Yêu Hận Tựa Như Núi - Phần 14
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
462


Yêu Hận Tựa Như Núi


Phần 14


Tôi giật mình, vội vàng tắt màn hình rồi úp điện thoại vào trong ngực:
“À… tôi đang nhắn tin cho bạn. Tôi đi làm việc ngay đây ạ”.
“Này…”.
Nghĩ kiểu gì cái gã này đã mất công bắt quả tang thì kiểu gì cũng bảo trừ lương tôi, nên không đợi anh ta nói xong, tôi đã nhăn nhó bảo: “Tôi mới làm việc riêng 3 phút thôi, với cả lát nữa mới phải đi kiểm tra công việc của mọi người, anh đừng trừ lương tôi”.
“Tôi nói trừ lương cô bao giờ?”. Nghiêm chìa bàn tay bị thương hôm qua ra: “Việc tốt cô làm ra đấy, chịu trách nhiệm xử lý hậu quả đi chứ?”.
“Hôm nay vết thương bắt đầu khô rồi này”. Tôi cầm tay anh ta lên ngó ngang ngó dọc, thấy da thịt anh ta khá nhanh lành mới nói: “Đợi tý, tôi đi lấy đồ để sát khuẩn. Anh có muốn băng lại luôn không?”.
“Không cần, sát khuẩn là được”.
“Thế thì anh vào phòng đi, tôi lấy đồ rồi tôi quay lại ngay”.
Nghiêm không nói gì, nhưng vẫn ngoan ngoãn vào phòng đợi tôi, lúc tôi quay lên đã thấy anh ta ngồi sẵn trên ghế đợi. Sát khuẩn tay cho anh ta xong xuôi, tự nhiên tôi lại nhớ ra một chuyện nên hỏi:
“Anh có biết chỗ nào thuê thám tử không?”
“Muốn thuê à?”.
“Vâng, tôi có người bạn bị mất tích. Báo công an tìm rồi, đăng cả báo nữa, nhưng nửa năm rồi vẫn không có tin tức gì cả. Nên tôi muốn hỏi để thuê thám tử”.
Khi nói những lời này, tôi nghĩ kiểu gì Nghiêm cũng sẽ mỉa mai tôi, nhưng anh ta trầm ngâm suy nghĩ một lát rồi đáp: “Người đó có quan hệ thế nào với cô mà cần phải thuê đến cả thám tử?”.
“Là một người rất quan trọng với tôi. Người thân trong gia đình anh ấy mất hết từ lâu rồi, giờ anh ấy mất tích cũng không có ai tìm, tôi không có quan hệ thân thích nên có báo công an thì việc được thông báo về tin tức của anh ấy cũng rất hạn chế. Hơn nửa năm rồi không thấy họ báo thông tin gì cả, nên tôi mới muốn thuê thám tử”.
Nghiêm gật đầu: “Thám tử thì nhiều, nhưng chi phí thuê rất cao, cũng chưa chắc đã có kết quả, cô chuẩn bị đủ tài chính chưa?”.
“Chi phí khoảng bao nhiêu ạ?”.
“Tôi cũng không rõ, nhưng cô cũng nên chuẩn bị trước vài trăm triệu”.
Tôi cắn môi, cảm thấy mình đúng là vừa nhà quê vừa ngốc, cứ nghĩ thuê thám tử cũng chỉ vài chục triệu, để tìm được Huy thì tôi sẽ cố gắng xoay sở. Nhưng khi Nghiêm nói đến số tiền vài trăm triệu kia, tôi lại lập tức nhụt chí.
Không phải là tôi không nỡ chi tiền, mà là em tôi còn bệnh nặng nằm trong bệnh viện, còn đủ loại chi phí phải lo, tôi không thể mạo hiểm bỏ ra một khoản lớn với kết quả cũng chưa chắc chắn như vậy được.
Rút cuộc, tôi đành đáp: “Vài trăm triệu thì tôi không có, chắc là lại phải để lúc nào có tiền rồi tính tiếp vậy. Cảm ơn anh nhé”
“Chi phí thuê thám tử cao thế nào cũng không biết, mấy năm qua cô làm cách nào để sống sót ở Hà Nội này vậy?”.
“Tôi không dám tin ai, cũng không giao tiếp với nhiều người nên mới sống được đấy”. Tôi cười: “Nhưng bây giờ khác rồi, tôi cảm thấy chuyện gì anh cũng biết, có thể tin tưởng được kiến thức của anh nên tôi mới hỏi anh”.
Nghe tôi nói vậy, ánh mắt Nghiêm sượt qua một tia sửng sốt vô cùng kín đáo. Anh ta hơi hắng giọng quay đi: “Mồm miệng bắt đầu nịnh dẻo rồi đấy”.
“Chắc là thế”.
“Đi làm đây”.
Sau hôm đó, bởi vì vết thương chưa lành nên ngày nào tôi cũng phải sát khuẩn tay cho Nghiêm đủ 2 lần, hôm anh ta vui thì không soi mói tôi làm thế nào, hôm tâm trạng không tốt thì anh ta lại kêu đau, đòi trừ lương tôi. Mấy lần như vậy tôi mới ấm ức bảo việc sát khuẩn này tôi có được nhận lương đâu, Nghiêm nghe xong có lẽ cũng cảm thấy phải, thế nên cuối tháng đó lại đưa cho tôi thêm một chiếc phong bì nữa, nói đó là tiền công ‘làm bác sĩ kiêm nhiệm trong thời gian ngắn’ của tôi.
Cũng thời gian này, tôi có vào messenger rất nhiều lần nhưng không lần nào thấy nick của Huy online nữa, tin nhắn gửi đi nửa tháng cũng không thấy anh đọc, cuối cùng tôi cũng đành thôi, không kiên trì ngày nào cũng gửi vào đó hàng loạt tin cho anh nữa.
Cái Hoài thấy tôi hôm nào cũng nhìn điện thoại rồi thở dài thườn thượt mới bảo:
“Em nghĩ chắc có ai mượn tài khoản của anh Huy, hoặc ai nhặt được điện thoại của anh ấy nên mới vào được nick anh ấy thôi. Chứ nếu anh ấy thật sự online thì đã trả lời tin nhắn của chị rồi. Mà có khi không cần chị nhắn, anh ấy cũng sẽ nhắn tin cho chị trước ấy chứ”.
“Lạ thật đấy. Nửa năm mất tích không tin tức gì, rồi tự nhiên online kiểu này làm chị cứ thấy thấp tha thấp thỏm làm sao ấy”.
“Thôi chị đừng nghĩ nhiều, giờ không có tin tức thì cũng vẫn phải chờ thôi. Mình cũng tìm kiếm khắp nơi rồi, anh ấy không trở về nữa hoặc không muốn quay về thì mình cũng đành chịu. Biết làm sao được. Giờ mình cũng phải sống cuộc đời của mình, nhìn về tương lai phía trước chứ, đau khổ ngóng chờ một người mãi sao được”.
“Ừ, biết là thế, nhưng mà…”.
Vừa nói đến đây thì đột nhiên tôi thấy có một dòng m.áu đỏ chói chảy ra từ mũi Hoài. Con bé hình như cũng cảm nhận được nên vội vàng đưa tay lên bóp mũi, ngửa đầu lên trời:
“A… lại chảy m.áu cam rồi”.
Tôi cuống lên đỡ nó xuống giường, lấy giấy đè vào mũi nó: “Em nằm yên đi, đừng có cựa nữa, nói chuyện ít thôi”.
“Nhưng chị ơi, m.áu chảy xuống miệng tanh lắm. Ghê c/hế.t đi được”.
“Chờ tý là hết, cố chịu một tý. Tý nữa chị lấy nước cho em súc miệng”.
“Em xem phim trái tim mùa thu, thấy chị kia chảy m.áu cam như thế thì sẽ c.hế/t đấy chị ạ. Em có c/hế.t như chị ấy không?”.
Năm đó Hoài 16 tuổi, vẫn còn rất ngây thơ non nớt, câu hỏi của con bé làm vành mắt tôi đỏ lên, nhưng không dám khóc, chỉ nhỏ giọng mắng nó: “C/hế.t làm sao mà c/hế.t, đó chỉ là phim thôi. Với cả chị trong đó bị bệnh u/ng thư cơ mà, em vẫn khỏe mạnh, em có bị bệnh đó đâu mà c.hế/t. Toàn nói vớ vẩn”.
“Em nghe bác sĩ nói rồi, bác sĩ bảo bệnh của em cố lắm chỉ sang được năm sau thôi, không phải bệnh u/ng thư nhưng kiểu gì cũng sẽ c.hế/t, chị đừng giấu em”.
Nước mắt tôi lặng lẽ rơi không một tiếng động, rút cuộc vẫn là không nhịn được, khóc trước mặt con bé: “Bây giờ y học tiên tiến, không chữa bệnh viện này thì chữa bệnh viện khác. Em đang còn nhỏ, còn phải lớn, rồi sau này còn đi học nữa, em chưa c.hế.t được đâu, không cần phải lo”.
“Chị ơi, trước khi em c.hế.t, chị chơi đàn vĩ cầm cho em nghe nhé? Em thích nghe chị chơi đàn vĩ cầm lắm”.
“Ừ, chị chơi đàn vĩ cầm 40 năm nữa cho em tha hồ nghe. Sau này chị có tiền còn đưa em đi ăn gà rán KFC, dẫn em đi du lịch, cho em ngồi tàu hỏa, đi cả máy bay nữa nhé?”.
“Có về thăm nhà không hả chị?”
Nói xong, hình như con bé cũng thấy sai sai nên sửa lại: “Mà thôi, em không về quê đâu. Chị dẫn em đi Huế nhé? Chỗ hôm trước chị đi ấy”
“Ừ, cứ khỏe đi rồi muốn đi đâu chị sẽ dẫn em đi. Mua cho em đồ ăn ngon nữa”.
“Vâng ạ”.
Hoài rất ngoan ngoãn, nghe được câu đồng ý của tôi thì cười tít mắt, gương mặt xanh rợt vì thiếu má/u giống như bừng sáng dưới ánh đèn. Nó nói rất nhiều đến tương lai, nói muốn đi theo tôi ra bờ hồ chơi đàn vĩ cầm để kiếm tiền, muốn được ngồi lên chiếc xe mà Nghiêm đã sửa, muốn lớn lên thật khỏe mạnh, chờ ngày tôi lấy chồng sinh con.
Ước mơ ấy vốn dĩ rất gần với nhiều người, nhưng đối với chị em tôi lại xa xôi cả ngàn cây số. Tôi luôn miệng nói với Hoài kiểu gì cũng sẽ có tương lai ấy, nhưng lúc đến gặp bác sĩ, họ vẫn trả lời tôi rằng bệnh của con bé rất nặng, lại không có phương pháp điều trị, bây giờ nằm ở viện và dùng thuốc cũng chỉ là phương án tạm thời, sự sống của Hoài giống như một ngọn đèn dầu leo lét đặt trên ô cửa sổ, lúc nào cạn dầu thì con bé sẽ ra đi thôi.
Tôi biết kết quả sẽ là thế mà vẫn bưng mặt khóc nức nở, khóc xong, lại tự nhủ mình phải thật mạnh mẽ, phải chăm chỉ kiếm tiền để có thể tiếp tục lo cho em tôi. Hơn nữa anh Nhân cũng đã nói rồi, ở Italia có bệnh viện phục hồi chức năng rất tốt, nếu tôi có thật nhiều tiền thì tôi có thể đưa Hoài sang đó để tìm biện pháp tốt hơn.
Nhưng tôi làm gì để có tiền đây? Tiền thuê thám tử vài trăm triệu còn là một con số không tưởng, đưa em tôi sang tận Ý chữa bệnh thì tôi lại càng không dám mơ đến, tôi cứ như người đi lạc lối trong đêm tối, rõ ràng đã biết đích đến ở đâu nhưng lại không tìm được đường để đến đó.
Cho tới khi có một chuyện xảy đến, giống như ánh sáng soi trên đỉnh đầu cho tôi, cũng khiến cuộc đời tôi thay đổi hoàn toàn… Tất cả đều vì một người!
Cũng không nhớ rõ lắm lúc đó là 7 hay 8 tháng tôi đến làm tại biệt thự của Nghiêm. Chỉ biết là khi tay anh ta lành lại được một thời gian thì tôi lại bắt đầu tập xe đạp điện.
Có lẽ do có kinh nghiệm từ lần trước nên tôi đi rất cẩn thận, tối nào cũng lôi xe ra đi mấy vòng quanh khu đô thị, sau đó khi quay về sẽ rẽ qua siêu thị mua mấy que kem.
Nghiêm chờ tôi ở cổng, thấy tôi và chiếc xe đạp không xước xát tý nào mới bảo: “Đi tạm được rồi đấy. Không hành hạ cái xe thêm lần nào đấy chứ?”.
“Không, ban nãy cũng có mèo chạy qua, nhưng tôi nhớ lời anh nên bóp phanh từ từ, không bị ngã”. Tôi trèo xuống xe, đưa cho anh ta que kem vị trà xanh: “Kem của anh này”.
Nghiêm nhận lấy, tay vừa bóc kem miệng vừa hỏi tôi: “Tự nhiên mua kem làm gì?”.
“Công của huấn luyện viên tập xe đạp cho tôi đấy. Tôi nghèo nên chỉ trả bằng kem thôi. Anh ăn đi”.
“Ít ra cũng phải được 2 que”.
Tôi cười hì hì, dựng xe xuống đường rồi lấy hết toàn bộ kem trong giỏ xe đưa cho anh ta, mình chỉ giữ lại một chiếc: “Tôi biết ngay kiểu gì anh cũng đòi thêm nên mua dự phòng rồi đây. Có kem đậu xanh, kem caramen, kem socola, kem vị dừa. Anh muốn ăn vị gì cũng có hết đấy”.
“Cô ăn vị gì?”.
“Tôi ăn vị socola”.
Nói rồi, tôi ngồi bệt luôn ở vỉa hè ăn kem, tranh thủ hóng gió mát. Thời gian ấy cũng đã đến mùa thu, gió thổi từ sông nhân tạo vào làm từng bụi cây ngọn cỏ trong khu đô thị kêu xào xạc. Tôi ngẩng đầu nhìn trăng sáng, nuốt một miếng kem xong lại bất giác co rụt hai vai, Nghiêm hình như cũng phát hiện ra điều này nên quay đầu nhìn tôi, anh ta không nói gì, còn tôi thì hơi ngượng nên chống chế:
“Vừa ăn kem vừa hóng gió, mát thật”.
Anh ta cũng ngồi y như tôi, không quan tâm bẩn sạch, chỉ có tấm lưng đưa ra chắn gió: “Lạnh thì có”.
“Quên mất, hôm trước anh bảo đưa tôi đến một chỗ mát đến mức tôi không mở nổi mắt, là ở đâu thế?”.
“Xa lắm, muốn đi không?”.
“Xa là ở đâu?”.
“Ngoài biển”.
“Biển á?”. Tôi chưa từng được đi biển, nghe anh ta nói thế thì hai mắt sáng rực lên, cũng quên cả kem lạnh đang chảy đầy tay, vội vàng nói luôn: “Có gần đây không? Anh định cho tôi đi tắm biển à?”.
Anh ta lườm tôi một cái: “Rảnh đâu mà cho cô đi tắm biển. Sắp tới bạn bè tôi tụ tập ở biển, cô thích đi thì đi”.
“Có ai muốn hại anh đi cùng không đấy? Tôi hỏi để tôi chuẩn bị tinh thần”.
“Ai mà biết”.
“Ở ngoài biển gió to không mở nổi mắt à?”.
Nghiêm gật đầu: “Cô chưa được đi bao giờ à?”.
“Chưa, tôi nghe nói nhiều rồi nhưng chưa được đi bao giờ”. Nói tới đây tôi lại nghĩ đến Hoài nên bảo: “Sáng đi chiều về có được không?”.
“Thường là đi 3 ngày, nếu cô muốn về trước thì tự đi về, hoặc tôi sẽ bảo Nhân đến đón cô”.
“Không cần phải thế đâu, tôi tự bắt xe về được mà. Dạo này tôi bắt đầu khôn ra rồi, tôi biết tra google các chuyến xe, với đặt Grab taxi, không ai lừa được tôi đâu. Tôi đi một mình về cũng được”.
Người đàn ông kia nhìn điệu bộ vênh váo của tôi mới bật cười: “Không sợ tôi bán cô đi à?”.
“Không, anh nhiều tiền như thế, cần gì phải bán tôi. Với cả có bán thật thì tôi cũng không đáng bao nhiêu, không bõ so với thu nhập của anh”.
“Sao biết cô không đáng bao nhiêu?”.
“Không đẹp, cũng không có đầu óc”.
Lúc này, Nghiêm bỗng dưng quay đầu lại chăm chú quan sát tôi, có lẽ vì trước giờ tôi với anh ta chưa từng nói đến chuyện đẹp xấu, cho nên bây giờ anh ta mới muốn nhìn kỹ xem tôi ‘không đẹp’ thế nào.
Tôi nghĩ câu tiếp theo anh ta sắp nói chắc chắn sẽ chê bai tôi, nhưng không hiểu sao anh ta lại nhìn thật lâu, thật lâu, ánh trăng sáng trên cao như in hằn cả vào đáy mắt, khiến tôi tự nhiên cũng bối rối không biết làm thế nào.
Đúng lúc tôi định quay đi thì Nghiêm lại ngoảnh đầu đi trước, anh ta bảo: “Đúng là không có đầu óc thật”.
Hai má tôi bất giác nóng bừng: “Thế nên tôi mới bảo anh sẽ không bán tôi đâu mà”.
“Nếu phải bán, tôi sẽ bán cô cho lò mổ heo”.
Tôi không tức, còn phì cười: “Vì không có ngày đó nên tôi không sợ đâu. Bao giờ thì các anh định đi biển thế?”
“Nghỉ lễ, 2/9”. Nghiêm đứng dậy: “Muốn đi thì chuẩn bị đi”
“Chuẩn bị gì cơ ạ?”
“Quần áo, đồ bơi, kem chống nắng gì gì đó. Chẳng lẽ cô định mặc quần dài đi biển à?”
“À…”
Vì những đồ ấy tôi không có, cũng không biết kem chống nắng gì cả, nên tôi chỉ “À” một tiếng rồi không nói nữa. Nghiêm cũng không nói thêm về vấn đề này, anh ta chỉ ôm theo mớ kem chưa bóc vỏ đi vào nhà, còn không quên dặn tôi tự đi xe đạp điện để về.
Mấy hôm sau đến kỳ nghỉ lễ, toàn bộ người giúp việc trong nhà cũng được nghỉ hết, chỉ có tôi mới sáng sớm đã lóc cóc xách theo một chiếc ba lô to tướng đến biệt thự của Nghiêm.
Anh ta lâu ngày mới được ngủ nướng nên tận 9h mới uể oải đi từ trên tầng xuống, thấy tôi đang hì hụi tự lau dọn mới bảo: “Ngày nghỉ mà cô đến sớm làm gì?”.
“Anh chưa dậy nên tôi tranh thủ dọn nhà luôn, đằng nào cũng đang rảnh rỗi mà”. Người đàn ông đứng trên bậc thang lúc này đang mặc quần áo ngủ, đầu tóc hơi rối, bộ dạng có vẻ hơi lười biếng tuỳ hứng, khác hẳn hình ảnh ông chủ chỉn chu khó tính mỗi lần xuất hiện trước đây.
Nghiêm cũng không buồn giữ hình ảnh trước mặt tôi, còn đi thẳng qua tôi đến tủ lạnh lấy một chai nước, mở nắp đưa lên miệng uống luôn: “Ăn sáng bằng gì?”.
“Trong tủ lạnh vẫn có đồ ăn, anh muốn ăn gì?”.
“Cái gì nhanh gọn thì nấu, ăn xong còn xuất phát sớm”
“Thế thì mì tôm nhé?”.
Anh ta ngẫm nghĩ một lát rồi gật đầu: “Cũng được”.
Tôi thấy đúng là anh ta càng ngày càng dễ nuôi, pha hai bát mì chỉ có lõng bõng nước, thế mà Nghiêm vẫn ngoan ngoãn ăn một mạch hết, không chê bai câu nào. Xong xuôi, tôi dọn bát đũa còn anh ta đi lấy xe, lúc tôi ra khỏi cửa thì thấy Nghiêm đã bỏ ba lô của tôi vào cốp xe rồi.
Xe của anh ta đúng là kỳ lạ, gầm thấp gần như chạm đất, hình dạng giống như một con bò xấu xí, cốp xe còn ở phía trước. Nghiêm mặc một bộ quần áo thun đơn giản mát mẻ, mặt đeo kính đen, nốt ruồi lệ trên khoé mắt nổi bật dưới ánh mặt trời, thật sự trông không khác gì với hồi anh ta mới 21 tuổi, năm lần đầu tiên lên quê tôi trao phần quà cho chương trình Nuôi Em và gặp tôi.
Có lẽ vì ngưỡng mộ gương mặt không bị thời gian in hằn dấu vết tuổi tác của anh ta, cũng có thể do ấn tượng về lần đầu tiên gặp gỡ quá tốt, cho nên nhìn thấy anh ta như vậy, bất giác trái tim tôi lại có cảm giác xốn xang khác thường.
Nghiêm thấy tôi cứ đứng tần ngần mãi không chịu lên xe mới mở sẵn cửa ghế phụ, bảo: “Nhanh lên, ngồi ở bên này đi”.
Má tôi bất giác đỏ bừng, vội vã chạy lại, ngồi vào bên trong. Nhưng xe này thấp lè tè, phải khom hết cả lưng mới chui vào được, lúc anh ta nổ máy xe thì khỏi phải nói, tiếng pô xe gầm gừ ầm ỹ đến điếc hết cả tai.
Nghiêm thấy bộ dạng nhăn nhó của tôi mới hơi buồn cười: “Không thích xe này à?”.
“Tôi tưởng anh Nhân chở tôi với anh đi chứ, anh tự lái xe à?”.
“Xe có hai chỗ, Nhân chở nữa thì cô ngồi lên lòng tôi hả?”.
Cảm giác xốn xang ban nãy còn chưa kịp tan đi, giờ anh ta lại nói một câu mờ ám như vậy càng làm tôi bối rối: “Đi xe Rolls-Royce anh vẫn hay đi cũng được mà”.
“Xe đó chỉ thích hợp đi làm, còn đi chơi thì đi xe này”.
“Xe này tên là gì thế? Xấu c.hế/t đi được”
“Ferrari”
Tôi không hiểu nhiều về xe cộ nên không để ý lắm, chỉ lẩm bẩm nhắc lại cái tên Ferrari này một lần, sau đó thì quên luôn, thế nhưng chẳng hiểu sao người đi đường thì cứ ngoái đầu lại nhìn chúng tôi mãi, có người còn lấy cả điện thoại ra để chụp ảnh.
Nghiêm dường như đi guốc trong bụng tôi nên không cần chờ tôi hỏi đã nói: “Xe xấu quá nên người ta mới nhìn đấy”.
Tôi khẽ xuỳ một tiếng: “Đi từ đây ra đến biển phải mất bao lâu ạ?”.
“Khoảng 3 tiếng, cô cứ nhắm mắt ngủ đi, tỉnh dậy là đến biển”.
Tôi không thích ngủ trên xe, sợ anh ta chở tôi đến lò mổ heo bán thật, nhưng đi được một đoạn đã bắt đầu thấy lâng lâng chóng mặt rồi, nên sau đó cũng ngoan ngoãn nghe lời Nghiêm, co quắp người nhắm mắt ngủ.
Chẳng hiểu sao tôi lại ngủ rất ngon, ngủ một mạch từ đó đến tận khi xe dừng lại, Nghiêm gọi tôi dậy, tôi mới giật mình mở mắt, phát hiện ra chúng tôi đã đến trước một bến cảng, mặt biển xanh rì mênh mông ở ngay trước mặt rồi.
Đây là lần đầu tiên tôi được tận mắt nhìn thấy biển nên không nén nổi kích động, cười toe toét quay sang bảo Nghiêm: “Đến biển rồi ạ? Kia là biển thật đấy ạ?”.
“Ừ. Xuống xe đi, giờ di chuyển bằng tàu ra biển”.
Tôi gật gật, mở cửa xe bước xuống, đúng lúc này lại thấy 4, 5 chiếc xe màu sắc sặc sỡ, tiếng pô gầm rú ầm ầm cũng phi như bay vào bến cảng, khuấy đất cát bay bụi mù khắp nơi.
Có một xe gần như suýt lao vào tôi, tôi hoảng nên chưa kịp tránh, may sao Nghiêm cũng ngay lập tức lôi tôi vào lòng anh ta. Khi vừa đứng yên vị thì chiếc xe màu xanh cũng phanh két một tiếng, mấy giây sau một người đàn ông ăn mặc hoa hoè bước xuống, còn có một cô gái ăn mặc vô cùng thiếu vải đi cùng anh ta.
Người đàn ông kia tháo kính, liếc tôi đang co ro trong lòng Nghiêm, cười ha hả: “Đại gia Nghiêm, cậu mang cái gì đến thế này? Người đẹp mới lôi được từ hoa quả sơn đến đấy hả?”. Anh ta quay đầu quăng kính trong tay cho cô gái kia, lại hỏi Nghiêm: “Đổi gu rồi à?”

Yêu thích: 4.5 / 5 từ (8 thả tim)
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN