Nguyễn Minh Châu là nhà văn-chiến sĩ trưởng thành trong giai đoạn lịch sử đầy máu lửa của dân tộc, khi mà cả đất nước đều mang tâm thế “ dồn vào một con đường: ấy là con đường ra mặt trận, ấy là con đường cứu nước”. (Nam Cao). Những tác phẩm của ông sáng tác lấy đề tài từ hiện thực chiến đấu lần lượt ra đời khẳng định vị trí của mình trong việc đóng góp vào nền văn học chống Mỹ của đất nước.Với tư cách của một người lính đã nếm trải tất cả những gì thuộc về chiến tranh, cùng với độ nhạy cảm của một nhà văn, Nguyễn Minh Châu đã dựng lại không khí hào hùng của một giai đoạn chiến tranh đầy máu lửa của lịch sử, điều đó người đọc đã cảm nhận được qua Dấu chân người lính, với những trận đánh, những chiến dịch ở Khe Sanh, ở quả đồi Không Tên, ở Tà Cơn…
Chủ đề của Dấu chân người lính là lịch sử dân tộc. Nội dung chủ yếu nói về cuộc hành quân, vây đánh giặc ở núi rừng Quảng Trị. Đề tài chiến tranh chi phối hầu hết tất cả mọi hoạt động của các nhân vật ở các vùng miền, dân tộc, lứa tuổi, giới tính, thành phần xã hội, gia đình chính ủy Kinh là một ví dụ điển hình, mỗi người đều mang trên vai mình một nhiệm vụ riêng của dân tộc. Các nhân vật khác ở các làng quê ở các làng quê khác nhau đều có mặt trong cuộc hành quân vĩ đại này của cả dân tộc. Có thể xem đây là bộ tiểu thuyết lịch sử về chiến tranh cách mạng.