Ngày Anh Đến - Phần 7
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
3066


Ngày Anh Đến


Phần 7


Tôi nhìn cái Mai, nhìn mọi người bình tĩnh đáp lại:
– Cả ngày hôm nay em đi đâu không ở nhà hay sao mà bảo cả ngày hôm nay chỉ có mợ ở nhà? Nhà trên nhà dưới người làm không thiếu, ngoài kia có anh Tài, anh Ninh, trong phòng ông nội có cái Cúc, đi theo mợ có cái Trúc. Em nghĩ mợ rảnh à mà đi hại một người tuổi đã chín mươi tám? Mợ đi từ dưới nhà lớn lên phòng ông ai cũng đều nhìn thấy. Lẽ ra mợ không đứng đây giải thích với em chuyện này làm gì vì em chẳng là cái gì để mợ phải thanh minh cả, nhưng ông nội mất rồi, em ngồi đó gào thét không để ông được đi thanh thản mợ thấy rất khó chịu. Em đi ra ngoài đi, đừng gào thét để ông đi nhẹ nhàng.
Cái Mai hơi sững lại, nhưng rồi nó lại gục xuống khóc lóc:
– Thế tại ông cố lại mất? Tại sao cưới mợ hôm trước hôm sao ông cố mất? Mợ đúng là sao chổi đích thực? Ở nhà thì anh trai mợ chết, mợ đến đây thì ông cố chết, sao mợ chứ đi đến đâu thì ở đó có người chết vậy cơ chứ? Ông cố hiền lành vậy, lẽ ra còn sống được thêm vài tháng để cậu Duy lấy dâu út về, giờ thì… ông cố ơi…
Mấy chữ anh trai mợ chết được cái Mai nhấn rất mạnh, lời nói như những nhát dao xiên vào tim tôi. Suốt mấy tháng nay tôi đã phải cố gắng thế nào để quên đi cái chết của Vũ, thế nhưng giữa một nơi xa lạ thế này cái Mai lại lấy điều ấy ra để sỉ nhục tôi khiến tôi cảm thấy lồng ngực quặn lại. Tiếng mấy người ở xì xào:
– Nghe nói anh mợ Ngân mới mất, mợ ấy về hôm trước hôm sau ông cố mất. Xui xẻo thật.
– Đấy, đẹp thì làm gì, hồng nhan hoạ thuỷ thôi, mợ ấy đúng là sao chổi đích thực.
Tôi không thể nào nghe nổi những lời ấy, tai cũng muốn ù đi, trong một giây lát tôi chỉ muốn bịt những lời nói kia lại. Con Mai nhìn tôi định nói gì đó, nhưng còn chưa kịp nói Thành đột nhiên bỗng lao đến túm lấy tóc con Mai giáng một cái tát thẳng vào mặt nó quát:
– Mày nói cái gì? Mày nói ai là sao chổi?
– Cậu… em… không phải…
– Mày thích không phải không? Chuyện trong nhà từ bao giờ đến lượt mày đi dạy chủ?
– Cậu ơi, em sai rồi, tại em thương ông cố…
– Câm mồm! Cút ra ngoài. Từ lần sau tao còn thấy mày, và cả lũ chúng mày còn thích trèo lên đầu lên cổ chủ, ăn nói vớ vẩn thêm lần nữa thì chúng mày chết chắc luôn đấy. Cút! Cút hết cho tao.
Cái tát của Thành rất mạnh, mạnh đến mức tôi còn nghe rõ tiếng bộp, khoé miệng con Mai cũng rỉ máu. Thành đẩy con Mai ra, lừ mắt nhìn một lượt, đám người làm bên dưới cũng im re. Hai mắt Thành đỏ ngầu, tôi cảm giác chỉ cần đám người này ai mở miệng ra bất cứ câu nào kẻ ấy sẽ bị anh ta đánh không thương tiếc. Không một ai từ chủ tới tớ dám nói gì, ngay cả tôi cũng cảm thấy đôi phần sợ hãi, vú Quý thấy Thành như vậy ánh mắt kiêng dè vội vã nói:
– Cậu hai nói vậy rồi chúng bay lui xuống mau đi. Cậu hai, thôi cậu cũng không cần làm ầm làm ĩ làm gì cái lúc này, để từ từ tôi dạy đám chúng nó.
Thành không đếm xỉa lời vú Quý đi về phía ông nội đang nằm trên giường quỳ xuống. Anh ta không nói gì, chỉ ngồi lặng lẽ quỳ như vậy. Mẹ Hoa thấy tôi đứng trân trân nãy giờ quay sang giục:
– Được rồi, Ngân con về phòng đi, có thằng Thành ở đây là được rồi.
Ông nội chồng mất, tôi về ngủ có lẽ cũng không ngủ nổi, trong lòng cũng sẽ thấy áy náy không yên. Mặc dù lời nói của con Mai tôi nghĩ cũng khiến mọi người sẽ có thái độ không mấy thiện cảm nhưng tôi cũng không thể về như thế này được. Tôi nhìn mẹ Hoa khẽ nói:
– Dạ, con ở đây cùng cậu Thành, có việc gì cần mẹ cứ bảo con làm.
Mẹ Hoa chắc cũng không muốn ép tôi nên gật đầu. Thầy Đăng, ông nội mất thầy rất đau buồn. Thế nhưng thầy là trụ cột trong nhà nên thầy phải nén nỗi đau thương ấy để lo tang lễ cho ông nội. Người ta tắm cho ông nội bằng thứ nước lá thơm rồi đưa ông vào chiếc quan tài ở trước nhà lớn. Tôi, Thành, và vợ chồng anh Khang, chị Hạnh quỳ phục hai bên. Nghe cái Trúc nói từ nhỏ Thành được ông nội chăm bẵm nhiều nhất, cũng là đứa cháu ông nội yêu thương nhất, thế nên ông nội mất có lẽ anh ta là người buồn nhất. Chuyện ăn chơi trác táng của anh ta ra sao tôi không rõ, chuyện anh ta là kẻ cục súc thì sau vài lần chứng kiên tôi cũng công nhận. Thành là giảng viên, anh ta chắc chắn là người có ăn có học, xét về đạo đức thì tôi không đánh giá cao cho lắm. Chỉ có điều tôi thấy với ông nội anh ta thực sự có hiếu. Nếu không có hiếu đời nào anh ta chịu lấy một người không quen biết như tôi về làm vợ. Tôi ngồi cạnh Thành, suy nghĩ mông lung. Khi trời gần sáng tôi thấy hai chân mình cũng tê cả đi liền đứng dậy đi vệ sinh tiện rửa mặt cho tỉnh táo. Bên ngoài trời sương lạnh, mọi người ai cũng đều bận rộn lo tang lễ. Tôi lê đôi chân như muốn gãy rời đi từng bước nặng nhọc đi. Đột nhiên lúc đi qua vườn hoa tôi chợt nghe tiếng mẹ Hoa cất lên:
– Ông nghĩ vậy không thấy tội cho con bé sao? Dù gì nó cũng là con của bạn ông, nó làm gì có cái gan mà đi hại thầy chứ? Thầy già rồi, như ngọn đèn hết dầu, thầy mất là quy luật của sinh lão bệnh tử thôi, nó nói cũng đúng, nó có dã tâm hại người thì nó đi hại người khác chứ hại gì thầy mình đã tuổi 100 đến nơi? Huống hồ nó mới chân ướt chân ráo về đây được hai ngày, nói đến tai cha mẹ nó rồi người ta nghĩ làm sao?
Tiếng thầy Đăng đáp lại:
– Tôi không bảo nó hại thầy, chỉ là tôi thấy lời con Mai không phải không đúng. Nó ở nhà thì thầy nó bị thương suýt chết, anh trai mấy ngày sau cũng chết, giờ về đây hôm trước hôm sau thầy mình mất. Tất cả chỉ trong một năm nay thôi.
– Anh nó mất vì hi sinh cứu người, thầy mình mất vì tuổi cao sức yếu, thôi ông cũng đừng nói ra nói vào rồi người ta lại cười chê. Cứ vậy bảo sao cái đám người làm không trèo lên đầu lên cổ. Vú Quý không dạy được thì để tôi dạy.
– Thôi được rồi, chuyện người làm cứ để vú Quý vú ấy dạy dỗ, mình chen vào làm gì cho mệt cái thân ra. Mình đi xuống bếp dặn người làm chuẩn bị đồ tôi lên tôi làm lễ.
Tôi nghe đến đây trong lòng cũng hỗn tạp cảm nhưng không dám đứng lại thêm mà chạy về phía nhà vệ sinh. Tôi không nghĩ thầy Đăng lại cũng nghĩ tôi như vậy, tôi còn nghĩ thầy làm bạn của cha tôi ít nhiều thầy cũng có chút thương tôi, chẳng ngờ thầy cũng nghĩ tôi là sao chổi. Còn mẹ Hoa, bình thường mẹ kiệm lời, lúc tôi được gả về mẹ cũng không giống những người mẹ chồng khác dạy dỗ tôi phải thế nọ thế kia. Thậm chí tôi còn nghĩ mẹ Hoa không quan tâm thế sự cuộc đời, chỉ hưởng thụ cuộc sống an nhàn. Không ngờ hôm nay tôi nghe được mẹ bênh tôi, trong lòng có chút cảm kích.
Rửa mặt xong tôi cũng tỉnh táo đôi phần, đột nhiên tôi nghe tiếng con Mai từ phía sau:
– Mợ đừng vội đắc ý, cậu Thành cậu ấy bênh mợ chẳng phải vì cậu ấy yêu mợ đâu. Chẳng qua vì cái sĩ diện thôi, đàn ông mà chẳng lẽ để vợ mình bị nói thế trước mặt mọi người.
Tôi nhìn con Mai, mấy lời đâm bao thóc chọc bao gạo này tôi chỉ thấy như lông gà vỏ tỏi, không đáng quan tâm nhưng vẫn đáp:
– Cảm ơn em đã nhắc nhở. Vì gì thì vì nhưng không bị cậu vả hộc máu mồm là vui rồi em ạ.
Con Mai bị tôi khịa thì tức đen mặt nghiến răng đáp:
– Gớm! Chẳng qua mợ may mắn hơn người khác vì thầy mợ với thầy cậu là bạn nên cậu bị ép lấy mợ thôi chứ cậu chẳng tha thiết gì mợ đâu. Cậu thiếu gì gái đẹp hơn mợ đâu. Kiểu gì có ngày mợ cũng bị cậu tống ra đường cho mà xem.
– Mưa đến đâu mát mặt đến đấy. Bao giờ tống thì em hãy mừng chứ giờ mừng vội cẩn thận cậu lại vả thêm mấy phát sưng mồm lên đấy em ạ. Với mợ cũng nói này, sau em thích xem chuyện vợ chồng mợ thế nào thì cứ gõ cửa xin vào hẳn hoi mà xem chứ thập thò ngoài gốc nhãn sau không phải chậu nước ngâm chân của cậu đâu mà có khi là chậu gì mợ cũng không đảm bảo được đâu.
Con Mai tức không nói nên lời, cả mặt đỏ bừng lên. Tôi cũng không muốn đây đôi co với nó đi thẳng lên nhà trên. Nhà bao việc.
Đám tang của ông nội sau đám cưới của tôi chỉ hai ngày nên thầy Đăng chỉ báo cho mấy người họ hàng thân thích với con cháu trong nhà. Tôi với chị Hạnh ở nhà lo bảo ban người làm nấu nướng, còn thầy mẹ và các cậu đưa ông nội ra đồng. Lúc chỉ còn tôi và chị Hạnh chị Hạnh khẽ nói:
– Em mới về đây nên chắc không biết, nhà mình đông người nên nhiều cái phức tạp. Có cái gì không biết em cứ đến hỏi chị, không phải ngại. Cùng phận làm dâu như nhau nên chị hiểu, người ta nhìn vào tưởng mình là chuột sa chĩnh gạo, nhưng sống ở trong này rồi mới biết nhiều cái không như mình tưởng đâu. Ở đây tuy là biệt phủ giàu có, nhưng cách sống còn cổ hủ lạc hậu, em về cũng nên cố gắng cẩn thận chút.
Lời chị Hạnh nói đầy chân thật, tôi nhìn chị đáp lại:
– Vâng ạ.
– Nghe nói trước kia gia đình em dâu cũng giàu có lắm. Sao tự dưng lại phải gả đi mà chưa kịp tìm hiểu nhau như vậy?
Tôi không biết đáp lời chị Hạnh thế nào, chuyện gia đình tôi tôi gần như không muốn chia sẻ nên chỉ đáp qua loa:
– Xưởng gỗ của cha em bị cháy nên vỡ nợ, cha em thì bị người ta hại, bắn bị thương phải làm ở viện.
– Thế đã tìm ra ai hại chưa?
Tôi khẽ lắc đầu nói:
– Hiện tại thì chưa, bên công an chưa có manh mối gì vẫn chưa tìm ra chị ạ. Giờ thì chỉ nhờ bên hình sự họ điều tra ra, nhưng em tin mấy chuyện làm ác ôn kiểu gì cũng bị lộ thôi.
Chị Hạnh nhìn tôi gật đầu:
– Ừ, nếu cần giúp đỡ gì thì cứ bảo chị.
– Vâng em cảm ơn chị.
Bên ngoài đoàn người đưa tang cũng về. Đám người làm dọn cơm lên ăn. Bình thường nhà ai ăn nhà nấy nhưng ông nội mất nên thầy Đăng muốn mọi người ăn chung ở nhà lớn cho đỡ hiu quạnh. Thầy Đăng không khóc nhưng mắt thầy đỏ hoe. Lúc dọn cơm ra thầy không ăn nổi cứ nhìn bát cơm trân trân. Bên ngoài chợt có tiếng cái Cúc cất lên:
– Ông ơi, cậu Duy về rồi.
Thầy Đăng cúi xuống, giọng hơi nghẹn đi:
– Cả ngày nay chờ nó về kịp đưa tang cho ông nội mà giờ đưa rồi nó mới về.
Mẹ Hoa đáp:
– Cái nghề nó vậy rồi biết làm sao?
– Cái nghề nó tôi đã cấm cản mãi mà nó không chịu. Rồi tôi chết bà chết nó không về à.
– Kìa anh, phui phủi cái mồm.
Bên ngoài tiếng bước giày từng bước lại gần. Tôi nhìn lên thấy một bóng dáng cao to bước vào thắp cho ông nội nén hương. Từ hôm cưới tới giờ tôi mới biết mặt cậu ba, thực sự rất quen, không phải kiểu quen của Thành mà tôi dám chắc tôi đã gặp cậu ấy ở đâu đó rồi, nhưng không thể nhớ ra. Duy thắp hương xong, đi về phía thầy mẹ. Mẹ Hoa ra hiệu ngồi xuống dịu dàng nói:
– Ngồi xuống đi con, thầy chờ về nãy giờ.
– Con xin lỗi, đơn vị có việc gấp đi tận sang tỉnh khác nên con không kịp về đưa tang ông.
– Duy, hay đợt này để thầy xin cho con về gần nhà, chứ làm ở đó xa xôi, trong cái đội hình sự ở thành phố nguy hiểm…
Nghe đến đây tôi bất giác không kìm được mà nhìn Duy thêm lần nữa. Đội hình sự ở thành phố??? Từng mảng ký ức hiện về, mơ hồ, trong bệnh viện hôm Vũ mất, trong tang lễ của Vũ… hình như tôi đã gặp cậu ta ở đó.
– Con không về đâu.
– Sao mày ngoan cố thế… ở cái đội đấy nguy hiểm thế nào mày phải tự rõ chứ, về đây làm mảng hành chính như thằng Kiên có phải nhàn không?
Tiếng cãi vã của thầy Đăng và cậu ba Duy khiến tôi bỗng dưng nghẹn lại. Cha tôi và Vũ đã từng cãi nhau mấy câu tương tự như vậy. Bát cơm trước mặt tôi bỗng thấy đắng ngắt, lúc ngẩng mặt lên bất chợt bắt gặp ánh mắt của Thành đang nhìn mình. Ánh mắt anh ta hơi u uất nhưng rồi rất nhanh chóng thu lại thành vẻ vô cảm.
Ăn cơm xong tôi và chị Hạnh đợi người làm dọn dẹp xong mới về. Lúc đi qua thấy Thành, Duy và thầy Đăng, mẹ Hoa đang bàn chuyện làm lễ cho ông nội còn anh Khang thì đi ra công ty có việc. Nhìn ở góc này tôi thấy Thành và Duy rất giống nhau, chỉ có điều Thành có đôi mắt to, lông mi cong giống mẹ Hoa còn Duy thì lại có đôi mắt của thầy Đăng. Hai anh em nhà này xét về ngoại hình có ngoại hình, xét về công việc có công việc nhưng không hiểu sao thầy Đăng lại không thích, lại cho rằng sự nghiệp của Thành và Duy là bất tài vô dụng. Lúc này tôi chợt nghĩ đến anh Khang bỗng thấy hình như anh Khang khác hẳn Duy và Thành cả về tính cách lẫn ngoại hình. Anh Khang không xấu trai, anh cũng đẹp trai chỉ là nét đẹp của anh khác, anh không đẹp xuất sắc như Thành, Duy nhưng dễ nhìn, bù lại anh rất nghe lời thầy Đăng. Từ hôm tôi về tôi chưa thấy anh cãi lại thầy bất cứ việc nào dù là việc nhỏ hay việc lớn.
Tôi đi qua vườn hoa trở về căn nhà của tôi và Thành, mùi hương hoa ngan ngát toả ra. Tôi bỗng thấy nhớ mẹ với em gái vô cùng. Về đến phòng tôi gọi cho mẹ hỏi thăm, mẹ kể cho tôi nghe cha được ra viện rồi, cái Chi có tiền hỗ trợ bên nhà chồng tôi nên mẹ cho nó đi học thêm ở nhà thầy giáo. Mẹ còn dặn tôi phải biết ơn gia đình chồng, nếu không có sự hỗ trợ của họ có lẽ giờ cha tôi chưa chắc đã được trở về, em tôi đã không được đi học. Tôi nghe mấy lời mẹ nói mắt cũng cay cay, dặn mẹ giữ gìn sức khoẻ rồi tắt máy. Cả hôm nay tôi và chị Hạnh đứng mãi nên người cũng mệt lử, tôi vào tắm rồi đi ra ngoài. Thành vẫn chưa về, tôi leo lên giường ngủ thiếp đi. Đến nửa đêm tôi mới nghe thấy tiếng lạch cạch, Thành hình như đi tắm, tôi còn nghe tiếng róc rách của nước chảy rồi thấy anh ta đi vào giường. Chiếc giường tân hôn vẫn mang màu đỏ, lúc Thành nằm lên tôi tuy mơ màng nhưng vẫn bất giác thu mình gọn lại sợ anh ta đụng vào người mình. Thành nhìn thấy, anh ta hơi sững lại với thái độ của tôi như vậy, nhưng anh ta không nói gì, lặng lẽ đặt chiếc gối ở giữa rồi nằm bên ngoài. Tôi từng nghe chiến tích tình trường của Thành, vốn dĩ nghĩ anh ta là loại đàn ông dâm tà nhưng ngay khoảnh khắc thấy anh ta đặt gối ở giữa tôi lại cảm thấy anh ta có vẻ cũng là loại chính nhân quân tử, hoặc giả tôi không đủ sức hấp dẫn với anh ta. Chiếc đèn ngủ bị tắt đi, tất cả chỉ là một màu tối om. Tôi nằm đó, một lúc cũng ngủ lúc nào không hay biết.
Lu bù tang lễ của ông nội nên tôi khá bận rộn. Theo đúng thủ tục cúng ba ngày rồi cúng tuần nên tôi vẫn chưa đi học được. Sáng thứ hai sau tuần ông nội mất, lúc ngủ dậy Thành đã đi làm lúc nào không hay biết. Buổi sáng cái Trúc bê đồ ăn sáng cho tôi rồi nói:
– Mợ dậy rồi ạ? Ông bảo con hỏi mợ xem sáng nay mợ có đi lên trường không? Nếu lên thì mợ ăn sáng xong ra xe anh Tài chở đi.
Tôi nghe cái Trúc nói thì mừng vội vàng ăn nhanh, đánh răng rửa mặt thay đồ rồi đi ra ngoài. Lên nhà lớn tôi thấy mẹ Hoa đang nhét vào túi cậu Duy một ít đồ ăn còn thầy Đăng thì hờ hững đóng lại cái sập gỗ. Cậu Duy thấy tôi thì chào hai tiếng chị dâu, hôm đám tang ông nội cậu về rồi đi luôn, cúng ba ngày cũng không về được mãi đến cúng tuần mới về. Cậu kéo túi xách lên rồi quay sang nói với thầy Đăng:
– Đằng nào con cũng đi qua trường chị dâu, tiện con chở chị ấy đi luôn đỡ phiền anh Tài. Chiều về thì anh Thành đưa chị ấy về.
Mẹ Hoa gật đầu đáp:
– Thế cũng được, thế hai chị em đi đi cho sớm. Cuối tuần không trực về nhà con nhé, mẹ để ít kẹo gừng trong túi, ăn đi cho đỡ cảm…
Thầy Đăng nghe mẹ Hoa dặn thì càu nhàu:
– Bà cứ chiều chúng nó quen thói đi. Lớn rồi tự lo thân, không học được thằng Khang chút nào.
– Vâng! Thằng Khang là nhất, là con trai ngoan của ông được chưa, thôi hai đứa đi đi không muộn.
Tôi cúi xuống chào thầy Đăng với mẹ Hoa rồi vội vã lên xe. Nhà này ba anh em mỗi người một cái ô tô, nhưng xe của Duy là xe giản dị nhất. Chiếc xe từ từ lăn bánh, khi ra đến đường chính Duy cất lời:
– Chị dâu, từ về em cũng chưa nói chuyện được với chị câu nào. Chắc chị vẫn nhớ em cùng đơn vị với anh V… à anh trai chị chứ ạ?
Duy không nói ra chữ Vũ, giống như sợ tôi bị tổn thương. Hôm đám tang lúc thầy Đăng nói chuyện với Duy tôi đã nhận ra cậu ấy. Tuy rằng mơ hồ nhưng tôi vẫn nhận được ra. Duy kém Vũ hai tuổi, tức là hơn tôi bốn tuổi, thế nên xưng em tôi cũng hơi ngượng. Tôi không đáp chỉ gật đầu. Cậu ta lại nói:
– Vì cha chị cần tiền phẫu thuật nên chị đồng ý lấy anh Thành sao?
– Tôi… ừm….
Ánh mắt Duy bỗng ảm đạm, rất lâu sau mới có thể cất lời:
– Xin lỗi… chị… đơn vị…
Duy nói đến đây dừng lại, tôi hiểu vì sao Duy lại xin lỗi, nhưng bản thân tôi biết đơn vị của Vũ quá tốt với gia đình tôi rồi. Việc tôi lấy Thành không phải chỉ vì tiền phẫu thuật cho cha, mà còn vì tương lai của Chi. Tôi không hối hận.
– Thực ra anh Thành cũng không hẳn xấu xa như lời đồn đâu. Dù sao hai người cũng đã lấy nhau, kết tóc se duyên rồi, chị cũng cố gắng mở lòng ra một chút. Vợ chồng không tình thì cũng có nghĩa, em cũng mong chị buông bỏ được đau thương để hạnh phúc.
Tôi biết Duy đều có ý tốt, lời cậu ấy nói không sai nên gật đầu cảm ơn. Xe đi gần một tiếng mới đến trường của tôi. Lúc này đã quá giờ vào lớp nên sân trường vắng lặng. Tôi đi lên phòng thầy hiệu trưởng, thầy rất ngạc nhiên khi gặp tôi, lúc nghe tôi trình bày sẽ đi học lại thầy vui mừng khôn xiết, thầy nói:
– Tốt quá rồi, tốt quá rồi. Để thầy xem, em còn môn marketing chưa thi, với còn môn quản trị kinh doanh chưa học, thầy sẽ nói các thầy cô tạo điều kiện cho em thi lại môn marketing, còn môn quản trị kinh doanh các bạn học được vài buổi rồi, thầy sẽ ghép lớp cho em vào luôn. Đi, thầy dẫn em lên lớp, sáng nay học ba tiết quản trị kinh doanh, chắc các bạn học được một tiết rồi. Thầy dạy quản trị kinh doanh cũng là thầy giáo hướng dẫn luận văn cho em luôn. Để thầy lên nói qua với thầy ấy vài câu.
Tôi nghe thầy hiệu trưởng nói xúc động cảm ơn thầy. Lúc đi qua mấy hành lang tôi bỗng nhớ những tháng ngày còn Vũ. Cả thời thanh xuân rực rỡ của tôi gắn với ngôi trường này, cả tình yêu đẹp đẽ cũng ở đây. Khi lên đến lớp học thầy hiệu trưởng gõ cửa, cửa vừa mở ra tôi bỗng sững người lại. Tiếng thầy hiệu trưởng cất lên:
– Đây là thầy Thành, giảng viên môn quản trị kinh doanh.
Tôi nhìn Thành chưa hết kinh ngạc, đơ ra không thể nói ra câu nào. Có lẽ tôi không bao giờ ngờ nổi lại gặp chồng mình ở đây, không bao giờ có thể nghĩ anh ta lại là thầy giáo của tôi. Tôi biết Thành là giảng viên, chỉ không nghĩ tới anh ta lại là giảng viên trường này. Hai tay tôi đan vào nhau, thật sự tôi không biết mình phải cười hay khóc khi chồng mình lại dạy mình. Thế nhưng thái độ của anh ta hoàn toàn trái ngược với sự sững sờ của tôi, Thành bình thản như không có gì xảy ra, vẻ mặt hoàn toàn như không quen biết. Thầy hiệu trưởng thấy tôi như vậy thì nói:
– Ngân, em chào thầy rồi vào lớp đi.
Tôi cố gắng hít một hơi lúc này mới lấy lại được bình tĩnh đáp:
– Em chào thầy.
Thành không đáp, tôi không còn cách nào khác đành đi vào lớp học để thầy hiệu trưởng nói chuyện với Thành. Đám bạn học của tôi thấy tôi đi học thì gào ầm lên. Cái Tâm bạn kí túc xá lôi tôi xuống ngồi với nó rồi mắng:
– Tao tưởng mày đi luôn rồi chứ, một câu tạm biệt cũng không có, đúng là đồ vô lương tâm.
– Tao xin lỗi.
– Lỗi cái con khỉ khô.
Cái Tâm nói đến đây cửa cũng mở ra, Thành bước vào, cả đám bên dưới bất chợt lặng im. Cái Tâm nói nhỏ:
– Thầy đẹp trai vãi lìn. Moá đẹp xuất sắc luôn, đẹp hơn cả mấy ông diễn viên luôn. Nghe nói thầy được học bổng của nước ngoài, dạy ở nước ngoài rồi mới về Việt Nam, tiến sĩ đấy. Thầy mới về trường mình hai ba năm nay thôi, đỉnh của chóp. Mỗi tội có một tin buồn.
– Tin gì?
– Thầy vừa lấy vợ xong. Thất vọng vãi chưởng. Không biết vợ thầy là ai, tao tìm mãi không ra.
– Mày tìm làm gì?
– Để xem tròn méo béo gầy ra sao mà vớ được thầy. Tin tao đi, con đấy úp sọt thầy là cái chắc.
Câu nói của cái Tâm khiến tôi ho sặc sụa, đột nhiên có tiếng Thành cất lên:
– Đỗ Khánh Ngân.
Tôi bị gọi, giật bắn mình đứng dậy lắp bắp nói:
– Dạ.
– Trả lời cho tôi câu hỏi: Cơ cấu tổ chức kiểu trực tuyến phù hợp với mọi doanh nghiệp ở Việt Nam đúng hay sai? Vì sao?
– Thưa thầy…
Tôi nhìn cái Tâm cầu cứu, nhưng nó còn đang lật sách tìm câu trả lời. Nó học mấy buổi rồi còn không biết huống hồ tôi còn ngồi chưa nóng ghế. Thành thấy tôi ấp a ấp úng thì mỉa mai:
– Nghe nói em là sinh viên xuất sắc nhỉ. Đứng đấy cho tôi.
Nghĩa lớp trưởng thấy vậy liền nói:
– Thưa thầy bạn ấy mới đi học…
Còn chưa nói hết câu Thành đã ngắt lời:
– Vậy chứng tỏ bạn ấy không hề để ý xem học môn gì, nghỉ học cũng không nghiên cứu đến môn học mới. Tôi không quan tâm mới hay cũ, vào lớp của tôi ngồi không học được thì đứng học.
Đứng thì đứng, ai bảo anh ta là thầy giáo còn tôi là sinh viên cơ chứ. Tôi dám cá là Thành rất ghét tôi, phải rồi, đang tự do ăn chơi trác táng phải đi lấy vợ, anh ta chắc hẳn không ưa tôi. Nhưng ở nhà còn thầy mẹ nên anh ta phải dùng cách này trả thù tôi. Thành không để ý đến tôi, tiếp tục quay lên giảng bài, cái Tâm thì im như hến vẻ mặt đầy tội lỗi nhìn tôi, nó vứt cho tôi tờ giấy trên có ghi mấy chữ
“Thầy đẹp trai nhưng ác vãi lìn. Xin lỗi bạn hiền.”
Tôi cầm tờ giấy đang định xé đi thì tiếng Thành cất lên:
– Đỗ Khánh Ngân. Mang tờ giấy lên đây.
Khỏi phải nói người tôi run bần bật, cái Tâm mặt xanh mét lại, nhất thời tôi không biết phản ứng thế nào, tiếng Thành lại cất lên:
– Em mang lên hay muốn tôi xuống lấy.
Tôi luống cuống vội vã đi lên, cả mấy chục con mắt nhìn tôi, tôi chỉ hận mình không xé tờ giấy ấy sớm hơn. Thành không lấy tờ giấy, anh ta liếc qua rồi bắt tôi đứng đọc cho cả lớp nghe tờ giấy viết gì. Tôi lí nhí đọc:
– Thầy đẹp trai nhưng ác vãi lìn. Xin lỗi bạn hiền.
Cả lớp cười như vớ được vàng. Thành gõ gõ mấy ngón tay lên bàn, mặt tôi đỏ au, anh ta lại nói:
– Đọc to lên, tôi không nghe rõ.
– Thầy đẹp trai nhưng ác vãi lìn. Xin lỗi bạn hiền.
– To nữa lên.
– Thầy đẹp trai nhưng ác vãi lìn. Xin lỗi bạn hiền – tôi lấy hết sức mà đọc.
Dưới lớp cười ngặt nghẽo, cái Tâm thì không dám ngẩng đầu. Cũng may Thành không truy ra ai là người viết mẩu giấy, chỉ bắt tôi về đứng hết tiết và về chép phạt hai mươi lần đáp án của câu hỏi.
Tôi về chỗ đứng, đúng là không có cái nhục nào bằng cái nhục này. Cái Tâm không dám ngó ngoáy, ngồi yên như tượng, tôi vừa đứng vừa mở vở ra ghi chép rất cẩn thận, cũng may anh ta chỉ có hai tiết nếu không chắc đôi chân tôi cũng gãy làm đôi mất thôi. Hết tiết Thành đi lên phòng chuyên môn, tôi về qua kí túc xá mượn cái Tâm ít giáo trình. Trên đoạn đường đi về nó hết lời xin lỗi tôi. Tôi biết nó không cố ý nên cũng không trách móc gì. Mượn xong giáo trình tôi đi ra ngoài bắt xe bus đi về.
Xe bus chỉ về được đến gần nhà, đến trạm tôi phải xuống đi bộ một quãng. Khi đi đến gần mấy hàng cây xà cừ tôi chợt thấy chú Trung gần đó, hình như chú đang nói chuyện với ai đó. Vì góc khuất nên tôi không nhìn rõ, nên định tới chào chú, từ hồi cha tôi nằm viện, mấy chuyện xưởng gỗ với chuyện trong nhà đều là chú lo liệu. Nhưng vì sao chú lên đây tôi không rõ lắm, ở đây không phải nhà thầy Đăng, chỉ là gần nhà thầy thôi, thế nhưng còn chưa kịp lên gặp chú thì đã thấy tiếng cái Trúc phía sau:
– Mợ hai, mợ đi học về rồi hả? Cậu đâu mà mợ đi bộ?
– Cậu còn có tiết, mợ về trước, em đi chợ về hả mà tay xách nách mang thế?
– Dạ vâng ạ.
Tôi vừa cầm đống sách vừa đi cạnh cái Trúc nhìn lên thì thấy chú Trung đang ngạc nhiên nhìn mình, còn người nói chuyện với chú không còn thấy đâu nữa. Tôi tiến về phía chú Trung cất tiếng:
– Chú Trung, sao chú lại ở đây?
Chú Trung hơi ấp úng đáp:
– À… tôi… tôi có chút việc thôi. Cô Ngân đi đâu về thế?
– Cháu đi lên trường về ạ.
– Ừ thế cô vào nhà đi, lúc nào cô rảnh thì về nhà thăm ông bà nhé. Giờ tôi có việc gấp phải đi rồi.
– Vâng ạ. Vậy chú đi đi.
Không đợi tôi nói hết chú Trung đã vội vã đi ra đường cái. Cái Trúc đi bên cạnh tôi bất chợt hỏi:
– Mợ, ai đấy mợ.
– Chú quản gia của nhà mợ.
Cái Trúc chợt quay đầu lại nhìn chú Trung, tôi thấy nó như vậy liền hỏi:
– Sao vậy? Có chuyện gì thế em?
– À em thấy quen quen, hình như em nhìn thấy ở đâu rồi thì phải.
Bình thường cha tôi đi làm việc rất ít khi đi cùng chú Trung, chú Trung đa số lo việc ở nhà. Thế nên nghe cái Trúc nói tôi cũng hơi ngạc nhiên, định hỏi nó thấy ở đâu thì đã về đến nhà. Mẹ Hoa với thầy Đăng hôm nay đi ăn cỗ, anh Khang thì ở công ty nên chỉ có tôi, vú Quý. Lúc về đến sân lớn tôi thấy vú Quý đang làm móng ở trong. Thấy tôi vú Quý liền gọi:
– Ngân, có làm móng không vào đây làm luôn với vú.
Tôi nhìn vú cười đáp lại:
– Dạ thôi ạ, con không quen làm móng.
Vú Quý thấy tôi từ chối thì thôi không gọi nữa. Tôi ôm cặp sách về, cái Trúc đang hí hoáy nấu cơm dưới bếp. Trưa Thành không về nên cái Trúc nấu cho mình tôi ăn thôi. Tôi đặt đống sách lên kệ rồi mở tủ thay quần áo chợt thấy hộp của hồi môn mẹ tôi chuẩn bị liền mở ra. Trong hộp là một chiếc khăn mùi soa cũ, chiếc vòng tì hưu vàng, còn cả ít vàng mẹ mua cho tôi. Lúc này cái Trúc cũng đi vào, thấy tôi đang cầm hộp của hồi môn thì đột nhiên ngạc nhiên hỏi:
– Mợ ơi, đây là của hồi môn của mợ hả? Ủa sao mợ có cái vòng vàng tì hưu quen thế mợ?
– Quen là sao em?
– Cái vòng này giống hệt cái vòng trước em hộ cái Cúc đi đánh. Hồi ấy em còn làm ở nhà lớn, cái Cúc nó đưa em một cái vòng giống hệt cũng có năm dây đỏ tết lại, lúc mang đi đánh ông chủ tiệm còn bảo cái vòng này phải nhà giàu lắm mới có tại con tì hưu ấy đặc ruột là vàng cả ngoài lẫn bên trong. Mà em chắc cái vòng đấy không phải của con Cúc, nó mồ côi giống em lấy đâu ra mà có cái vòng ấy. Hỏi nó không nói của ai, em chỉ nhớ cái vòng ấy có khắc chữ T.H dưới bụng con tì hưu.
Tôi nghe cái Trúc nói vậy vội xoay con tì hưu lên, bên dưới không phải chữ T.H mà là chứ H.T. Cái Trúc nhìn thấy cũng kinh ngạc không kém, hồi trước tôi không mấy để ý đến cái vòng này, thế nên thiết kế nó ra sao tôi không để ý. Nhưng sau lần mẹ tôi nói việc tôi được đưa vào trại trẻ mồ côi chắc chắn là có âm mưu nên giờ tôi bỗng cảm thấy tò mò. Tôi nhìn cái Trúc hỏi:
– Lúc ấy em có hỏi Cúc vòng của ai không?
– Em có hỏi nhưng nó nhất quyết không nói. Không phải chuyện của em nên em cũng không hỏi nhiều nữa.
Tôi gật đầu dặn cái Trúc:
– Ừ, mợ cảm ơn em. Mợ nhờ em giúp mợ giữ kín chuyện này, đừng để ai biết.
– Dạ mợ, em biết rồi ạ.
Cái Trúc dọn cơm ra ăn, vì có một mình thôi nên tôi gọi nó ăn cùng. Lúc này tôi sực nhớ đến vú Quý liền hỏi cái Trúc:
– Vú Quý làm ở đây lâu chưa em?
– Vú làm lâu lắm rồi mợ ạ, từ lúc em mười bốn tuổi lên đây làm việc cho ông bà với mẹ em đã thấy vú rồi.
– Bình thường ở đây vú làm gì?
– Vú có làm gì đâu? Vú ăn rồi đi chơi, son phấn cả ngày ý mợ. Vú với mợ Hạnh khách quen của các trung tâm thương mại, các spa luôn đó mợ.
Không cần cái Trúc nói tôi cũng nhận ra được, chỉ là tôi không biết vì sao vú Quý lại lắm tiền để ăn chơi như vậy. Như chị Hạnh thì còn có anh Khang cho, vú Quý lương tháng được bao nhiêu mà tôi thấy vú còn ăn chơi hơn cả chị Hạnh, từ hôm về tôi thấy vú hết mua sắm, làm nail, rồi còn làm tóc đủ kiểu. Nghĩ cũng lạ.
Ăn cơm xong cái Trúc đi rửa bát, tôi mở tủ lấy một ít tiền rồi đi ra hiệu sách mua ít đồ dùng học tập. Biệt phủ này tuy ở ngoại ô thành phố nhưng xung quanh chẳng thiếu cái gì. Mua xong tôi quay về thấy xe của mẹ Hoa và thầy Đăng đã về từ bao giờ. Định bụng lên chào thầy mẹ nhưng vừa đến cửa nhà lớn tôi đã nghe tiếng mẹ Hoa nói lớn:
– Tôi không công bằng? Ông xem ông không công bằng hay tôi không công bằng? Ông thích mua xe mua nhà mua gì cho nó tôi không cản, nhưng chuyện cổ phần công ty tôi không chấp nhận. Còn nếu ông vẫn cố chấp thì chúng ta ly hôn.
– Cái gì? Bà nói cái gì ly hôn.
– Tôi nói nếu ông cố chấp chuyển cổ phần cho nó thì tôi với ông ly hôn. Nghe rõ chưa?
– Bà dám? Sao tôi không dám? Ông tưởng tôi nhịn hai mươi mấy năm thì tôi sẽ nhịn cả đời à? Mơ đi.
Tôi nghe thầy mẹ chửi nhau, sợ hãi định quay đi ai ngờ gặp con Mai đang đứng trước mặt. Nó nói rất to:
– Mợ Ngân, sao mợ lại đứng thập thò ở đây thế ạ?
Bên trong tiếng cãi vã chợt im bặt, thầy mẹ bước ra ngoài. Tôi vội giải thích:
– Sáng con đi học về nhưng không thấy thầy mẹ đâu. Con vừa đi mua ít đồ dùng học tập thấy xe của thầy mẹ en định lên chào thầy mẹ một câu.
Thầy Đăng nghe vậy ừ hữ đáp:
– Được rồi, con về phòng đi.
Nói rồi thầy vội vã đi ra xe, mẹ Hoa liền hỏi lớn:
– Ông định đi đâu?
– Tôi đi đâu việc của tôi
– Ông đứng lại cho tôi.
Thế nhưng thầy Đăng không đứng lại, mẹ Hoa tức giận mặt đỏ phừng phừng. Tôi liền xin phép mẹ rút lui về phòng. Phía sau vú Quý với chị Hạnh cũng bước lên nhà lớn, có tiếng con Mai cất lên:
– Bà đừng tức giận, để con pha cho bà cốc nước chanh, tiện con có chuyện muốn nói với bà.
Tôi không nghe được con Mai nói gì tiếp theo, về đến phòng tôi thấy phòng ốc được dọn sạch sẽ, bộ ga đỏ trên giường thay bằng bộ ga hoa cúc hoạ mi. Cái Trúc đang quét sân ngoài cửa, thấy vậy tôi liền hỏi:
– Trúc, em vừa dọn phòng cho mợ hả?
– Dạ không có, em quét sân nãy giờ mợ ạ.
– Thế sao phòng mợ lại gọn thế?
Cái Trúc nghe vậy vội vàng chạy vào, nhìn một lượt rồi đáp:
– Thế chắc con Mai nó vừa xuống dọn mợ ạ. Em bảo nó để đó đợi mợ về xem thế nào mới thay ga mà nó đã thay rồi à?
Tủ tôi khoá rồi nên không lo con Mai lục tủ nhưng vẫn kiểm tra lại đống đồ nhưng không thiếu gì cả. Lúc cất mấy đồ dùng học tập đi tôi chợt nghe tiếng bước chân chạy huỳng huỵch, anh Tài từ nhà trên xuống hớt ha hớt hải nói:
– Mợ hai, mợ lên ngay nhà trên đi. Bà cho gọi mợ lên.
Cái Trúc vội buông chổi hỏi lại:
– Có chuyện gì vậy anh Tài?
– Không biết con Mai lên tâu cái gì mà bà giận lắm, bà bắt gọi mợ Hai lên cho bằng được.
Tôi không nghĩ ngợi được gì vội chạy theo anh Tài. Lên đến nơi tôi thấy chị Hạnh, vú Quý đang đứng ở cạnh mẹ Hoa, mẹ Hoa dường như rất giận, hai mắt long sòng sọc cầm dải lụa trắng trải trên giường tân hôn của tôi ném bịch về phía tôi quát lớn:
– Chị giỏi thật, tôi còn tưởng chị là loại con gái trong trắng gì, hoá ra lại lăng loàn như vậy. Chị nói tôi nghe trước khi gả về đây chị đã ăn nằm với bao nhiêu thằng rồi?
Tôi nhìn tấm lụa trắng trên tay mẹ Hoa, nhìn sang con Mai, chợt nhớ đến ga đệm được thay bỗng dưng rợn người cũng kịp hiểu ra có chuyện gì vội đáp:
– Mẹ, mẹ nghe con nói… con và cậu Thành… chưa có tân…
Còn chưa kịp nói hết câu mẹ Hoa đã gắt lên:
– Chị định nói chị và nó chưa tân hôn? Tôi nói cho chị biết sáng ngày hôm nay thầy Đăng hỏi nó nói hai anh chị tân hôn rồi. Tôi không ngờ thầy Đăng lại rước loại như chị về cho con trai tôi.
Nói rồi mẹ Hoa hất cả đống nước trà trên bàn xuống, ấm chén vỡ tan tành. Vú Quý vội chạy ra can:
– Chị bình tĩnh….
Mẹ Hoa đứng dậy đẩy mạnh vú ngã xuống đất, một mảnh sành cắm lên tay vú, máu chảy ra nền nhà. Nhưng dường như mẹ không quan tâm lao về tôi túm tóc rít lên:
– Đúng là thứ đàn bà mất nết, xảo quyệt…
Tôi bị túm đau, vú Quý dù bị đau vẫn cố lao vào cản mẹ Hoa, chị Hạnh cũng giữ mẹ, vú Quý vừa cản vừa gào lên:
– Sao chị lại đánh con bé như thế chứ? Có gì từ từ nói.
Thế nhưng mẹ Hoa đã như lên cơn điên, mẹ dùng chân đạp vú Quý và chị Hạnh rồi lôi tôi vào phòng không quên quát lại:
– Cút hết, cút hết, hôm nay tao phải dạy lại con ôn nghiệt lại. Cái thứ lăng loàn.
Tôi không dám tin đây là mẹ Hoa, một mẹ Hoa từng bênh tôi trước mặt thầy Đăng, chỉ thấy dường như mẹ không kiểm soát nổi mình, như muốn giết tôi ngay tức khắc.

Yêu thích: 4.7 / 5 từ (10 thả tim)
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN