàu, lại có mác giảng viên, huống hồ anh ta còn đẹp chẳng kém gì diễn viên nam nào, tôi cũng nghĩ anh ta không thiếu gì gái bám theo. Tôi không ghen, bởi chính bản thân tôi cũng không toàn tâm toàn ý với cuộc hôn nhân này. Nhưng lúc đi qua tôi vẫn khẽ liếc nhìn cái Mai. Nó mới mười chín tuổi, dáng dấp phổng phao, da trắng ngần, chút tham vọng của nó không phải tôi không nhìn ra.
Trở về phòng tôi ngồi ở ghế, thời gian nhích từng chút một khiến tôi cảm thấy vô cùng nhàm chán. Lúc cái Trúc mang hoa quả vào phòng tôi liền chủ động hỏi nó:
– Ở đây có việc gì phải làm em bảo mợ làm với nhé.
– Ở đây các mợ không phải làm gì cả mợ ạ, bọn em làm hết rồi. Các mợ chỉ việc ăn chơi rồi sinh con cho các cậu thôi, việc kiếm tiền thì các cậu làm, việc nhỏ, việc nhà thì đám bọn em làm.
– Thế cứ ngồi mãi trong này thôi sao?
– Không, mợ hẹn bạn bè mà đi chơi. Như mợ Hạnh ấy, mợ ấy suốt ngày đi mua sắm làm đẹp, rồi đi chơi với hội bạn.
Trên này tôi không bạn bè gì, nghĩ đến cảnh ngày nào cũng sống thế này tôi thấy cuộc sống vô vị, nhạt nhẽo. Nghĩ một hồi cuối cùng tôi quyết định lên nhà lớn xin thầy Đăng cho tôi đi học trở lại. Thầy Đăng nghe tôi trình bày thì cười nói:
– Việc đi học của con thì thầy nhất trí luôn. Nhưng con cũng phải hỏi ý kiến chồng con, chồng con đồng ý thì thầy không có gì cấm cản cả.
Tôi nghe thầy Đăng nói nửa mừng, nửa lo. Mừng vì thầy đồng ý cho tôi đi học lại, lo vì không biết liệu Thành có đồng ý hay không. Tôi và Thành đến giờ còn chưa nói với nhau câu nào, thậm chí đến việc ngồi cạnh nhau còn chưa nổi một tiếng. Thầy Đăng nói xong thì vội đi làm, mẹ Hoa đi đâu từ lúc ăn xong tôi không rõ, còn vú Quý với chị Hạnh đi làm móng ở trung tâm thành phố thành ra nhà có mỗi mình tôi. Cứ nghĩ đến việc thuyết phục Thành tôi lại không biết mở lời ra sao liền hỏi cái Trúc:
– Bình thường cậu Thành thích nhất cái gì?
– Thích cái gì á mợ? Em cũng chẳng biết cậu thích cái gì luôn, hỏi cậu Khang hay cậu Duy thích gì em còn biết chứ cậu Thành em chịu luôn ớ.
Tôi nghe vậy có chút thất vọng. Cái Trúc chợt à lên rồi nói:
– À, mợ ơi, bình thường con thấy cậu đi làm về mệt, con Mai nó hay pha nước gừng cho cậu ngâm chân rồi massage chân cho cậu, hình như cậu rất thích, còn hay bo tiền cho nó cơ.
Tôi gật đầu cảm ơn cái Trúc, buổi chiều tôi ra vườn hái sẵn ít sả, gừng, còn thêm cả ít lá đập giập rồi nấu một nồi nước rõ to. Thế nhưng chờ mãi đến sáu bảy giờ tối mà Thành vẫn chưa về. Cái Trúc nói bình thường anh ta chỉ năm giờ đã hết tiết về nhà rồi. Tôi có chút sốt ruột, mâm cơm cái Trúc dọn sẵn cũng đã nguội lạnh liền đi ra cổng đứng chờ. Ở nhà lớn thầy Đăng và mẹ Hoa đã ăn xong từ lâu rồi đi chơi với bạn. Tôi đứng chờ một lúc thì cũng thấy xe của Thành về. Anh ta thấy tôi vội phanh kít con xe lại, mở cửa kính quát:
– Cô bị điên à? Cổng thì không bật điện, mặc bộ áo đen đứng đây suýt chút nữa tôi đâm trúng rồi. Giờ này không ở trong phòng, ra đây đứng làm cái quái gì không biết.
Tôi bị chửi tức nghẹn cổ họng. Câu đầu tiên anh ta nói chuyện với tôi suốt từ hôm qua đấy. Thế nhưng vì việc đi học tôi cố nuốt cục tức vào trong, đang định đáp anh ta đã phóng xe vào trong, mở cửa cầm cặp đi về phòng. Tôi cũng vội lẽo đẽo theo sau, về đến phòng tôi thấy mùi gừng sả bốc lên, cái Mai nó ngồi chờ sẵn, thấy Thành liền lao đến cầm cặp cho anh ta rồi nói:
– Để em cất cặp cho cậu. Sao hôm nay cậu về muộn thế? Em pha nước gừng sẵn cho cậu ngâm chân rồi, cậu thay quần áo rồi ra đây em massage chân cho.
Tôi nhìn cái Mai, suýt chút nữa còn tưởng nó là vợ Thành chứ không phải tôi. Nó liếc tôi ra vẻ đắc ý, một tay cất cặp cho Thành rồi lại ra phía chậu nước gừng chờ. Tôi không ghen, nhưng cái thái độ của nó khiến tôi không mấy dễ chịu. Huống hồ tôi còn có việc cần nhờ Thành nên khẽ cười bảo nó:
– Mai, em đi làm việc của em đi, để đấy mợ sẽ giúp cậu ngâm chân rồi massage cho cậu.
Cái Mai nghe vậy nhơn nhơn đáp:
– Trước nay việc nấu nước ngâm chân với massage cho cậu đều là em làm. Mợ ăn cơm xong cứ đi chơi đi, em massage xong em còn phải lên giường tẩm quất cho cậu nữa.
– Trước kia cậu chưa lấy vợ nên phải nhờ các em, giờ cậu lấy vợ rồi, việc chăm sóc cậu mợ tự làm được không phiền đến các em. Mợ cũng có chuyện cần nói riêng với cậu nên em giúp mợ ra ngoài nhé.
– Nhưng mà… cậu Thành chỉ thích em massage cho thôi…
Tôi còn chưa kịp đáp lại sự dai dẳng của cái Mai thì đã nghe tiếng Thành quát:
– Mợ mày bảo mày ra ngoài thì mày cút ra ngoài đi. Nhà này mày to hay mợ mày to, cút ra ngoài.
Cái Mai nhìn Thành mắt rơm rớm nước, nhưng thấy mặt anh ta hầm hầm nên nó không dám ở lại thêm một giây nào lui hẳn ra ngoài. Khi trong phòng chỉ còn tôi và Thành, anh ta đặt chân vào chậu nước gừng rồi nói:
– Có chuyện gì nói nhanh đi. Lần sau khỏi cần bày vẽ nhiều làm gì cho tốn công, muốn nói gì thì nói thẳng.
Tôi thấy anh ta nói vậy cũng nói luôn:
– Tôi muốn xin anh cho tôi đi học trở lại. Tôi xin thầy rồi, thầy đồng ý rồi nhưng thầy bảo hỏi ý kiến anh. Anh yên tâm, tôi sẽ tự kiếm tiền để học chứ không xin anh xu nào cả. Anh là giảng viên thì chắc cũng biết cái bằng tốt nghiệp nó quan trọng thế nào, tôi còn năm nay là năm cuối thôi mong anh đồng ý…
Tôi còn chưa nói xong Thành đã ngắt lời:
– Cô thích làm gì thì làm, tôi không quản.
Nghe đến đây trong lòng tôi vui mừng khôn xiết. Biết anh ta nói vậy có nghĩa là đồng ý rồi nhưng sợ anh ta đổi ý nên tôi không dám hỏi lại. Để đáp ơn anh ta tôi định massage nhưng anh ta đã lạnh lùng rút chân ra khỏi chậu nước rồi nói:
– Cô gọi con Trúc đi dọn cơm cho tôi. Ăn xong tôi còn phải làm việc.
Thấy vậy tôi liền vội vàng gọi cái Trúc lên dọn cơm. Lúc thấy cái Trúc dọn hai cái bát anh ta có chút ngạc nhiên, cái Trúc vừa múc cơm vừa nói:
– Mợ chờ cậu nên chưa ăn. Thôi cậu mợ ăn đi cho nóng, con mang chậu nước đi đổ.
Thành khẽ liếc ra cửa sổ rồi giục cái Trúc:
– Khỏi cần mang đâu xa, mày hất ra cửa sổ này cho nhanh.
Tôi nhìn ra cửa sổ, chợt thấy lấp ló một bóng người đứng ngay gốc cây nhãn. Còn chưa kịp ngăn cái Trúc lại thì đã nghe ào một tiếng, chậu nước hất thẳng ra đó. Tuy chậu nước không nóng nhưng cũng khiến bóng người kia hoảng hốt chạy. Cái Trúc lúc này mới nhận ra có người nhưng muộn rồi. Vì tối nên tôi chẳng nhìn rõ mặt, nhưng lúc chạy tôi thấy cái váy quen thuộc cũng biết ngay đó là cái Mai, tôi không hẳn là ghét nó, nhưng thái độ của nó rõ ràng rất trêu ngươi tôi, đêm hôm còn đứng thập thò ở sát phòng tôi và Thành để nghe lén thì chắc cũng không có ý đồ gì tốt.
Tôi nhìn Thành, anh ta vẫn bình thản như không có gì. Ăn cơm xong Thành tắm trước, tôi phụ cái Trúc dọn dẹp rồi mới đi tắm. Lúc tắm xong ra thấy Thành đang ngồi mở máy làm việc ở ghế sofa. Tôi thấy vậy cũng vào giường nằm xuống. Thế nhưng còn chưa kịp nằm xuống tôi đã nghe tiếng cái Trúc đập cửa rầm rầm:
– Cậu mợ ơi, cậu mợ lên nhà đi, ông cố mất rồi.
Tôi nghe xong thì điếng người. Tôi biết ông nội cũng già yếu rồi, nhưng sáng nay lên thăm ông vẫn thấy ông nói chuyện, còn bảo tôi sớm sinh chắt cho ông. Tôi còn nghĩ ít ra ông cũng sống thêm vài tháng nữa không ngờ sáng nay đến giờ ông đã mất. Tôi với Thành vội vã chạy lên nhà, vừa lên đến nơi đã thấy tiếng khóc tu tu. Cái Mai đang ngồi cạnh giường ông cùng thầy Đăng và vú Quý. Đột nhiên nó quay sang tôi gào ầm lên:
– Ông ơi, rõ ràng sáng nay con vẫn thấy ông cố khoẻ mạnh tự dưng mợ Ngân lên thăm ông cố mà tối ông cố mất luôn. Hôm kia bác sĩ bảo ông cố yếu thôi chứ cũng phải trụ thêm vài tháng, sao tự dưng ông cố lại mất được chứ ạ?
Tất cả mọi người đột nhiên quay lại nhìn tôi như thể tôi là tội đồ. Tôi nhìn cái Mai, vốn dĩ nghĩ tâm ý của nó chỉ là chút tham vọng tầm thường với Thành, không ngờ nó lại ranh ma đến mức này, lấy cái chết của ông nội đổ một chậu nước bẩn lên người tôi. Thấy tôi chưa kịp phản ứng gì cái Mai được thể gào to hơn:
– Cả ngày hôm nay chỉ có mợ Ngân ở nhà, mợ Ngân, sao mới chỉ sáng đến giờ ông cố lại mất ngay được chứ? Sao hôm qua vừa cưới mợ về, hôm nay ông cố mất luôn rồi, mợ hại ông đúng không?
***
Lời tác giả: không biết phải truyện không hay không mà tương tác thấp ghê các bác ạ. Các bác cố gắng tương tác cao lên em cho em có động lực với nào. Eo ơi, cảm thấy quay lại mà không được chào đón buồn quá ạ. Các bác cứ bình luận loạn xị ngậu lên em vui

Yêu thích: 4.3 / 5 từ (15 thả tim)
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN