Yêu Hận Tựa Như Núi - Phần 12
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
11


Yêu Hận Tựa Như Núi


Phần 12


Bị người ta đổ tội như vậy, tôi quen rồi nên không giận, chỉ muốn nghe xem Nghiêm sẽ trả lời như thế nào. Không ngờ anh ta lại gật đầu:
“Cô ấy là quản lý người giúp việc trong nhà tôi, mới đến làm được 3 tháng”.
“À… anh cho bạn ấy đi để lo việc ăn ở ạ?”
“Đại loại vậy”.
“Vâng, em hiểu rồi. Nhưng 3 tháng thì cũng chưa hẳn đã đáng tin, với cả xung quanh có nhiều người muốn hại anh như thế, đề phòng từng người vẫn hơn”. Chị Như mỉm cười bất đắc dĩ: “Nhưng nói đi cũng phải nói lại, lần này lỗi phần lớn là do em, do em không giám sát đến nơi đến chốn, lẽ ra em phải theo đầu bếp bưng đồ ăn lên cho anh, nhưng giữa đường có điện thoại của người bên ủy ban tỉnh, em không tiện vừa nghe máy vừa đi nên mới xảy ra chuyện như thế. Em xin lỗi anh”.
“Không sao. Việc dị ứng lần này cũng không phải chuyện nghiêm trọng, cô cũng không cố ý, không cần phải tự trách mình. Chỉ là tối hôm qua tôi có bị mất ít đồ, hình như an ninh quanh khách sạn này không tốt lắm, về sau khi đối tác đặt khách sạn, cô cũng nên xem xét kiểm tra cho kỹ. Tránh ở những khu như thế này”.
Âm thanh của chị Như có vẻ rất ngạc nhiên: “Anh bị mất đồ ạ? Có nghiêm trọng không? Anh đã báo công an chưa?”.
“Ừ, tài sản không lớn lắm nên tôi không định báo công an, với cả lúc đó đường tối nên không kịp nhìn rõ”.
“Thế biển số xe thì sao? Anh có nhớ xe hãng gì không?”
Lúc này, Nghiêm mới ngước lên nhìn chị Như, nở một nụ cười sâu xa: “Ban nãy tôi đâu có nói bị mất đồ là do làm rơi, bị móc túi hay bị cướp? Làm sao cô biết cần phải báo công an? Lại biết người lấy tài sản của tôi có xe?”
Mấy câu hỏi này giống như tát thẳng vào mặt chị Như, khiến thân thể chị ta cứng đơ, vẻ mặt vờ lo lắng cho Nghiêm cũng ngay lập tức vụt tắt. Tuy nhiên, sau mấy giây hoảng hốt, chị Như cũng nhanh chóng lấy lại bình tĩnh:
“À… Tại vì em nghe anh nói an ninh quanh khách sạn không tốt nên mới liên tưởng đến anh bị giật đồ. Mà thường giật đồ thì phải có xe, em chỉ đoán thế thôi ạ”
“Vậy à?”. Nghiêm vẫn bình thản nhìn chị ta, bộ dạng ung dung không thể đoán được là anh ta đang nghĩ gì trong đầu: “Vậy thì chắc tôi hơi đa nghi rồi. Người ở bên cạnh tôi 3 tháng, có lẽ cũng không đáng tin bằng người đã ở cạnh tôi 1 năm. Cô nói có đúng không?”
“Sếp, ý em không phải thế. Không phải là em nghi ngờ sự sắp xếp của anh, chỉ là em thấy có nhiều điểm khúc mắc nên mới nói như thế thôi. Còn việc anh bị mất đồ thực sự em không biết, em không suy nghĩ chu đáo mà chỉ nói theo cảm tính là lỗi của em. Em xin lỗi anh”.
Nghiêm cười nhạt:
“Cảm tính của cô? Lần đầu tiên tôi thấy có người suy nghĩ cảm tính đến mức chưa cần biết cụ thể sự việc ra sao đã đoán được quá trình và kết quả rồi đấy. Là do cô thông minh quá mức, hay là cô đã biết tất cả từ trước rồi?”
“Không phải ạ”. Tôi ở bên này vẫn nghe giọng chị Như không có chút sợ hãi , nhưng thanh âm dường như phảng phất chút run rẩy khó lòng nhận thấy được: “Em không hề biết gì cả. Nếu anh không tin em, hay là anh cứ cho người đi điều tra đi ạ. Em cũng muốn chứng minh cho anh thấy lòng em ngay thẳng thì em không sợ gì cả. Em đi theo anh một năm nay, lương tâm chưa bao giờ nghĩ đến những việc có lỗi với anh, em không muốn bị anh hiểu lầm vì một chuyện mà mình không làm”
Anh ta hơi ngả người tựa vào thành ghế: “Vậy thì cứ theo ý cô đi, không muốn tôi hiểu lầm vì chuyện cô không làm thì cứ điều tra là được nhỉ?”.
“Vâng. Cứ điều tra là được ạ, hy vọng đến lúc mọi chuyện sáng tỏ thì anh không hiểu lầm em nữa. Anh Nghiêm, có thể anh không biết, nhưng đối với anh, lúc nào em cũng thật sự hết lòng. Không chỉ trong công việc, mà còn ở một khía cạnh khác nữa”.
“Giữ lại cho bản thân cô đi”. Anh ta nói một câu lời ít ý nhiều: “Không còn chuyện gì nữa thì ra ngoài đi”.
Chị Như chần chừ nhìn anh ta vài giây rồi vẫn hỏi: “Vâng. Khi nào anh muốn dùng bữa? Em mang lên cho anh”.
“Không cần đâu. Tối nay tôi không ăn cơm đầu bếp nhà hàng nấu”.
“Vậy anh…”
Sau đó, bỗng dưng chị ta không nói thêm nữa, có lẽ do ánh mắt của Nghiêm quá lạnh lùng, cũng có thể do sắc mặt anh ta không tốt, nên tôi chỉ nghe thấy tiếng chị Như chào Nghiêm rồi mở cửa đi ra, phòng khách lại trở về vẻ yên tĩnh vốn có như lúc trước.
Kỳ thực, ban đầu thấy Nghiêm không bênh vực mình thì tôi cũng có chút thất vọng, nhưng về sau nghe anh ta chất vấn chị Như, tôi mới hiểu Nghiêm đứng về phía tôi. Chỉ là kết quả như này vẫn khiến lòng tôi ngổn ngang phức tạp, có rất nhiều điều thắc mắc, nhưng không tiện hỏi nên vẫn lặng lẽ đứng bên này nấu ăn, xong xuôi mới gọi Nghiêm qua dùng bữa.
Anh ta nhìn một lượt mấy đĩa thức ăn tôi nấu, sau đó lại nhìn đến bát canh: “Cô nấu canh cháo đấy à?”.
“Ban nãy tôi quên tắt bếp nên để sôi hơi lâu, nhưng mà không nhũn lắm đâu. Với cả anh bảo ăn được là được mà”
“Tôi bảo người ăn được, đâu bảo lợn ăn được?”
“Lợn làm gì được ăn sang thế này? Anh xem, canh có tôm này, có cả thịt nữa, chỉ là rau hơi nhũn thôi. Ở quê tôi lợn chỉ được ăn bèo thôi đấy”. Tôi chớp chớp mắt, thật thà bảo anh ta: “Hay là tôi xuống bảo đầu bếp nấu canh khác cho anh nhé?”
Nghiêm lườm tôi một cái sắc lẹm, rõ ràng không hài lòng nhưng vẫn hất hàm chỉ vào bát cơm, bảo tôi: “Xới cơm đi”.
Tôi gật đầu, xới một bát cơm đưa cho anh ta, sau đó cũng theo thói quen cũ đứng gọn sang một bên, chờ ông chủ ăn cơm và sai bảo. Thế nhưng chẳng hiểu sao anh ta vẫn soi mói: “Sao lại chỉ có một bát?”.
“Mình anh ăn mà. Hay là anh muốn mời thêm người đến ạ?”.
“Cô lấy bát ngồi ăn luôn đi, cô đứng nhìn chằm chằm như thế tôi không nuốt được”. Sau đó, thấy tôi chần chừ không muốn ngồi, anh ta lại hỏi: “Hay là cô bỏ thuốc gì vào đây nên mới không dám ăn đấy?”.
Tôi lững thững đi lấy bát, bĩu môi: “Anh đa nghi vừa thôi. Tôi mà muốn hại anh thì tối qua tôi đã để anh bị chìm dưới đầm sen hoặc là để đỉa cắn c.hế/t anh rồi. Đâu cần mất công về tận khách sạn nấu cơm rồi bỏ thuốc anh làm gì?”.
“Người không có đầu óc thường thích đi lòng vòng như thế, cô không thông minh cho lắm, cũng không biết được là cô chọn cách thức nào”.
Tôi không thèm tranh cãi với anh ta nữa, dù sao bụng tôi cũng đói, anh ta không cần tôi giữ phép tắc thì tôi cũng không cần khách sáo. Tôi kéo ghế ngồi đối diện với Nghiêm, xới thêm cho mình một bát cơm rồi ăn một lượt đồ ăn trên bàn, nhồm nhoàm nhai xong mới bảo:
“Tôi ăn rồi đây này”.
Người đàn ông bên kia hơi buồn cười: “Ăn từ từ thôi, để người khác nhìn thấy lại tưởng tôi bỏ đói cô”.
“Đang còn nóng, anh mau ăn đi, không đến lúc nguội không ngon nữa lại đổ lỗi cho tôi không biết nấu nướng”.
“Biết rồi”.
Đây là lần đầu tiên tôi ngồi ăn cơm với Nghiêm, kỳ thực, khi mới đến làm ở nhà anh ta thì tôi cảm thấy lúc anh ta ăn là áp lực nhất, còn nghĩ nếu như một ngày mình ngồi chung mâm với Nghiêm chắc là khó mà nuốt nổi. Thế nhưng hôm nay ăn cùng mới biết, hóa ra cũng không khó chịu như tôi tưởng, anh ta rất nghiêm túc ăn cơm, nhai nuốt từ tốn, thỉnh thoảng còn hỏi tôi món này là món gì, món kia chế biến ra sao.
Tôi nói: “Đây là cá nấu với tương bần, còn món ở cạnh anh là thịt kho cháy cạnh, cứ cho lên bếp nấu cho đến khi bén nồi là được”
“Ở quê cô hay ăn kiểu này à?”
“Không, lúc còn nhỏ, tôi với em tôi ăn cơm chan nước sôi. Ngày tết thì có thịt ăn nhưng thịt kho mặn lắm, một miếng ăn được cả một tô cơm. Sau này tôi với em tôi xuống Hà Nội thì tôi mới ăn kiểu này”. Tôi cười cười, định gắp cho anh ta một miếng cá, nhưng lại sợ Nghiêm chê đũa bẩn nên chỉ nói: “Anh thấy sao? Có ngon không?”
“Tàm tạm”. Ngừng lại vài giây, Nghiêm lại bổ sung thêm: “Nuốt được”.
Miệng thì nói tàm tạm, nhưng tay lại đưa bát cho tôi, bảo tôi xới thêm. Tôi biết thừa là anh ta thấy ngon nên mới ăn hai bát cơm, nhưng cũng không buồn vạch trần, chỉ im lặng ngồi ăn.
Tới khi ăn xong, tôi mới nói:
“Tôi biết lý do anh đưa tôi đến Huế lần này là gì rồi”.
Anh ta ngẩng đầu lên, cau mày nhìn tôi: “Là gì?”.
“Lúc đầu tôi không hiểu, cứ tưởng anh đưa tôi đi để làm việc chân tay. Nhưng ban nãy nghe được anh với chị Như nói chuyện, tôi mới biết là không phải. Tôi là một phần trong kế hoạch của anh, anh đưa người lạ như tôi đi cùng là để giăng bẫy chị Như, có đúng không?”
Hình như Nghiêm không hề bất ngờ vì tôi nhận ra điều này, anh ta vẫn bình thản đáp: “Nói tôi nghe thử xem, giăng bẫy là giăng bẫy thế nào?”.
“Là anh biết rõ nếu có tôi đi cùng, người kia sẽ tìm thấy đối tượng để đổ lỗi sau khi hại anh. Lúc đó, anh chỉ việc đứng xem và lừa người đó lộ mặt, là chị Như đúng không?”.
Nghiêm không trả lời, chỉ có ánh mắt không dời khuôn mặt tôi. Còn tôi thì vẫn tiếp tục nói:
“Khi anh nằm ở bệnh viện, anh Nhân có nói với tôi: Trước giờ anh đi công tác chưa từng xảy ra chuyện gì. Tôi đã nghĩ mãi, không hiểu sao lần đầu tiên tôi đi cùng thì lại xảy ra nhiều chuyện như thế, từ dị ứng mì chính đến gặp cướp. Mà từ trước đến nay nghe nói an ninh ở Huế luôn rất tốt, tôi với anh mới đến, có đen đủi thế nào thì cũng không thể vừa ra đến cổng khách sạn thì đã lên nhầm taxi và gặp cướp ngay được, việc này trùng hợp quá vô lý”.
“Cho nên?”.
“Cho nên nếu là người bình thường, ai cũng sẽ nghi ngờ tôi có vấn đề. Nhất là taxi do tôi gọi nữa”
“…”
“Nhưng nghĩ đi nghĩ lại, thì đây cũng là cái cớ hoàn hảo để đổ tội cho tôi. Theo như anh nói, vì trông tôi không được thông minh lắm nên người khác sẽ dễ nhắm đến làm đối tượng để đổ lỗi, đúng không?”.
Người đàn ông đối diện đặt đũa xuống bàn, không hề cười tôi như mọi lần, trái lại, vẻ mặt anh ta rất nghiêm túc trả lời: “Phải. Tôi đã nói người muốn hại tôi có rất nhiều, không dùng cách này thì sẽ dùng cách khác. Bọn họ ghét tôi, nhưng lại không dám công khai đối đầu với tôi, đổ lỗi cho người khác vẫn là phương pháp tối ưu nhất”.
“Vì vậy, cho nên anh đã biết đồ ăn có vấn đề, taxi cũng có vấn đề, biết cả người muốn hại anh sắp xếp mọi chuyện để đổ lỗi cho tôi, nhưng vẫn giả vờ không biết, để người đó mất cảnh giác rồi mới từ từ vạch trần. Bằng chứng là cuộc nói chuyện ban nãy giữa anh và chị Như, anh cứ luôn miệng nói không sao, không trách chị ấy, nhưng lại từng bước lừa chị ấy mắc bẫy, để chị ấy tự phải để lộ ra sơ hở. Tôi nói có phải không?”
Ánh mắt Nghiêm nhìn tôi đầy sâu xa, lại phảng phất như có chút hài lòng. Anh ta không phủ nhận, chỉ nói:
“Tôi chỉ biết đồ ăn có vấn đề. Còn taxi là do cô gọi, tôi không phải thần thánh để đoán trước được sẽ xảy ra chuyện gì trên taxi”
“Lúc đó anh cũng nghi ngờ tôi phải không?”.
“Ban đầu thì vậy, nhưng sau đó thì không. Trải qua một vài chuyện, tôi nhận ra cô tuy hơi ngốc, nhưng cô đáng tin”.
Tôi mỉm cười, chẳng rõ là anh ta đang khen hay mỉa mai mình, nhưng tự nhiên cảm xúc trong lòng lại lạnh đi quá nửa: “Dù sao cũng chúc mừng anh vì tốn công như thế, cuối cùng cũng tìm ra được người muốn hại mình. Chỉ là tôi muốn nói với anh một câu, dù tôi có hơi ngốc hay là hơi đần, thì tôi cũng không thích cảm giác phải làm bình phong để người ta xoay hết chiều này đến chiều khác, người thì đổ lỗi, người thì coi như công cụ lợi dụng. Không phải tôi không muốn giúp anh, mà là nếu anh nói ra thì tôi vẫn sẵn lòng làm theo những gì anh nói, công cụ hay con rối gì cũng được, nhưng biết trước thì tôi sẽ được chuẩn bị tâm lý, bị cướp hay là bị người ta suýt cư.ỡ/ng bức cũng không cần phải sợ hãi đến thế”.
“Không phải như vậy”. Đầu mày của anh ta càng nhíu chặt hơi, có vẻ bất đắc dĩ: “Chuyện bị cướp không nằm trong kế hoạch của tôi, có những việc không thể lường trước được. Nếu biết trước sẽ gặp tình huống như thế, chắc chắn tôi sẽ không làm”.
“Ừ, tôi hiểu. Lúc đó không chỉ mình tôi gặp nguy hiểm, anh cũng như thế mà. Không thể trách anh hoàn toàn được”.
Anh ta định nói gì đó, nhưng đúng lúc này điện thoại đặt trên bàn đổ chuông. Nghiêm nhìn màn hình rồi lại nhìn tôi, suy nghĩ vài giây rồi mới nhận máy. Anh ta ấn nút mở loa ngoài, giọng của anh Nhân lập tức vang lên:
“Anh Nghiêm, em đã theo dõi cô ta rồi. Cả ngày hôm nay cô ta vẫn sắp xếp việc với bên ekip tổ chức chương trình như bình thường, buổi tối thì lên phòng anh báo cáo công việc. Nhưng từ lúc ra khỏi phòng anh, cô ta có gọi điện thoại cho một người”.
“Ai?”.
“Chị gái của anh”.
Nghiêm lại theo phản xạ liếc tôi: “Nói những gì?”.
“Nói cô ta bị nghi ngờ, nhờ chị Thanh tìm cách xóa mọi dấu vết trong thời gian sớm nhất. Chị Thanh có nói là đã lo xong hết rồi, hai thằng trên taxi hôm qua cũng đang trên đường vào Gia Lai để chuẩn bị sang Campuchia. Không có ai tìm được thì sẽ không sao cả”.
“Báo công an chưa?”
“Em có liên hệ công an và biên phòng ở cửa khẩu rồi. Bắt được chúng trên đường thì tốt, còn nếu không thì biên phòng sẽ đón lõng và tóm ở cửa khẩu”.
“Cứ theo dõi sát bọn chúng đi, có tin tức gì thì báo cho tôi”.
“Vâng. Còn Như thì sao ạ? Có cần em đưa bằng chứng việc cô ta làm ra công an luôn không anh?”.
“Không cần”. Nghiêm cười nhạt: “Đánh hơi thấy có chuyện, chị gái tôi sẽ xử lý còn nhanh hơn tôi. Chuyện của cô ta, cứ để người thuê cô ta giải quyết đi”.
“Vâng, em hiểu rồi”.
Cúp máy xong, anh ta đặt điện thoại sang một bên rồi ngẩng lên nói với tôi: “Nghe thấy rồi chứ?”.
“Tôi nghe hết rồi, nhưng không hiểu anh muốn nói về chuyện gì?”.
“Chuyện mà cô đang nghĩ, hoặc là cô đang cảm thấy buồn cười”.
Thực ra tôi không hề cảm thấy buồn cười, mà chỉ là có hơi thắc mắc. Từ nhỏ đến lớn, tôi cứ nghĩ chị em trong gia đình phải đùm bọc yêu thương lẫn nhau, giống như tôi và Hoài vậy. Không ngờ rằng trong một gia đình hào môn, người muốn hại Nghiêm, thậm chí là đẩy anh ta vào chỗ c.hế/t lại chính là chị gái của anh ta.
Chẳng trách anh ta tốn nhiều công sức vạch ra kế hoạch như thế, còn kéo cả tôi vào, hoá ra không phải chỉ để tóm được một thư ký cỏn con như chị Như, mà là người đứng sau đó.
Tất nhiên, người nghèo như tôi không thể hiểu được sự tương tàn nội tộc của người giàu, cho nên cuối cùng tôi chỉ đáp:
“Tôi không thấy buồn cười, chỉ cảm thấy kỳ lạ thôi. Mà chắc là vì cuộc sống của tôi khác anh, tôi không sinh ra trong gia đình như anh nên không hiểu được”.
“Tôi nói rồi, người muốn hại tôi có nhiều lắm”. Anh ta mỉm cười rất nhạt, gương mặt dưới ánh sáng đèn điện vẫn trắng trẻo sạch sẽ, nốt ruồi lệ nổi bật nơi khóe mắt, nhưng nhìn vào lại có cảm giác rất lạnh lùng đơn độc: “Cho nên từ trước đến nay tôi luôn không tin tưởng bất kỳ ai. Tôi không nói trước với cô mọi chuyện cũng có một phần lý do như vậy, dù sao chúng ta cũng mới chỉ quen nhau 3 tháng, tôi suy nghĩ thế không sai chứ?”.
Tôi gật đầu: “Không sai”.
“Nhưng nếu biết trước cô cũng sẽ gặp nguy hiểm, tôi sẽ không kéo cô vào chuyện này. Ninh, chỉ cần cô không hại tôi, chắc chắn tôi sẽ không bao giờ làm hại cô. Sau khi quay về Hà Nội, ngoài những tiền thưởng đã thỏa thuận, tôi sẽ đền bù cho cô một khoản nữa, cô cứ nói một con số đi”.
Lần này, đến lượt tôi cười nhạt: “Không cần đâu, tôi nhận đủ rồi”.
Sau đó, cả tôi và anh ta không nói chuyện nữa, tôi im lặng dọn đồ ăn, Nghiêm thì quay lại phòng làm việc, cho đến khi tôi về phòng mình cũng không nói thêm với anh ta câu nào.
Ngày hôm sau cả đoàn chúng tôi dậy rất sớm để đến trường quay tham gia dự phần thi chung kết chương trình Vinh danh nhân tài toán học. Tôi để ý thấy chị Như vẫn đi cùng đoàn, vui vẻ chu đáo chuẩn bị mọi thứ, còn đi cùng Nghiêm đến gặp các vị lãnh đạo tỉnh. Người ngoài nhìn vào chắc chắn không ai biết giữa bọn họ đã xảy ra chuyện gì, chỉ có tôi thấy chị Như vẫn diễn giỏi như vậy thì tự nhiên lại cảm thấy lòng người quá đáng sợ.
Đang đứng ngẩn người thì bỗng dưng anh Nhân tiến đến vỗ vai tôi:
“Nhìn gì thế Ninh?”
“À… Em đang xem mọi người chuẩn bị, 9h mới bắt đầu thi hả anh?”.
“Ừ, 9h thi. Khoảng trước 9h thì đoàn mình vào ngồi ghế đại biểu. Tý nữa ngồi xem với vỗ tay thôi, đến khi thi xong thì sếp Nghiêm sẽ lên để trao tặng hoa và quà”.
“Vâng, em đứng nhìn nãy giờ mà không thấy có việc gì để làm. Đứng không thì ngại quá”.
“Ngại gì đâu, bên trong có người makeup đấy, mấy bạn nữ đi cùng đoàn đang make up bên trong đó, em vào trang điểm chút cho rực rỡ”. Anh Nhân cười cười: “Bình thường em xinh rồi, nhưng tý nữa còn có người quay phim, rồi còn lên tivi nữa. Trang điểm tý cho càng xinh hơn chứ?”.
“Thôi, em mà trang điểm thì thành diễn viên hề luôn đấy. Em đứng ngoài này xem có việc gì lặt vặt để phụ mọi người thôi. Anh không phải làm gì ạ?”.
“Không, cũng chờ đến giờ rồi vào ngồi ghế đại biểu thôi mà. À, thẻ đại biểu của em này”.
Anh Nhân đưa cho tôi đeo một tấm thẻ đại biểu, chỉ ghế ngồi cho tôi, sau đó đến gần 9h tôi mới thấy Nghiêm quay về trường quay. Anh ta đi cùng chị Như và đoàn lãnh đạo tỉnh, không cần phải đeo thẻ cũng nghiễm nhiên được ngồi ở hàng ghế ưu tiên cho khách VIP.
Bọn tôi ngồi ở hàng ghế ngay phía sau Nghiêm, suốt cả buổi chỉ ngồi xem rồi vỗ tay cho đúng thủ tục. Mọi người hình như đã tham gia nhiều chương trình thế này nên không hào hứng lắm, chỉ có tôi là ít được học, cũng chưa bao giờ được tận mắt thấy nhiều em học sinh giỏi và tính nhanh thế này nên rất nghiêm túc ngồi xem, trong mắt hay trong lòng đều không giấu được vẻ ngưỡng mộ.
Tới lúc có một em học sinh giỏi trả lời câu hỏi cuối cùng, trả lời quá nhanh và quá giỏi khiến cả hội trường đều đứng dậy vỗ tay rần rần, tôi cũng phấn khích quá nên cũng đứng dậy vỗ tay theo. Mấy giây sau, đột nhiên lại có cảm giác ai đó đang nhìn mình, cúi xuống mới thấy chị Như và hai bạn nữ kia đang nhìn tôi bằng ánh mắt vừa coi thường vừa quái gở.
Mặt tôi lập tức đỏ lựng lên, lúc này mới nhớ ra mình đang ngồi ở hàng ghế đại biểu, ngại quá nên lập tức ngồi lại xuống ghế. Đúng lúc này thì có tiếng vỗ tay ở hàng ghế phía trước vang lên, ngước lên mới thấy người vỗ tay là Nghiêm. Mấy lãnh đạo tỉnh ngồi bên cạnh anh ta thấy vậy cũng ngượng ngập vỗ tay, đám nhân viên bên dưới ban nãy vừa mỉa mai nhìn tôi, bây giờ cũng nịnh nọt vỗ tay theo rần rần.
Anh Nhân thấy vậy mới ghé tai tôi nói nhỏ: “Đúng là có sếp che chở có khác, ban nãy không ai vỗ tay, mà anh Nghiêm vỗ tay cái thì cả hội vỗ tay theo rần rần. Này, cái hôm bị cướp đó em đã làm gì mà tự nhiên sếp công khai ra mặt bảo vệ em thế hả?”.
Nhờ có Nghiêm mà cục diện thay đổi chóng mặt như vậy, tôi cũng cảm thấy ngạc nhiên c.hế/t đi được. Tôi lắc đầu bảo anh Nhân: “Em có làm gì đâu? Chắc tại em học sinh kia trả lời hay quá nên anh Nghiêm vỗ tay thôi”.
“Xuỳ, bình thường làm gì có chuyện đấy. Trừ khi giới thiệu tên của lãnh đạo khác, hoặc giới thiệu về tập đoàn tài trợ thì mới vỗ tay thôi. Thường là không vỗ tay khi có học sinh trả lời đúng, như thế là thiên vị đấy”. Anh Nhân nhìn tôi đầy ẩn ý: “Thế nên anh mới bảo sếp Nghiêm thiên vị em mà”.
“Không phải đâu, anh đừng nói linh tinh. Quay lên xem đi, sắp đến tiết mục trao phần thưởng rồi kia kìa”.
Anh Nhân không nói nữa, cứ tủm ta tủm tỉm cười, tôi thì mắt dán lên khán đài nhưng lòng thì cứ nhộn nhạo hết cả lên. Như kiểu ngạc nhiên, cũng như kiểu thầm biết ơn vì sau mấy ngày đi cùng bị mấy chị nhân viên trong tập đoàn cô lập, có ‘ông chủ’ đứng về phía mình nên đỡ tủi thân đi nhiều vậy.
Kết thúc cuộc thi, Nghiêm đại diện cho tập đoàn Vĩnh Nghiêm lên trao tặng cho thí sinh chiến thắng một suất học bổng trị giá 4 tỉ đồng, một phần quà bằng tiền mặt trị giá 1 tỉ, sau đó, tôi còn nghe nói Vĩnh Nghiêm tài trợ hẳn một công viên tại một khu đất đắc địa cho tỉnh.
Bởi vì trước giờ tập đoàn Vĩnh Nghiêm tài trợ rất nhiều nên từ lãnh đạo tỉnh cho đến ekip chương trình đều vô cùng nhiệt tình mời anh ta ở lại dùng bữa. Tuy nhiên, bởi vì công việc ở Hà Nội còn bề bộn nên chúng tôi phải lên máy bay trở về ngay chiều hôm đó.
Đi tận 3 ngày nên khi về đến nơi là tôi định bắt Grab về bệnh viện với Hoài luôn. Nhưng chẳng rõ Nghiêm phân phó điều gì mà anh Nhân lại bảo tôi: “Để anh chở em về”.
“Thôi, giờ cũng muộn rồi, em đi Grab cho tiện, đỡ mất công anh đi đi lại lại. Anh cứ về đi”
“Đêm hôm đi Grab nguy hiểm lắm. Lần ở trong Huế còn chưa sợ hả? Đằng nào anh cũng lấy xe ra rồi, lên xe đi, anh chở về”.
Tôi ngơ ngác nhìn lên tầng cao nhất của tập đoàn Vĩnh Nghiêm, thấy phòng của Nghiêm vẫn còn sáng đèn mới hỏi: “Anh không chờ để chở anh Nghiêm về à?”.
“Sếp giải quyết công việc có mà nửa đêm mới xong. Anh đưa em về rồi quay lại đây chờ anh ấy”
Anh Nhân đã nói thế nên tôi không từ chối nữa, lên xe để anh ấy chở đến bệnh viện. Trên đường đi, anh Nhân có hỏi Hoài bị thế nào, còn chữa được nữa không, khi tôi bảo bác sĩ nói cơ hội để em tôi có thể vận động lại như trước rất khó, anh Nhân mới bảo:
“Anh thấy bệnh viện phục hồi chức năng bên Ý khá giỏi đấy, nếu có điều kiện thì xem cho em gái đi thử xem”
“Vâng, nhưng chắc là chi phí đắt lắm, em cũng muốn, nhưng không dám mơ đến đâu”.
“Ôi đời người nghèo thì lâu, nhưng giàu thì nhanh ấy mà. Biết đâu sau này em lại giàu, có tiền cho em gái đi chữa bệnh ấy chứ. Cứ lạc quan lên”
Tôi cười: “Vâng, em cảm ơn anh”.
Lúc tôi về đến bệnh viện thì Hoài đã ngủ rồi, nhưng con bé ngủ rất tỉnh, nghe thấy tiếng động là mở mắt luôn. Thấy tôi mới khẽ reo lên: “Chị về rồi à? Sao bảo mai mới về mà đã về rồi? Có mệt không chị?”
“Không, đi máy bay về không say như lúc đi. Chị có mua quà cho em này”
“Quà gì thế ạ?”
“Mè xửng Huế đấy, ngon lắm”.
Nhìn thấy mè xửng, con bé sung sướng cười tít cả mắt, rõ ràng đêm muộn rồi không nên ăn đồ ngọt, mà thấy em như vậy tôi cũng phải bóc ra, đút cho nó ăn một cái mè xửng to đùng.
Hoài nhồm nhoàm ăn rồi cứ khen ngon, xong lại hỏi tôi mấy ngày vào Huế thế nào, cũng hỏi anh Nghiêm thế nào. Tôi không dám nói với nó việc mình lên nhầm taxi của bọn cướp, chỉ bảo mọi việc vẫn tốt, Huế rất đẹp, Nghiêm thì bận rộn cả ngày nên không có gì để nói cả.
Hoài bảo: “Em có xem chương trình đấy, em thấy anh Nghiêm lên trao phần thưởng, em thấy cả chị ngồi ở dưới nữa. Chị ơi, anh Nghiêm oai nhỉ? Oai ơi là oai ấy, được lên trao phần thưởng, còn được mọi người cảm ơn nữa”.
“Thì người ta là tổng giám đốc tập đoàn Vĩnh Nghiêm mà”
“Chắc nhiều tiền lắm chị nhỉ? Toà nhà Vĩnh Nghiêm to thế cơ mà. Còn tài trợ cả cho chị đi học nữa. Ai mà lấy được anh Nghiêm chắc cả đời không phải lo cơm áo gạo tiền, chỉ việc tiêu tiền thôi chị nhỉ?”.
Tôi lườm con bé: “Còn nhỏ mà toàn nghĩ linh tinh gì đấy, người ta lấy ai kệ người ta chứ. Quan tâm làm gì”.
“Tại dạo này em hay đọc truyện ngôn tình, soái ca nhà giàu hay lấy lọ lem con nhà nghèo nên em mới liên tưởng đến đấy. Anh Nghiêm cũng là soái ca còn gì, này nhé, vừa cao to đẹp trai, vừa là con nhà giàu, lại làm tổng giám đốc nữa. Anh ấy còn hơn cả soái ca trong truyện ấy”.
Tôi khẽ xuỳ một tiếng, nghĩ thầm nếu Hoài biết công tử nhà giàu như anh ta khó tính và thích soi mói ra sao, lòng dạ thâm sâu thế nào, chắc hình tượng soái ca trong lòng nó sẽ sụp đổ không còn một mẩu.
Mỗi tội có những chuyện tôi không tiện nói nên chỉ bảo nó: “Được rồi, ngủ đi. Chị cũng tắm rửa còn đi ngủ sớm, mai đi làm nữa”
“Vâng”.
Ngày hôm sau, tôi vẫn đến biệt thự của Nghiêm làm việc như bình thường, mối quan hệ của tôi và anh ta cũng rất bình thường. Tức là nếu có việc thì tôi sẽ nói, không có thì tôi sẽ âm thầm làm công việc của mình, tất nhiên, so với lúc ở Huế thì tôi không còn tự nhiên thoải mái giao tiếp với anh ta nữa.
Chẳng rõ có phải vì quay về thân phận ông chủ và quản lý, hay là vì vẫn còn để bụng chuyện anh ta lợi dụng tôi để làm bình phong hay không, nhưng tôi cứ thấy trong lòng có khúc mắc nên mới thành ra như vậy.
Nghiêm cũng không nói gì, chỉ là đến cuối tháng đó, khi vừa đến giờ tan làm, tôi định lấy xe đạp về thì anh ta mới gọi tôi lại:
“Này”.
Ngoảnh đầu lại mới thấy Nghiêm đang đi từ cầu thang xuống, trên tay cầm một phong bì đưa cho tôi: “Tiền thưởng tháng này của cô”.
Tôi nhận lấy, lịch sự nói một câu ‘Cảm ơn’. Anh ta lại nói: “Mỗi cảm ơn thôi à? Có tiền thưởng thì cũng nên mời người cứu cô vài que kem mới gọi là có lòng chứ?”
“Cũng được ạ. Để tôi đi mua về. Anh muốn ăn kem vị gì?”.
“Đi cùng đi. Tiện thể ra ngoài vận động luôn khoẻ mạnh”.
Tôi gật đầu, cũng lười nói đùa với anh ta như mọi lần mà chỉ bảo: “Thế thì đi thôi, đi sớm tôi còn về sớm nữa, đi đường buổi tối muộn không an toàn”.
Nghiêm khẽ ‘Ừ’ một tiếng rồi lững thững đi theo tôi, chúng tôi ra siêu thị đầu phố mua mấy que kem, vừa đi vừa ăn, không biết nói gì nên không khí hơi ngượng ngập.
Lúc quay về đến biệt thự, tôi định mở miệng chào thì Nghiêm lại nói: “Vẫn để bụng chuyện lần trước à?”
“Không, chuyện qua rồi, tôi cũng không nghĩ đến nữa”.
“Thật không?”.
“Thật mà. Anh có lý do của anh, chuyện bị cướp anh cũng không biết trước, tôi không để bụng đâu”.
“Không để bụng thì tốt”. Anh ta cười, hất hàm chỉ về phía chiếc xe đạp điện dựng ở trước cổng biệt thự từ ban sáng: “Hôm qua tôi vừa lôi được từ trong nhà kho ra chiếc xe đạp điện kia. Để lâu không đi nên hỏng bình, tôi thay rồi, giờ vẫn đi được tốt. Nhưng cứ vứt xó mãi thì kiểu gì cũng hỏng, nên cô lấy đi đi”.

Yêu thích: 4 / 5 từ (1 thả tim)
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN