Yêu Hận Tựa Như Núi - Phần 13
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
15


Yêu Hận Tựa Như Núi


Phần 13


Sáng giờ tôi cứ thấy chiếc xe này dựng ở đây, cứ tưởng của ai nên không để ý. Giờ nghe Nghiêm nói vậy mới biết xe đạp điện đó là của anh ta, nhưng tự nhiên anh ta bảo tôi dùng thì tôi vẫn thấy ngại.
Tôi bảo: “Tôi có xe đạp rồi, với cả tôi chưa đi xe đạp điện bao giờ nên không biết đi. Hay là anh cho người khác đi”.
“Đi xe đạp điện thì có khó gì, ngồi lên xe, mở máy rồi vặn ga là tự nó đi”. Anh ta lững thững đi lại gần chiếc xe đạp điện, vặn khóa rồi quay đầu bảo tôi: “Lại đây, nhìn đây này”.
Tôi cũng tò mò đi lại, lúc đến gần, Nghiêm mới chỉ từng công tắc trên xe, chỉ cả tay phanh lẫn tay ga: “Cái này là phanh, khi cần phanh thì bóp từ từ là xe sẽ dừng lại, đừng bóp mạnh, bóp mạnh là nó khóa bánh đột ngột, ngã đấy”.
“…”
“Còn cái này là tay ga, ngồi lên xe, vặn ga từ từ là xe sẽ tự đi, biết không?”.
Tôi ù ù cạc cạc gật đầu, suy nghĩ thế nào lại nói: “Nhưng tôi vẫn sợ lắm”.
“Sợ gì? Tôi đi trước một vòng cho cô xem, nhìn kỹ nhé?”.
Nói rồi, anh ta ngồi lên xe, vặn khóa lại từ đầu, kiểm tra phanh rồi hỏi tôi đã nhớ hết vị trí của các công tắc chưa, sau khi tôi gật đầu mới từ từ lái xe đi.
Chân Nghiêm dài, người anh ta cao lớn nên ngồi trên chiếc xe đạp điện bé tý trông có hơi buồn cười, tôi có cảm giác giống như châu chấu cưỡi voi vậy. Nghiêm thì không biết trong lòng tôi đang nghĩ gì, đi xong một vòng rồi quay lại chỗ tôi:
“Thấy chưa? Cứ leo lên xe là đi được, nhớ không ga mạnh và bóp phanh gấp thì không sao cả”
“Vâng”
“Lên đây đi thử một vòng xem”.
Chắc vì tôi thích xe đạp điện quá, hoặc vì lời nói của anh ta có sức thôi miên nên tôi cũng ngoan ngoãn nghe lời. Trèo lên xe rồi từ từ vặn ga.
Lúc bắt đầu đi mới biết xe đạp điện không hề khó đi như tôi tưởng, đúng như Nghiêm nói, chỉ cần vặn ga là có thể đi được. Tôi đi thật chậm ở con đường dài trước nhà, Nghiêm thì đi bộ bên cạnh tôi, chân anh ta dài nên tốc độ cũng khá nhanh, dường như không bị tôi bỏ xa là mấy.
Tôi thích thú reo lên: “Tôi đi được rồi này. Xe đạp điện này nhẹ thế, không cần đạp mà cũng đi được”.
“Ấu trĩ”. Anh ta nhỏ giọng mắng mỏ: “Nhìn đường vào, đừng nhìn xe”.
“Tôi đi nhanh hơn một tý được không?”.
“Đi đi”.
Tôi bắt đầu vặn ga nhanh hơn, xe cũng đi nhanh, Nghiêm không đi bộ theo nữa mà chỉ đứng một chỗ nhìn tôi. Lát sau, khi tôi quay lại, tôi mới bảo: “Anh ngồi lên đây, tôi thử chở anh đi một vòng xem”.
“Cô chắc chắn chở được tôi không?”.
“Chắc chắn. Tôi đi nãy giờ không sao mà. Với cả có anh ngồi sau, có gì anh còn chỉ cho tôi”
Mặc dù tôi khẳng định chắc nịch như vậy nhưng anh ta vẫn nghi ngờ, Nghiêm lẩm bẩm bảo chỉ tin tôi lần này, sau đó cũng phải miễn cưỡng trèo lên xe, ngồi ở ngay sau lưng tôi.
Tôi bảo anh ta ngồi vững rồi bắt đầu vặn ga tiến về phía trước, buổi tối trong tiểu khu yên tĩnh, đường vừa sạch sẽ vừa rộng rãi thênh thang, hai người chúng tôi ngồi trên chiếc xe đạp điện phóng đi khắp nơi, không khí mát mẻ thổi bay mái tóc, như tràn vào cả trong phổi.
Tôi bắt đầu mạnh tay vặn ga hơn, hào hứng nói: “Phóng nhanh thích thế, mát ơi là mát”.
“Thế này thì nhanh gì? Thích mát thì hôm sau tôi cho cô đi theo đến một nơi, đảm bảo mát đến mức cô không mở mắt nổi”.
“Đi đâu thế? Tôi không đi Huế nữa đâu”.
“Ai bảo đi Huế? Ở ngay ngoại thành thôi”.
Tôi định hỏi anh ta rút cuộc là đi đâu, nhưng đúng lúc này có một con mèo từ lùm cây chạy cắt ngang sang đường. Tôi giật mình vội vàng phanh dúi phanh dụi, Nghiêm cũng quát to: “Đừng phanh”.
Nhưng lời anh ta vừa dứt thì bánh trước của xe cũng ngay lập tức bị bó cứng, thân thể tôi vẫn theo quán tính lao về phía trước, bay qua đầu xe. Lúc đó đã xác định kiểu gì cũng sẽ đập mặt xuống đường và đi vài chiếc răng rồi, nhưng may sao Nghiêm tóm tôi lại kịp, anh ta giữ chặt lấy eo tôi, trước khi tôi cắm mặt xuống đất thì đã ôm tôi ngã lăn lông lốc vào lùm cây.
Khi đó tôi chỉ nghe ‘Bịch’ một tiếng, tiếp theo là những âm thanh va đập và tiếng cành cây gãy răng rắc. Vai tôi bị đau đến không thở được, nhưng các phần khác không sao cả, người đàn ông kia hình như hứng trọn xung lực do bị ngã xuống, cho nên khi dừng lại rồi, tôi mới nghe tiếng anh ta khẽ rên lên.
Tôi hốt hoảng nhìn Nghiêm: “Anh không sao chứ? Có đau lắm không?”.
Anh ta nhăn nhó buông tôi ra, cúi đầu nhìn cổ tay bị cành cây cào vào rách một đường, chảy cả m.áu: “Đã bảo cô đừng bóp mạnh phanh rồi, sao cô không nghe?”.
“Tôi bị giật mình, quên mất. Tôi xin lỗi”. Nói xong, tôi vội vàng túm lấy tay anh ta: “Tay anh bị chảy m.áu rồi, anh xem còn chỗ nào đau nữa không? Về đi, về tôi gọi bác sĩ đến kiểm tra cho anh”.
“Chảy có tý má/u thì gọi bác sĩ gì?”. Nghiêm vẫn hậm hực bảo tôi: “Đỡ tôi dậy”.
Tôi khoác tay anh ta lên vai rồi gồng sức đứng dậy, Nghiêm cũng đứng dậy theo tôi. Người anh ta nặng nên tôi phải tốn rất nhiều sức mới dìu đi được, cái tên công tử kia thì vẫn không hài lòng, còn soi mói: “Bảo thường xuyên lao động chân tay mà yếu như sên thế?”.
“Tại anh nặng chứ. Anh có đi được nữa không? Chân không sao chứ?”.
“Không”
“Thế thì tôi chở anh về bằng xe đạp nhé? Giờ vứt xe ở đây cũng không được, mà đi bộ thì xa lắm. Anh bị ngã đau như thế không đi bộ xa thế được đâu”.
Nghiêm tròn mắt nhìn tôi: “Cô nói thật đi, có phải người muốn hại tôi c/hế.t nhất là cô không?”.
“Làm gì có, tôi đã bảo tại tôi nhìn thấy con mèo nên mới bị giật mình đấy chứ. Với cả ban nãy tôi cũng ngã mà. Nếu c.hế.t thì tôi là người c.hế/t đầu tiên, sau đó mới đến lượt anh đấy”.
“Đầu óc như cô chắc chỉ nghĩ được biện pháp cảm tử, kéo tôi c.hế/t chung”.
Tôi xùy một tiếng, không thèm chấp anh ta mà chỉ bảo Nghiêm đứng chờ tôi một lát, sau đó chạy lại dựng chiếc xe đạp điện nằm chỏng chơ dưới đất lên, dắt lại gần anh ta.
Tất nhiên lần này Nghiêm không dám để tôi chở nữa, anh ta bảo tôi ngồi sau, còn anh ta tự lái về nhà. Tôi thấy anh ta đau nên không yên tâm, nhưng cái gã kia cứ khăng khăng như vậy nên tôi đành phải nghe theo.
Rút cuộc, lúc quay về thì người bị thương lại chở người không bị thương ngồi trên xe đạp điện, tay Nghiêm bị đau nên lái hơi loạng choạng, tôi phải bấu chặt vào vạt áo anh ta, sợ đến vã mồ hôi hột: “Anh lái được thật không? Hay là anh tin tôi thêm lần này đi, tôi chở anh về, tôi không bóp phanh đột ngột nữa đâu”.
“Tôi tin cô thêm lần nữa thì chắc không còn mạng mà về. Ngồi yên đi”.
“Tay anh còn chảy m/áu không?”
“Tức quá nên khô má/u luôn rồi”.
Anh ta hậm hực như vậy nên tôi cũng không hỏi nữa, nhưng lát sau nghĩ lại, tôi thấy lần ở trong Huế tuy Nghiêm có lợi dụng tôi, nhưng anh ta cũng bênh vực tôi trước mặt người khác, bây giờ còn cho tôi xe đạp điện, lúc bị ngã cũng chấp nhận chịu đau để đỡ tôi thế này, cho nên tôi cũng không muốn để bụng chuyện cũ nữa, chuyện cũ khúc mắc cũng không giữ trong lòng nữa.
Tôi im lặng một lúc lại nói: “Xe đạp điện này lúc trước là của anh à?”.
“Không, cũng chẳng nhớ của ai, để trong gara lâu rồi. Hôm qua xuống xem mới thấy”.
“Sao lần trước tôi xuống gara không thấy nhỉ?”
“Thế mắt cô thấy được những gì?”
“Toàn xe ô tô kiểu gì ấy”
“Kiểu gì là kiểu gì?
“Anh muốn tôi nói thật hay nói dối?”.
“Nói thật nghe thử xem”.
Tôi nghĩ nghĩ vài giây, cũng không hiểu rõ về xe cộ nhưng vẫn quyết định thành thật: “Trông thấp lè tè như xe đồ chơi ấy, mà trông còn xấu nữa”
Vẻ mặt Nghiêm không biết nên khóc hay nên cười, anh ta nghiến răng bảo tôi: “Gu thẩm mỹ của cô đúng thật khác người”.
“Anh bảo tôi nói thật mà”.
“Ngồi vững vào”
Xe chạy một lúc cũng về đến nhà, Nghiêm để xe ngoài cổng, tôi lại lẽo đẽo theo anh ta vào bên trong, lăng xăng chạy đi lấy hộp dụng cụ y tế.
Tôi bảo Nghiêm gọi bác sĩ, nhưng anh ta cứ nhăn nhó bảo không sao, cuối cùng tôi phải tự tay sát khuẩn vết thương và băng bó lại cho anh ta.
Lúc này, nhờ có ánh sáng đèn điện trong nhà nên tôi thấy gương mặt của anh ta cũng bị cành cây cào vào xước vài vết, không sâu lắm, nhưng vết thương hơi đỏ lên, vẫn bắt buộc phải sát khuẩn.
Mặc dù động chạm vào mặt anh ta làm tôi hơi ngại, nhưng đắn đo một lúc vẫn đưa tay lên dùng bông lau mặt cho Nghiêm. Anh ta khẽ nhíu mày, theo phản xạ định tránh đi, nhưng nghĩ sao lại ngồi yên để cho tôi sát khuẩn.
Tôi không nhìn vào mắt anh ta, chỉ lẩm bẩm nói: “Này, cảm ơn nhé?”.
“Vì chuyện gì?”.
“Vì dạy tôi đi xe đạp điện”.
“Tại đầu óc cô không nhanh nhẹn, nên tôi mới phải dạy”.
Tôi không thèm chấp, chỉ cười: “Ừ, đầu óc anh đôi khi cũng có nhanh nhẹn đâu. Lúc bị ngã phải tránh đi chứ, ai lại kéo tôi ngã vào bụi cây rồi bị thương thế này”
“Đó là vì tôi là đàn ông”.
“Da dày thịt béo, đỡ đau hơn tôi hả?”.
Anh ta liếc tôi: “Chắc thế”.
Tôi vứt mấy miếng bông vào thùng rác, tháo găng tay xong xuôi, lại nhặt thêm mấy viên thuốc kháng sinh đưa cho Nghiêm: “Da dày nhưng bị thương vẫn dễ nhiễm trùng đấy, tôi sát khuẩn rồi, nhưng anh phải uống thêm kháng sinh vào. Nếu sợ tôi ám sá/t anh thì anh gọi cho bác sĩ đi, hỏi chú ấy xem uống loại này có được không? Tôi thấy trong hộp y tế có loại này tốt nhất”.
Nghiêm nhìn mấy viên kháng sinh màu đỏ trên tay tôi, khẽ nhíu mày: “Sao cô biết loại này tốt nhất?”.
“Bình thường tôi ốm, toàn ra hiệu thuốc tự mua thuốc mà, có bác sĩ riêng như anh đâu. Với cả em tôi cũng hay phải dùng kháng sinh, nên tôi biết loại thuốc này. Anh gọi cho bác sĩ hỏi xem sao đi”
Anh ta không gọi bác sĩ, chỉ cầm lấy mấy viên thuốc rồi cho luôn vào miệng, tôi lại lật đật đi lấy nước. Nghiêm uống xong mới nói: “Vài viên thuốc cần hỏi bác sĩ làm gì? Đằng nào với trình độ của cô cũng không ám sá/t tôi được. Tôi uống xong rồi đấy, cô về đi”.
“Anh chắc chắn là không sao đấy chứ?”.
“Không”.
“Thế thì tôi về đây”
Đặt lại hộp dụng cụ y tế về chỗ cũ xong xuôi, tôi mới mở cửa định đi về. Nhưng hình như Nghiêm lại nhớ ra một chuyện nên gọi tôi, bảo tôi hôm nay cứ đi xe đạp cũ về trước, đợi mấy hôm nữa tập xe điện thành thạo rồi hãy đi.
Tôi cũng nghĩ với trình độ của tôi thì tạm thời không đi xe được xe đạp điện ra ngoài đường lớn thật, nên ngoan ngoãn gật đầu, chào anh ta rồi lững thững ra về.
Ai ngờ lúc ra đến cổng thì lại thấy xe của ‘mẹ hai’ của Nghiêm đỗ trước cửa, tôi lịch sự chào chị ta. Chị Ngọc không đáp lại mà chỉ nhìn chòng chọc tôi từ đầu đến chân một lượt: “Làm cái gì mà về muộn thế? Bình thường 10h tan làm rồi cơ mà?”.
“Em làm nốt việc nên về hơi muộn ạ”. Tôi nói dối: “Chị đến chơi à?”.
“Rảnh đâu mà đến chơi. Lần trước bảo theo dõi mấy con kia sao không có phản hồi gì? Kết quả thế nào rồi?”.
“Em không thấy có gì lạ cả, mọi người vào đó chỉ làm việc bình thường thôi ạ”
“Thật không đấy? Tôi thấy cô cứ có vẻ lấp liếm không đáng tin. Hay là chính cô mới là người có ý với Nghiêm?”
Tôi cười: “Người giúp việc như em có ý với anh Nghiêm thì cũng không bao giờ với tới được anh ấy đâu ạ, chắc chị nghĩ hơi xa rồi”.
“Biết thế thì tốt, tốt nhất là nên tự biết thân phận mình ở đâu, đừng có cố với cao làm gì. Người thông minh là người biết thức thời, biết phải đứng về phe ai mới có lợi, hiểu không?”.
“Vâng ạ. Muộn rồi, em về đây, em chào chị ạ”.
Nói xong, tôi còn gật đầu chào chị ta thêm một cái rồi đạp xe đi về, lát sau vô tình quay đầu lại mới thấy chị Ngọc ấn mật mã mãi trên cửa cổng nhưng không mở được, lại bực tức đập vào bảng điều khiển mấy cái, cửa vẫn không xi nhê, chị ta mới rút điện thoại ra.
Di động trong túi tôi rung lên ngay sau đó, không cần mở ra cũng biết là ai gọi nên tôi cố ý không nghe máy, chỉ cong mông đạp thật nhanh về nhà. Chị Ngọc gọi 3, 4 cuộc không được thì cũng không gọi nữa, chẳng biết sau đó có tìm được cách gì để vào nhà không, nhưng tôi đoán cả biệt thự được lắp hệ thống an ninh khắp nơi như thế, chị ta muốn trèo tường vào cũng khó.
Hơn nữa, không chỉ có mật khẩu cửa cổng, mà cả mật khẩu cửa vào nhà lẫn phòng ngủ của Nghiêm cũng đã được đổi rồi, anh ta chỉ cho mỗi mình tôi biết, nghĩa là không muốn để ‘mẹ hai’ của mình vào nhà, tôi mà đi bép xép với bà Ngọc kia thì kiểu gì anh ta cũng lột da tôi mất.
Thế nên chuồn vẫn là thượng sách!
Có điều, tối hôm đó về đến bệnh viện, Hoài ngủ say rồi mà tôi vẫn thao thức mãi không chợp mắt được. Lúc trước tôi chỉ thấy quan hệ mẹ kế – con chồng trong gia đình Nghiêm quá loạn luân, nhưng sau chuyến đi Huế kia, biết một vài điều chị gái của anh ta làm, bỗng dưng tôi lại cảm thấy rất tò mò về gia thế của Nghiêm.
Cho nên tôi mới thử google về tập đoàn Vĩnh Nghiêm, thấy trên báo viết rất nhiều về việc kinh doanh của tập đoàn, còn gia thế của lãnh đạo Vĩnh Nghiêm thì lại rất ít, tìm mòn cả mắt mới thấy được hai bài báo viết về gia đình Nghiêm. Trong đó có một bài ghi chủ tịch tập đoàn Vĩnh Nghiêm có vợ cũng là con gái của một gia đình hào môn thế gia khác, bọn họ sinh được hai người con, chị gái đầu của Nghiêm tên là Trần Vĩnh Thanh, đang nắm trong tay 15% cổ phần tập đoàn và quản lý vài công ty con, còn con trai thứ là Trần Đại Nghiêm hiện nay đang có 20% cổ phần, cũng là tổng giám đốc của Vĩnh Nghiêm.
Bài báo kia có nhắc đến việc mẹ của Nghiêm đã qua đời cách đây mười mấy năm, còn chuyện bố anh ta có bao nhiêu vợ bé, chị Ngọc là đời vợ thứ bao nhiêu thì không nói đến. Có lẽ những chuyện này đã bị thế lực của tập đoàn bưng bít từ lâu rồi nên người ngoài không thể biết được. Chỉ có tôi mới quen Nghiêm gần một năm đã biết được một vài chuyện xấu xa tồi tàn trong gia đình anh ta.
Không hiểu người trong cuộc như Nghiêm, để có thể tồn tại ở một gia đình như vậy đã phải trải qua những gì nhỉ?
Nghĩ đến đây, bỗng dưng tôi lại thấy mình dường như bắt đầu quan tâm anh ta hơi quá nên không xem nữa, lẳng lặng thoát khỏi trang web kia rồi định tranh thủ vào messenger một chút. Không ngờ lúc tôi vừa mở messenger thì lại thấy nick của Huy sáng đèn, tôi tưởng mình nhìn nhầm, lập tức dụi mắt mấy lần, xác nhận nick anh hoạt động mới vội vàng nhắn tin:
“Anh, anh đang ở đâu thế? Thời gian qua anh làm gì mà không liên lạc với bọn em? Anh dùng số điện thoại nào, em gọi số cũ không được”
“Anh có khoẻ không? Bao giờ thì anh về?”.
Vì lo lắng nên tôi gửi rất nhiều tin, nhưng đối phương không đọc, sau đó vài phút thì dấu chấm xanh biến thành màu xám xịt, nick của Huy không online nữa.
Tôi có gọi vào nick anh mấy cuộc nhưng đều không có tín hiệu kết nối, nhắn thêm cũng không có ai xem. Từ nửa năm nay Huy mất tích nick anh chưa từng hoạt động, giờ có tín hiệu tôi mừng lắm, càng vững tin rằng anh vẫn còn sống, hy vọng tưởng chừng đã lụi tàn giờ lại bùng lên.
Tôi gần như thức trắng cả đêm để chờ anh online lần nữa, nhưng đợi mãi, đợi mãi mà không thấy facebook của Huy sáng đèn. Ngày hôm sau, tôi uể oải mang hai con mắt thâm đen như gấu trúc đi làm, mỗi tội mệt với cả chỉ nghĩ đến Huy nên không tập trung được gì cả, chuẩn bị quần áo tươm tất cho Nghiêm xong, tôi lại trốn vào một góc nhắn tin cho Huy, tay liên tục gõ phím:
“Sao anh không trả lời? Anh có khoẻ không? Em nhớ anh lắm. Cái Hoài cũng nhớ anh. Bọn em lúc nào cũng chờ anh về”.
“Anh đọc được tin nhắn thì trả lời em nhé. Nói với em một câu thôi cũng được. Mặc kệ ngày trước có chuyện gì, tiền nong thế nào em cũng không quan tâm đến nữa, em chỉ mong anh về thôi. Anh khoẻ mạnh bình an về với bọn em là em mừng lắm rồi”.
“Em tìm anh lâu lắm rồi, em nhớ anh lắm”.
Tôi còn định viết nữa, nhưng lúc này lại có cảm giác hơi sai sai, mà bên cánh mũi cũng ngửi thấy một mùi nước hoa nhè nhẹ quen thuộc. Ngẩng lên mới thấy Nghiêm đang cau mày nhìn tôi, chẳng biết anh ta đã đọc được tôi viết gì hay chưa, vẻ mặt vẫn không chút cảm xúc:
“Làm việc riêng trong giờ làm đấy à?”.

Yêu thích: 4 / 5 từ (4 thả tim)
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN